Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về đất Tổ

Vũ Đình Quý| 19/04/2013 07:30

(HNM) - Hôm nay (10-3 âm lịch), triệu triệu trái tim con cháu Lạc Hồng khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào sinh sống tại nước ngoài cùng chung nhịp đập hướng về Nghĩa Lĩnh, thành kính tri ân đức tổ tiên.


Đã ba lần tôi được về thăm đất Tổ Hùng Vương. Lần thứ nhất, ấy là những năm đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối. Cũng chính lần đầu tiên được về đất Tổ “linh diệu” này, đã để lại trong tôi thật nhiều kỷ niệm với biết bao nghĩ suy về nghĩa tình, đồng bọc:

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”.

Vài năm sau trong một dịp lễ hội Đền Hùng, tôi đã trở lại đất Tổ. Và mới đây, tôi lại được về với đất Tổ Hùng Vương vào đúng dịp khai hội.

Kỹ sư Lê Mạnh Tuấn (phải) - người chủ trì dự án tôn tạo lại Cột đá thề mới tại đền Thượng núi Nghĩa Lĩnh.



Lần này, chúng tôi cùng đi với đoàn “Về nguồn” bao gồm 300 anh chị cựu Đoàn viên thanh niên Trung ương Cục miền Nam, những người đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Anh Nguyễn Hữu Phước, con trai thứ cố Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, khi đặt chân đến trước cổng Đền Hùng, vẫn còn ngỡ ngàng chưa tin đó là sự thật. Anh thốt lên: “Thật may mắn, tôi đã được về với đất Tổ rồi”. Quay sang tôi, anh nói: “Chụp cho mình một tấm hình đứng trước cổng Đền Hùng làm kỷ niệm nhé”. Cùng những người con miền Nam lần đầu về đất Tổ, chúng tôi men theo sườn núi Nghĩa Lĩnh lên đền Hạ, đền Trung, đền Thượng…

thắp nhang viếng lăng Vua Hùng thứ 6. Thăm đền Giếng, nơi đây ngày 19-9-1954 trên đường về lại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với các chiến sĩ chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô, Bác đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Trước đền Giếng, bên gốc sứ đại thụ, Nguyễn Văn Cồ người con của Củ Chi đất thép, lần đầu được về thăm đất Tổ tâm sự: “Về với đất Tổ, về với các Vua Hùng, tôi càng thêm hiểu ý nghĩa sâu sắc về huyền thoại Mẹ Âu Cơ mang bọc 100 trứng; càng thấu hiểu lời dạy của Bác Hồ: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh là một quần thể: Đền, chùa, nơi thờ phụng các Vua Hùng, nằm trong địa phận Kinh đô Phong Châu, nước Văn Lang cổ xưa. Núi Nghĩa Lĩnh còn có tên gọi: Núi Cả, Nghĩa Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn… thuộc xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.

Quần thể Đền Hùng còn có nhiều di tích vô cùng quý giá, cho đến nay vẫn còn dấu tích từ 3.000 năm trước, hoặc giai thoại về những di tích này. Đó là cột đá đặt trên bệ, trước đền Thượng, là cột miếu cổ từ thời Hùng Vương được gọi là Cột đá thề của Thục Phán. Hay Hạt thóc thần, xuất xứ từ việc cây lúa là nguồn sống của dân, lại được Vua Hùng thứ 2 (Lạc Long Quân) thủy tổ của nghề trồng lúa nước, tôn thờ thần lúa. Rồi “Quán bàn việc nước” ở đền Trung… là những gì mà con cháu Vua Hùng ngày nay đang chắt chiu tìm hiểu, tôn tạo, gìn giữ để đất Tổ - Đền Hùng mãi mãi linh thiêng.

Nhân nói về di tích cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh, tôi may mắn gặp kỹ sư Lê Mạnh Tuấn - Nhà nghiên cứu sưu tầm Kỳ thạch Việt - Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, người trực tiếp chủ trì dự án tôn tạo lại cột đá thề mới tại đền Thượng núi Nghĩa Lĩnh trong quần thể di tích Đền Hùng.

Lê Mạnh Tuấn kể lại: Cách đây vài năm, ông được các thành viên của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) và Ban quản lý (BQL) Khu di tích lịch sử Đền Hùng giao trọng trách tìm đá cho công trình này. Theo yêu cầu, khối đá để dựng Cột đá thề phải hội đủ các tiêu chí như có giá trị thẩm mỹ, hình dáng đá tự nhiên, ít có sự can thiệp của bàn tay con người, bên cạnh đó khối đá phải có giá trị địa chất (kỳ thạch).

Rồi như duyên may, trong một chuyến công tác tại Tây Nguyên, ông tình cờ “ngắm” được khối đá mã não nguyên bản với chiều cao 2,51m, đoạn rộng nhất 1,1m, nặng 7 tấn. Sau đó, khối đá này đã được Trung tâm Ngọc học - Hội Đá quý Việt Nam cấp chứng chỉ đá quý và cũng theo giám định của Trung tâm Ngọc học, “khối đá mã não (Chalsedon) có nhiều màu từ trắng xám, vàng nhạt đến xám xanh, phớt tím uốn lượn xen kẽ nhau tạo nên nhiều hình thù lạ mắt, rất phù hợp với công trình.

Ai cũng biết, Đền Hùng là một trong những di tích linh thiêng bậc nhất, việc đưa một khối đá nặng tới 7 tấn lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh không phải chuyện đơn giản. Nhưng với quyết tâm cao và sự tính toán chính xác của đội ngũ những người vừa có sự hiểu biết sâu xa về đá, lại có cả tâm hồn “thạch đạo”, khối đá lẫn bệ đá đã được đưa lên núi an toàn và được dựng ngay trên chính tâm của cột đá thề cũ.

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Cột đá thề bằng ngọc mã não này có khả năng trường tồn với thời gian, thể hiện quyết tâm bảo vệ non sông đất nước… Như chính lời thề của Thục Phán An Dương Vương: “Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét, nước Nam được trường tồn, lưu ở miếu Tổ Hùng Vương. Nếu vua sau nối trị mà trái ước, nhạt thề sẽ bị trời dập đất vùi”…

Và không chỉ có thế, Cột đá thề còn là một công trình nghệ thuật điêu khắc, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên trong khu vực đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, để muôn dân mỗi lần về với đất Tổ thiêng liêng, sẽ được thỏa lòng thưởng ngoạn và mong ước.

Có lẽ khắp thế giới, hiếm có một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, cho dù bất kỳ ở đâu, dù bận trăm công nghìn việc, thậm chí có lúc, có nơi con người ta bất đồng chính kiến với nhau nhưng hằng năm cứ đến ngày 10 tháng Ba âm lịch, lại hướng về đất Tổ, nô nức cùng nhau hành hương về đất Tổ, tham dự lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương. Chính tại lễ hội Giỗ Tổ này mà người dân trong cả nước, cũng như những người Việt Nam ở nước ngoài lại có dịp đoàn tụ, bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn, tưởng nhớ về tổ tiên, đến các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

Nói vậy, nhưng không phải ai cũng may mắn về được đất Tổ vào dịp này. Vì vậy lễ Giỗ Tổ Hùng Vương dần dần được con cháu các Vua Hùng thành kính tổ chức ở khắp mọi miền đất nước. Một điều đáng quý, các con cháu Vua Hùng, mỗi khi đến một vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp, điều trước tiên là lập bàn thờ ông bà và trang trọng hơn là lập đền thờ Tổ. Từ đó, đền thờ các Vua Hùng đã hiện diện ở nhiều vùng của phương Nam như: Lâm Đồng, Đồng Nai, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh có tới 20 đền thờ các Vua Hùng. Xin nêu một số địa chỉ đền thờ Vua Hùng tại TP Hồ Chí Minh: Đền các Vua Hùng tại Công viên Văn hóa Tao Đàn quận 1, đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại Thảo Cầm Viên, số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, đền thờ Hùng Vương tại Công viên văn hóa Suối Tiên, đền thờ Hùng Vương tại Công viên văn hóa Đầm Sen, đền thờ Hùng Vương ở 166/33 Đoàn Văn Bơ , quận 4; đền Vua Hùng ở 261/3 Cô Giang, quận Phú Nhuận… Đặc điểm duy nhất mà ai cũng dễ nhận ra là tất cả các đền thờ Hùng Vương, xây dựng đều hướng về phía Bắc, nơi mạch nguồn đất Tổ. Năm nào cũng vậy, nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, thành phố Hồ Chí Minh thường tổ chức lễ hội Giỗ Tổ rất trang nghiêm và công phu. Đến đất Tổ, về lại đất Tổ luôn là tâm nguyện suốt đời của bất kỳ người con đất Việt nào. Hướng về đất Tổ, nhớ ngày Giỗ Tổ sẽ là hành trang và điểm tựa cho bất kỳ ai là con Việt cháu Hồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về đất Tổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.