Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nguồn sáng bất tận

Tống Thanh - Ngọc Hải| 14/10/2013 06:22

(HNM) - Sáng sớm 13-10, hàng vạn người dân Quảng Bình và từ các miền quê đã đổ ra đường hướng về UBND tỉnh Quảng Bình, nơi chuẩn bị Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đông đảo các tầng lớp nhân dân thương tiếc tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ảnh: Quang Trung


6h45', UBND tỉnh Quảng Bình chật cứng người. Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình tổ chức trọng thể Lễ truy điệu theo nghi thức Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lễ truy điệu diễn ra trong không khí trang nghiêm. Đông đảo cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình cùng đại biểu đến từ các tỉnh miền Trung đã dự lễ tiễn biệt Đại tướng. Trong không khí thiêng liêng, xúc động, đông đảo nhân dân tại tỉnh Quảng Bình lặng mình theo dõi buổi tường thuật trực tiếp Lễ truy điệu Đại tướng từ Nhà Tang lễ quốc gia. Nhiều tiếng nấc nghẹn, nhiều giọt nước mắt đã lăn dài với niềm tiếc thương vô hạn. Tại Nhà lưu niệm của Đại tướng ở quê nhà An Xá, huyện Lệ Thủy, hàng chục nghìn người dân cũng đã đổ về đây, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ Đại tướng trong niềm thương tiếc khôn nguôi.

Đoàn người đến làm Lễ truy điệu Đại tướng tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình vô cùng xúc động trước hình ảnh 5 sinh viên tình nguyện đang đứng vái vọng bên ngoài hội trường. Đã 6 ngày nay, các em lặn lội đạp xe từ TP Hồ Chí Minh về Quảng Bình để kịp ngày an táng Đại tướng. Lễ các em dâng lên Đại tướng đơn giản chỉ một lá cờ đỏ có chữ ký của các bạn trẻ miền Nam, 10 gói đất các em lấy tại 10 tỉnh, thành đạp xe qua. Ngần đó thôi cũng đủ thấy tình cảm, sự ngưỡng mộ của các em với Đại tướng lớn đến mức nào. Khóe mắt ngấn lệ, sinh viên Bùi Kiến Quốc nói như chực khóc: "Cuối cùng thì chúng em đã được về kịp viếng Đại tướng, được nhìn thấy người Anh Cả của lực lượng vũ trang mà trước chúng em chỉ biết đến qua những tờ báo, cuốn sách". Lực lượng cảnh sát bảo vệ cho biết, 5 bạn sinh viên này đã ngồi chờ Lễ truy điệu từ đêm 12-10 trước cổng trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình. Cả đoàn viếng hàng nghìn người không ai bảo ai đều nhường 5 bạn sinh viên vào viếng trước.

Ngay sau Lễ truy điệu tại trụ sở UBND tỉnh, dòng người bắt đầu ùa về sân bay Đồng Hới. Có người đi ô tô, người đi xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ đến sân bay với mong nguyện sẽ được nhìn thấy Đại tướng, sẽ được cùng với hàng vạn người dân khác đón ông trở về, để thỏa nguyện thắp cho Đại tướng một nén tâm nhang. Nhiều xe xuôi ngược quốc lộ 1A cũng mang những lá cờ tang để tưởng nhớ đến một vị tướng huyền thoại của dân tộc. Bên góc đường, trước lối rẽ vào sân bay Đồng Hới, hàng nghìn CCB đã tới đây, mang theo di ảnh của Đại tướng; hàng nghìn thanh niên, sinh viên trong màu áo xanh tình nguyện cũng mang theo ảnh Đại tướng xếp thành hàng dài hai bên đường. Công ty Taxi Mai Linh khu vực Quảng Bình cử 103 cán bộ, công nhân viên mang theo 103 bức ảnh Đại tướng đứng ở hai bên đường chờ đón Đại tướng, để tỏ lòng tri ân.

Ngồi trên chiếc xe lăn tại đường rẽ vào sân bay Đồng Hới, bên quốc lộ 1, CCB Mai Xuân Quang, thương binh hạng 1/4, ở xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình, không cầm được nước mắt chia sẻ: "Tui nghe tin Đại tướng mất, muốn ra Hà Nội quá nhưng không đi được! Đại tướng về với quê hương, về với Bác Hồ, tui phải ra để nhìn Đại tướng lần cuối!". Và cũng như biết bao người dân Quảng Bình, bà Nguyễn Thị Ngọc, ở thôn Lộc Đại, Lộc Ninh (Đồng Hới) đã dắt theo 3 đứa cháu đi bộ gần 3km để đến sân bay đón vị tướng của nhân dân trở về quê. Trên đường đi, dù không hiểu gì nhiều, nhưng mấy đứa cháu bà cứ luôn nắc nỏm: "Bà ơi, ông Giáp sắp về chưa?". Câu hỏi của mấy đứa cháu khiến bà ứa lệ mà không biết trả lời sao.

Sau những ngày mưa rả rích, ngày đón Đại tướng trở về, trời Quảng Bình trở nắng. Cái nắng gắt Quảng Bình không ngăn được niềm tiếc thương, không ngăn nổi dòng người kéo về sân bay Đồng Hới ngày một đông, chen chân suốt gần 3km từ khu vực cổng sân bay Đồng Hới kéo dài dọc theo quốc lộ 1. Cũng có mặt, đội nắng đứng chờ từ 8h tới quá trưa, CCB Nguyễn Thanh Hoan, nguyên Phó Tham mưu Binh trạm 14, Binh đoàn 559 bày tỏ nỗi tiếc thương, khâm phục đối với người Anh Cả của QĐND Việt Nam. Rưng rưng nước mắt, CCB Nguyễn Thanh Hoan vẫn nhớ như in lần đầu tiên được gặp Đại tướng. Đó là ngày 14-3-1973, khi Đại tướng đi kiểm tra trận địa tại đèo Phu La Nhích nằm sát biên giới giữa Tây nam tỉnh Quảng Bình với phía Đông nam tỉnh Khăm Muộn (Lào). Ngày ấy, ông cũng như biết bao cán bộ, chiến sỹ Binh trạm 14 không thể ngờ, một vị Đại tướng sao mà giản dị thế, gần gũi thế khi trực tiếp đi kiểm tra từng đơn vị, từng con hào. Tối ấy, Đại tướng còn ở lại ăn cơm cùng chiến sỹ, nói chuyện cùng các chiến sỹ trong binh trạm. Thế rồi, đúng như dự kiến, đoàn xe tang xuất hiện trước cổng sân bay Đồng Hới. Hàng vạn người ùa ra đường, nhiều tiếng nấc nghẹn vỡ òa như đã chờ đợi từ rất lâu…

Dù biết 15h30 ngày 13-10, đoàn rước linh cữu Đại tướng mới về đến nơi nhưng từ 9h, đã có hàng nghìn người tập trung tại Vũng Chùa dưới cái nắng chói chang Quảng Bình, mong ngóng, chờ đón Đại tướng về với đất Mẹ. Cụ Tưởng Văn Kế năm nay 76 tuổi, gắn bó 50 năm với vùng đất Vũng Chùa giờ đã yếu lắm. 7h sáng, khi Lễ truy điệu vừa diễn ra, cụ đã bắt con cháu cõng ra đoạn ngã ba lối vào nơi an táng của Đại tướng. Liên tục lấy tay dụi mắt, cụ Kế bảo: "Đại tướng chọn nơi đây làm nơi yên nghỉ, vậy là tui sẽ được thăm viếng mộ Đại tướng mỗi ngày". Khi biết tin đoàn tang sắp về đến Vũng Chùa, cả huyện Quảng Trạch lặng đi trong giây lát. Đoạn đường 2,2km từ quốc lộ 1 vào nơi an táng Đại tướng ken đặc người. Đoàn xe đi tới đâu, bà con cũng chia sẻ tình cảm ấm áp với Đại tướng bằng những hàng nước mắt lăn dài. Những bức di ảnh của Đại tướng được hàng nghìn người nâng niu ôm trước ngực. Để được thấy tận mắt linh cữu Đại tướng, hàng trăm người dân không ngần ngại xắn quần, lội bì bõm dưới cánh đồng trũng. Hình ảnh bố mẹ bế con, người trẻ cõng người già vượt qua đồng lúa nước khi ấy đã khiến nhiều người rơi lệ.

Sau lời điếu, vào lúc 16h, nghi lễ an táng được tiến hành trang trọng. Trong tiếng nhạc buồn trầm hùng tiễn biệt, hàng nghìn người có mặt trong buổi lễ an táng đã không kìm được nước mắt. Những nắm đất đặt xuống vĩnh biệt người anh hùng, vĩnh biệt một vị tướng tài ba... Tiếng khóc như vỡ òa, nức nở nghẹn ngào, nghiêng mình tiễn biệt Đại tướng. Thế là mãi mãi từ đây sẽ không còn những chuyến về quê trong hình bóng bộ quân phục cũ màu thời gian, mái tóc bạc trắng của người chiến binh vĩ đại vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân.

Tối mịt, nhóm PV mới về được chỗ nghỉ để viết bài. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới hoàn thành được đoạn kết, bởi nhiều lúc nước mắt cứ trào ra, không ngăn được. Chiều nay, tại Lễ an táng Đại tướng, trong biển người ở Vũng Chùa, chúng tôi đã nhận ra một số cựu chiến binh Phong Nha, Kẻ Bàng, tết nào cũng lặn lội đem những giò phong lan rừng đẹp nhất ra Hà Nội. Nhưng tết năm nay, Đại tướng đi xa rồi, hoa biết dành tặng ai? Chúng tôi gặp những bà mế người Tày, tận Định Hóa, Thái Nguyên - Thủ đô của kháng chiến, tất tả từ rừng núi xuôi về Hà Nội, bắt tàu chạy suốt đêm vào Quảng Bình, tìm xe ôm ra Vũng Chùa, đứng đội nắng cả ngày bên bãi biển trắng xóa cát, đón đợi bằng được để gặp Đại tướng những giây phút cuối. Năm nào mế cũng mang mấy con gà nhốt trong lồng tre quây lá cọ, ít quả trám rừng đem xuống Thủ đô tặng Đại tướng… Nhưng năm nay?...

Trong làn khói hương thơm ngát, tiếng nhạc trầm hùng, tiễn đưa Đại tướng về thế giới vĩnh hằng, người già, con trẻ, các cựu chiến binh đầu bạc trắng, những anh lính nghĩa vụ mặt còn non tơ… tất cả mắt đều nhòa lệ. Một bà mẹ trẻ cõng cậu con chừng hai tuổi trên vai, trước lúc ra về chị nhắc con: "Chắp tay, cúi đầu lạy Cụ đi con!". Rồi chị khóc thút thít. Cậu con thấy mẹ khóc, cũng òa khóc theo khiến những người xung quanh cũng nức nở. Có một nữ sinh viên sau tôi, nói trong tiếng khóc nghẹn: Vậy là cây đại thụ cuối cùng của rừng Việt đã ngã xuống! Một cụ già người Quảng Trạch nghe thấy, không đồng tình, cụ khẳng khái: Nỏ phải mô. Cụ Hồ, Cụ Giáp là những nguồn sáng bất tận. Các con cứ soi vào nớ, học người hiền mà noi theo, mà vươn lên, để không phải là những cây tầm gửi, thì nước Việt chúng ta sẽ có những rừng cây vững mạnh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nguồn sáng bất tận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.