Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Tình yêu và trách nhiệm với Thủ đô

Nguyễn Tùng| 11/10/2013 06:17

(HNM) - Ngày 11-1-1982, trong dịp đón Tết Nhâm Tuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách khối Khoa học - Kỹ thuật, đã đến chúc tết và làm việc với Thành ủy, UBND TP Hà Nội và đồng bào, nhân dân Thủ đô.

Đại tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ngày 28-3-1983. Ảnh tư liệu



Sự chỉ đạo sát sao

Sau khi nghe lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố báo cáo về tình hình kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của Thủ đô và công tác nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế, Đại tướng đã chỉ đạo: Gần đây có Nghị quyết của Bộ Chính trị (BCT), trong đó có đặt ra nhiệm vụ chung, kế hoạch của Hà Nội. Nghị quyết của Đại hội đề cập nhiều vấn đề, nhưng trong đó có nói Thủ đô phải xây dựng những điển hình, mô hình tốt cho cả nước về khoa học và kỹ thuật (KHKT), phải là đỉnh cao của KHKT, cho cả nước. Các nhà khoa học thấy vấn đề đó và cũng đã được BCT giao nhiệm vụ. Theo Đại tướng, trước hết, công tác KHKT gắn với công tác kinh tế mà BCT đã bàn là cơ sở để triển khai kinh tế và KHKT ở Thủ đô. Hà Nội nhất thiết phải quyết tâm làm. Từ trước đến giờ Hà Nội đã kết hợp các hoạt động kinh tế với hoạt động KHKT dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và UBND, có hội đồng khoa học và đã hình thành một số chương trình ký hợp đồng với các cơ quan KHKT. Thứ hai là chúng tôi muốn góp ý kiến vào việc làm sao cho sự chỉ đạo tập trung hơn và huy động lực lượng cần thiết để phát triển mạnh mẽ hơn, đúng hướng hơn. Thứ ba là nếu cần giải quyết những vấn đề lớn thì từng bước giải quyết, tổ chức thực hiện như thế nào và khi mà đã có chương trình nghiên cứu rồi thì đưa vào sản xuất như thế nào.

Đại tướng nhấn mạnh, trong hai năm gần đây, công tác KHKT ở Hà Nội có chuyển biến đi đôi với công tác kinh tế nhưng chuyển biến chậm. Trong đó cũng có khó khăn do mặt này mặt kia. Thực tế là đã tập hợp được lực lượng đi vào một số đề tài cụ thể, như thế có một cái thuận lợi là dễ kiểm tra đôn đốc và làm cụ thể nhưng mà vẫn lo. Chính vì vậy, Hà Nội cần đưa một danh sách những đề tài cụ thể nhưng chưa tập hợp những cái đó vào một số hướng chủ yếu. Mục đích chính là làm sao xác định một số chương trình trọng điểm về KHKT. Nhưng mà nói KHKT đây là không phải là KHKT tách rời kinh tế, không phải là KHKT thuần túy. Chúng ta phải xác định được một số chương trình trọng điểm, một số ngành trọng điểm và xếp thứ tự ưu tiên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: Bây giờ vấn đề lớn nhất trong nền kinh tế là phát triển vượt bậc nông nghiệp, nhưng trong nông nghiệp phải phục vụ đủ 3 mục tiêu: lương thực, thực phẩm và nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp, xuất khẩu. Trong nông nghiệp, vấn đề lớn là năng suất cây trồng, vật nuôi mà đây là vấn đề mà các nhà khoa học và nhà quản lý cũng đã nghiên cứu để làm. Rồi đến các vấn đề về đất, giống, thủy lợi… Tiếp đến, làm sao đưa công nghiệp, đưa kỹ thuật vào nông nghiệp cho nên cơ giới hóa, thủy lợi, phân bón luôn đi với nhau. Công nghiệp là vấn đề lớn nhất của Hà Nội, trong đó quan trọng nhất bây giờ là công suất máy móc (CSMM). Nếu CSMM, trước hết của công nghiệp quốc doanh trung ương rồi của quốc doanh địa phương, mà không nâng lên được thì công nghiệp rất khó phát triển. KHKT có thể làm được những gì để nâng cao CSMM và chất lượng sản phẩm. Làm sao CSMM trong công nghiệp được nâng lên nhưng chỉ chọn một số ngành quan trọng và ngành có hiệu quả kinh tế lớn. Đương nhiên, quan trọng lâu dài là công nghiệp nặng nhưng mà có những ngành công nghiệp nhẹ lại có hiệu quả kinh tế cực kỳ lớn thì cũng phải tăng công suất lên. Kể cả tiểu thủ công nghiệp cũng cần tăng CSMM.

Về vấn đề quản lý, Đại tướng yêu cầu phải bàn về việc quản lý thế nào để đưa KHKT vào, để sử dụng được KHKT. Nên bàn bởi vì quản lý là một khoa học bao gồm cả khoa học xã hội (KHXH), khoa học tự nhiên (KHTN) và KHKT. Hà Nội cần xác định được một số chương trình trọng điểm mà kết hợp cả KHTN, cả KHKT và KHXH chứ không phải là chỉ KHKT không thể tách rời mấy khoa học đó ra. Đối với các viện khoa học đang thiếu người nghiên cứu về kinh tế thì sẽ được bổ sung. Lực lượng tập trung lại, cái gì cơ quan nào phụ trách thì cùng phối hợp với Hà Nội làm. Cái đó phải suy nghĩ làm đến thời gian nào và làm cho được cái gì.

Nỗ lực vượt khó, gặt hái thành công

Nhờ thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và những định hướng gợi mở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc đẩy nhanh tiến độ đưa KHKT và đổi mới công tác quản lý vào phát triển kinh tế, Hà Nội đã vượt qua một trong những giai đoạn được xem là khó khăn nhất. Đối với công nghiệp, thủ công nghiệp, Thành ủy chủ trương áp dụng từng bước cơ chế quản lý mới và chỉ đạo sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khắc phục một phần tình trạng trì trệ, đề cao tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Một số xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã làm ăn năng động, có hiệu quả hơn trước, tiêu biểu là Nhà máy Dệt Minh Khai, Nhà máy Dụng cụ xuất khẩu, Nhà máy In Tiến Bộ, Xí nghiệp Điện cơ Thống Nhất, HTX Lao động Sao Mai. Tình hình sản xuất có dấu hiệu khởi sắc. Năm 1983, giá trị sản lượng công nghiệp đạt 1.760 triệu đồng, tăng 14% so với năm 1982. Tốc độ phát triển công nghiệp và thủ công nghiệp bình quân từ năm 1983 đến năm 1985 là 12,7%. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, việc thực hiện cơ chế khoán theo Chỉ thị 100 đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Sản phẩm lương thực bình quân hằng năm tăng 8%; lương thực Nhà nước huy động được năm 1985 tăng gấp 2 lần năm 1981. Năm 1985, Đan Phượng là huyện dẫn đầu về năng suất lúa, đạt 10 tấn/ha; sản lượng cây thuốc lá, lạc ở Hà Nội tăng gấp 3 lần năm 1981; sản lượng thịt tăng 33%, đàn bò tăng gấp đôi… Các HTX Đa Tốn, Phụng Thượng, Đường Lâm, Thịnh Liệt, Đan Phượng, Đại Đồng, Tiền Phong trở thành những điển hình trong tổ chức sản xuất và quản lý kinh tế.

Trong khoảng thời gian của hai kỳ Đại hội (1980 - 1986), Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã vượt qua một giai đoạn thử thách vô cùng gay go, ác liệt. Thành công nổi bật trong giai đoạn này là Thành ủy và UBND đã kiên trì quan điểm phát triển sản xuất cho dù gặp nhiều khó khăn về năng lượng và vật tư. Nhờ quyết tâm và sự nỗ lực cao độ, giá trị sản lượng công nghiệp, thủ công nghiệp, nông nghiệp hằng năm đều tăng. Xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật đạt kết quả khá, nhiều công trình công cộng (thủy lợi, trạm, trại giống, văn hóa, giáo dục) được đưa vào sử dụng.

Trong quản lý kinh tế - xã hội, Thành ủy đã có nhiều chủ trương, giải pháp để khắc phục tình trạng bao cấp, bảo thủ, trì trệ; từng bước đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo; dựa chắc vào nhân dân, phát huy sức mạnh của đoàn thể quần chúng và vai trò của chính quyền để vượt qua những khó khăn, thách thức, giữ vững sản xuất và bảo đảm đời sống. Thành ủy đã thử nghiệm đổi mới một số cơ chế, chính sách trên một số mặt hoạt động cụ thể, qua đó tích lũy được những kinh nghiệm ban đầu, chuẩn bị cho các bước phát triển tiếp theo của Thủ đô.

Đặt trong bối cảnh khó khăn nhiều mặt, những kết quả đạt được là quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc. Kết quả đó bắt nguồn từ sự cố gắng của các cấp, ngành và tinh thần lao động của công nhân, nông dân, trí thức Thủ đô dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Tình yêu và trách nhiệm với Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.