Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa hè đã... khát! (tiếp theo)

Bảo Nga - Ngọc Thủy| 15/05/2013 06:56

(HNM) - Trong khi hơn 60% dân cư tại các khu vực ngoại thành Hà Nội đang sống trong cảnh


Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra

Trưa đầu hè, con đường đê xanh mướt dẫn vào xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm vắng hoe, không một bóng người qua lại. Sau vài lần hỏi thăm, chúng tôi cũng tìm được trạm cấp nước sạch nằm khuất phía sau trại nuôi cây giống. Khó ai có thể hình dung nổi, 12 năm về trước, nơi đây từng là một trạm cấp nước sạch có dung tích lớn vào loại nhất, nhì của huyện Gia Lâm, với số vốn đầu tư lên tới 4,5 tỷ đồng. Nằm trên khoảng đất rộng, khu vực sân xung quanh bể lọc chứa nước nay đã được vây kín bởi đất, rác và hàng trăm cây cảnh, chậu cảnh đủ loại... Sau nhiều năm bỏ hoang, toàn bộ đường ống và hệ thống rào sắt bảo vệ trong khu bể lọc bị gỉ sét, các hạng mục như hệ thống bơm cấp hai, hệ thống khử trùng, bể lắng... đều trong tình trạng mục nát, phủ kín rêu xanh. Theo một người dân sống ở thôn Phù Đổng 1, trạm cấp nước xã Phù Đổng được xây dựng năm 2001 với công suất thiết kế ban đầu lên tới 120 m3/giờ. Sau khi việc xây dựng hoàn tất, trạm được bàn giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Phù Đổng khai thác. Thời gian đầu, hệ thống bơm hoạt động khá tốt, chất lượng nguồn nước cung cấp bảo đảm. Nhưng khi hệ thống đường ống trục chính được lắp đặt xong cũng là lúc trạm đứng trước nguy cơ ngưng hoạt động. Lý do chủ yếu là người dân không có nhu cầu dùng nước sạch. Nói chính xác hơn, việc bỏ ra hàng triệu đồng "đầu tư ban đầu" để lắp đặt đường ống và số tiền sử dụng hằng tháng là quá xa xỉ với thu nhập của đa số người dân trong xã. Dân không mấy mặn mà nên chỉ sau 3 năm, cả xã chỉ có khoảng 100 hộ trên tổng số 3.000 hộ dân đăng ký dùng nước sạch. Thu không đủ bù chi, trạm cấp nước đành tạm ngưng hoạt động và nằm "đắp chiếu".

Trạm cấp nước sạch xã Phù Đổng đầu tư tiền tỷ nhưng bỏ hoang.



Tuy không đến mức bi đát như trạm cấp nước sạch Phù Đổng, song tình trạng đầu tư dàn trải, qua loa trong khâu khảo sát nhu cầu sử dụng nước sạch thực tế của người dân cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác. Đơn cử, cách đây vài năm, UBND thành phố giao BQL Duy tu giao thông đô thị (đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) đầu tư xây dựng 3 trạm cấp nước sạch tại các xã Nam Sơn - Hồng Kỳ - Bắc Sơn trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Theo tính toán, tổng kinh phí xây dựng 3 trạm cung cấp nước này đã lên tới 33 tỷ đồng. Tuy nhiên, trái với khâu khảo sát của đơn vị xây dựng, sau khi đưa các trạm cấp nước vào vận hành, người ta mới ngã ngửa nhận ra nhiều hộ dân không có nhu cầu sử dụng nước sạch. Tại trạm cấp nước Nam Sơn, trong tổng số 96 hộ được lắp đặt đường ống cấp nước sạch, đến nay chỉ có 40 hộ sử dụng thường xuyên, số hộ còn lại vẫn trung thành với nước giếng khoan. Trước tình trạng khai thác không hiệu quả sau đầu tư, một lần nữa, 3 trạm cung cấp lại được chuyển giao Công ty Nước sạch Hà Nội vận hành và khai thác.

Một cán bộ kỳ cựu trong ngành kinh doanh nước sạch than thở: "Chưa bao giờ tình trạng đầu tư các trạm cung cấp nước sạch lại dàn trải và lãng phí như thời gian qua. Phần lớn các địa phương, đơn vị khi được cấp kinh phí là "nhắm mắt làm liều", vội vàng xây dựng trạm cung cấp nước trong khi "bỏ qua" khâu khảo sát nhu cầu sử dụng và khả năng chi trả của người dân. Hậu quả là nơi cần nước sạch thì không có, nơi có nước sạch lại chẳng cần...".

Cần chọn giải pháp tối ưu

Những năm qua, Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng 115 công trình cung cấp nước sạch phục vụ nhân dân các khu vực ngoại thành. Tuy nhiên đến nay, ngoài 90 trạm được đưa vào sử dụng vẫn còn nhiều công trình nằm "đắp chiếu" do xây dựng dở dang hoặc quản lý, vận hành kém hiệu quả, chủ yếu tập trung ở các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai… Do lâu ngày không đưa vào sử dụng, vận hành, bảo dưỡng nên hiện hầu hết máy móc, trang thiết bị của các công trình trên đều hư hỏng nặng, nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng không còn khả năng sử dụng. Nguyên nhân của tình trạng này ngoài việc chưa khảo sát nhu cầu của người dân địa phương còn do khi triển khai các dự án, ngoài 60% số vốn đầu tư của Nhà nước, các địa phương hưởng lợi phải huy động 40% số vốn còn lại. Nhưng khi triển khai hầu hết các địa phương đều không thực hiện đúng cam kết về số vốn đối ứng, do vậy các dự án sau khi hoàn thành giai đoạn I (phần vốn nhà nước) là công trình bị dừng lại. Ngoài ra, một số đơn vị thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ công trình sau khi nhận bàn giao cũng là nguyên nhân khiến các trạm cấp nước bị bỏ hoang. Hoặc khi đưa vào sử dụng, việc vận hành, quản lý không đúng chuyên môn, kỹ thuật dẫn đến hỏng hóc, tỉ lệ thất thoát nước quá lớn khiến "thu không đủ chi", dẫn đến việc một số trạm cấp nước phải dừng hoạt động.

Trước thực trạng trên, vào cuối năm 2012, xét đề nghị của Sở NN&PTNT, UBND TP đã có 6 quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch liên xã cho các huyện là Mỹ Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa và Mê Linh. Các dự án này do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, khai thác nguồn nước ngầm, nước mặt sông Đáy, sông Hồng với mục tiêu là cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, cơ quan hành chính, công trình công cộng, làng nghề… Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế xây dựng, quản lý và vận hành kém hiệu quả của những trạm cấp nước nông thôn trước đây, các cơ quan hữu quan vẫn đang tiếp tục thảo luận để tìm ra một giải pháp tối ưu nhất.

Cùng với 6 công trình cấp nước trên cũng có 56 dự án khác nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư xây dựng cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn TP Hà Nội đến năm 2030, với kinh phí dự kiến khoảng 13.000 tỷ đồng. Trong đó, Ba Vì là huyện được đầu tư xây dựng nhiều trạm cấp nước nhất với 11 dự án, chủ yếu khai thác nước mặt suối và nước mặt sông Hồng với công suất dự án lớn nhất là 5.000 m3/ngày đêm. Các dự án còn lại chủ yếu tập trung trên địa bàn xã thuộc các huyện phía tây mới sáp nhập, đặc biệt là những nơi người dân đang "khát nước" nghiêm trọng như Mỹ Đức, Thạch Thất… mà bài báo trước chúng tôi đã đề cập. Ngoài ra, sẽ có thêm 92 xã được nối mạng vào hệ thống cấp nước này, bên cạnh việc đấu nối, sử dụng các công trình cấp nước đã được xây dựng từ trước. Với quyết định này của thành phố, đến năm 2020 toàn bộ người dân sống ở các vùng nông thôn của Hà Nội được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Nhưng trước mắt, trong mùa hè 2013 này, để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, Công ty Nước sạch Hà Nội cũng đã có kế hoạch mở rộng mạng lưới cấp nước sạch thêm nhiều xã thuộc các khu vực Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn...

Thiết nghĩ, để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ngoại thành, các cơ quan chức năng cần sớm khảo sát, đánh giá thực trạng của các trạm cấp nước đang "đắp chiếu", trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục tồn tại. Bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác các trạm cấp nước nông thôn. Đây là tiền đề tốt cho việc mở rộng mạng lưới cấp nước nông thôn, đấu nối với những công trình đang chuẩn bị được đầu tư theo quy hoạch đã được thành phố phê duyệt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa hè đã... khát! (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.