Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di sản biệt thự ở Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến| 08/12/2013 07:06

(HNM) - Dù biệt thự ở Hà Nội có yếu tố kiến trúc ngoại sinh nhưng cũng khá nhiều biệt thự pha trộn với kiến trúc bản địa đã tạo ra những nét rất độc đáo.


Biệt thự có từ bao giờ?

Ngay sau khi Hà Nội là nhượng địa của Pháp năm 1888, chính quyền Pháp đã tính chuyện xây dựng thành phố thuộc địa lớn trên nền kinh thành cũ mà không xây bên cạnh như người Anh làm ở New Delhi cho dù ở Bắc Kỳ vẫn còn các cuộc chiến đấu chống quân Pháp. Mặt khác, việc xây dựng không thể dựa vào dân hay ngân sách từ thu thuế.

Biệt thự cổ - một nét độc đáo của kiến trúc Hà Nội.



Trong khoảng thời gian này, Hà Nội chủ yếu là nhà lá, tỷ lệ nhà xây rất thấp và đặc biệt ở khu vực "36 phố phường" nhà ống khá nhiều. Do diện tích của thành phố nhượng địa quá chật nên chính quyền Pháp quy hoạch khu phố mới ở phía nam hồ Gươm. Cuối năm 1888, họ cho lấp ao hồ, di dời dân cư các làng trong khu vực này xây các phố theo chiều từ đông sang tây gồm: Rollandes (nay là Hai Bà Trưng), Carreau (nay là Lý Thường Kiệt), Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo). Chiều từ bắc xuống nam xây các phố Đồng Khánh (nay là Hàng Bài), Gia Long (đoạn đầu phố Bà Triệu ngày nay) và Jauréguiberrry (đoạn đầu phố Quang Trung) với những quy định, nhà không được xây sát vỉa hè, diện tích mỗi thửa từ vài trăm mét trở lên theo kiến trúc kiểu Pháp. Tính đến nay, nhiều biệt thự ở các phố này đã ngót nghét 120 năm.

Phá xong tường thành Hà Nội vào năm 1897, một kế hoạch tiếp theo xây dựng "khu phố Pháp 2" trên phần đất trống trong thành ở phía tây và phía bắc thành được Phủ Thống sứ Bắc Kỳ đưa ra. Sự khác biệt ở khu vực này so với khu vực nam hồ Gươm là diện tích các biệt thự sẽ phải rộng hơn. Khi Chính phủ Pháp quyết định chọn Hà Nội là Thủ đô của Liên bang Đông Dương (gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Campuchia và Lào) năm 1902 thì công việc mở mang nhanh hơn. Đến năm 1920, các phố nay là Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Chu Văn An, Phan Đình Phùng… với hàng loạt biệt thự rộng rãi đã mọc lên với dáng vẻ sang trọng và riêng biệt. Những biệt thự này tính đến nay đã ngót nghét trăm năm.

Để hạn chế nhà ống và buộc chủ đất phải xây biệt thự, tháng 7-1921, một ủy ban bao gồm các bác sĩ và quan chức tòa thị chính đã thông qua một văn bản quy định nhà xây trong khu phố mới phải có các phòng với thể tích từ 100m3 trở lên, mật độ dân cư là 25m3/người, có sân vườn với diện tích tối thiểu là 50m2. Nhà phải xây cách hàng rào với nhà bên ít nhất 2 mét. Một năm sau, tòa thị chính ra tiếp văn bản cấm xây nhà ống trên 22 tuyến phố, nơi chỉ được phép xây nhà kiểu phương Tây.

Giá trị kiến trúc

Ban đầu, theo đề xướng của kiến trúc sư Lyautey, kiến trúc khu phố mới nên áp dụng những quy định về quy hoạch phù hợp với khí hậu nhiệt đới như người Anh làm tại Singapore. Tuy nhiên, sau đó mô hình Pháp đã thắng thế và kết quả là hai bên dọc phố Tây là những biệt thự tư nhân có chiều cao tỷ lệ với chiều rộng mặt phố (khoảng 30 mét theo quy định của Haussmann - người đã quy hoạch lại thành phố Paris vào giữa thế kỷ XIX để tạo cho Paris dáng vẻ ngày nay). Trong kiến trúc Hà Nội cũng chứa đựng nhiều bất ngờ. Bên cạnh những biệt thự nhỏ giản đơn, giống kiểu ở ngoại thành Paris còn có các biệt thự lớn sang trọng xây theo thiết kế thịnh hành ở Paris thời đó với những đường cong của trường phái tân nghệ thuật, kiểu trang trí của trường phái nghệ thuật trang trí, tính chính xác của trường phái hiện đại hay tính lạnh lùng của trường phái thực dụng. Ảnh hưởng thời kỳ nổi loạn đầu thế kỷ XX cũng được thể hiện ở một số công trình như biệt thự Schneider bên hồ Tây. Bên cạnh đó còn có nhiều biệt thự xây dựng theo phong cách kiến trúc đặc trưng của các vùng bên Pháp như: Đảo Corse, thành phố Nice hay Marseille, nhà lợp ngói theo kiểu Bordeaux hay lợp đá đen vùng Anger, nhà khung gỗ ken gạch hoặc trét đất nện Alsace rồi mái dốc lợp ngói kiểu miền bắc hay mái bằng kiểu Địa Trung Hải. Việc áp đặt các phong cách khác nhau thể hiện sự hoài niệm về quê hương tiếp tục mãi cho đến năm 1920. Sự hoài niệm của gia chủ về quê hương vô hình trung đã tạo ra nhiều biệt thự đẹp, duyên dáng và độc đáo. Rất nhiều biệt thự đã tạo ra không gian lãng mạn từ đường nét, khuôn viên và đặc biệt là nó gợi câu chuyện khi Romeo tỏ tình Juliet tại ban công trong vở kịch nổi tiếng "Romeo và Juliet" của đại văn hào Shakespeare. Những ban công này được trang trí các hoa văn rất đa dạng sử dụng vật liệu là thép uốn, gỗ, con tiện, sứ…

Khi phong cách kiến trúc Đông Dương (kết hợp kiến trúc Châu Âu với kiến trúc bản địa) được chấp nhận ở các công trình lớn thì cũng có kiến trúc sư đưa nó vào các công trình kiểu biệt thự và một trong những đại diện đó là Arthur Kruze, giáo sư của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Kruze đã thiết kế khu nhà ở dành cho sĩ quan Pháp trên phố Lý Nam Đế (nay là Tòa soạn Báo Văn nghệ Quân đội) theo phong cách kiến trúc Đông Dương.

Trước năm 1935, hầu hết các biệt thự đều do kiến trúc sư người Pháp thiết kế nhưng sau năm này, các kiến trúc sư Việt Nam khóa đầu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã ra trường và họ đã nhận được hợp đồng thiết kế cho những gia đình giàu có ở Hà Nội. Một số chịu ảnh hưởng của Kruze đã tạo ra phong cách riêng bằng cách kết hợp hài hòa giữa yếu tố phương Đông và phương Tây, giữa nhu cầu thẩm mỹ và điều kiện khí hậu. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ của những thử nghiệm, những cuộc thi, những phong cách phóng khoáng dựa trên cảm hứng vượt ra ngoài chuẩn mực tạo ra không ít thành công như: Mái chìa, cầu thang lượn cong, mặt tiền nhô ra, mái hình bậc thang, cửa sổ tròn, họa tiết trang trí bằng thạch cao hoặc đá hoa giả. Họ là kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Gia Đức, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh… Các tác phẩm của họ theo hướng tìm về với cội nguồn ở các biệt thự trên phố Nguyễn Du, cuối phố Quang Trung, Nguyễn Gia Thiều… và một số phố khác. Các kiến trúc sư Việt Nam cũng đã kết hợp kiểu biệt thự Pháp vuông vắn nằm giữa khuôn viên với kiểu nhà ống xây dài và liền kề trên các khu phố cổ để tạo ra kiểu nhà rộng rãi hình chữ nhật dựa lưng vào nhau nhưng thay vì các cửa hàng phía trước là sân hoặc vườn (ví dụ như cuối phố Bà Triệu). Tổng cộng các kiến trúc sư người Việt đã thiết kế khoảng 200 biệt thự với đủ các kiểu dáng khác nhau.

Cần giữ gìn bảo tồn

Trước năm 1954, trừ các công thự do chính quyền quản lý, còn lại hầu hết biệt thự thuộc sở hữu tư nhân. Sau 1954, ngoài các biệt thự do chế độ mới quản lý thì nhiều biệt thự đã trở thành các khu tập thể mi ni và theo thời gian nó bị biến dạng.

Theo số liệu công bố tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây (sáng 4-12-2013), số biệt thự thuộc nhóm 1 là 225, nhóm 2 là 383 và nhóm 3 là 645; trong đó số biệt thự có từ 1-2 hộ dân ở chỉ chiếm 5%, có từ 5-10 hộ chiếm 50%, 40% có từ 10-15 hộ, cá biệt có biệt thự tới 35-40 hộ dân sinh sống. Tuy nhiên chỉ còn 15% nguyên trạng, 80% đã biến dạng, 5% đã bị phá đi xây lại. Trong báo cáo thẩm tra, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND thành phố) đã đề nghị HĐND thành phố lập danh mục 608 biệt thự cũ cần bảo tồn bao gồm 225 biệt thự nhóm 1 và 383 biệt thự nhóm 2. HĐND thành phố cũng yêu cầu thành phố cần tiếp tục rà soát số biệt thự nhóm 3 với các tiêu chí: Quy hoạch, cảnh quan, biệt thự có khuôn viên rộng… để trình HĐND đưa vào danh mục bảo tồn trong kỳ họp sau.

Theo các kiến trúc sư, biệt thự nằm trên các con phố Hà Nội được giới kiến trúc Châu Á đánh giá độc nhất vô nhị vì các thành phố trong khu vực không có. Nó được các kiến trúc sư Nhật Bản gọi là "vườn trong phố" và là tài sản không của riêng Hà Nội. Hy vọng di sản kiến trúc này sẽ được bảo vệ, giữ gìn và không mất thêm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản biệt thự ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.