Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vững một con đường (bài 1)

Long Hà| 25/04/2013 05:58

LTS: Bảo tồn các giá trị truyền thống và nhu cầu phát triển chính đáng luôn là đòi hỏi tưởng như mâu thuẫn, tựa những ngả rẽ khác nhau trên con đường kiến tạo của mỗi quốc gia. Tuy đặc điểm và trình độ phát triển khác nhau, nhưng Thái Lan, Indonesia và cả Singapore đều có những cách giải quyết mâu thuẫn này một cách hài hòa, hợp lý.

Nhờ vậy, không chỉ đã phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, lợi thế riêng, mà còn tạo dựng ra một con đường phát triển vững vàng... Những kinh nghiệm của các nước bạn gợi cho chúng ta nhiều điều suy nghĩ về con đường phát triển ra sao để hướng tới một đô thị "giàu đẹp, văn minh, hiện đại" ở nước ta.

Bài 1: Bảo tồn không chỉ để... bảo tồn

Hiện đại, phát triển, quy củ, "cái gì ra cái nấy"... đó là cảm nhận chung nhất của chúng tôi khi tham gia Đoàn công tác thành phố Hà Nội đi thăm và làm việc tại ba quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Indonesia và Singapore. Sự quy củ không chỉ nằm ở những tuyến phố, những con đường được "đặt" rất hài hòa tựa như mạch máu tạo sức sống cho các tòa nhà cao vút, mà còn nằm ở ngay chính những tuyến phố cổ, những ngôi nhà sẫm màu thời gian.

Một góc hài hòa của Bangkok.


Bảo tồn để thúc đẩy phát triển du lịch

Là thành phố có lịch sử hơn 600 năm trong đó hơn 300 năm được chọn làm thủ đô của Thái Lan, Bangkok là một thành phố có dáng vóc khá hiện đại với mật độ xây dựng khá dày đặc của những tòa nhà chọc trời nhấp nhô. Hệ thống cầu vượt, đường bộ cao tốc, đường sắt trên cao, ga tàu điện ngầm... cũng góp phần khiến cho cảm giác chật chội luôn thường trực. Nhưng bên trong “trái tim” thành phố này vẫn có những “khoảng vắng” đẹp xốn xang, nơi mà màu xanh của cây cối hài hòa với những dãy nhà cổ kính ở khu trung tâm nơi có Cung điện Hoàng Gia và nhiều ngôi chùa nổi tiếng, hay những khu phố cổ Krung Rattanakosin, Khao San...

Tiếp chúng tôi, Tiến sĩ Kriengpol Padhanarath, Giám đốc Sở Quy hoạch đô thị thành phố Bangkok giới thiệu: Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, công trình văn hóa, Chính phủ Thái Lan đã thành lập Ủy ban quốc gia do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban; đồng thời ban hành các chính sách lớn về bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa; tổ chức thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo tồn các di tích, công trình văn hóa, lịch sử.

Việc cải tạo nhà ở của nhân dân trong khu vực phố cổ ở Bangkok được gắn với 2 yêu cầu: hài hòa với cảnh quan xung quanh và phục vụ du lịch. “Chúng tôi chú trọng việc duy tu, tôn tạo những công trình có giá trị đặc biệt theo 4 nhóm là: các khu vườn cổ; các tuyến mương cổ; các thành quách, đền chùa và những cây cầu cổ. Tất cả được ưu tiên tu bổ, tôn tạo phù hợp với thời kỳ xây dựng của mỗi công trình” - ông nói.

- Làm thế nào để Bangkok có được không gian cho mỗi di tích, công trình văn hóa, lịch sử?

Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, Tiến sĩ Kriengpol bộc bạch: Bên cạnh việc quy hoạch cụ thể các di tích lịch sử cần bảo vệ trong các khu phố cổ, chính quyền thành phố Bangkok cũng ban hành những văn bản quy định việc bảo vệ, cấm xâm phạm di tích. Nhưng mặt khác, lại rất chú trọng việc phát triển tạo ra những khoảng trống xung quanh để các di tích trong khu phố cổ “xuất hiện” rực rỡ hơn, trang trọng hơn. “Chỉ có tháo dỡ những công trình lấn chiếm và không cần thiết - thì mới tôn vinh được giá trị nguyên vẹn của các di tích” - Tiến sĩ Kriengpol nhấn mạnh và cũng trăn trở: Hầu hết diện tích đất công quanh các di tích ở Bangkok đã được trả lại cho di tích, nhưng diện tích đất của tư nhân thì vẫn phải trông chờ vào tấm lòng hiến tặng của họ, bởi mua theo giá thị trường rất đắt, và phải rất lâu Nhà nước mới làm được.

Định hướng bảo tồn các giá trị truyền thống gắn chặt với phát triển du lịch trên thực tế cũng trở thành một nội dung quan trọng trong chính sách phát triển du lịch của Thái Lan. Dẫn chúng tôi đi thăm khu di tích Cung điện Hoàng Gia nổi tiếng, một chuyên viên của Sở Du lịch Bangkok giới thiệu: sau khi kết thúc kế hoạch phát triển du lịch lần thứ nhất (từ 2005-2012), Bangkok đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch lần thứ hai (giai đoạn 2013 - 2015) với tiêu chí “Bangkok - Thành phố của những nụ cười”. Kế hoạch này được tuyên truyền rộng rãi để người dân biết và cùng tham gia thực hiện với nhiều nội dung, như: bảo tồn các công trình văn hóa, địa điểm du lịch; tập trung tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng, dịch vụ du lịch và đặc biệt là tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó có tuyến du lịch bằng thuyền tham quan các di tích lịch sử dọc theo các kênh mương cổ và con sông Chao Phraya… “Nhờ bảo tồn tốt, chúng tôi hiện có những tuyến du lịch bằng thuyền mà cảnh quan đẹp không kém gì Venice của Italia”! Anh nói với vẻ đầy tự hào.

Và sự tự hào này cũng có lý khi nhìn vào 22,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế mà Thái Lan đã đón được trong năm 2012; và đáng nể hơn nếu biết thêm rằng 80% trong số đó đều chọn Bangkok làm một điểm đến. Một quốc gia hơn 66 triệu dân, đã thật sự thành công với mục tiêu coi du lịch là “mũi nhọn” của nền kinh tế, tạo sức sống mới cho thủ đô của mình.

Trân trọng quá khứ để có tương lai tươi đẹp

Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm công tác tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, công trình văn hóa, ông Sutanto Suhodo, Phó Thống đốc thành phố Jakarta giới thiệu: Thủ đô Jakarta có hơn 2.000 di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với bề dày lịch sử phát triển đất nước Indonesia. Năm 1999, chính quyền Jakarta ban hành quyết định về tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa và theo giá trị, các di tích được chia làm 3 mức độ để bảo tồn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai bảo tồn các công trình văn hóa, di tích kiến trúc, thành phố cũng gặp một số khó khăn về ngân sách, thẩm quyền quản lý các di tích thuộc sở hữu tư nhân… Vì thế, sự gắn kết giữa khai thác các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống với phát triển du lịch ở thủ đô Jakarta vẫn chưa được mạnh mẽ. Đây cũng là lý do vì sao khi nhắc đến quốc gia hơn 13 nghìn hòn đảo này, khách du lịch quốc tế chủ yếu mới biết đến quần đảo Bali. Nhưng với tính sáng tạo và linh hoạt cao, gắn các hoạt động du lịch với các sự kiện, triển lãm quốc tế để thu hút khách, năm 2012, trong tổng số 8 triệu khách quốc tế đến Indonesia vẫn có 2,1 triệu khách du lịch quốc tế đến thăm Jakarta. Đơn giản vì ngoài những khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc Hồi giáo, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Trung Quốc... ở đây còn có Bảo tàng quốc gia Indonesia, bảo tàng lịch sử Jakarta và khu trưng bày sinh vật biển Jakarta được coi là tầm cỡ nhất nhì Đông Nam Á.

Những ấn tượng của chúng tôi về bảo tồn tại Jakarta có dịp được in sâu hơn khi tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia trên con phố cổ Teuku Umar. Con phố này cũng xanh mát và có phần cổ kính tương tự như phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ... của Hà Nội, nhưng công tác bảo tồn thì khác xa. Dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi của Đại sứ quán Việt Nam, đại sứ Nguyễn Xuân Thủy bộc bạch: “đất và vườn còn rộng, nhưng nhà thì chỉ được 2 tầng như vậy thôi”. Tại sao ư? Đại sứ cho biết: Indonesia có quy định, với những ngôi nhà cổ trong khu phố phải bảo tồn - thì công việc sửa chữa, cải tạo bắt buộc phải tuân thủ 3 quy định. Một là, tường của nhà ở 2 số nhà khác nhau phải cách tối thiểu là 3 mét. Hai là, chỉ được xây dựng nhà 2 tầng mái lợp ngói. Và thứ ba là mặt tiền ngôi nhà trước đây thế nào, thì sau khi tu sửa, cải tạo - phải giữ đúng nguyên hình như vậy.

Đi tham quan trọn con phố Teuku Umar và nhiều phố cổ khác gần đó, chúng tôi càng cảm nhận rõ hiệu lực của quy định về bảo tồn. Rất nhiều ngôi nhà cổ kính 300 - 400 tuổi vẫn nguyên nét kiến trúc xưa cao 2 tầng ẩn mình dưới những hàng cây xanh mướt. Nếu nhìn vào con số gần 5 triệu người từ các địa phương lân cận phải đi về hằng ngày và 7 triệu dân “có hộ khẩu” ở Jakarta thì mới thấy hết tính nghiêm minh của luật pháp trong quản lý đô thị.

Và ấn tượng nhất về cách bảo tồn của Indonesia là việc tồn tại một ngôi đền cổ của người dân địa phương ở ngay trong lòng khách sạn Novotel Gajah Mada 4 sao, cạnh khách sạn chúng tôi ở trên phố Gajah Mada. Một ngôi đền cổ được “đặt” trân trọng với không gian đủ rộng và đủ thuận tiện để phục vụ những hoạt động tín ngưỡng (mà không làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh) khiến tôi bất giác liên tưởng tới quyết định của những nhà đầu tư Indonesia năm 1997 thay vì phá bỏ đã giữ lại ống khói lịch sử cao khoảng 40 mét của nhà máy gạch Đại La trong khuôn viên khách sạn Hanoi Horison 5 sao (mới đây đã đổi tên thành Pullman Hanoi) ở phố Cát Linh (Hà Nội). Sự kết hợp ấy không những bảo tồn được những dấu tích lịch sử, mà còn tạo được điểm nhấn thú vị, độc đáo cho những công trình hiện đại.

Là miền đất có lịch sử khá phong phú gắn liền với các nước Bồ Đào Nha, Anh và sau này là Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore là quốc gia - thành phố với chiều dài 43km, nơi rộng nhất là 23km (tổng diện tích chỉ có 714km2) và hơn 5,1 triệu dân sinh sống. Từ một làng chài nhỏ bé, giờ đây Singapore đang khiến cả thế giới ngưỡng mộ về kỳ tích “hóa rồng” với thu nhập bình quân đầu người thuộc mức cao nhất thế giới. Trong hành trình đó, câu chuyện bảo tồn các giá trị truyền thống được đặc biệt chú ý và tôn trọng.

Ông Seow Kah Ping, Giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế, Cơ quan tái thiết đô thị Singapore (URA), một cơ quan thuộc Bộ Phát triển quốc gia Singapore, cho chúng tôi biết: Để bảo tồn một cách bài bản các giá trị truyền thống, Chính phủ Singapore đã xây dựng chiến lược bảo tồn các di tích văn hóa, kiến trúc từ thời xưa để lại. Sau đó, sử dụng công nghệ thông tin để xây dựng các quy hoạch, tính toán các phương án tối ưu về xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông (như xây dựng đường giao thông xung quanh khu vực phố cổ, yêu cầu các chủ đầu tư khi xây dựng các công trình phải gắn với xây các bãi đỗ xe…) gắn liền với bảo tồn các di tích. Đặc biệt, việc “giải cứu” tình trạng xuống cấp của các di tích được Chính phủ rất quan tâm với những quy định đặc biệt về cải tạo, chỉnh trang rất cụ thể, chặt chẽ. Chỉ đơn cử một việc là sơn màu vôi tường nhà trong khu phố cổ ra sao - cũng phải theo quy định của chính quyền. Đồng thời, các giải pháp nhằm giảm mật độ dân trong các khu vực này cũng được hết sức quan tâm, đặt thành một mục tiêu yêu cầu khi triển khai xây dựng thêm các công trình lân cận.

Nhờ cách làm khoa học ấy mà đến Singapore bây giờ, chúng ta có thể chiêm ngưỡng những khu phố cổ gắn với phong cách kiến trúc và sinh hoạt của các nền văn hóa khác nhau: khu phố Nhật Bản, khu phố Anh, khu phố Trung Hoa, khu phố Ảrập... Cùng với vô số những trung tâm thương mại hiện đại với bạt ngàn hàng hiệu của các nước ở những đại lộ mua sắm khác, vượt qua những khó khăn, khủng hoảng, Singapore thật sự là một điển hình về sức hút khách du lịch bởi chính những giá trị riêng của mình: năm 2012 đón trên 11,8 triệu khách du lịch quốc tế! Và du lịch cùng với dịch vụ vận tải biển; dịch vụ tài chính, ngân hàng; lọc hóa dầu - đã trở thành 4 mũi nhọn chủ lực của nền kinh tế đảo quốc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vững một con đường (bài 1)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.