Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Điểm tựa” của những người hiếm muộn

Văn Ngọc Thủy| 30/06/2013 05:26

(HNM) - Được làm cha mẹ là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời người, nhưng vì nhiều lý do, điều thiêng liêng này lại đến với mỗi gia đình theo mỗi cách khác nhau.

Có người dễ dàng, có người viên mãn nhưng với không ít người, đó là những tháng ngày chờ đợi đằng đẵng, không thể đo đếm nổi bao nhiêu công sức, thời gian, tiền bạc để mong được một lần trở thành cha mẹ. May mắn thay, tại Hà Nội, có một địa chỉ đã và đang đồng hành hiệu quả cùng những ông bố, bà mẹ hiếm muộn, thắp lên cho họ niềm tin về một mái ấm gia đình đầy ắp tiếng cười trẻ thơ…

Gian nan hành trình chờ đợi con

Trung tâm Công nghệ phôi - Học viện Quân y, một ngày như mọi ngày. Tất cả các hàng ghế đều kín chỗ, đến đây đông nhất là những người độ tuổi khoảng 25-40, trong đó nhiều người chưa có một ngày được làm cha mẹ, dù đã kết hôn đến cả chục năm. Họ là những người trông bề ngoài khỏe mạnh, thậm chí nhiều người còn cao to, vạm vỡ. Họ thường đi theo cặp vợ chồng, thi thoảng có người phụ nữ đi cùng mẹ, hoặc chị gái, chỉ cần thoáng nhìn cũng dễ nhận ra. Những đôi mắt lo âu, buồn bã lặng lẽ nhìn đăm đăm vào khu phòng khám luôn chật ních người với một vẻ mặt kiên nhẫn thường trực. Cũng không hiếm những ánh mắt rạng rỡ, khuôn mặt tươi rói của những người phụ nữ mà người ngoài nhìn vào biết ngay rằng họ đã có "tin vui". Họ xỏ giày bệt, mặc quần áo rộng rãi, đi đứng nhẹ nhàng hết mức có thể, cười nói cũng nhỏ nhẹ hơn những người khác. Đó là những người điều trị theo phác đồ của Trung tâm giờ đã có kết quả, đến đây để siêu âm, theo dõi sức khỏe của thai nhi. Và sau 3 tháng kể từ ngày đặt phôi, câu nói của bác sĩ mà họ mong chờ nhất là: "Ổn rồi. Về đăng ký nơi sinh đi nhé".

Bệnh nhân đến khám và điều trị vô sinh tại Trung tâm Công nghệ phôi - Học viện Quân y.


Lần đầu đến Trung tâm Công nghệ phôi, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một bàn thờ nhỏ được lập trên gò đất ngay giữa cổng, lúc nào cũng nghi ngút khói hương và đầy ắp hoa quả, có cả những đồ chỉ dành riêng cho trẻ con. Hỏi ra mới biết đó là bàn thờ do những người đến điều trị hiếm muộn lập nên. Họ coi nơi này như một chỗ dựa tinh thần cho những ngày tháng mòn mỏi chờ đợi mong tìm được một đứa con. Nhất là vào những ngày chuẩn bị đặt phôi, các cặp vợ chồng luôn ra đây thắp hương để khẩn cầu, mong một nhân duyên, một cơ may đến với họ.

Cũng bước vào để thắp một nén hương thành kính, tôi gặp một người phụ nữ có khuôn mặt khá phúc hậu, chiếc áo rộng đủ khiến cho người ngoài nhìn thấy bụng chị đã lùm lùm. Đợi chị khấn xong, tôi bước đến hỏi chuyện. Giọng vui vẻ, chị kể cho tôi nghe mình 33 tuổi, lấy chồng đã tròn 10 năm nhưng chưa có con vì chị bị nhiễm trùng hai ống dẫn trứng, phải cắt bỏ. Đã đi khám chữa ở nhiều nơi, bốn lần thụ tinh trong ống nghiệm, lần này mới thành công. Gia cảnh khó khăn, chồng làm công chức nhà nước, chị thì dừng hẳn công việc của mình chỉ để lo "chữa đẻ". Cũng may được hai bên gia đình giúp đỡ, không tạo áp lực quá nặng nề. Nhưng chị bảo, mỗi lần thụ tinh ống nghiệm tốn đến 40-50 triệu đồng, lại kéo dài cả năm, bao nhiêu thứ thuốc tiêm vào người, mệt mỏi, tâm lý nặng nề lắm. Ba lần trước, mỗi lần đặt phôi xong về nửa tháng lại "ra" mất, bao hy vọng cả năm trời tan như bong bóng, chị ngồi khóc tu tu như đứa trẻ. Lần này vợ chồng bảo nhau làm lần cuối, không được cũng thôi, gia cảnh kiệt quệ lắm rồi, anh chị không cố nổi nữa. Thật may là trời thương, cho chị đậu… Hôm nay chị đến khám lần cuối, thai đã được 12 tuần, bác sĩ dặn về nhà giữ gìn cẩn thận rồi tìm chỗ đăng ký đẻ và chị ra đây thắp hương để cảm tạ trời phật đã thương vợ chồng chị…

Nơi duy nhất nuôi cấy tinh tử

Bước vào hành lang phòng khám và tư vấn điều trị vô sinh của Trung tâm Công nghệ phôi, ở ngay vị trí mà ai cũng có thể nhìn thấy là những bức ảnh trẻ con bụ bẫm đáng yêu. Mỗi bức ảnh đều có chú thích rõ ràng tên tuổi, địa chỉ, ngày tháng năm sinh và những phương pháp điều trị vô sinh đã được Trung tâm áp dụng.

Trong phòng làm việc của PGS-TS Quản Hoàng Lâm - Giám đốc Trung tâm cũng có khá nhiều những bức ảnh như thế. Ông bảo đó là những "đứa con" mà ông và các đồng nghiệp đã góp công sức sinh ra, được bố mẹ các em gửi về như một lời cảm tạ các y, bác sĩ. Với những người làm công việc này, đó không chỉ là niềm vui vì hiệu quả công việc mà cao cả hơn, họ biết chính những đứa trẻ bụ bẫm đáng yêu kia đã góp phần cứu vớt hạnh phúc cho nhiều gia đình, hóa giải bi kịch cho rất nhiều cuộc đời, nhất là cuộc đời của những người phụ nữ vốn chịu nhiều áp lực trong hành trình gian nan này.

Còn tôi, khi nhìn những đứa trẻ đáng yêu ấy, lập tức nghĩ đến tác dụng của một liều thuốc tinh thần quý giá. Nó động viên, khích lệ, an ủi cho những người đang mong mỏi từng ngày, từng giờ được thấy hình hài của đứa con thân yêu.

Trong số rất nhiều bức ảnh, tôi chú ý đến một em nhỏ tên là Lưu Ngọc M quê ở Bắc Giang, sinh tháng 12-2007, là em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp nuôi cấy tinh tử. Đến nay, em đã 5 tuổi, khỏe mạnh và phát triển bình thường như các bạn cùng trang lứa. Sự ra đời của bé M đã được ghi nhận là một trong mười thành tựu khoa học, công nghệ Việt Nam tiêu biểu năm 2008. Cho đến thời điểm hiện nay, Trung tâm Công nghệ phôi - Học viện Quân y là nơi duy nhất ở nước ta thực hiện thành công kỹ thuật nuôi cấy tinh tử, đã điều trị thành công 30 ca vô sinh nam, mang đến hy vọng cho những người đàn ông không có tinh trùng có cơ hội được làm cha.

Theo PGS-TS Quản Hoàng Lâm, Trung tâm được thành lập từ năm 1968 với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học về mô phôi, khám, tư vấn và điều trị vô sinh, đến đầu năm 2005 được nâng cấp thành Trung tâm Công nghệ phôi. Mỗi năm Trung tâm khám, tư vấn và điều trị cho 10.000 lượt người, tiến hành hơn 150 ca chọc hút mào tinh, mổ tinh hoàn, bơm tinh trùng vào buồng tử cung cho hơn 800 lượt người, làm thụ tinh ống nghiệm cho 450 người, hiệu quả đạt tỷ lệ chung gần 30%. Đến nay đã có gần 2.500 em bé ra đời bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó trên 1.200 ca thụ tinh trong ống nghiệm thành công.

Những con số khô khan này chưa thể nói hết những vất vả của đội ngũ các y, bác sĩ, các nhà khoa học tại Trung tâm, nhất là ngày càng có đông bệnh nhân tìm đến, đặt lên vai mỗi người thầy thuốc ở đây những kỳ vọng lớn lao cũng như thêm trách nhiệm nặng nề. Không chỉ khám và điều trị vô sinh, Trung tâm còn có nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu về công nghệ phôi. PGS-TS Quản Hoàng Lâm cũng như các lãnh đạo khác của Trung tâm tuần nào cũng có giờ giảng dạy, đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu tài liệu, trao đổi cập nhật thông tin về những kỹ thuật mới, nâng cao kiến thức chuyên ngành. Lãnh đạo Trung tâm xác định chỉ có nghiên cứu khoa học mới nâng cao trình độ và hiệu quả công việc. Đã có nhiều đề tài cấp nhà nước được nghiệm thu, trong đó mới đây nhất đề tài "Nuôi cấy tế bào gốc sinh tinh" đoạt Giải thưởng sáng tạo khoa học, công nghệ Việt Nam 2013...

Chứng kiến cảnh đông đúc đến quá tải với hàng trăm bộ hồ sơ mỗi ngày, những hàng ghế chờ cứ nối dài thêm mãi trong khi các trang thiết bị cơ bản được trang bị từ năm 2003 giờ đã xuống cấp. Ngay như ngôi nhà 5 tầng chỉ đủ biên chế cho 10 giường bệnh, số lượng y, bác sĩ có hạn… mới cảm thông được phần nào nỗi vất vả của những người thầy thuốc tại Trung tâm Công nghệ phôi cũng như hiểu được phần nào tình trạng gia tăng nhanh chóng của những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn trong xã hội hiện đại. Với những kết quả đã đạt được, Trung tâm vẫn đang là địa chỉ tin cậy để những người khát khao được làm cha, làm mẹ tìm đến, mong tìm được hạnh phúc thiêng liêng của riêng mình, sưởi ấm những mái nhà bấy lâu vắng tiếng trẻ thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Điểm tựa” của những người hiếm muộn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.