Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Nước mắt ngày đoàn tụ

Ngọc Hải - Đức Trường| 10/05/2013 06:31

(HNM) - Chiều chạng vạng, dù đã được đưa về phòng chờ của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lào Cai mà Hoàng Văn Nguyệt (huyện Văn Bàn, Lào Cai) vẫn run bần bật.


Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ, ngồn ngộn hồ sơ tội phạm, Đại tá Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Điều tra tội phạm ma túy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai chìa ra xấp công văn than thở: "Trong hai ngày mà có đến 15 cái công văn của nước bạn đề nghị phối hợp xác minh nhân thân các nạn nhân bị lừa bán qua biên giới". Lật giở tệp công văn Đại tá Nguyễn Văn Thái đưa, chúng tôi thấy có rất nhiều nạn nhân ở các tỉnh, thành khá xa như: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, Lai Châu, Yên Bái. Đặc biệt, một số nạn nhân ở cả khu vực phía Nam như Quảng Ngãi, Tây Ninh, Vũng Tàu. Đại tá Thái cho biết thêm, chỉ tính riêng trong năm 2012, lực lượng biên phòng Lào Cai đã xác lập 8 chuyên án về buôn bán người qua biên giới, giải cứu 78 nạn nhân, trong đó có tới 30% số nạn nhân được giải cứu tại đường biên giới.

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội Lào Cai thăm hỏi hai nạn nhân vừa được giải cứu.


Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi một cuộc điện thoại từ Đồn biên phòng Cửa khẩu báo tin về hai đối tượng có dấu hiệu đưa người qua biên giới để bán ở khu vực cầu Kim Tân. Lập tức, các chiến sỹ Phòng Điều tra tội phạm ma túy được tung ra tăng cường cho đồn. Chiếc xe của Báo Hànộimới cũng được trưng dụng chở các chiến sỹ cùng Hoàng Văn Cảnh, anh trai của nạn nhân bám theo dấu đối tượng. Tuy nhiên, đến gần khu vực cầu Kim Tân (thành phố Lào Cai), hai đối tượng đã mất dạng, chỉ thấy một cô gái chừng 16 tuổi, dáng người mảnh khảnh ngồi gục đầu thất thểu bên gốc cây ngay mé đầu cầu. Anh trai của nạn nhân ngờ ngợ: "Anh cho em xuống xem thế nào?". Chiếc xe dừng lại, cô gái ngẩng lên và người anh trai bỗng xót xa nhận ra đó chính là em gái mình.

Trở về Đồn Biên phòng cửa khẩu Lào Cai, đôi mắt cô gái vẫn như vô thần, không nói nửa lời, dáng người gầy rộc thi thoảng lại rung bần bật. Thiếu tá Nguyễn Hữu Hải, Đồn phó trinh sát cho biết, thông thường trước khi bị lừa sang bên kia biên giới, các đối tượng thường cho nạn nhân uống thuốc mê. Nhìn người em gái thất thần, người anh trai xót xa cho biết, tên em là Hoàng Văn Nguyệt, ở huyện Văn Bàn ( Lào Cai), hiện đang học lớp 10 trường huyện. Hằng ngày, cứ chiều đến là Nguyệt có mặt ở nhà. Ấy thế mà đã ba hôm nay (từ chiều 5-3), Nguyệt bặt tin. Hỏi thăm các bạn học, anh được biết Nguyệt đã theo bạn đi chơi, nói là xuống thành phố Lào Cai. Cả gia đình tức tốc xuống thành phố tìm Nguyệt, đồng thời trình báo với Đồn Biên phòng Cửa khẩu. May cho Nguyệt, đến trưa 7-3, các trinh sát đã phát hiện hai đối tượng khả nghi cùng một cô gái đang tìm cách qua biên giới.

Đưa chúng tôi sang Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lào Cai gặp gỡ một số nạn nhân mới được giải cứu, Thiếu tá Nguyễn Hữu Hải cho biết thêm, có nhiều trường hợp sang đến bên kia biên giới đã lén gọi được điện về nhà. Nhưng bản thân nạn nhân không biết mình đang ở đâu, do đó công tác giải cứu trên đất bạn gặp rất nhiều khó khăn. Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Lào Cai, chúng tôi đã gặp Tẩn Thị Mai, hiện là học sinh lớp 10 của một trường thuộc thành phố Lào Cai vừa được các chiến sỹ biên phòng đưa về từ bên kia biên giới sau hơn một tháng mất tích. Nét mặt chưa hết bàng hoàng, Mai kể: "Kẻ buôn người xưng là Huy, là bạn của bạn gái cháu!". Đã quen biết từ lâu nhưng Mai chưa hề biết nhà Huy ở đâu mà chỉ nghe nói là ở Bản Lầu. Tối đó, Mai cùng một bạn gái được Huy mời đi chơi hội trên Sa Pa và ghé thăm nhà. Nghĩ rằng đã chơi với nhau thì cũng nên biết nhà nhau, Mai gật đầu đồng ý. Thế nhưng Mai đâu biết rằng, cuộc hành trình thăm nhà Huy chính là cái bẫy đã được các đối tượng buôn người giăng sẵn cho cô gái nhẹ dạ. Vượt qua mấy quả đồi, Huy bảo đi qua con suối kia là đến nhà. Lúc này, Mai mới chột dạ vì nhớ lời các thầy cô và các chú bộ đội biên phòng rằng: Phải cẩn thận khi bị đưa qua suối vì hầu hết đó là mốc đường biên để sang bên kia. Thế nhưng giữa đường đèo vắng, Mai chưa kịp hỏi bạn thì đã xuất hiện 2-3 đối tượng khác. Chúng lập tức khống chế Mai cùng cô bạn đưa mỗi người đi một hướng khác nhau. Sau đó, Mai được bán cho một gia đình ở sâu trong nội địa. Cũng may cho Mai, đó là một gia đình trí thức và có hiểu biết. Sau gần một tháng thuyết phục Mai làm vợ cho cậu con trai trong nhà không được, họ đã quyết định đưa Mai về cửa khẩu bàn giao cho bộ đội biên phòng.

Không may mắn như Nguyệt và Mai, Phan Thị Minh sinh ra ở một vùng thuần nông Hải Dương. Không thi đỗ đại học, Minh xin vào làm ở một công ty cách nhà 30km và nảy sinh tình cảm rồi lên nghĩa vợ chồng với chàng trai làm nghề tự do gần đó. Ở chung với bố mẹ chồng được một thời gian thì hai vợ chồng Minh chuyển ra thuê phòng ở riêng. Cũng lúc đó, Minh bị tai nạn giao thông, buộc phải nghỉ việc để chữa bệnh. Mức lương bấp bênh của chồng không đủ trang trải sinh hoạt và thuốc thang cho vợ. Cuộc sống quá khó khăn, Minh đã mang nỗi lo lắng của mình để kể cho một người bạn quen trên mạng 2 năm về trước tên là Bùi Văn Huy. Huy đã đưa cho Minh vay 10 triệu đồng để lo thuốc thang, nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Và đúng lúc Minh bình phục, Huy đã vẽ cho Minh một công việc mới: Nhận hàng từ Móng Cái về Hà Nội bán. Những tưởng được người bạn tốt, Minh đã lên đường. Ngày 17-9-2011, Huy đi taxi tới đón Minh ở Hưng Yên rồi vòng xe về Móng Cái. Đến chợ Móng Cái, Huy gọi điện cho một phụ nữ tên là Tình với lời giới thiệu là mẹ Huy, nhưng thực chất là một chủ chứa đến để xem mặt. Những người này đã đưa Minh sang bên kia biên giới, đưa vào "hang hùm" mà đến bây giờ, khi nói chuyện với chúng tôi, Minh vẫn không thể tin đó là sự thật.

Sang đất Trung Quốc, Minh được Tình và Huy đưa lên ô tô đến tỉnh Quảng Đông. Đến Lim Coong, Minh được một người phụ nữ đưa về một căn nhà. Ở đó, có khoảng 20 cô gái Việt đang ăn ở, sinh hoạt. Một người bảo với cô là cô đã bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm với giá 10 nghìn nhân dân tệ rồi. Đau đớn, Minh nghĩ cách chạy trốn. Nhưng mỗi lần định trốn là những trận đòn, những lần bị đánh đập, lăng mạ, xỉ nhục và hành hạ thể xác. Mỗi ngày, "đoạn trường" của Minh và các cô gái bắt đầu từ 6h sáng đến 7h tối, quãng đường từ nơi ở đến chỗ làm việc đều có người đưa đón, giám sát gắt gao. Buổi tối, không ai dám xin phép ra ngoài, phần vì sợ bọn "trai trẻ" chuyên đi bắt cóc gái mại dâm của chủ này bán lại cho chủ khác, phần nữa sợ chủ chứa biết sẽ đánh đập. Chủ chứa quy định mỗi người phải phục vụ ít nhất là 20 khách. Và dã man hơn, để ngăn các cô trốn khỏi động quỷ, chúng đã dùng ma túy để giữ chân. Bởi theo chúng, khi đã dùng ma túy, nếu trốn được ra ngoài họ sẽ không dám đến đồn cảnh sát nhờ giải cứu vì có thể sẽ bị bắt vì xét nghiệm sẽ cho kết quả dương tính với ma túy.

Có lẽ Minh cũng như biết bao cô gái khác không thể có ngày trở về nếu ngày 19-12-2011, sau hơn 3 tháng bị bán sang làm gái mại dâm ở Trung Quốc, cô được Công an Việt Nam phối hợp với Công an Trung Quốc giải cứu. Trở về Việt Nam bằng chính cung đường mà tên Huy cùng đồng bọn đưa cô vào động quỷ, giọt nước mắt Minh cứ chảy mãi...

* Tên nạn nhân đã thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Nước mắt ngày đoàn tụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.