Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui, buồn nghề… “chuột bạch”

An Khê| 03/04/2013 07:00

(HNM) - Từ đòi hỏi khắt khe của mỗi sản phẩm thuốc tân dược trước khi ra thị trường, nghề thử thuốc đã ra đời. Xoay quanh thứ nghề lạ lẫm này, có biết bao câu chuyện vui buồn mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu…


Nghị lực để bước qua


Từ trước đến nay, mọi người thường nghĩ rằng, mỗi sản phẩm thuốc tân dược đến với người dùng chỉ được thực hiện trong các phòng thí nghiệm, qua những động vật thử nghiệm như chuột bạch, khỉ, mèo… Nhưng, trên thực tế thì khác. Đó chỉ là những khâu đầu tiên, còn khâu quan trọng đóng vai trò quyết định "số phận" của những sản phẩm thuốc kia có được đưa ra thị trường hay không phải sau khi được thử phản ứng trên người. Và nghề thử thuốc ra đời từ đó.

Nhờ các tình nguyện viên thử thuốc, đã có nhiều sản phẩm mới ra đời cứu sống bệnh nhân. Ảnh: Dương Thủy


Phải khó khăn và qua nhiều mối quan hệ, chúng tôi mới tiếp xúc được với một số đơn vị nghiên cứu, sản xuất thuốc ở Việt Nam, cũng như tiếp cận được những "chuột bạch" - người từng trực tiếp tham gia thử nghiệm thuốc. Theo suy nghĩ của người ngoài cuộc, việc thử nghiệm thuốc này dễ gây phản ứng ngược hoặc tai biến mà "chuột bạch" là đối tượng đầu tiên phải hứng chịu.

Dù được người của Bộ Y tế giới thiệu trước, nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện, Nguyễn Văn Sơn, sinh viên K61, Khoa Đa khoa, ĐH Dược, người từng nhiều lần tham gia thử nghiệm thuốc vẫn ngại ngùng, né tránh. Cậu nói rằng không muốn để mọi người biết chuyện. Phải mất hồi lâu động viên, Sơn mới dần cởi mở tiếp chuyện cùng chúng tôi.

Theo Sơn, cho đến bây giờ em không nhớ mình đã làm "chuột bạch" bao nhiêu lần, nhưng mỗi khi nhớ lại lần đầu, cái cảm giác rờn rợn vẫn luôn ám ảnh tâm trí. Đó là khi em đang học năm thứ nhất, một hôm khi đến lớp, thấy các bạn túm năm tụm ba bàn tán chuyện gì đó nghe chừng sôi nổi lắm. Tò mò, Sơn lại gần xem sao. Thì ra mọi người đang truyền tay nhau tờ rơi tuyển tình nguyện viên đi thử tương đương sinh học. Mỗi người mỗi ý, người thì bảo "có điên mới biến mình thành chuột bạch để người ta tiêm loại thuốc đang trong quá trình nghiên cứu vào người". Người khác thêm vào "nghe có vẻ ghê ghê nhỉ", "tớ nghĩ thử thuốc thế này nguy cơ mắc bệnh cao lắm đấy"… Tuy nhiên lại có người bảo rằng "trong trường mình, các anh chị khóa trước thử đầy rồi đấy, có ai bị sao đâu", "đúng là mấy người thiển cận, chỉ biết nghĩ cho mình mà không nghĩ tới cộng đồng, đồ hèn nhát". Nghe câu chuyện, một thầy giáo giải thích: "Chúng ta là những người được học về dược, hiểu về nó mà còn nói vậy thì ai còn dám đi thử thuốc. Nếu vậy thì lấy đâu thuốc cho mọi người và gia đình sử dụng mỗi khi đau ốm. Các em tranh luận liệu có ích gì, nếu cần lên hỏi các anh chị khóa trên đã từng thử là biết ngay ấy mà".

Trước khi mọi người giải tán để vào tiết học mới, Sơn cũng kịp cầm một tờ rơi, gấp gọn bỏ vào túi. Theo nội dung thông báo thì đây là đợt tuyển tình nguyện viên thử tương đương sinh học cho một loại chế phẩm có tác dụng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm xoang cấp, viêm họng, amidan…

Tối hôm đó, Sơn vào internet tìm hiểu thông tin xem việc thử thuốc có gây những phản ứng, biến chứng ra sao thì giật mình khi biết được rằng, trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp gặp phải phản ứng phụ khi làm "chuột bạch". Tuy nhiên, hôm sau đến trường hỏi các anh chị khóa trên thì được biết, cho đến nay ở Việt Nam chưa hề ghi nhận bất kỳ trường hợp nào bị phản ứng thuốc dẫn đến mắc bệnh hay biến chứng lâu dài nào. Sở dĩ có điều này bởi những loại thuốc được thử nghiệm trên người ở nước ta đa phần là công trình khoa học đã được thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng trên động vật, các tiêu chuẩn, tá dược và khả năng xử lý tai biến đều bảo đảm một cách nghiêm ngặt… Vậy là Sơn đăng ký.

Đợt thử thuốc đầu tiên mà Sơn tham gia có hơn 20 người, sau khi được khám sức khỏe, kiểm tra bệnh ngoài da, xét nghiệm các loại bệnh, em mới vượt qua vòng sơ tuyển. Tiếp đến, các tình nguyện viên phải kiêng các chất kích thích, gây nghiện, rượu bia, thuốc lá, cũng như phải ngủ sớm và tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sỹ cùng nhân viên y tế. Mỗi đợt thử diễn ra trong 2 tuần, mỗi tuần thử thuốc vào một ngày nhất định. Mỗi lần thử uống 1 viên thuốc chứng (thuốc gốc) và 1 viên thuốc thử sau đó chờ nhân viên gọi đi thử máu. Tùy vào loại thuốc được thử mà 10 phút hay 1 tiếng sau sẽ phải đi lấy máu xét nghiệm 1 lần. Trong khi chờ đến lượt, các tình nguyện viên được đưa vào phòng vô trùng, có đầy đủ phương tiện để giải trí. Không những thế, trong phòng thường xuyên có các bác sỹ túc trực, động viên để Sơn và các tình nguyện viên khác đỡ lo lắng.

Cũng có những trải nghiệm thú vị như Sơn, em Nguyễn Hữu Lượng, sinh viên năm thứ 4, Khoa Đa khoa, ĐH Dược cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, khi dùng thuốc thử chỉ có cảm giác buồn ngủ, hay mệt mỏi một chút, còn phản ứng thì hoàn toàn không thấy.

Nghĩa cử đẹp vì cộng đồng

Đa phần mọi người đều cho rằng, khi đi thử thuốc, ngoài những kỷ niệm khó quên trong thời sinh viên, họ còn học được rất nhiều thứ. Đó là quy trình thử nghiệm tương đương sinh học diễn ra chặt chẽ, khắt khe thế nào, phương pháp đánh giá chất lượng thuốc, biết thử sinh khả dụng in vivo là gì?… Tất cả những điều này đều có ý nghĩa rất lớn đối với người học dược như các bạn.

Với một số bạn khác thì nhấn mạnh rằng, sau mỗi đợt tham gia vào đội tình nguyện đi thử thuốc sẽ thấy mình thêm hãnh diện bởi đã làm một việc tốt cho cộng đồng và xã hội. Không những thế, còn cảm thấy yêu nghề, có trách nhiệm, ý thức với nghề hơn… và là động lực để mọi người phấn đấu.

Tuy nhiên, một số người khác lại nghĩ đơn giản rằng, việc đi thử thuốc sẽ là cơ hội để sau này khi đi xin việc, được mọi người lưu tâm hơn. Thậm chí, có người đi thử thuốc chỉ vì mức thù lao, mỗi lần sẽ được từ 1-5 triệu đồng. Đây sẽ là số tiền đáng kể có thể đỡ đần gia đình, đóng học phí, mua sách vở hay đơn giản là mua sắm những thứ cần thiết trong cuộc sống sinh viên.

Thử tương đương sinh học là một công việc rất mới ở Việt Nam và khác với việc thử nghiệm lâm sàng. Theo một chuyên gia của Trung tâm Đánh giá tương đương sinh học, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (Bộ Y tế), đây là những thử nghiệm trên cơ thể người khỏe mạnh nhằm đánh giá chất lượng các chế phẩm thuốc cùng loại của nhiều nhà sản xuất khác nhau để xem chúng có khả năng thay thế được nhau hay không. Qua đó có thể đánh giá chất lượng thuốc tốt hơn. Hay nói cách khác, chính là việc kiểm tra sinh khả dụng (tốc độ và mức độ hấp thụ của thuốc vào máu, phân bố khắp hệ tuần hoàn sẵn sàng cho tác dụng ở nơi nào đó trong cơ thể).

Theo Trung tâm Đánh giá tương đương sinh học, chi phí phát minh ra một loại thuốc mới là hàng trăm triệu USD và phải mất nhiều năm để tiến hành các giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng, nghiên cứu lâm sàng cũng như sau khi lưu hành. Tuy nhiên, sau khi thuốc phát minh này hết hạn bản quyền, nhà sản xuất chỉ mất khoảng 1 triệu USD để mua lại phiên bản và sản xuất ra loại thuốc generic có chất lượng tương đương sinh học với thuốc phát minh...

Nhờ những người dũng cảm, âm thầm dùng thân mình để thử thuốc như Sơn, Lượng và nhiều tình nguyện viên khác đã góp phần cho ra những sản phẩm mới, với giá rẻ, tạo thêm cơ hội cứu sống hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân nghèo. Âu đó cũng là việc thiện, là nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui, buồn nghề… “chuột bạch”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.