Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Truyền lửa cho muôn đời

Nhóm PV PSĐT| 18/04/2013 06:44

(HNM) - Chiều cuối tuần, đi dạo trong khuôn viên Bảo tàng Bạch Đằng, chúng tôi gặp một nhóm học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, thị xã Quảng Yên đang mải mê ngắm nghía những cây cọc cổ được trưng bày ở vị trí trang trọng nhất trong bảo tàng.


Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Ngày 18-2-2013, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt quy hoạch Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng có tổng diện tích 380ha, trong đó khu vực bảo vệ cấp 1 là 79,4ha; khu vực bảo vệ cấp 2 là 114,8ha, số còn lại là khu dịch vụ. Quần thể có 11 điểm di tích đình, đền, miếu, bãi cọc… với tổng vốn đầu tư trên 811 tỷ đồng, thời gian thực hiện quy hoạch từ năm 2012 đến năm 2025.

Một góc thị xã Quảng Yên hôm nay.


Theo Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, lộ trình quy hoạch gồm ba giai đoạn, trước tiên tập trung cho việc tổ chức di dời các hộ dân trong khu vực di tích và phối hợp nghiên cứu khảo cổ. Thực tế tại Quảng Yên, người dân đồng tình ủng hộ việc di dời này vì họ hầu hết có ý thức cao trong việc bảo tồn di tích.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đồng Sơn cho biết, tại khu vực các bãi cọc trên, công tác khai quật vẫn đang tiếp tục được triển khai với sự tham gia của các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước. Chiến trường Bạch Đằng xưa là một vùng rộng lớn nhưng các chứng tích phát hiện được còn rất hạn chế. Từ năm 2008 đến nay các đoàn nghiên cứu khảo cổ học dưới nước của Anh, Mỹ, Nhật Bản, Pháp đã sáu lần đến khu vực này để tìm hiểu, khảo sát, khai quật. Tiềm năng du lịch, giá trị lịch sử của các bãi cọc là rất lớn nhưng hiện vật chủ yếu vẫn còn nằm trong lòng đất, chưa tôn tạo được gì. Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch bảo tàng hóa một phần di tích, nghĩa là mỗi di tích sẽ vừa là hiện vật, vừa là bảo tàng. Mô hình này được nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thực hiện hiệu quả. Điều quan trọng là phải có những tài liệu khoa học kết hợp với việc sử dụng các trang thiết bị công nghệ hiện đại để trình chiếu, phụ trợ, minh họa thêm.

Theo phỏng đoán của nhiều nhà khoa học, số hiện vật, di tích còn nằm dưới lòng đất, ngoài quần thể đã được quy hoạch còn rất lớn. Các kết quả khai quật ở khu vực lõi di tích này mới chỉ cho phép hiểu một cách tổng quát về chiến trường xưa mà thôi. Vì thế, trong hội thảo quốc gia về di tích Bạch Đằng được tổ chức mới đây, nhiều đề xuất của các nhà khoa học tập trung ở nội dung là cần phải tiếp tục đầu tư lớn cho các dự án nghiên cứu, khai quật khảo cổ và sưu tầm hiện vật. Một số ý kiến khác lại bày tỏ lo lắng trước tình trạng xuống cấp của di tích, hiện vật. Thực tế, những di vật phát lộ đang dần bị bào mòn, mục nát bởi điều kiện bảo quản còn hạn chế, chủ yếu theo phương thức vùi lấp, nghĩa là chỉ đào lên để nghiên cứu rồi lại lấp xuống như cũ. Với cách làm này thì dần dà du khách đến với Di tích Chiến thắng Bạch Đằng sẽ chỉ được chiêm ngưỡng những hiện vật lịch sử qua hình ảnh mô phỏng hoặc qua các thước phim tài liệu.

Những gì đang được trưng bày ở Bảo tàng Bạch Đằng trên phố Ngô Quyền - một con phố trung tâm, sầm uất bậc nhất của thị xã Quảng Yên thực sự chưa xứng tầm với một chiến công hiển hách bậc nhất trong lịch sử giữ nước của cha ông ta. Những cây cọc dưới lòng sông Bạch Đằng đào lên, mang về đây nếu không có phần trang thiết bị công nghệ phụ họa, tư liệu lịch sử dày dặn đi kèm thì cũng không khác nhiều những loại cọc gỗ khác. Và quả thật, hiện vật liên quan đến trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 cũng chưa nhiều, chủ yếu chỉ là những bức tranh vẽ lại, tư liệu chữ viết, vài tấm khiên, giữa chúng chưa tạo được mối liên hệ chặt chẽ trong một chỉnh thể để người xem có thể hình dung rõ nét hơn về trận đánh oai hùng thuở nào.

Không chỉ quan tâm đến những di sản văn hóa vật thể, người Quảng Yên còn đặc biệt gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất linh thiêng, trong đó đặc biệt nhất là Lễ hội Bạch Đằng tổ chức từ ngày mùng sáu đến hết ngày mùng chín tháng Ba âm lịch hằng năm, trùng với ngày chiến thắng Bạch Đằng mà bà con địa phương gọi là ngày Giỗ trận. Ngoài những nghi lễ thông thường, trong hội còn có các trò diễn, trò chơi dân gian như hát đúm, chơi cờ người, đánh đu, đấu vật, chọi gà… Và một trò chơi hào hứng nhất, thu hút rất đông người tham gia nhất là bơi chải, bơi sào đua thuyền trên bến đò Rừng. Trò chơi này đã phần nào tái hiện được hình ảnh những chiến thuyền của quân dân thời Trần thoắt ẩn, thoắt hiện trong những cánh rừng, bãi sậy năm nào, phóng lao, phát hỏa làm quân thù kinh hồn bạt vía. Thông lệ hằng năm, từ Quảng Ninh đến Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên... những tay đua thuyền hội tụ về đây tranh tài trên sông nước như một lời tri ân đến những bậc anh linh đã ngã xuống ở cửa sông này. Cũng từ các hoạt động lễ hội, thế hệ trẻ nhớ về truyền thống hào hùng đánh giặc giữ nước của cha ông. Đó là bài học không bao giờ cũ về "thế trận lòng dân, quân dân chung sức, đồng lòng, dùng đoản binh đánh trường trận…", đập tan mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù.

Cuộc sống mới trên chiến trường xưa

725 năm đã qua đi, phù sa bồi đắp đôi bờ sông Bạch Đằng thành những vùng đất rộng lớn và trù phú, cùng với biết bao công sức quai đê, lấn biển, kiến thiết làng xã, phát triển đô thị của các thế hệ đã làm nên diện mạo của thị xã Quảng Yên (trước ngày 27-9-2011 là huyện Yên Hưng) anh hùng, tươi đẹp hôm nay. Trong cuộc sống thường ngày hay trong các dịp lễ hội, mỗi khi dặn dò cháu con giữ gìn phát huy truyền thống quê hương, cụm từ "truyền thống Bạch Đằng" luôn vang lên như một lẽ tự nhiên, một động lực không thể thiếu. Âm vang của chiến thắng Bạch Đằng đã hun đúc nên những giá trị sức mạnh tinh thần, trở thành phẩm chất quý giá của người dân đất Quảng Yên.

Với ý chí tự lực tự cường, nhân dân Quảng Yên đã bao đời tiếp nối đắp đập, ngăn sông lập ra nhiều làng mới, xã mới, mở đường ra các xã vùng đảo Hà Nam, xây dựng những công trình không chỉ có ý nghĩa về phát triển kinh tế, xã hội mà còn trở thành những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn như công trình đại thủy nông Yên Lập, cầu sông Chanh, cảng cá Tân An, hệ thống đê biển dài 146km… Nhiều cụm công nghiệp, nhà máy đã mọc lên như cụm sửa chữa và đóng tàu thuyền Hà An, cụm chế biến xuất khẩu thủy sản Phú Minh Hưng, Nhà máy Sửa chữa tàu biển Biển Bắc, Nhà máy Gạch Thạch Bàn Xanh; đưa tỷ trọng giá trị công nghiệp, dịch vụ chiếm gần 80% tổng giá trị sản phẩm kinh tế của thị xã.

Đến Quảng Yên hôm nay, chỉ sau hơn một năm có quyết định của Chính phủ thành lập thị xã, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất ven sông này. Quảng Yên đang dần trở thành điểm kết nối giao thương giữa các thành phố Hạ Long, Uông Bí, Hải Phòng khi Chính phủ đã có quyết định đầu tư xây dựng công trình "Đường nối thành phố Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng"; theo đó tuyến đường sẽ đi qua 7 xã, phường của Quảng Yên với chiều dài 20km.

Hôm nay, du khách đến Quảng Yên, dạo trên những tuyến phố sạch đẹp, thông thoáng, hạ tầng đồng bộ, trò chuyện với những người dân cởi mở, những cán bộ cơ sở tâm huyết, năng nổ; dễ nhận thấy truyền thống Bạch Đằng đã trở thành một nét văn hóa riêng, thể hiện bản lĩnh, khí phách của người Quảng Yên. Chấn hưng một vùng "địa linh, nhân kiệt", chính quyền và mỗi người dân thị xã Quảng Yên đã và đang viết tiếp trang sử vàng "Vang mãi bản hùng ca Bạch Đằng giang".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Truyền lửa cho muôn đời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.