Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ghi tại điểm cực bắc Tổ quốc

Dạ Khánh| 29/05/2013 06:29

(HNM) - Lâu nay, cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang) vẫn được coi là điểm cực bắc của Tổ quốc. Thế nhưng, cách cột cờ Lũng Cú 4-5km về phía bắc, cột mốc 428 mới chính là điểm đánh dấu phần lãnh thổ đất liền Việt Nam vươn ra xa nhất.


Tự hào bên cột mốc 428 - điểm đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


Đã từng đặt chân tới núi Rồng trên đỉnh của Cao nguyên đá Đồng Văn, đứng dưới cột cờ quốc gia Lũng Cú, thế nhưng ước muốn được ghi dấu các điểm cực của Tổ quốc đã thôi thúc chúng tôi lên đường tìm đến cột mốc cực Bắc 428. Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú, Thượng tá Nguyễn Hải Lý cho biết: "Theo Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 30-12-1999 phân định biên giới trên toàn tuyến giữa hai nước để tạo thành một đường biên giới hòa bình và hữu nghị, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý và duy trì ổn định ở vùng biên giới, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức cắm cột mốc đầu tiên vào cuối năm 2001. Đến nay, 100% công việc phân định biên giới, cắm mốc đã hoàn thành. Tỉnh Hà Giang có 273,5km đường biên giáp Trung Quốc, gồm 34 xã, thị trấn biên giới. Trong đó, Đồn Biên phòng Lũng Cú quản lý trên 27km đường biên giới thuộc địa bàn hai xã Lũng Cú và Ma Lé, với 26 cột mốc quốc gia (18 mốc chính, 8 mốc phụ)".

Giống như đặc điểm tự nhiên chung của vùng biên cương núi đá Đồng Văn, hai xã Lũng Cú và Ma Lé là một vùng núi non hùng vĩ với địa hình hiểm trở, đường sá quanh co, khí hậu khắc nghiệt. Khi chúng tôi chuẩn bị lên đường, Thượng tá Nguyễn Hải Lý không khỏi lắc đầu: "Đi vất vả lắm đấy!", rồi dặn đi dặn lại: "Đi lại phải hết sức cẩn thận!" bởi vẫn còn những khu vực chưa rà phá hết bom, mìn, vật cản sau chiến tranh...

Từ Trạm Biên phòng Lũng Cú đóng dưới chân núi Rồng, chúng tôi lên xe, đi thêm chừng 4km tới bản Xéo Lủng - bản của người Mông nằm chênh vênh trên sườn núi sát đường biên, trên độ cao trung bình 1.600-1.800m so với mặt nước biển. Để xe lại bản, từ đây đoàn cuốc bộ theo con đường mòn tuần tra biên giới. Bùi Đức Thoắng (quê Hoa Lư, Ninh Bình) và Giàng Thìn Hòa (người dân tộc Mông, người Quản Bạ, Hà Giang) là hai chiến sĩ biên phòng được giao nhiệm vụ dẫn đoàn. Theo con đường đất chạy bám vào sườn núi - đây cũng là con đường mà người dân bản xuống núi hái rau củ, dẫn ngựa đi lấy cỏ về nuôi dê, ngựa, chúng tôi hạ thấp dần độ cao. Phía dưới, dòng Nho Quế với màu nước xanh ngắt như ngọc bích, đẹp đến mê hồn, uốn mình lượn men theo chân núi.

Giàng Thìn Hòa, chàng trinh sát trẻ tuổi vừa đi vừa tâm sự: "Em quê Quản Bạ (Hà Giang), học Trung cấp Biên phòng I ở Bắc Giang, ra trường tháng 3-2012, một tháng sau đó về nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Lũng Cú". Được công tác ngay tại quê nhà, Hòa có nhiều lợi thế hơn so với nhiều anh em trong đơn vị. Nhiệm vụ nghe Hòa nói có vẻ đơn giản: Một tuần đi tuần tra một lần, kiểm tra xem các mốc có nguyên vẹn không? Xem bà con nước bạn có xâm canh sang nước mình không? Song thực tế không hề đơn giản vậy. Đường đến các mốc giới cũng là con đường khó đi nhất mà không chiếc xe cơ giới nào có thể vào được. Anh em thường xuyên phải cuốc bộ, luồn rừng, trèo đèo, lội suối… Những hôm nắng ráo, việc đi lại đỡ vất vả song vẫn mất cả buổi mới đến được cột mốc xa và thuộc loại khó "nhằn" nhất là mốc 218 ở Bản Tin (xã Ma Lé). Còn những hôm trời mưa thì gian khổ nhân lên bội phần, đường đất biến thành bùn nhão, đất ngập đến mắt cá chân, đi nhích từng bước một.

Khác với Hòa, Bùi Đức Thoắng lên Hà Giang nhận nhiệm vụ từ năm 2003. Mảnh đất với những ngọn núi đá xám xịt tưởng như đến cây trồng cũng khó trụ nổi, thế nhưng ngô, đậu vẫn bám chặt từng khe núi vươn lên mạnh mẽ. Anh Thoắng cũng vậy, bám đất, bám dân, góp phần giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biên giới. Lập gia đình ngay trên mảnh đất này, các con anh cũng đang theo học ở Lũng Cú. Giờ đây, mảnh đất vùng địa đầu biên ải đã trở thành quê hương thứ hai của anh.

Xuống núi, vừa đi vừa trò chuyện, dừng lại chụp hình, quãng đường dường như ngắn lại. Dọc đường, chúng tôi còn bắt gặp một số dân bản xuống núi hái rau, cắt cỏ chất lên lưng ngựa thồ về. Những vạt núi ven đường xanh rờn những vạt cải mèo, đậu tương, khoai lang. Dường như điều kiện tự nhiên đầy khắc nghiệt nơi đây không làm sờn lòng mà càng hun đúc, khẳng định sức sống mãnh liệt của con người nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Anh Thoắng cho biết: "Cũng như đồng bào ở khu vực núi cao, đồng bào dân tộc ở hai xã Ma Lé, Lũng Cú thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Lũng Cú phụ trách chủ yếu làm nương, rẫy. Một số khu vực trồng lúa nước nhưng không nhiều. Do địa hình nhiều đá, ít đất canh tác nên đồng bào đã biết cách trồng xen canh, tăng vụ. Nếu như trước đây đồng bào chỉ trồng một vụ ngô là chính thì nay đã chuyển sang làm 2- 3 vụ trong một năm".

Xen giữa các hốc ngô là các loại rau, đậu. Giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đồn Biên phòng Lũng Cú đã và đang triển khai các mô hình: Luân chuyển bò, dê; mô hình trồng cải dầu, mở đường liên thôn bản, xóa nhà tạm, giúp ngày công...

11h trưa, trời bắt đầu hửng. Theo chân hai người lính biên phòng, vượt qua khoảng hơn 2km trên con đường núi ngoằn ngoèo, có đoạn dốc đứng, với khoảng gần 3 tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi đã đặt chân đến cột mốc quốc gia 428 - cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh thổ ở địa đầu cực Bắc Việt Nam. Một cột mốc nhỏ nhưng phải mất đến hai năm mới hoàn thành xây dựng do địa hình hết sức hiểm trở, dưới là sông, trên là vách núi, mà chỉ có thể dựa vào sức người mới cõng được đá và xi măng theo đường dốc xuống. Chỉ tay cho chúng tôi thấy các cột mốc dóng theo hàng dọc là đường biên phân chia lãnh thổ giữa hai nước, anh Thoắng nói: "Trên đỉnh núi phía xa kia là mốc 426, nhìn chếch xuống lưng chừng núi đó là mốc 427 và đây mốc 428. Từ mốc 428 nơi ta đang đứng đây, xuống phía dưới 2km nữa là sông Nho Quế - đường biên tự nhiên giữa Việt Nam - Trung Quốc. Chảy tiếp thêm gần 13km nữa, sông Nho Quế chính thức đi vào lãnh thổ Việt Nam, sang Mèo Vạc phía Săm Pun, Xín Cái, rồi chảy về Cao Bằng".

Theo tay anh Thoắng chỉ, tôi hình dung rõ hơn về đường biên giới quốc gia. Lặng người ngắm nhìn các cột mốc, ngắm dòng sông Nho Quế như dải lụa mỏng dưới chân, ngắm những bãi ngô trồng trên các khe đá của bà con dân tộc bên sườn núi, trong tôi dâng lên một thứ cảm xúc thật lạ, vừa kiêu hãnh vừa tự hào. Ý thức về chủ quyền lãnh thổ, niềm tự hào dân tộc càng nhân lên gấp bội khi chúng tôi đứng bên cột mốc chủ quyền ghi lại những tấm ảnh kỷ niệm. Nơi đây, đi từ bản Séo Lủng ra khu vực Tìa Mông, Cẳng Tằng (xã Lũng Cú) là điểm nhô ra xa nhất của cực Bắc. Nhờ có những người Mông ở Xéo Lủng, mỏm đất cực Bắc không chỉ có màu đá xám xịt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi tại điểm cực bắc Tổ quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.