Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến “Vùng đất của gió” ở Malaysia

Nguyễn Ngọc Tiến| 27/05/2013 06:53

(HNM) - Nằm ở phía bắc đảo Borneo, Sabah là bang lớn thứ hai tại Malaysia với khoảng 2,6 triệu dân. Phía nam Sabah có ngọn núi Kinabalu cao 4.095 mét so với mặt nước biển và là ngọn núi cao nhất Đông Nam Á.


Ấn tượng giao thông

Khi đến một quốc gia khác, chỉ cần rời sân bay một vài cây số là ta có thể có những nhận định ban đầu về đường sá, xe cộ và ý thức của người dân tham gia giao thông ở nước sở tại. Tôi từng đến Malaysia, đi ô tô trên tuyến đường cao tốc chạy từ bang Malaka về đến thủ đô Kuala Lampur và chỉ có thể nói rằng nó là tuyến đường rất tốt vì rộng rãi và hầu như không bao giờ xe cộ bị dồn ứ. Thế nhưng, với bang "nghèo" như Sabah, lại cách bán đảo Malay (phần lãnh thổ tiếp giáp với Thái Lan) tới 2 giờ 30 phút bay mà hạ tầng giao thông hoàn thiện khiến tôi ngạc nhiên.


Thủ phủ Kota Kinabalu của bang Sabah.


Từ thủ phủ Kota Kinabalu, thị xã Sandakan nằm ở vùng biển phía Đông bắc đảo Borneo, đến các con đường vào các bản trên núi cao đều được trải nhựa hay đổ bê tông rộng rãi, chia làn rõ ràng với hệ thống biển báo đầy đủ. Cũng như Thái Lan, xe ô tô của Malaysia đi bên trái đường vì thế tay lái nằm ở bên phải xe.

Dù "nghèo" nhưng cũng Kuala Lampur, phương tiện giao thông cá nhân ở Sabah chủ yếu là ô tô, thi thoảng mới thấy một vài chiếc xe máy. Nhà nghèo nhưng vào thị xã bán mấy quả sầu riêng cũng thấy có ô tô bên cạnh. Dưới sân những chung cư cũ kỹ là những dãy dài ô tô. Tất nhiên là các loại xe nội địa không còn mới. Ô tô ở Malaysia chỉ là phương tiện đi lại nhưng cũng là thứ chỉ ra ai giàu, ai nghèo. Ô tô cá nhân chiếm ưu thế vì giá xe Proton sản xuất ở Malaysia khá rẻ, tính theo tiền Việt Nam mẫu xe nhỏ giá vào khoảng 300 triệu đồng, mẫu lớn hơn giá cũng không vượt quá 600 triệu đồng. Không chỉ rẻ mà mua xe nội địa còn được các ngân hàng cho vay tới 90% giá thành chiếc xe với mức lãi suất chỉ từ 2-3%/năm. Nếu thu nhập thấp, người ta có thể tìm đến các hiệu bán ô tô cũ, có chiếc tính theo tiền Việt Nam chỉ khoảng 20 hay 30 triệu đồng và khách có thể trả dần với sự bảo lãnh của ngân hàng để khuyến khích người dân sử dụng xe nội địa, chính quyền đã đánh thuế tới 300% đối với ô tô nhập khẩu. Chưa hết, Chính phủ Malaysia cũng trợ giá xăng với giá bán là 1,5 RM/lít (tương đương 10.000 đồng Việt Nam). Ở nhiều quốc gia, chỗ đậu xe trong nội đô là vô cùng quan trọng, thế như ở Sabah cũng như các bang khác, cơ bản các điểm đỗ xe là miễn phí. Đâu đâu cũng thấy ô tô nhưng việc đi lại rất trật tự và quy củ, dù đêm khuya trên đường thưa vắng phương tiện nhưng đèn tín hiệu giao thông màu đỏ thì các tài xế đều dừng lại. Và hầu như tôi không nghe thấy tiếng còi xe dù đó là ở thủ đô Kuala Lampur, thủ phủ Kota Kinabalu hay ở vùng núi cao. Anh hướng dẫn viên là người dân tỉnh Sandakan nói với tôi rằng, tai nạn giao thông hiếm khi xảy ra vì ý thức chấp hành giao thông của người dân rất cao và xe cộ được đăng kiểm nghiêm ngặt. Anh đố tôi thấy bóng dáng cảnh sát giao thông trên đường và quả là như vậy, hơn một tuần ở Sabah, duy nhất một lần tôi nhìn thấy một cảnh sát đi xe máy phân khối lớn.

Cuộc sống yên bình

Sandakan từng nổi tiếng trên bản đồ hàng hải của các thương gia quốc tế từ nhiều thế kỷ trước. Có thời kỳ, miền đất này được gọi là "nơi tập trung nhiều triệu phú nhất trên thế giới". Sở dĩ người ta nói như vậy bởi nơi đây tấp nập những thương gia giàu có buôn bán các loại gỗ quý, lâm sản hiếm và lạ từ những cánh rừng già Borneo, rồi ngọc trai, hải sâm dưới biển, tổ yến trên những hang đá ngoài khơi cách đất liền không xa. Vào năm 1881, khi Công ty Anh Bắc Borneo (British North Borneo Company) đến đây, họ đã chọn Sandakan làm thủ phủ của vùng Bắc Borneo vào năm 1883, cho xây dựng cầu cảng, khách sạn cùng những cơ sở phục vụ cho cuộc sống của họ và các thương nhân nước ngoài. Thời kỳ đó, Sandakan to đẹp và hiện đại hơn cả Hồng Kông hay Singapore. Tuy nhiên, khi các nguồn lâm sản, hải sản cung cấp cho các nhà buôn ngày càng khan hiếm thì Sandakan không còn là vùng đất quan trọng nữa. Từ vùng đất náo nhiệt, Sandakan yên ả trở lại như nó vốn có vào giữa thế kỷ XX.

Có một điều thú vị, tại những nơi luôn đông đúc như siêu thị, chợ truyền thống, các quán ăn, khu vui chơi giải trí ở Kota Kinabalu, thị xã Sandakan, tôi không bị những người bán hàng làm phiền, không bị cánh taxi quấy rầy dù họ biết tôi là người nước ngoài. Họ chẳng quan tâm tới tôi nhưng nếu tôi hỏi siêu thị, chợ đêm ở đâu thì họ vô cùng tận tình. Một điều chắc chắn rằng các công ty điện thoại di động đến Kota Kinabalu, Sandakan hay ngôi làng Sukau nằm trong cánh rừng ngập nước sẽ thất vọng vì công lao họ nghĩ ra những tiếng chuông êm tai hay thánh thót trở nên vô nghĩa vì chẳng bao giờ họ có thể nghe thấy tiếng chuông. Chỉ khi nghe tiếng họ nói ta mới biết họ đang nói chuyện điện thoại vì ai cũng để máy ở chế độ rung. Không thấy học sinh, không thấy người cao tuổi dùng điện thoại, người hướng dẫn cho chúng tôi giải thích học sinh đi học xong về nhà, chẳng có lý do gì mà phụ huynh mua điện thoại cho chúng. Nơi mà dễ nói to hay gây ra các âm thanh ồn ào nhất chính là các quán ăn. Tuy nhiên, các quán hải sản đông đúc ngay gần biển trước cửa khách sạn Le Meridien lại rất dễ chịu, âm thanh xào nấu thức ăn thậm chí còn to hơn cả khách ăn nói chuyện. Một số quán hải sản có bia lon và rượu địa phương nấu bằng gạo, nồng độ trên chai ghi rõ là 13,9o, uống như nước cốt rượu nếp ở Việt Nam nhưng hầu hết đàn ông (không phải là người theo đạo Hồi) ăn hải sản và uống nước ngọt. Dù trên bàn ăn có để gạt tàn thuốc lá nhưng cũng rất ít đàn ông Sabah hút thuốc và rất khó tìm thấy thuốc lá trong siêu thị hay các quầy tạp hóa nhỏ. Nhịp sống ở Sabah chậm rãi và bình yên. Sabah có 30 dân tộc khác nhau với khoảng 80 thổ ngữ và trong những ngày lưu lại ở đây, tôi không thấy ai to tiếng, cãi nhau và đánh nhau thì càng không. Có lẽ âm thanh to nhất và ồn ã chính là những tiếng xe máy phân khối lớn của câu lạc bộ mô tô. Họ từ Kuala Lampur đến thực hiện chuyến đi xuyên bang này. Không ai vội vã và cũng không thấy lái xe nào bực bội khi di chuyển trong phố mỗi khi xe dồn ứ. Trước khách sạn là biển và vào buổi chiều tôi vẫn thấy có chàng trai ngồi bên cạnh cô gái theo đạo Hồi chùm khăn tâm sự và tất nhiên không có chuyện khoác vai nhau.

Đi chợ đêm hay dừng lại ngắm vài thứ cũng không bị ai mời chào vồn vã hay lôi kéo, cứ xem, không mua cũng không sao. Tại chợ cá trước khách sạn Le Meridien, có người đàn bà trông khắc khổ như ngồi thiền trước mớ ốc biển, chút rong chứ không phải ngồi bán hàng. Dọc theo chợ truyền thống gần cầu cảng Sandakan có đủ các loại hàng hóa địa phương, bên ngoài ngồi thành dãy là cánh đàn ông kê chiếc máy khâu trước cửa đón khách đến cắt gấu quần hay sửa lại chiếc váy mới mua, hiếm khi thấy nụ cười, không lạnh lùng nhưng cũng không vồn vã với khách. Họ lặng lẽ mưu sinh. Ban đêm thủ phủ Kota Kinabalu, thị xã Sandakan ồn ào hơn vì hoạt động thương mại đến khuya, nhưng buổi sáng thì ít nhất phải 9 giờ khi nắng đã bừng lên trên biển từ lâu thì các cửa hàng tạp hóa rục rịch mở cửa. Tôi thực sự tiếc vì không thể chụp được cảnh một chiếc tàu cá lớn dắt theo 5 chiếc thuyền con ra khơi đánh cá. Anh hướng dẫn tiếc cho tôi, anh bảo đó chính là con người Sabah...
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đến “Vùng đất của gió” ở Malaysia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.