Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những chuyện chưa biết về chiếc thạp đồng bảo vật quốc gia

Đức Trường| 17/01/2014 06:20

(HNM) - Mới đây, chúng tôi tìm về thôn 1 xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái để gặp người cách đây hơn nửa thế kỷ đã tận tay đào chiếc thạp đồng Đào Thịnh, giờ đã trở thành bảo vật quốc gia.


Câu cá phát hiện thạp đồng

Một chiều đông năm 1961, ông Cúc cùng mấy người bạn đồng trang lứa đang chơi đánh trận giả ở một mảnh ruộng cao, bỗng nghe ông Phạm Văn Phúc, là bộ đội phục viên, gọi xuống mép nước sông Hồng để đào một cái vung bằng kim loại. Sự thể là trong lúc ông Phúc đi câu cá ở sông Hồng thì một con cá ngạnh cắn câu, ròng mãi được con cá vào gần bờ thì ông dẫm phải một cục kim loại ở mấp mé sông. Dù đau điếng nhưng ông vẫn tiếp tục ròng cá vì tiếc. Ròng được cá rồi ông Phúc mới quay lại xem là cái gì đã cứa vào chân mình. Thấy một vật giống như cái vung lớn lại có mấy hình đúc nổi lên, ông Phúc loay hoay mãi mà không nhấc lên được. Thế là ông chạy lên ruộng gọi đám thanh thiếu niên trong xóm xuống vệ sông giúp ông đào chiếc vung.

Thạp đồng Đào Thịnh.



Năm người cào bới xung quanh một lúc mới đưa được cái vung lớn đó lên bờ. Lấy dao rựa cà cà thì thấy bên trong là kim loại màu vàng. Lúc đó ông Cúc bán tín bán nghi không biết là có phải vàng hay không. Xem lại cái vung, ông Cúc thấy có tượng 4 đôi nam nữ gắn ở 4 góc vung. Cả 4 đôi đều cùng một tư thế, đầu hướng vào trong, chân hướng ra rìa vung. Ông Cúc kể lại, tượng nam mặc khố có đeo dao găm còn tượng nữ thì hình như có mặc váy nhưng để ngực trần. Mấy thanh niên mới lớn rủ nhau ghè mấy đôi nam nữ ấy ra, mục đích chính là để lấy tượng người nữ ở phía dưới. Rồi người dân bắt đầu đổ ra xem…

Không biết mấy người bạn thế nào, riêng ông Cúc cũng ghè ra được một đôi rồi ông lấy dao chặt tượng người đàn ông ở phía trên vứt đi và chỉ giữ lại tượng người phụ nữ. Người thanh niên mới lớn ấy không biết rằng sự nghịch ngợm của mình ngày đó đã vô tình làm mất đi một phần giá trị của chiếc thạp đồng lớn nhất Việt Nam, sau này trở thành bảo vật quốc gia. Ông Cúc kể họ còn hè nhau đào tiếp phía dưới cái vung nhưng mãi không tìm thấy gì. Trời tối dần. Họ buộc phải về nhà nhưng vẫn tin rằng xung quanh đó ắt phải còn một cái gì đó rất lớn để cái vung mà họ mới phát hiện đậy lên. Họ băn khoăn, có vung sao lại không có nồi?

Sáng hôm sau, mấy người lại rủ nhau quay lại tìm kiếm tiếp. Ban đầu chẳng thấy gì. Sau có người nhìn lên phía bờ ruộng cao thì thấy có đồ vật giống cái bình lớn lộ ra một chút, miệng bình hơi nghiêng ra phía bờ sông. Họ hì hụi đào, càng đào càng thấy lộ ra một cái thạp lớn hình giống quả nhót. Đào mãi mới được. Vần cái thạp xuống sát mép nước, mấy người mới cạy hết đất phía miệng thạp để xem có gì bên trong. Ông Cúc nhớ lại, khi cạy hết đất ra, ông thấy bên trong có một đồ vật giống như cái chõ đồ xôi có lỗ thủng đặt úp lên 4 hòn kê hình lục lăng to bằng cỡ nắm tay đặt ở dưới đáy thạp. Phía trong cái "chõ" bằng đồng đó, khi nhấc lên, ông Cúc thấy có 4 vật giống hình răng bừa dài khoảng 15cm dựng chéo vào nhau. Phía đáy thạp có thứ gì đó lầy nhầy màu đen khi ném xuống sông vẫn nổi lều phều rồi trôi đi. Lúc này, những người tò mò đã tụ tập rất đông xung quanh.

Ông Cúc lấy một hòn kê mang về nhà. Ngày đó, trên miền này người ta hay đồn thổi về những đồ cổ làm bằng đồng đen rất quý. Ông Cúc mới đem hòn kê ra mài. Đến tối, khi ông thắp đèn dầu lên để soi thì phần được mài của hòn kê còn phản chiếu ánh sáng. Hôm sau, chính quyền xã biết chuyện đã cử người đến thu gom lại thạp đồng. Lúc này, thạp đồng đã bị vỡ thành nhiều mảnh.

Sau vài ngày, hòn kê ông Cúc mang về nhà vẫn thế nên theo lời đồn đoán đấy không phải là đồng đen. Khoảng 10 ngày sau, ông Cúc mang hòn kê nộp lại cho xã vì lúc đó công an, dân quân đi từng nhà để hỏi xem còn những vật gì liên quan đến cái thạp. Còn phần tượng nữ ông giấu lên mái gianh. Khi thấy nhiều người đi lùng sục quá nên ông Cúc sợ và vứt phần tượng nữ ra ruộng của nhà mình. Khoảng chục năm trở lại đây, mỗi lần cày cấy ông Cúc đều có ý tìm lại, thậm chí còn đưa cả máy dò kim loại về dò mà chẳng thấy tượng đâu. Ông Cúc nói vừa như nuối tiếc, vừa như khẳng định, nếu người ta bảo là đã tìm lại được cả 4 cặp tượng nam nữ ấy là không đúng đâu bởi vì chính tôi đã làm mất một tượng nữ rồi.

Riêng ông Phúc, người đầu tiên phát hiện ra cái thạp, đã mang vật hình giống cái chõ về nhà để đựng dưa. Sau này, ông Phúc cũng mang trả lại xã. Ông Phúc giờ đã mất. Mấy người đầu tiên đào được thạp đồng cùng ông giờ chỉ còn lại ông Cúc và một người bạn hiện đang sống với con ở TP Hồ Chí Minh. Còn chiếc thạp đồng tình cờ được phát hiện ngày nào ở vệ sông Hồng giờ đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Xứng đáng là bảo vật quốc gia

Ngay sau khi được phát hiện, thạp đồng Đào Thịnh đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử, nhất là những chuyên gia về thời kỳ Đông Sơn. Năm 1963, trong cuốn "Những vết tích đầu tiên của thời đại đồ đồng thau ở Việt Nam", các tác giả Lê Văn Lan, Phạm Văn Kỉnh, Nguyễn Linh đã ghi nhận: "Đây là chiếc thạp đồng có kích thước lớn nhất trong sưu tập thạp Việt Nam hiện nay". Sau hơn nửa thế kỷ, thạp đồng Đào Thịnh vẫn là chiếc thạp có kích thước lớn nhất, có giá trị độc bản được tìm thấy ở Việt Nam và những vùng thuộc văn hóa Đông Sơn. Khi phát hiện, thạp đặt nằm nghiêng, miệng quay ra sông, ở độ sâu 5 mét, trong thạp có 1 thạp nhỏ chứa đinh đồng, quặng đồng; 1 miếng gỗ mục nát, một vật "lầy nhầy". Về sau quặng xỉ đồng được xác định là những mảnh của vòng đồng bị gỉ vón kết lại, chất "lầy nhầy" được xem là dấu vết của hài cốt(?). Ở đây còn tìm thấy 1 răng người rơi ra ngoài cạnh thạp còn xanh xỉ đồng bám vào. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một mộ táng quan tài bằng thạp đồng, được chôn cất theo lối hỏa táng.

Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thạp đồng Đào Thịnh có niên đại khoảng 2.500 năm. Thạp cao 96cm; đường kính nắp: 64cm; đường kính đáy: 60cm; đường kính thân nơi rộng nhất: 70cm. Thạp là loại hình di vật được phát hiện khá nhiều và khá tiêu biểu trong văn hóa Đông Sơn. Thạp là một trong những đồ đựng của cư dân Đông Sơn, ngoài ra nó còn được dùng trong nghi thức chôn cất người chết. Thạp còn đầy đủ cả thân và nắp.

Thạp được trang trí từ nắp cho tới chân với hai mô típ chủ đạo: hình người, động vật và hình học. Nắp thạp trang trí bốn khối tượng người gồm 4 cặp trai gái đang giao phối. Trai thì tóc xõa, ngang hông đeo dao găm, đóng khố. Gái thì vận váy ngắn, bộ phận sinh dục nam giới được nhấn mạnh rõ nét. Có thể người xưa có ý đồ khi đặt các khối tượng ở vị trí trang trọng, trung tâm để nói lên khát vọng sinh sôi, sự phồn thịnh của con người và vạn vật. Thạp đồng Đào Thịnh với bốn cặp tượng nam nữ đã dẫn chúng ta đến kết luận về tín ngưỡng phồn thực của tổ tiên ta vào những thế kỷ trước Công nguyên, và những nghi thức rước Nõ Nường cũng đã xác định sự tồn tại của tín ngưỡng này trong nhân dân ta cho đến những thế kỷ gần đây. Ngoài ra, trên nắp thạp còn trang trí 8 hình chim mỏ dài chia thành 4 đôi bay ngược chiều kim đồng hồ và một số hoa văn dạng hình học.

Thân thạp có hình khắc sáu chiếc thuyền mũi cong có nhiều người mặc y phục cài lông chim đứng trên sàn thuyền. Giữa lòng thuyền đựng một pháo đài, trên có một người đang cầm cung trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Những người còn lại đều đứng trên sàn thuyền với các loại vũ khí: cung, giáo, lao, rìu chiến, dao găm theo thứ tự ai sử dụng vũ khí đánh xa thì đứng đằng trước, vũ khí đánh gần đứng giữa và vũ khí phòng vệ đứng sau cùng. Ngoài hoa văn trang trí người và thuyền, thân thạp còn trang trí một số hoa văn động vật như: chim đang bay, cá sấu cặp đôi và nhiều băng hoa văn hình học…

Hình dáng, cấu trúc con thuyền cũng như sức chở và sự bố trí binh lực trên thuyền đã phản ánh cho chúng ta thấy kỹ thuật đóng thuyền ở thời kỳ này rất phát triển và có lẽ ở thời kỳ này, chiến tranh cũng đã trở thành một hiện tượng phổ biến, cư dân Đông Sơn đã tỏ rõ một bản lĩnh quân sự vững vàng, một tài năng chiến đấu không chỉ trên bộ mà còn thạo cả thủy chiến.

TSKH Phạm Quốc Quân - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia khẳng định, những loại thạp đồng có nắp đậy và hình quả nhót như vậy chỉ có ở vùng Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai mà tâm điểm là Yên Bái. TS Quân đã phải thốt ra: "Thạp đồng Đào Thịnh quá đặc sắc!". Cho đến nay, thạp Đào Thịnh vẫn là thạp đồng lớn nhất được phát hiện ở Việt Nam và chỉ có ở khu vực phía Bắc Việt Nam. TS Quân chỉ rõ: "Có 3 lý do chính để thạp đồng Đào Thịnh trở thành bảo vật quốc gia. Thứ nhất, nó là độc bản. Thứ hai, nó có giá trị thẩm mỹ cao. Thứ ba, nó là hiện vật tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử. Thạp đồng Đào Thịnh tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn ở Bắc Việt Nam".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chuyện chưa biết về chiếc thạp đồng bảo vật quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.