Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chợ người Việt ở Nga những ngày băng giá (tiếp theo)

Võ Hoài Nam| 08/04/2013 06:59

(HNM) - Trước đây, có nhiều câu chuyện không rõ hư thực thế nào quanh việc một số bà con ở các chợ hay kêu ca phàn nàn là

Cảnh bên ngoài chợ Liu ngày tuyết tan 4-4-2013.



Ở Mátxcơva này, từ những năm 90 thế kỷ trước, loại hình chợ của người Việt Nam như phát súng mở màn góp phần khai cuộc cho nền kinh tế thị trường Nga. Người Việt đã cho "ra lò" rất nhiều trung tâm thương mại như: Đôm 5 cũ, Đôm 5 mới (và 11), Thủy lợi, Saliút (1, 2, 3, 5), rồi Sông Hồng (1, 3), Vôikôp, Xôcôn (1, 2, 3, 4, 5), Tôgi, Asean, chợ 3 nhà ga, Emeral… và điển hình là chợ Vòm - trung tâm thương mại của toàn Liên bang Nga đi vào hoạt động sầm uất. Các loại dịch vụ của người Việt Nam cũng mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa với công việc đơn thuần là: Giúp khâu trung gian làm giấy tờ, hộ chiếu, hộ khẩu, khai sinh, visa, chuyển tiền về Việt Nam và ngược lại, bán vé máy bay, đưa người đi khám bệnh, bán thuốc tây, may vá, cắt tóc gội đầu, karaoke, điện thoại (khi chưa có loại máy cầm tay như sau này), hàng khô và hàng tươi sống, bán sách báo, ra các loại báo lá cải phục vụ cộng đồng, chụp ảnh, photo copy, quay phim… Họ đã góp một phần không nhỏ trong việc giúp bà con có điều kiện tranh thủ bán hàng mà vẫn giải quyết tốt điều kiện sinh hoạt thường ngày.

Chúng tôi gặp lại các anh các chị, những người quen cũ - cũng tào phào dăm ba câu xã giao thông lệ, chuyện sức khỏe, làm ăn, thời tiết, chính trị… Và cuối cùng rồi lại khơi khơi cái chuyện bà con làm ăn thất bát. "Đấy, các bác xem, chợ như chùa Bà Đanh thế kia thì ai người ta vào thăm bọn em?". Thực ra thì lác đác cũng có vài người vào gửi dăm ba vé 100 USD hoặc người gửi nhiều thì cũng vài chục tờ đấy. Chưa kể cái đám hỏi làm hộ chiếu, hộ khẩu, visa, giấy mời thăm thân, chụp ảnh…, vậy là mấy ông bà chủ làm dịch vụ kiểu này cũng kiếm nhì nhằng kha khá rồi đấy chứ.

Quả như chúng tôi đã nhận xét, "thời tiết kinh tế" năm nay quá xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến các loại hình dịch vụ, bà con ta làm ăn thua lỗ liểng xiểng, khiến nhiều người đứng ngồi không yên. Đã thế, tiền thuê chỗ bán hàng và tiền thuê nhà ở lại tăng cao, nhà chức trách thì gắt gao kiểm soát giấy tờ… Đúng là "tứ bề thọ địch".

Hiện nay, có một tình trạng xấu trong quan hệ làm ăn rất đáng lo ngại trong cộng đồng người Việt Nam tại chợ Mát (Mátxcơva) là xù (trốn nợ). Đối tượng thời gian qua được nhiều người nhắc đến là trường hợp bà H - mọi người hay gọi là bà "H.D" (D. là tên chồng). Nghe nói bà này bùng của dân buôn bán tại các trung tâm thương mại của ta lên tới hàng… mấy triệu USD. Không rõ con số này liệu có chính xác không bởi hiện tông tích của bà cũng chưa xác định được là đang ở đâu, đã quay về Việt Nam hay sang nước khác?

Thực hư chưa rõ thế nào, nhưng theo dư luận xôn xao ở chợ Mát thì nhiều nạn nhân của bà H. hiện đang rất khổ sở, điêu đứng. Theo chúng tôi được biết: Chuyện đòi nợ cũng sẽ chẳng đi đến đâu, bởi cái cách làm ăn của bà con ta bên này vẫn quen nếp là cứ bằng miệng, kiểu "tin nhau". Thực ra, với những kẻ lừa đảo siêu hạng này, đúng là chỉ có nước "bắc thang lên hỏi ông trời". Bà H. này chuyên về chuyển tiền (làm dịch vụ "đen") lưu thông giữa khách hàng tại chợ Mát từ khá lâu. Nếu thực tế như lời đồn đại thì quả là một sự thiệt hại khá lớn cho bà con. Đã chật vật làm ra tiền, lại còn bị xù. Nhiều người phải vay mượn tiền bạc, thậm chí là phải vay nóng với lãi suất cắt cổ qua các nguồn "tín" (danh từ chỉ người cho vay lãi hoặc chuyển ngân) ở chợ lên tới mười mấy phần trăm một ngày để lấy hàng hóa hoặc để trả thuế, tiền thuê công, quầy bán hàng. Nhưng hầu hết các chợ đều chung tình cảnh chợ móm, chợ đuội… nên các chủ quầy hàng càng méo mặt: Ai cũng đôn đáo tìm chỗ vay mượn, nháo nhác như thể kiến ngồi trên chảo rang!

Còn một kiểu trốn nợ khác cũng bắt đầu "chớm nở" trong cộng đồng, đó là: Tình trạng "vườn không nhà trống". Buổi chiều hôm trước vừa giao hàng "xu-khôi" (nhận hàng trước, trả tiền sau), hàng hóa còn đầy trong quầy, nhưng sáng hôm sau đến nhận tiền thì than ôi, chủ quầy chẳng thấy đâu, mà quầy thì trống trơn. Những chủ hàng có đốt đuốc đi tìm họ khắp cả Mát cũng chẳng ra tăm hơi, cứ như là độn thổ. "Chết thật anh ạ, nó bùng, nó cao chạy xa bay, biết tìm nó ở đâu? Mà kiện với ai?" - Anh Tám ở chợ Liu (Trung tâm thương mại Mátxcơva) khổ sở than vãn. Thêm vào nữa, hiện tượng mất an ninh luôn rình rập người có tiền khi ở chợ về nhà, lúc trên đường… cũng là một mối hiểm nguy tiềm ẩn. Đã có mấy trường hợp người Việt Nam đi trên đường bị bọn khu-li-gan (kẻ cướp) người địa phương trấn lột, có vụ báo chí Nga đã đưa tin, cảnh báo.

Bên cạnh chuyện xù nợ, cướp…, trong cộng đồng Việt Nam tại Nga lâu nay tồn tại những kẻ chuyên làm công việc mà dân chợ gọi là bẩn thỉu, đó là bọn chuyên làm nghề "chỉ điểm". Chúng trà trộn và tìm hiểu những bà con làm ăn khá, theo dõi từng đường đi nước bước. Khi có thời cơ là thông báo cho đồng bọn (cả đầu gấu phía người địa phương lẫn Việt Nam, thậm chí là cả cảnh sát Nga biến chất) chặn đường và ra tay. Mới đây, lực lượng an ninh Việt Nam phối hợp với cảnh sát nước bạn đã truy tìm, bắt gọn cặp vợ chồng Vinh, Hà Lan vì có hành động lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của nhiều bà con Việt Nam tại Nga. Cũng theo nhiều nguồn tin của bà con cho biết, hiện vẫn có một số "chỉ điểm" đang lẩn quất hoạt động. Quả thực là những kẻ bất nhân luôn ẩn náu trong bóng tối, bà con mải làm ăn rất khó để nhận biết chúng, nhất là khi thời kỳ điện thoại cầm tay bùng nổ thì việc phát tín hiệu mang đến tai ương cho người khác chẳng có gì khó khăn với những kẻ bất lương. Về việc này, đại diện các hộ kinh doanh đã kiến nghị với nhà chức trách Việt Nam tại Nga và đã được ghi nhận, hứa sẽ có biện pháp giúp đỡ.

Bên cạnh những tiêu cực đáng lo ngại trên, gần đây tình trạng các trung tâm thương mại, các chợ bị dẹp, bị thu hẹp càng làm cho bà con Việt Nam ta đang làm ăn tại Mát đã khó khăn lại càng thêm lao đao. Mới đây nhất, bà con xôn xao về tin "Chợ km 41" - Bà con ta thường gọi chợ theo cột mốc - sẽ có "vấn đề" (theo nhiều người buôn bán ở Nga lâu năm, có kinh nghiệm thì đây chỉ là kiểu "rung cây dọa khỉ", nhưng nhiều người mới vào nghề rất dễ bị đánh lừa). Vậy là chưa rõ hư thực thế nào, nhiều hộ kinh doanh đã hoang mang thu xếp tìm cách chạy về "Chợ km 19", cách đó không xa.

Còn có biết bao nhiêu nỗi lo nữa, như việc đăng ký hộ khẩu cũng là một vấn đề "toát mồ hôi hột" với bà con ta, khi mà phía chính quyền ngày càng hạn chế cấp phép. Ngoài ra, sắp tới việc kiểm tra cư trú tại nhà dân địa phương cho thuê đối với người nhập cư thường xuyên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt và công việc làm ăn của các hộ buôn bán người Việt…

Mấy ngày tới trời sẽ ấm dần, tuyết tan, chắc chắn hàng hóa sẽ bán được, bà con chỉ mong sao "ông trời" đoái thương cho bà con kiếm được tí ti để kéo lại vụ mùa trong năm thất bát. Tương lai phía trước hãy còn khó khăn, chưa rõ rồi sẽ ra sao? Nhiều người tặc lưỡi: Thôi thì cứ “nước đến đâu bắc cầu đến đó", đành vậy thôi chứ biết làm sao bây giờ? Và nhiều người vẫn nuôi hy vọng, tin rằng vụ hè, thu tới hàng hóa có khởi sắc lên; giữa năm, cuối năm sẽ khá hơn đầu năm; rồi năm sau sẽ tốt hơn năm nay… Chính vì thế, người Việt bên Nga gọi dân buôn bán ở các trung tâm thương mại là những người sống bằng… niềm tin.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chợ người Việt ở Nga những ngày băng giá (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.