Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Chiến thắng với niềm tin bất diệt

Dương Hiệp| 13/03/2013 06:34

(HNM) - Khi viết bài này, chúng tôi - thế hệ phóng viên trẻ của Báo Hànộimới thật bất ngờ khi được biết nơi mình đang công tác cũng có một cựu tù Phú Quốc...

Anh em buồng 19 trại giam Cần Thơ (một phân trại Phú Quốc) trong ngày đầu giải phóng.


Những tấm gương kiên trung


Sống trong ngục tù của kẻ thù, luôn đối mặt với các thủ đoạn tra tấn dã man, thâm độc, vũ khí chỉ có một tấm lòng kiên trung, nhưng những chiến sĩ cách mạng đã khiến kẻ thù phải khiếp sợ, đầu hàng, bởi trong mỗi người luôn có niềm tin bất diệt vào Đảng, Bác Hồ và cách mạng tất thắng. Những chiến sĩ bị địch bắt là người Hà Nội thường được đồng đội đánh giá là hiểu biết rộng, rất thông minh và "chịu chơi"... Đó là ông Nguyễn Minh Vân, sĩ quan tình báo đã đấu tranh trực diện chống luận điệu dụ dỗ, lung lạc của Ngô Đình Cẩn qua 724 ngày đêm "sống trong mồ". Ông Trần Tin - người con Phố Huế đã có cuộc vượt ngục "độc nhất vô nhị" khi cải trang là lính quân cảnh ung dung ra khỏi trại giam giữa ban ngày về vùng giải phóng trước hàng trăm con mắt thán phục của bạn tù. Ông Nguyễn Hà Long tham gia đào chiếc hầm để vượt ngục đầu tiên trên đảo Phú Quốc là một trong số 21 người thoát ngục trót lọt đêm 20-1-1969 ở phân khu B2. Ông Đặng Hồng Sơn ở Phố Huế, ông Nguyễn Văn Hải ở Dương Xá, Gia Lâm đi đầu trong việc đào hầm ngầm vượt ngục. Việc bại lộ, các ông đã bị đánh đập dã man. Ông Sơn bị đóng 9 đinh dài trên khắp cơ thể đã hy sinh anh dũng trong sự thán phục, kinh hãi của chính kẻ địch. Còn đó những tấm gương, như ông Đoàn Minh Nghĩa, ông Nguyễn Văn Dậu đã có mặt trong cuộc tuyệt thực dài nhất (15 ngày) ở Phú Quốc. Ông Nguyễn Tài Triệu, ông Tống Trần Hội nhất định không cung khai đã bị địch bỏ mặc vết thương, cắt cơ, tháo xương... nhưng vẫn hoạt động tích cực, là mũi nhọn trong nhiều cuộc đấu tranh. Ông Nguyễn Tài bị địch giam ở trại tù 3 Bạch Đằng (Sài Gòn) đến 12h45 ngày 30-4-1975, bọn cai ngục trốn hết chỉ còn ba tên ở lại xin cùng ông đón đoàn quân Giải phóng...

Những trận đòn tra tấn dã man ở "địa ngục trần gian" Phú Quốc vẫn để lại những cơn đau dai dẳng, ảnh hưởng đến trí nhớ của người cựu chiến binh Trần Văn Quỳ (SN 1932) ở Quang Minh, Mê Linh. Phải nhờ tới đồng đội nhắc lại trong cuộc gặp mặt, ông Quỳ mới nhớ tới giai đoạn mình bị địch bắt và đem ra Phú Quốc trong dịp Tết Mậu Thân (1968). Trong trại giam, để lung lạc ý chí người cộng sản, địch dùng mọi nhục hình vô nhân tính, có khi ngược đãi người tù bằng những đòn đánh thẳng vào đầu khiến họ đau thấu tâm can.

Vết thương đó hơn 40 năm vẫn đeo bám người chiến sĩ kiên trung, khiến mỗi khi phải nhớ về quá khứ, ông Quỳ thường nhăn mặt đau đớn và trăn trở. Trở về từ Phú Quốc sau Hiệp định Paris, ông Quỳ lại xung phong ở lại chiến trường cầm súng chiến đấu cho đến ngày non sông về một mối. Ba tấm Huy chương Chiến sĩ thi đua toàn quân những năm 1966, 1967 và 1974 của ông Quỳ đã thay cho những lời muốn nói với thế hệ cháu con hôm nay.

Tiếp tục cống hiến hết mình

Khi viết bài này, chúng tôi - thế hệ phóng viên trẻ của Báo Hànộimới thật bất ngờ khi được biết nơi mình đang công tác cũng có một cựu tù Phú Quốc. Ông là Lê Văn Đoàn, hiện là Phó Chánh Văn phòng Báo Hànộimới. Là thế hệ sinh viên Hà Nội "xếp bút nghiên" lên đường theo tiếng gọi non sông năm 1972, ông chiến đấu, bị thương rồi sa vào tay giặc trong một trận chiến lớn ở Tây Nam bộ sau 2 năm vào chiến trường. Vừa nhập trại tù Cần Thơ (một phân trại của Phú Quốc) sau khi phải nằm trong trạm xá của địch điều trị vết thương nặng suốt 1 tháng trời, vừa đấu tranh với mọi thủ đoạn chiêu hồi, ông Đoàn vẫn hăng hái cùng anh em phòng giam số 19 tham gia tuyệt thực kéo dài gần nửa tháng để phản đối chính sách ngược đãi tù binh của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. "Để chuẩn bị cho buổi đấu tranh cách mạng đó, chúng tôi đã rải một lớp tro bếp ngay dưới chỗ nằm của mình để anh em vệ sinh tại chỗ. Trần mái tôn thì đục thủng để hứng nước mưa hàng đêm… Đến ngày thứ 9 có anh em hy sinh vì kiệt sức nhưng cả phòng vẫn không nản…" - ông Đoàn nhớ lại.

Đến ngày thứ 11, khi một số anh em phòng giam 19 rạch bụng đấu tranh, địch khiếp sợ tháo lui, cho một phái đoàn vào thương lượng với ta. Sau buổi đấu tranh tuyệt thực đó, cuộc sống trong trại cũng dễ chịu hơn. Ngay cả tên Thiếu tá ngụy Hoàng Đình Hoạt được điều từ Phú Quốc về hòng trấn áp, lung lạc ý chí người tù cách mạng cũng phải khoanh tay đứng nhìn ta tổ chức các lớp học dạy văn hóa, ngoại ngữ và dạy đàn trong tù. Không có đàn, anh em đã có sáng kiến gò tôn và tận dụng những thanh gỗ thông giát tường làm đàn ghi ta, đàn măng đô lin. Không có dây đàn, anh em cũng có sáng kiến làm ra máy se dây "rề", dây "mi"… từ những đoạn dây điện. Trong tù sinh hoạt văn nghệ cũng rất phong phú, cứ vào dịp sinh nhật Bác, thành lập Đảng, kỷ niệm Quốc tế Lao động 1-5 có cả bích báo, cờ Tổ quốc và ảnh Bác. Giấy làm bích báo được tận dụng từ bìa cáctông, vỏ kem đánh răng bóc tách ra rồi ghép lại thành khổ lớn, còn màu vẽ được các "nghệ sĩ" sáng kiến lấy từ những viên thuốc chống sốt rét, thuốc kháng sinh giã ra… Riêng ông Đoàn, với tài lẻ của chàng sinh viên sư phạm đã đạo diễn hẳn một tiết mục múa Chàm rông để đón xuân Ất Mão (1975).

Sáng 30-4-1975, trong khi ông Lê Văn Đoàn được phân công rửa bát thì bất ngờ bầu trời đen kịt máy bay địch cất cánh từ phía sân bay Trà Nóc gần đó. Còn chưa hiểu chuyện gì, thì thấy viên Thiếu tá Hoàng Đình Hoạt mang theo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, cùng chiếc radio đi mở từng buồng giam, giọng thiểu não: "Các ông đã là người chiến thắng, giờ tôi xin đầu hàng". Qua tên Hoạt, anh em tù được biết Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Tuy vô cùng phấn khởi, nhưng anh em không mất kỷ luật mà ngay lập tức thành lập một tiểu đội, một mặt cử người canh gác trại giam bảo vệ thương, bệnh binh, một mặt bắt Thiếu tá Hoạt mở kho lấy súng và tiến về thành phố Cần Thơ. Hai ngày sau, đại quân ta mới tiến vào giải phóng thành phố này thì các đơn vị thuộc tiểu đoàn tù chính trị trong "quân trang" là những bộ quần áo tù cùng lực lượng tại chỗ đã tiếp quản nguyên vẹn các công sở của địch, sau đó đóng quân tại Trường nữ sinh trung học Cần Thơ ngay bến Ninh Kiều chờ đón đại quân. Một thời gian sau đó, dù vết thương cũ chưa lành nhưng nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Lê Văn Đoàn lại hăng hái tham gia chiến đấu ngoan cường với kẻ thù mới ở biên giới Tây Nam. Cho đến khi biên giới bình yên, thương binh hạng 2/4 Lê Văn Đoàn mới trở về giảng đường Đại học Sư phạm.

40 năm đã trôi qua, chứng kiến cuộc gặp mặt cảm động của các cựu tù Phú Quốc, trong lòng chúng tôi ngập tràn niềm tự hào về thế hệ cha anh. Những vòng tay ôm thật chặt, những nụ cười và cả những giọt nước mắt lẫn trong câu chuyện lúc nhớ, lúc quên về một thời bi hùng sống chiến đấu trong sự giam cầm, tra tấn dã man của kẻ địch… chúng tôi biết, mình có những chỗ dựa quá khứ vô cùng vững chắc, để tự tin bước tiếp về phía trước…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Chiến thắng với niềm tin bất diệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.