Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ hết những chuyến “đò đu dây”

Bảo Chân - Dương Hiệp| 09/04/2013 06:52

(HNM) - Chỉ cách nhau có một con sông Nhuệ, nhưng mấy chục năm qua, người dân ở xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) và xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) hằng ngày phải đến với nhau qua những chuyến đò ngang thay vì đi theo cung đường vòng xa gần hai chục cây số.


Người ta gọi những chuyến đò ngang này là "đò đu dây", bởi con đò được người dân tự trang bị một cách thô sơ và di chuyển bằng lần theo dây kéo từ bờ nọ sang bờ kia... Song những chuyến đò ngang "kỳ lạ" trên dòng Nhuệ giang này sẽ chỉ là câu chuyện xưa khi dự án cầu Mỹ Hưng - Tả Thanh Oai được khởi công xây dựng, dần hiện hữu những niềm vui kết nối đôi bờ.

Con đò thô sơ sắp được thay thế bằng một cây cầu hiện đại.



Chòng chành đò dây

Vừa về qua cánh cổng chào xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) hỏi đường ra bến đò chăng dây, chúng tôi đã được anh Nguyễn Văn Thế (SN 1971) ở thôn Thạch Nham nhiệt tình cho biết: "Thời ông bà, bố mẹ tôi, tôi và các con vẫn hằng ngày đi qua bến đò đấy để sang bên Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) vào nội thành buôn bán cho gần. Qua sông kiểu ấy tuy nguy hiểm nhưng tiết kiệm được cả chục cây số còn hơn là đi đường vòng". Cũng theo anh Thế và nhiều người dân Mỹ Hưng, nguyện vọng tha thiết của bà con từ bao đời nay là mong có được cây cầu nối hai bờ vui để việc đi lại thuận lợi. Rất nhiều năm qua, bà con đã cùng nhau ký đơn xin được xây cầu gửi lãnh đạo thôn, nhờ chuyển lên xã và cấp cao hơn… nhưng tất thảy đều bặt vô âm tín. Điều này khiến anh Thế và nhiều bà con ngao ngán. Nhiều đoàn nhà báo cũng đã xuống tận nơi, chụp ảnh ghi hình, bà con thì cũng lại tiếp tục khẩn khoản viết đơn bày tỏ nguyện vọng, nhưng biết kêu ai?

Khúc sông Nhuệ chảy qua thôn Thạch Nham, xã Mỹ Hưng đang mùa cạn. Dòng nước bị ô nhiễm nặng giờ không thể tả nổi màu sắc của một dòng sông vốn mệnh danh "sông tranh, sông lụa" một thời. Dưới sông, con đò đúc bằng xi măng uể oải nằm dưới bãi chờ đón khách qua. Nhìn kỹ lắm, chúng tôi mới thấy đôi mái chèo cất gọn dưới khoang và bánh lái. Ông chủ đò thấy có người tò mò giơ máy ảnh lên bấm lia lịa, lập tức hua tay khua chèo ầm ầm vào mặt nước.

Hỏi chuyện, người đang đứng trên đò tên là Nguyễn Văn Hường (SN 1955) ở thôn Thạch Nham, tuổi chưa tới lục tuần mà nom đã lụ khụ, nói về cái nghề buồn tênh của mình. Theo ông Hường, bến đò chỉ vui nhất khi sáng tinh mơ và lúc chiều muộn tầm "quáng gà". Còn thì trong ngày buồn lắm nên phải để nguyên sợi dây nối hai bờ sông ngắn tủn làm đỡ cái việc phải khua khoắng mái chèo, để rồi những lúc tối trời người làng làm ăn về muộn í ới gọi còn có lối mà lần. Nhưng ông Hường vẫn chưa phải là chủ của con đò vô danh bên dòng sông này. Người chủ chính thức là ông Nguyễn Văn Thưởng năm nay đã ngoài 70 và bà Hẻo bên kia sông vùng Tả Thanh Oai. Vì sau Tết, cả ông Thưởng, bà Hẻo ốm lăn lóc đến nỗi không gượng dậy được, ông Hường đã phải làm thay cái việc ông anh họ mình cần mẫn làm trong suốt 33 năm nay.

Theo người làng Thạch Nham và cũng chính từ miệng ông Hường thì nghề chèo đò qua khúc sông bé tẹo chưa hết một dao quăng như ở chốn thủy tận này hóa ra cũng còn hơn khối cái nghề vào phố chạy cùng "sẻ chia" khai thác. Và cũng chính ông cụ Ọp, trong một ngày nước sông Nhuệ bỗng nhiên nổi cơn cồn cào dâng nước vỡ bờ đã nghĩ ra biện pháp nối hai bờ sông bằng sợi thừng đại để định vị cho con đò tới bến. Qua biến thiên thời gian, sợi dây thừng đó cũng được thay vài bận vì không chịu được sự bào mòn của thời tiết, nhưng cái vẻ cần mẫn vốn có của người nông dân quê lụa thì vẫn còn nguyên đó.

Rồi trong cơn lốc đô thị hóa, ngôi làng heo hút Thạch Nham, Mỹ Hưng cũng dần thay da đổi thịt. Chưa nói tới việc qua đò là đã đặt chân sang đất Tả Thanh Oai mà chỉ cần đứng ở bên này sông đã thấy lô xô nhà cao tầng của Khu đô thị Linh Đàm rõ như có thể với tay được. Rồi con đường trải nhựa tới bốn làn xe xuyên qua Khu đô thị Xa La, Hà Đông cũng băng băng qua ngay trước cổng khiến người làng có thêm nhiều nghề mới gắn với thành phố. Hằng ngày, người Mỹ Hưng ngoài nghề chạy hàng xáo truyền thống đã mở rộng thêm ra nhiều thứ nghề mới khác như giúp việc, dọn dẹp cho nhiều nhà trong phố theo giờ, theo ngày. Nhu cầu đi lại của bà con ngày càng nhiều thì càng có vẻ ngược với sự dậm chân tại chỗ của bến nước, con đò quê hương. Không ai tin nổi, con đò mong manh được định vị bằng sợi dây vắt vẻo hai bờ sông đó cứ sáng tinh mơ và chiều muộn lại đón đưa hàng trăm con người qua sông với một mơ ước chung cháy bỏng về một cây cầu.

Trưởng thôn Thạch Nham, ông Nguyễn Tiến Chính khi trò chuyện với chúng tôi cũng khẳng định, hơn 1.200 nhân khẩu của 270 hộ dân Thạch Nham nhiều lần đứng đơn để xin được có một cây cầu nhỏ bắc qua bến đò cho tiện việc đi lại của bà con. Khổ nhất vẫn là các cháu cứ ngày ngày phải qua đò theo kiểu đu dây để "sang Hà Nội" cho gần chỉ vì tiết kiệm được tới cả chục cây số đi đường vòng.

Ước mơ dần hiện hữu

Chuyện trò với chúng tôi, ông Đào Xuân Phái, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng vui mừng ra mặt: "Khỏi phải nói nhà báo ạ. Đây là cây cầu mà cán bộ, nhân dân xã Mỹ Hưng chờ đợi từ lâu lắm rồi!" - ông Phái phấn khởi nói. Theo ông Phái, vì muốn tiết kiệm thời gian, công sức, trước đây bà con vẫn phải đi đò. Cũng không phải thường xuyên lắm nhưng chuyện lật đò, ngã đò là điều không thể tránh khỏi. Thật oái ăm, chỉ một đoạn sông nhỏ thôi mà xem ra thật diệu vợi. Đến trận lụt lớn cuối năm 2008, thành phố có hỗ trợ nhân dân trong xã một chiếc cầu phao để vượt qua đận nước to ấy. Nhưng chỉ được ít ngày, cầu phao phải rút đi làm nhiệm vụ chỗ khác và thế là người Mỹ Hưng lại phải quay lại với những con đò đầy gập ghềnh, nguy hiểm. Xót dân, đã nhiều lần UBND xã đề nghị lên huyện, lên thành phố "xin" một cây cầu để dân bớt cảnh "qua sông lụy đò". Công văn đi, công văn lại và cuối cùng niềm vui cũng đến khi UBND thành phố có Quyết định số 208/QĐ-UBND, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Mỹ Hưng - Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng có quy mô đường dẫn hai đầu cầu theo tiêu chuẩn cấp VI đồng bằng; chiều dài tuyến hơn 2,1km, rộng 6,5m. Dự án được giao cho UBND huyện Thanh Oai làm chủ đầu tư, có thời gian thực hiện từ năm 2012 đến năm 2014.

Ngay sau khi có quyết định phê duyệt dự án, UBND xã đã làm các thủ tục giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công là Công ty Xây dựng Hà Thành. Nói về dự án, ông Lê Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cũng cho biết, đã có rất nhiều dự án được UBND huyện Thanh Oai thực hiện. Song, có lẽ dự án cầu Mỹ Hưng - Tả Thanh Oai là một trong những công trình được triển khai nhanh nhất. Nếu như cuối năm 2012 dự án mới được UBND thành phố phê duyệt và bố trí kinh phí thì đầu năm 2013 đã được động thổ, khởi công. Tính đến nay, dự án đã thực hiện được hơn một tháng. Cũng bởi ngay khi có thông báo về dự án, người dân Mỹ Hưng đã rất phấn khởi bàn giao mặt bằng. Và quan trọng hơn là đường dẫn lên cầu được thi công trên nền đường cũ dẫn ra bến đò nên việc thực hiện cũng gặp nhiều thuận lợi.

Niềm mong chờ của cán bộ, nhân dân xã Mỹ Hưng về một cây cầu qua sông đang dần thành hiện thực. Niềm vui nối đôi bờ sông Nhuệ đang được đơn vị thi công tích cực đẩy nhanh tiến độ, như lời ông Phái chia sẻ: "Chắc là sẽ nhanh thôi, nhà báo ạ. Các chú ấy làm hăng lắm!".

Trên suốt quãng đường về, chúng tôi vẫn nhớ như in nét mặt bần thần của ông Hường, người đưa đò chúng tôi sang Thạch Nham: "Lâu lắm rồi tôi mới chở một cái xe máy qua đò nhà báo ạ. Nếu chẳng may xe của nhà báo rớt xuống sông biết lấy gì mà đền?". May mà chuyện ấy đã không xảy ra và chắc chắn sẽ không thể xảy ra vì chúng tôi, ông Hường cũng như người dân nơi đây sẽ không còn phải chịu cảnh qua sông, qua "đò đu dây", khi cây cầu Mỹ Hưng - Tả Thanh Oai hoàn thành vào cuối năm 2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ hết những chuyến “đò đu dây”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.