Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phổ cập bơi ở Thanh Trì

Vũ Quỳnh - Dương Hiệp| 04/10/2013 06:27

(HNM) - Kết thúc kỳ nghỉ hè 2013, trên 4 nghìn trẻ em huyện Thanh Trì đã được cấp chứng chỉ bơi lội nhờ chương trình

Trường THCS Liên Ninh (xã Liên Ninh) lọt thỏm giữa khu đầm mênh mông nước. Đường vào trường như sợi chỉ nối khu dân cư với "ốc đảo" này. Không chỉ vậy, xung quanh ngôi trường này là rất nhiều ao với biển cảnh báo "đề phòng đuối nước" cắm khắp nơi. Người dân Liên Ninh ngày đêm canh cánh nỗi lo con em la cà nơi sông hồ rồi đuối nước lúc nào không hay. Giải tỏa nỗi lo này, huyện Thanh Trì đã lựa chọn Trường THCS Liên Ninh để xây dựng bể bơi với mục đích "xóa mù bơi" cho học sinh của toàn xã, cuối khóa học có cấp chứng chỉ của ngành TDTT để phụ huynh và học sinh yên tâm cho con tập luyện. Mô hình thí điểm này nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo bà con đến mức ngoài sức tưởng tượng. 

Công trình bể bơi bốn mùa tại Trung tâm TDTT huyện Thanh Trì.


Bà Nguyễn Thanh Yên, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Liên Ninh phấn khởi cho biết: "Đến giờ, những lứa học trò của tôi đã lên ông, lên bà vẫn không thể quên những ngày lội bì bõm qua hàng loạt ao hồ để đến lớp. Ngày đó chúng tôi không được dạy bơi như bây giờ nên bố mẹ càng lo lắng mỗi khi con đến trường. Nhìn những lứa học sinh thời nay được sự quan tâm của chính quyền, bắt đầu từ những việc tưởng như nhỏ nhặt là dạy bơi lội, chúng tôi thực sự cảm động!". Niềm vui của bà con xã Liên Ninh đã được cô giáo Hiệu Phó Nguyễn Thị Minh Thảo khẳng định, chỉ dịp hè qua, đã có 327 em trong xã được cấp chứng chỉ bơi lội, trong đó 150 cháu được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa bơi nâng cao, phổ cập.

Ở nhiều nơi khác, như ở bể bơi của THCS Tân Triều, Trường Tiểu học A thị trấn Văn Điển… trong ba tháng hè qua lúc nào cũng kín lịch dạy bơi từ sáng tới chiều… Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Triều kể rằng, khi bể bơi của trường đi vào hoạt động, phụ huynh đã nô nức đăng ký học bơi cho con em. Nhà trường phải tổ chức dạy thêm ca mới đáp ứng nhu cầu. Còn ông Nguyễn Văn Viết, Trưởng ban Phụ huynh Trường Tiểu học A thị trấn Văn Điển cho biết: "Chúng tôi rất phấn khởi khi được nhà trường thông báo có lớp dạy bơi cho con em ngay tại trường. Càng vui hơn khi biết con em hầu hết các xã trong huyện cũng được thụ hưởng chính sách tốt đẹp này". Cũng như bao học trò khác, con ông Viết là em Nguyễn Thị Minh Nguyệt, học sinh lớp 5C Trường Tiểu học A thị trấn Văn Điển đã được cấp chứng chỉ bơi lội trong dịp hè vừa qua cùng hơn 4 nghìn học sinh trong huyện.

Khi cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc

Một trong những lý do khiến Thanh Trì đi đầu cả nước về phổ cập môn bơi cho học sinh cũng như xây dựng hệ thống bể bơi ở các xã chính là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền. Khi về nhậm chức Bí thư Huyện ủy Thanh Trì, ông Triệu Đình Phúc đã đề nghị ngành văn hóa, giáo dục và thể thao triển khai các đề án nhằm tạo ra sức bật mới trong đời sống văn hóa - xã hội của huyện. Huyện ủy ra nghị quyết, chính quyền vào cuộc nhanh chóng, mạnh mẽ, lập tức mọi việc trôi chảy. Đến nay, "Đề án về xây dựng nhà văn hóa ở các thôn trong huyện Thanh Trì", "Đề án khôi phục các điệu múa cổ dân gian" của ngành văn hóa đã hoàn tất và được thực hiện đều đặn. Còn phía ngành thể thao xây dựng và thực hiện "Đề án phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2010 - 2015". Hiện tại, đề án này cũng đang mang lại hiệu quả bước đầu, đưa Thanh Trì thành điểm sáng về thể thao thành tích cao của thành phố. Trong khi đó, ngành giáo dục được giao trách nhiệm xây dựng và thực hiện "Đề án xóa mù bơi", một trong những vấn đề tưởng khó thực hiện nhất ở một huyện còn không ít khó khăn về phát triển kinh tế như Thanh Trì. Đất Thanh Trì rộng tới 6.292ha nhưng quan trọng hơn cả lại có nhiều ao hồ, gần nhiều sông lớn như sông Hồng, sông Nhuệ... Khi huyện bước vào quá trình đô thị hóa, nhu cầu biết bơi trong nhân dân địa phương càng tăng mạnh. Cuối năm 2009, đầu năm 2010, khi khảo sát trong cả 34 trường tiểu học và trung học cơ sở của huyện, có tới 81% trong số hơn 25.000 học sinh "mù bơi". Đấy là con số đang báo động nên càng củng cố quyết tâm xóa mù bơi cho trẻ em của Đảng bộ, chính quyền huyện. Trong đề án trên, mục tiêu đã được đề ra là bảo đảm đến khi kết thúc chương trình trung học cơ sở, trừ những trường hợp đặc biệt, học sinh trong huyện đều phải biết bơi.

Để làm được điều này, trong đó bước đầu là xây dựng ít nhất một bể bơi nhỏ ở một xã (bể được đặt tại trường học vì nơi đây tập trung hầu khắp trẻ em trên địa bàn), cần một khoản kinh phí không nhỏ (khoảng gần 2 tỷ đồng/bể bơi). Đó là bài toán khó. Nhưng nguồn kinh phí ấy cũng không thể lớn hơn sinh mạng của những đứa trẻ, cũng chính là tương lai của từng gia đình và đất nước. Chính vì thế, huyện đã tìm đủ nguồn vốn để thực hiện "Đề án xóa mù bơi". Đến nay, 11/16 xã trong huyện đã có bể bơi phục vụ việc dạy và luyện tập bơi cho học sinh. Đến hết tháng 6-2014, 5 bể khác ở 5 xã còn lại cũng sẽ được hoàn thành, sớm hơn kế hoạch một năm, đưa Thanh Trì là huyện đầu tiên trong toàn quốc đạt 100% xã có bể bơi. Thậm chí, như Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đình Hùng khẳng định là, có thể có xã hoặc thị trấn có 2 bể bơi. Huyện cũng quy định, sau này, các trường học được xây mới đều phải có bể bơi và theo mô hình là tầng 1: bể bơi, tầng 2: bếp ăn, tầng 3: nhà rèn luyện thể chất. Mô hình này nhằm tận dụng tối đa không gian của các trường học, giúp nhà trường thuận tiện hơn trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Còn trước mắt, Trường chất lượng cao của huyện Thanh Trì khi được đưa vào sử dụng cũng sẽ có bể bơi. Như thế, thị trấn Văn Điển, (nơi đặt địa điểm Trường chất lượng cao huyện Thanh Trì) sẽ có 2 bể bơi.

Nhân lên niềm vui

Ngày 5-10 này, bể bơi bốn mùa ở huyện Thanh Trì, đặt tại Trung tâm TDTT huyện sẽ được khánh thành. Để có được bể bơi này cũng một phần dựa vào sự quyết đoán, mạnh dạn của lãnh đạo huyện. Ban đầu, Thanh Trì chỉ được duyệt xây dựng bể bơi nước lạnh. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện đã thuyết phục được cấp có thẩm quyền đầu tư thêm kinh phí để xây bể bơi bốn mùa. Vốn đầu tư tăng nhưng tận dụng được tối đa công năng sử dụng còn hơn tiết kiệm mà chỉ sử dụng được 4 tháng/năm. Sau gần 5 năm đầu tư, xây dựng, đến lúc này, Trung tâm TDTT Thanh Trì trở thành đơn vị đầu tiên trong khối quận, huyện ở Hà Nội xây dựng được bể bơi bốn mùa.

Việc ra đời của bể bơi bốn mùa này được coi là sự tiếp nối Đề án phát triển thể thao thành tích cao cũng như Đề án "xóa mù bơi". Trong Đề án phát triển thể thao thành tích cao, môn bơi là một trong 6 môn thể thao trọng điểm của huyện. Bể bơi bốn mùa được đưa vào sử dụng không chỉ giúp các VĐV trong huyện có điều kiện rèn luyện liên tục, nâng cao thành tích thay vì chỉ tập khoảng 4-5 tháng/năm nếu tập ở bể nước lạnh như hiện nay. Ngoài ra, khi đưa vào sử dụng, bể bơi bốn mùa với đầy đủ các tiêu chuẩn quốc gia sẽ là nơi đăng cai các giải đấu quốc gia, thành phố, tác động tích cực đến phong trào tập luyện môn bơi trong huyện. Nói như Phó phòng phụ trách Phòng Thể thao quần chúng (Sở VH,TT&DL) Đinh Văn Luyến thì nhờ có bể bốn mùa này mà kế hoạch tổ chức các giải bơi của Hà Nội không còn bị động nữa. Xa hơn, đây cũng là địa điểm sáng giá, đủ tiêu chuẩn để các VĐV nước ngoài tập luyện khi Hà Nội đăng cai ASIAD 2019.

Ngoài ra, bể bơi bốn mùa này cũng sẽ giúp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh trong huyện có điều kiện thường xuyên rèn luyện môn bơi sau khi đã được học các kỹ năng trong trường. Lãnh đạo huyện Thanh Trì đã giao Trung tâm TDTT đưa ra phương án khai thác, sử dụng bể bơi này trên nguyên tắc "phục vụ là chính, lấy thu bù chi và không lấy lãi". Hiệu quả thế nào còn phải đợi thời gian trả lời nhưng rõ ràng bể bơi bốn mùa này đáng được coi như là điểm nhấn cho phong trào phổ cập và phát triển môn bơi ở Thanh Trì. Quan trọng hơn cả, đó còn là bài học về sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo huyện với phương châm mang lại những điều tốt nhất có thể cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phổ cập bơi ở Thanh Trì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.