Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có hay không những tiêu cực tại Bệnh viện Thanh Nhàn?

Nhóm phóng viên PSĐT| 16/10/2013 06:34

(HNM) - Thời gian qua, uy tín của Bệnh viện Thanh Nhàn ngày càng suy giảm, nội bộ mất đoàn kết, nhiều biểu hiện khuất tất khiến dư luận bức xúc.

Đáng tiếc, thời gian qua, uy tín của Bệnh viện Thanh Nhàn ngày càng suy giảm, nội bộ mất đoàn kết, nhiều biểu hiện khuất tất khiến dư luận bức xúc. Sau khi nhận được đơn tố cáo của một số cán bộ, nhân viên và bệnh nhân, chúng tôi đã làm việc với ông Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn. Tuy nhiên, ông Minh tỏ thái độ bất hợp tác, không trả lời bất cứ câu hỏi nào mà chúng tôi đưa ra...

Bệnh viện Thanh Nhàn.


Hẹn làm việc mà không hợp tác

Đặt lịch làm việc, ông Minh hẹn gặp chúng tôi vào lúc 11h30 ngày 18-9-2013. Dù biết thời gian làm việc bất hợp lý nhưng vì muốn có thông tin hai chiều nên chúng tôi vẫn đến theo lịch hẹn. Thay vì trả lời các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, điều hành và giải đáp những thắc mắc, tố cáo của cán bộ, nhân viên bệnh viện, ông Minh nói rằng: "Chỉ gặp nhau trao đổi để biết thế thôi, chứ là ý kiến để viết bài thì tôi không phát ngôn gì hết". Bất cứ câu hỏi nào phóng viên đưa ra, ông Minh đều gạt đi để "chờ kết luận thanh tra". Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra lá đơn của chị Đỗ Hồng Thu (số nhà 228 phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa) phản ánh việc Bệnh viện Thanh Nhàn thu tiền giường bệnh quá quy định, không có hóa đơn tài chính, ông Minh nổi khùng quay ra nói với phóng viên: "Cậu là thanh niên mà sao nói lắm thế nhỉ? Tôi đã nói là không phát ngôn gì hết". Buổi làm việc giữa trưa bất thành, dù ông Minh chủ động làm việc nhưng lại cố tình không cung cấp thông tin về sự thật đúng - sai cho phóng viên.

Thu tiền quá quy định, không có hóa đơn tài chính

Trong đơn gửi Báo Hànộimới, chị Đỗ Hồng Thu (số nhà 228 phố Tôn Đức Thắng) cho biết: Ngày 9-6-2013, mẹ chị là cụ Lê Thị Xích Vân, năm nay 84 tuổi, phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Sau khi khám và làm xét nghiệm, cụ Vân được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực, nằm tại phòng dịch vụ. Theo quy định của Ban điều hành khám chữa bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Thanh Nhàn, giá giường VIP tại tòa nhà 11 tầng là 250 nghìn đồng/giường bệnh/ngày. Sau một tuần điều trị, ngày 16-6-2013, cụ Vân được xuất viện. Khi nộp tiền viện phí cho mẹ, chị Thu sửng sốt vì riêng tiền thuê giường dịch vụ đã mất 3,5 triệu đồng, trung bình 500 nghìn đồng/ngày (cao gấp đôi giá quy định). Tiếng là giường VIP nhưng thực chất phòng dịch vụ này sơ sài, chỉ có một ti vi, một máy điều hòa, một phòng vệ sinh, không có bất cứ trang thiết bị y tế nào. Cứ 1 phòng có 2 giường VIP, mỗi ngày bệnh viện thu được 1 triệu đồng (số tiền này tương đương giá thuê phòng tại các khách sạn hạng sang). Chị Thu thắc mắc thì nhân viên thu ngân của bệnh viện trả lời: "Ở đây quy định thế". Điều đáng nói, tiền thuê giường được bộ phận thu ngân chia làm 2 biên lai thu tiền (1 biên lai số 011175, 1 biên lai số 015433), chứ không phải là hóa đơn tài chính theo quy định. Một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Thanh Nhàn nói với chúng tôi rằng, theo quy định của Bộ Y tế, các bệnh viện công lập chỉ được phép sử dụng 10% tổng số giường kế hoạch để làm giường dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều khoa ở Bệnh viện Thanh Nhàn như: Ngoại tổng hợp, Hồi sức tích cực, Đơn nguyên ung bướu có đến 75%-80% là giường dịch vụ.

Truy tìm căn nguyên dẫn đến thực trạng này, chúng tôi được biết khoảng tháng 5-2013, Ban Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn yêu cầu các khoa tự bỏ tiền sửa sang, sơn lại phòng làm việc và buồng bệnh. Đã bỏ tiền đầu tư thì phải lấy lại vốn, các khoa chuyên môn phải "tận thu" dưới mọi hình thức. Bệnh nhân tới khám và điều trị tại đây đều bị hướng vào việc sử dụng phòng dịch vụ. Để thu được nhiều tiền giường, các khoa này kéo dài thời gian nằm viện của bệnh nhân. Thông thường, thời gian điều trị quy định tại khoa Ngoại sọ não chỉ là 9 ngày nhưng hầu hết bệnh nhân phải ở viện 17,5 ngày; khoa Ngoại thận tiết liệu là 6 ngày nhưng bị kéo dài lên 13,2 ngày. Toàn bộ số tiền thu được của bệnh nhân, Phòng Tài chính kế toán của Bệnh viện Thanh Nhàn giữ lại 5%, số còn lại 95% trả về các khoa. Một câu hỏi đặt ra, bệnh viện công lập do Nhà nước bỏ tiền xây dựng, đầu tư trang thiết bị, cán bộ nhân viên được Nhà nước trả lương nhưng với cách làm kiểu "đầu tư rồi chia lợi nhuận" nói trên thì lợi ích liệu có rơi vào một nhóm người? Số tiền thu được của bệnh nhân đưa về các khoa sẽ rất lớn, ai là người quản lý, chi tiêu số tiền vào những mục đích gì?

"Xả hàng" thuốc quá hạn sử dụng

Bà Bế Thị Ái Việt là Trưởng khoa Dược Bệnh viện Thanh Nhàn, thâm niên hàng chục năm công tác, bà hiểu hơn ai hết những vấn đề liên quan đến công tác quản lý dược tại bệnh viện này. Trao đổi với chúng tôi, bà Việt lắc đầu ngán ngẩm vì tự dưng "vạch áo cho người xem lưng", nhưng nếu không nói thì nhiều bệnh nhân sẽ khổ, thậm chí mất mạng vì tình trạng kê đơn thuốc không hợp lý đang diễn ra hằng ngày ở Bệnh viện Thanh Nhàn. Phản ánh này của bà Việt đã được Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định là đúng, nhưng vẫn chưa đủ. Bà Việt cho biết, do dự trù thuốc không sát với thực tế nên Bệnh viện Thanh Nhàn thường xuyên xảy ra tình trạng nhiều mặt hàng thuốc bị thiếu trầm trọng nhưng cũng có mặt hàng thuốc thừa. Đơn cử như loại thuốc cấp cứu sản khoa Oxytocin 5UI dạng ống đã hết từ ngày 13-12-2012 nhưng sau 5 tháng bệnh viện vẫn chưa có để bệnh nhân sử dụng. Tương tự, thuốc Sandostain 0,1mg chuyên dùng trong trường hợp cấp cứu xuất huyết tiêu hóa đã được các khoa lâm sàng báo hết từ ngày 21-1-2013 nhưng sau gần 6 tháng bệnh viện cũng không nhập về. Không có thuốc, bệnh nhân phải tự mua ở bên ngoài hoặc mua thông qua các nhân viên y tế với mức giá chênh lệch. Trong thời gian này, khoa Dược và các khoa Lâm sàng đã 4-5 lần làm đề nghị bổ sung thuốc nhưng không hiểu vì lý do gì, Ban Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn vẫn "bình chân như vại".

Đối lập với tình trạng thiếu các mặt hàng thuốc kể trên, Bệnh viện Thanh Nhàn lại đang tồn kho rất nhiều loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh và nhóm thuốc điều trị tim mạch mà theo bà Bế Thị Ái Việt thì "phải dùng dăm bảy năm, thậm chí 30 năm nữa mới hết được số thuốc này". Theo thống kê của khoa Dược, Bệnh viện Thanh Nhàn hiện có khoảng 272 loại thuốc bị tồn kho với số lượng lớn. Vì để lâu sẽ hết "đát" nên trong cuộc họp giao ban ngày 23-11-2012, lãnh đạo bệnh viện đã "hò" tất cả các khoa sử dụng số thuốc này. Đắc lực nhất trong việc sử dụng thuốc tồn kho là khoa Khám bệnh. Những mặt hàng thuốc thuộc nhóm chặn Beta như Dorocardyl 40mg đều được các bác sĩ kê cho bệnh nhân từ 100 đến 200 viên (trong khi bệnh nhân chỉ dùng 1 viên/ngày). Theo quy chế kê đơn thì các bệnh nhân mạn tính được cấp thuốc trong vòng một tháng. Các bệnh nhân được hưởng BHYT hỗ trợ chỉ được 30 viên, nếu vượt quá thì bệnh nhân phải bỏ tiền ra mua theo đơn của bác sĩ. Thế nhưng để "xả hàng tồn kho", các bác sĩ vẫn kê đơn cho bệnh nhân uống thuốc trong vòng 200 ngày(!?).

Thấy hiện tượng dùng thuốc ồ ạt, ngày 10-12-2012, Trưởng khoa Dược đã báo cáo Ban Giám đốc bệnh viện nhưng chỉ nhận được câu trả lời "ở bệnh viện này đã bao giờ sử dụng thuốc an toàn, hợp lý đâu".
Quá bức xúc với phát ngôn vô trách nhiệm trên, bà Bế Thị Ái Việt đã làm báo cáo gửi lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội. Trong Thông báo số 179/TB-TTr ngày 5-8-2013, Thanh tra Sở Y tế khẳng định phản ánh của bà Việt về tình trạng thuốc thừa, thuốc thiếu, việc kê đơn thuốc không hợp lý an toàn xảy ra tại Bệnh viện Thanh Nhàn là đúng sự thật. Thanh tra Sở Y tế cũng kiến nghị Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Ban Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn khắc phục, xử lý, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có sai phạm nêu trên.

Lãnh đạo Sở Y tế: Sẽ làm sáng tỏ sự việc

Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Yên khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới sáng 15-10, về quan điểm của ngành đối với những sai phạm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh và vụ việc "thuốc thừa, thuốc thiếu" tại Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn (Hà Nội) gây xôn xao dư luận thời gian qua. Hiện tại, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã có những kết luận ban đầu và sẽ tiếp tục "vào cuộc".

Lý giải vấn đề về tình hình cung ứng và sử dụng thuốc tại BV Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Yên cho rằng, do mô hình bệnh tật hiện nay có sự thay đổi thường xuyên nên việc dự trù, tiên lượng thuốc cũng khó chính xác. Chính BV Thanh Nhàn cũng đã phải bổ sung mặt hàng thuốc tới 7 lần trong năm 2009, năm 2010 bổ sung 5 lần và 6 tháng năm 2011 bổ sung 2 lần. Thời điểm đó, Sở Y tế đã kịp thời chấn chỉnh, đến nay tình hình bổ sung thuốc tại BV giảm dần. Tuy nhiên, BV cũng để xảy ra tình trạng tồn kho những mặt hàng thuốc nhiều hơn thực tế, thậm chí có loại thuốc để tồn kho từ năm 2010 đến năm 2011 và 2012.

Về vấn đề BV kê đơn thuốc bất hợp lý với mục đích "giải phóng" hàng tồn kho khiến dư luận hoang mang, lo lắng cho rằng, đơn thuốc kê "quá liều" như vậy có an toàn? Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra và kết quả cho thấy, có 572 đơn cho là lựa chọn chưa hợp lý, trong đó có 4 đơn thuốc có tương tác chống chỉ định; 21 đơn có tương tác hạn chế và cố gắng không nên sử dụng; 97 đơn kết hợp chưa đủ đợt, chưa đủ liều và kéo dài ngày hơn so với quy định… Theo ông Nguyễn Văn Yên, Thanh tra Sở đã yêu cầu lật dở hết các hồ sơ để kiểm tra kỹ lưỡng xem đơn thuốc có an toàn, hợp lý không. Mặt khác, ngành cũng đã gửi văn bản đến Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, được phản hồi rằng, tương tác xếp ở mức độ trung bình, cần thận trọng và theo dõi khi sử dụng.

Ở vấn đề bất hợp lý xảy ra trong quá trình cung ứng, đấu thầu thuốc, theo ông Yên, trách nhiệm trong công tác đấu thầu thuốc tại BV Thanh Nhàn thuộc về tổ chuyên gia đấu thầu và Giám đốc BV. Thời gian tới, Thanh tra Sở sẽ có nhiệm vụ làm rõ những "uẩn khúc" trong công tác đấu thầu thuốc tại BV Thanh Nhàn.

Thu Trang
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có hay không những tiêu cực tại Bệnh viện Thanh Nhàn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.