Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiệp văn chương ngấm vào máu thịt

Phạm Kim Thanh| 06/03/2013 05:45

(HNM) - Lần nào cũng vậy, tôi đến thăm nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Nguyệt Tú (tức Nguyễn Nguyệt Tuệ), nguyên Giám đốc NXB Phụ nữ, là thấy bà đang chăm chú đọc báo ở đi văng hoặc ngồi cạnh máy vi tính đọc cho đứa cháu đánh bản thảo. Từng học Trường Quốc học Huế và bước vào nghiệp báo từ mùa thu năm 1945, đến nay, đã sang xuân 89, bà vẫn như con tằm nhả những sợi tơ vàng óng cho đời.

Nhà báo, nhà văn Nguyệt Tú (phải).

Tóc thề thành tóc ngắn

Hai mươi mốt tuổi, người cán bộ của Phụ nữ cứu quốc tỉnh Hà Tĩnh được ra Hà Nội học trường Phan Chu Trinh do Tổng bộ Việt Minh mở, ông Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng nhà trường. Ở đây, Nguyệt Tú được học các thầy Ngụy Như Kon Tum, Hoàng Xuân Tùy, Đào Văn Tiến… ánh sáng khoa học được mở mang sâu rộng hơn nhiều so với thời học ở trường quốc học Huế. Vừa học, vừa hoạt động trong phong trào phụ nữ cứu quốc Hà Nội, Nguyệt Tú và một số thanh nữ sôi nổi hưởng ứng phong trào “Đời sống mới”, và để nêu gương trước chị em, bà đã cắt tóc ngắn, mặc váy ngắn đến lớp. Sau này, trong Hồi ký Đường sáng trăng sao, bà kể lại: “Tôi và chị Thanh Thủy, vợ anh Dương Đức Hiền phải làm gương trước vì chúng tôi viết báo… Tôi nhớ mãi nét mặt đau khổ của anh Dương Đức Hiền khi nhìn vợ mình với mái tóc “chổi sể”, nhưng anh vẫn cười rất hiền”. Trong không khí tự do, tươi mới của cách mạng, bà tham gia viết bài cho báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh; ban đầu là chuyên mục phụ nữ Nam bộ, sau đó, cùng bà Thanh Thủy viết và phụ trách trang phụ nữ hàng tuần. Tóc ngắn, váy ngắn thật hợp với dáng vẻ hồn nhiên tươi trẻ, bà xuống các khu phố lấy tin viết bài, đi mít tinh… tự tin và xinh đẹp trong sắc màu thời trang mới. Và rồi tình yêu, sự nghiệp như duyên phận trời cho đã đưa bà đến với ông Lê Quang Đạo ngay trong những ngày người Hà Nội say mê, nhiệt huyết, như cuốn đi trong ánh sáng tươi mới của độc lập, tự do sau khi cách mạng Tháng Tám thành công. Lãng mạn cách mạng và trẻ trung, duyên dáng ở tuổi đôi mươi với đôi mắt đẹp ngời ngợi, đen lay láy, ngày ấy, bà đã hồn nhiên đi vào trái tim ông Lê Quang Đạo mà không biết.

Làm báo Phụ nữ Việt Nam ở ấp Đồi Cháy

Sau khi nhận được bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh khích lệ Hội Phụ nữ Việt Nam nên ra tờ báo riêng, trong điều kiện rất khó khăn, Hội đã tích cực tổ chức các chuyên mục xã luận, tin sản xuất, tin công tác hội, phóng sự trên những nẻo đường kháng chiến, nhưng lên ma két rồi, in ở đâu? Hội phụ nữ quyết định về ấp Đồi Cháy là nơi các văn nghệ sĩ đang ở đó, mời ông Mai Văn Hiến minh họa cho báo, sau đó sẽ đưa in ở nhà in Chiến Thắng. Đôi chân nhỏ nhắn của chị em giới tạch tạch sè đã phải đi bộ 60km từ Đại Từ, qua Quảng Nạp - Phù Minh đến Thái Nguyên, rồi lại về Nhã Nam, đến ấp Đồi Cháy. Trong ngôi nhà của anh chị em văn nghệ sĩ, bà Nguyệt Tú và Tâm Trung được đón tiếp nồng hậu. Ông Mai Văn Hiến nhiệt tình nhận vẽ bìa và minh họa cho 2 trang “Trên những nẻo đường kháng chiến”. Ông Tạ Thúc Bình vẽ phụ bản rất ấn tượng với hình ảnh phụ nữ Tày đang cấy lúa trên ruộng bậc thang, màu áo chàm nổi bật trên nền xanh lam của núi, xanh non của gié mạ. Làm xong bản bông, hai bà lại tất tả đi bộ gần 40km đến nhà in Chiến Thắng nằm sâu trong rừng Bắc Giang. Máy in là máy minerve loại nhỏ, quay từng trang nên phải xếp hàng chờ các tài liệu của trung ương in xong mới đến lượt. “Bao nhiêu công sức mới ra được tờ báo nên chúng tôi vui lắm. Báo in xong lại chuyển về Nhã Nam để Ban Giao thông của phụ nữ gánh báo đi phát cho các khu 10, 11, 12…”. đám cưới tươi vui, hạnh phúc của bà được tổ chức trong những ngày làm báo đầy vất vả nhưng ăm ắp kỷ niệm. Tháng 9 năm 1948 ở Mỹ Đức, chúng tôi làm lễ cưới có anh Lê Đức Thọ làm chủ hôn, chị Bội Hoàn Tổng biên tập Báo phụ nữ, chị Hoàng Ngân và chị Bắc (vợ anh Nguyễn Văn Trân)... đến dự. Tôi phải mượn cái áo nâu mới của chị Hoàng Ngân, quần lụa đen mới của chị Bội Hoàn để diện ngày cưới. Anh Lê Quang Đạo thì vẫn mặc bộ quần áo nâu thường ngày. Bà kể lại và cười rất trẻ…

Đi thực tế, phản ánh sự thật ở Quỳnh Lưu (Nghệ An)

Sau ngày tiếp quản Thủ đô, bà về công tác ở báo Phụ nữ Việt Nam, chuyên mục kinh tế công - nông nghiệp. Con nhỏ, phải cai sữa sớm, bà năng nổ đạp xe đi tìm hiểu phong trào hợp tác hóa. Những đợt đi Hải phòng, xuống nhà máy xi măng hay mỏ than cọc Sáu, bà thường vác theo chiếc xe đạp… lên tàu hỏa để dễ cơ động đi các địa bàn. Đường sá ổ gà, nắng gắt, đã có nhiều đẫn mía bà buộc sẵn sau xe, thay nước và thay luôn cơm khi qua bữa. Năm 1964, bà được biệt phái sang báo Nhân dân, phụ trách chuyên mục Ba đảm đang và mục Bạn trẻ. Trong các chuyến đi thực tế, ấn tượng một điển hình ở nông thôn cơm no áo lành trong khi các tỉnh khác, nông dân nheo nhóc, trẻ em thất học, và cán bộ, viên chức Hà Nội phải xếp hàng rồng rắn cực khổ mua gạo, mì, chính là quê hương ông Kim Ngọc. Bà kể: “Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy nhà nào cũng mái ngói đỏ tươi, cơm đầy nồi trắng bông, ăn không hết, vãi ra sân cho đàn gà. Thích nhất là nhìn các thiếu nữ chân chất, má đỏ hồng tựa bồ quân. Hỏi ra, mới biết anh Kim Ngọc cho nông dân thực hiện khoán ruộng. Đợt đó, bài phóng sự của tôi về Vĩnh Phú không được đăng. Những ấu trĩ của một thời khi chúng ta cải tạo và xây dựng CNXH thật khó tránh khỏi; nhưng đến chuyến đi thực tế ở Quỳnh Lưu thì cách nhìn đã khác so với thời anh Kim Ngọc”.

Quỳnh Lưu (Nghệ An) những năm 70 của thế kỷ trước được xây dựng là điển hình của nông thôn Nghệ - Tĩnh giàu đẹp. Nhưng khi bà về Quỳnh Lưu, xuống nhà dân, thấy một bà cụ đi lấy rau má ăn độn cơm đang khi giáp hạt; ra đồng chỉ thấy người già còng lưng cấy cày, vì thanh niên tập trung hết đi xây hồ Kẻ Gỗ. Cuộc sống nông dân còn thiếu đói nhiều. Thấy rõ căn bệnh thành tích của Quỳnh Lưu, bà phản ánh sự thật ở phóng sự đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam. Trong đợt học tập Nghị quyết Đại hội IV của Ban Tuyên huấn Trung ương, các đồng chí đã nói đến bài báo này và đánh giá: “Đây là tờ báo đầu tiên nói đúng sự thật những vấn đề đang tồn tại ở Quỳnh Lưu”. Tờ báo tuần của phụ nữ Việt Nam có bà mát tay phụ trách, chị em phóng viên trẻ được bà chỉ bảo, khuyến khích viết đã trưởng thành, đến nay vẫn dành những lời cảm ơn trân trọng khi kể về bà.

Năm 1974, bà là Phó Giám đốc rồi giám đốc NXB Phụ nữ. Cái nghiệp văn chương - báo chí ngấm vào máu thịt, chân đi, tay làm, không mấy khi bà ngồi yên. Những đầu sách của NXB, kể cả mảng sách dịch, mang hơi thở của cuộc sống và cả giới tính riêng trong thiên chức của phụ nữ, giáo dục trẻ em được bà chú trọng nâng cao chất lượng ngay trong thời gạo châu củi quế sau chiến tranh. Sách Mùa lá rụng trong vườn của nhà văn Ma Văn Kháng in ở NXB phụ nữ là sự mạnh bạo, dũng cảm đột phá để đón gió mới mát lành của công cuộc đổi mới. Từ năm 1986, nghỉ công tác quản lý, bà lại là cộng tác viên tích cực của báo Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Thủ đô, Tiền phong, tập san Sự kiện và Nhân chứng của QĐND.

* *
*

Ký ức của một thời làm báo đầy vất vả, sôi nổi, với bao kỷ niệm buồn vui ùa về trong tâm trí bà, thành những câu chuyện sinh động: ông Lê Quang Đạo đi chiến trường Quảng Trị, bà vừa công tác vừa nuôi đàn con. Các cháu không thể hình dung hết được thời đó phóng viên khổ vô cùng nhưng ai ai cũng hy sinh vì nghĩa lớn là độc lập dân tộc và dân chủ công bằng xã hội. Đây là đòi hỏi tất yếu khi báo chí là thư ký trung thực của thời đại. Bây giờ, phóng viên trẻ có đủ các phương tiện làm báo, nhưng nghề nghiệp thì nhiều khi còn ăn xổi; hơn nữa, nói đến phụ nữ, là nói đến tình yêu và hạnh phúc gia đình. Bà cũng là phụ nữ thôi, có khác chăng là tuổi già, vẫn vui cùng chữ nghĩa; rồi bà cho tôi xem những bài báo và cuốn sách mới nhất đã xuất bản. 89 xuân, văn chương - báo chí vẫn ám bà như thuở đôi mươi. Tết Quý Tỵ, bà đã viết cho 6 báo, và dịp này, kỷ niệm 8-3, bà vẫn chung thủy với hai tờ báo của chị em, viết bài cho báo Phụ nữ Việt Nam và Phụ nữ Thủ đô.

bà tặng tôi cuốn sách về họa sĩ Nguyễn Phan Chánh - “Họa sĩ và thiếu nữ”, do NXB Phụ nữ ấn hành. Ngôi nhà cũ vắng bóng ông Lê Quang Đạo từ năm 1999, nhưng đọc những cuốn sách của ông do bà chắt lọc tư liệu, tuyển chọn từ di cảo của người chồng thân yêu để lại, tôi vẫn như thấy ông đang ở bên bà, nhẹ nhàng, tinh tế, yêu thương vợ con hết mực trên “Đường sáng trăng sao” của tình yêu và sự nghiệp, cùng chung lý tưởng, khát vọng, tâm nguyện cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiệp văn chương ngấm vào máu thịt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.