Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một nét văn hóa, một sự tri ân

Bảo Nga| 04/03/2014 06:13

(HNM) - Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương chuyên ngành kinh tế đối ngoại, từng đảm nhiệm vị trí điều hành cấp cao của nhiều công ty nước ngoài khi tuổi đời còn rất trẻ, trước khi trở thành du học sinh tại Mỹ...

Những tưởng con đường sự nghiệp sẽ trải rộng trước mắt Trần Phương Anh, nhưng, một "kỳ duyên" đã đưa chàng trai này bước sang một ngã rẽ hoàn toàn khác. Từ bỏ công việc ổn định, từ bỏ một mức lương khá cao trong con mắt nhiều người, Phương Anh quyết định khoác ba lô đi dọc chiều dài đất nước để tìm lại các công thức và cách làm hương (nhang) có từ hàng trăm năm trước. Hơn 5 năm thành lập Công ty Nhang Phụng Nghi, Phương Anh đã khẳng định con đường mình chọn là đúng...

Giám đốc Trần Phương Anh kiểm tra chất lượng sản phẩm hương Phụng Nghi.



Ngã rẽ bất ngờ

Ba năm trước, vào dịp Tết Nguyên đán, tôi tình cờ được tặng một hộp hương Phúc An. Gần như ngay lập tức, vẻ đẹp thanh nhã của vỏ hộp và mùi hương thoang thoảng, khi gần, khi xa... đã chinh phục tôi hoàn toàn. Kể từ đó, tôi trở thành "khách ruột" của một đại lý, chuyên cung cấp hương Phụng Nghi trên địa bàn Hà Nội, nhưng đến khi gặp Phương Anh, tôi mới thật sự hiểu những giá trị tinh thần vô giá ẩn chứa bên trong mỗi thẻ hương. Không dành bất cứ lời nào để kể về những năm tháng du học ở Mỹ, không dài dòng về quãng thời gian đảm nhiệm những vị trí cao tại các công ty nước ngoài với mức lương "khủng"...

Trong suốt buổi nói chuyện, chàng trai thế hệ 8X chỉ đau đáu về những dự định, những ý tưởng để đưa nén hương - một nét tinh hoa văn hóa dân tộc, trở về đúng với vị trí linh thiêng vốn có của nó. "Tôi chỉ mong muốn các bạn trẻ như tôi, trên bước đường lập nghiệp, hãy quay về với nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Làm hương không giống như kinh doanh một món hàng, mà đó chính là văn hóa...". Phương Anh mở đầu câu chuyện bằng những kỷ niệm đầu đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của mình một cách rất tự nhiên. Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, tốt nghiệp đại học, chàng trai 8X mang trong mình những tham vọng lớn của tuổi hai mươi. Phương Anh không ngại "nhảy việc", sẵn sàng đương đầu với thử thách để chứng tỏ mình. Nhưng công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng "xuôi chèo mát mái". Lúc khó khăn nhất, anh chọn cách bỏ lại sau lưng những xô bồ của cuộc sống thị thành, trở về quê, tìm đến ngôi chùa Keo cách nhà không xa để tìm một góc riêng. Trong một lần ghé thăm chùa Keo vào một chiều cuối thu, khói hương bảng lảng, anh bỗng nhiên quyến luyến lạ thường bởi mùi hương lạ. May mắn được sư trụ trì hướng dẫn tỉ mỉ về công đoạn làm hương "bí truyền" từ hàng trăm năm trước và ý nghĩa của từng mùi hương được chiết xuất hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên... Chàng trai trẻ thấy tâm hồn như thức tỉnh. Mang những băn khoăn về cách làm hương truyền thống, Phương Anh đến nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử để tìm câu trả lời. Với vốn kiến thức ít ỏi có được cộng với thời gian lăn lộn trên thị trường chàng trai trẻ càng cảm thấy tiếc nuối cho nghề làm hương với những nét văn hóa đặc sắc đang ngày càng trở nên mai một. Như một sự thôi thúc, trong những chuyến công tác xa nhà, Phương Anh tranh thủ tìm đến những làng nghề để hỏi thêm cách làm hương truyền thống. Khi đã có thể tự tin với vốn kiến thức kha khá về nghề làm hương, chàng trai trẻ quyết định bỏ việc để toàn tâm toàn ý với niềm đam mê. Quyết định của anh ngay lập tức vấp phải phản ứng từ phía gia đình, người thân, những người vốn đặt lên vai anh nhiều kỳ vọng.

"Đó là những năm 2006-2007, khi quyết định bỏ công việc để dấn thân vào sự nghiệp mới, tôi cũng có nhiều lo lắng. Nhưng trên hết, tôi muốn làm một thứ gì đó, dù nhỏ, nhưng phải thật sự tinh tế và của riêng mình" - Phương Anh chia sẻ. Anh tâm niệm, cũng giống như trà và trầu cau, hương là thứ không thể thiếu trong thờ cúng tổ tiên, một phần của văn hóa Việt. Việc sử dụng hương trong văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam có từ rất lâu đời, nhưng sản xuất một nén hương như thế nào lại là điều chưa được nhiều người chú trọng.

Gìn giữ nét văn hóa Việt

Quyết là làm, Phương Anh vác ba lô lên đường, tìm kiếm, học hỏi những bí quyết làm hương truyền thống. Một mình không đủ sức, anh nhờ Giáo sư sử học Lê Văn Lan đồng hành trong các chuyến đi. Đến mỗi vùng đất mới, hai thầy trò lại cùng ngửi, nếm các loại cỏ, chất gỗ... để tìm nguyên liệu cho những sản phẩm tương lai. Sau 3 năm lặn lội, Phương Anh đã tìm ra nhiều nguyên liệu làm hương khá độc đáo. Tiếp nối những kinh nghiệm cổ truyền, anh đã cùng các chuyên gia của Phụng Nghi có những nghiên cứu khoa học về nhiều loại nguyên liệu ở mỗi vùng, miền để làm ra những nén hương có thể gọi là tinh hoa nhất. Hương Bài tốt nhất chỉ có ở Quảng Ninh, Trầm hương ở miền Trung, quế tốt nhất ở Yên Bái, hoa hồi ở Lạng Sơn... Trong khi hầu hết nhà sản xuất chọn cách nhập nguyên liệu bột hương, chân hương từ các làng nghề, Phương Anh lại chọn cho mình hướng đi hoàn toàn khác. Để đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng, sự tinh tế, tỉ mỉ... anh tự xây dựng cho mình một quy trình sản xuất khép kín. Từ việc xây dựng các vùng nguyên liệu, pha trộn bột, thu mua tre, vầu thuê người vót chân hương, đến khâu in ấn, thiết kế mẫu mã cho vỏ hộp... tất tật đều được chính những người lao động của Phụng Nghi thực hiện.

Phương Anh cho biết, pha trộn thảo mộc chính là công đoạn khó nhất trong quá trình sản xuất hương. Tạo ra hương vị thanh cao, thư thái cho mỗi nén nhang là cả một nghệ thuật. Nghệ thuật pha trộn thảo mộc vô cùng cầu kỳ, tinh xảo. Thảo mộc được chọn phải là loại tốt nhất. Khi pha trộn các loại thảo mộc thiên nhiên, số lượng, tỷ lệ tương quan giữa các thành phần là quan trọng nhất. Mỗi sự tăng hay giảm dù là rất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng lớn đến hương vị nén hương sau này. Không những thế, tùy vào từng mùa, từng thời tiết, lượng nước tinh khiết và keo thảo mộc sẽ cho ra những mùi hương khác nhau. Tất cả phụ thuộc vào kinh nghiệm lâu năm và sự tinh tế của người nghệ nhân đảm nhiệm công việc pha trộn.

Để chinh phục nhiều thị trường khác nhau theo thói quen, tập tục và sự phân bố thảm thực vật đa dạng của mỗi vùng miền, Phụng Nghi chia thành 5 trường phái hương lớn ở 5 vùng khác nhau: Hương Trầm Thăng Long - Hà Nội, rất cầu kỳ và tinh tế, thể hiện triết lý Ngũ hành, được làm từ trầm tích của cây dó bàu, cây hương bài, hoa ngâu, bổ sung tổng hợp các vị thuốc bắc như đinh hương, đại hồi, quế...; Hương Trám vùng Kinh Bắc; Hương Bài vùng Đông Bắc bộ; Trầm Hương vùng Huế - Đà Nẵng; Đàn Hương ở Sài Gòn - Gia Định. Mỗi một nén hương của Phụng Nghi được sản xuất trong thời gian 5 tháng, trước khi đến tay người tiêu dùng. Hương được làm thủ công nên thô mộc mà tinh tế, cháy rất chậm và đều, phải trên 2 giờ mới cháy hết. Được sự gợi ý của các nhà sử học, Phụng Nghi cũng không quên đưa những tích sử lên mỗi hộp hương. Nhìn thoáng qua những sản phẩm của Phụng Nghi, bất cứ ai cũng thấy rất đỗi thân quen, rất "Việt". Cách Phụng Nghi tiếp cận người tiêu dùng cũng rất lạ. Không ồn ào quảng cáo, không có những hoạt động tiếp thị phô trương, tất cả đều "hữu xạ tự nhiên hương" bằng chính chất lượng, sự tinh tế của sản phẩm. Để khẳng định chất lượng sản phẩm, Phương Anh mạnh dạn dâng hương đến các địa danh nổi tiếng như Lăng Bác, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, điện Kính Thiên, đền Ngọc Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn... và gửi hương biếu những người tiêu dùng kỹ tính nhất. Phương Anh cũng không ngại ngần đi đến từng đại lý, người tiêu dùng để giao hàng, cốt để lắng nghe nhận định, ý kiến phản hồi về sản phẩm của Phụng Nghi. Những phản hồi hầu hết đều tích cực khiến anh như có thêm động lực, niềm say mê với công việc.

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ ban đầu, sau hơn 5 năm thành lập công ty, chàng trai 8X đã xây dựng hàng chục điểm sản xuất trên cả nước gần 50 đại lý tại hai miền Nam - Bắc, tạo việc làm cho hàng trăm lao động vùng nông thôn. Hiện Phụng Nghi đã cho ra đời 4 dòng sản phẩm với 12 sản phẩm nhỏ, được chia thành 3 dạng: Hương vòng, hương tháp, hương cây. "Sắp tới, với sự cố vấn của Giáo sư Vũ Khiêu, tôi dự định sẽ ra mắt thị trường dòng sản phẩm "Nam Phương tri hương" như một làn gió văn hóa, nén hương của phương Nam gửi đi bốn phương trời..." - Phương Anh cho biết. Tôi hiểu, sự thành công của Phụng Nghi trên con đường bảo tồn, gìn giữ văn hóa Việt chính là cách những người trẻ tri ân tổ tiên, như một cầu nối thiêng liêng giữa quá khứ và hiện tại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một nét văn hóa, một sự tri ân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.