Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng thuận để giải quyết dứt điểm

Nguyễn Tùng - Chí Kiên| 04/04/2014 06:27

(HNM) - Mấy tháng nay, nguời dân thuộc dãy 2, cụm số 4, Khu dân cư (KDC) Thăng Long, xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) phải cắn răng chịu đựng cảnh

Người dân bức xúc

Chiều 2-4, có mặt tại dãy 2, cụm số 4, KDC Thăng Long, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân phải lắp thêm một máy bơm cỡ nhỏ để chuyển nước thải từ khu vệ sinh ra phía ngoài đường. Cuối giờ chiều, nước thải bắt đầu lênh láng trên con đường chính dẫn vào KDC. Hầu hết gia đình ở đây đều để nước thải thoát ra phía sau nhà. Khi Công ty Hoàng Oanh xây tường bao sát với tường nhà thì cống thoát nước của các nhà dân bị bịt lại.

Nước thải sinh hoạt ứ đọng trong khu dân cư.


Chưa bước vào khu vệ sinh của nhà ông Hoàng Văn Hùng, mùi nồng nặc đã xộc thẳng vào mũi. Nhà ông Hùng vẫn còn may vì mảnh đất ở bên cạnh chưa có người ở nên ông cho nước thải chảy tạm sang đó rồi bơm ra đường. Sang nhà bà Vũ Thị Nụ, tình cảnh còn bi đát hơn. Vì đã xây từ lâu nên nền nhà thấp, nước thải thấm lên tường loang lổ. Bà Nụ than vãn, vào những "giờ cao điểm", nước dềnh lên khắp nhà. "Khu nhà vệ sinh bây giờ chỉ ưu tiên cho chồng bà đang bị bệnh nằm liệt giường, còn các thành viên khác phải "tùy cơ ứng biến", bà Nụ bức xúc cho biết.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Nga đã phải 3 lần thuê đơn vị thông tắc vệ sinh vào hút bể phốt nhưng cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng là lại đầy. Từ tháng 8-2013 đến nay, khi Công ty Hoàng Oanh thi công dự án, các gia đình ở KDC đã bị bịt toàn bộ cống nước thải. Người dân đều cố gắng "tự lo" vệ sinh ở bên ngoài. Nếu phải sử dụng ở tại nhà thì chỉ là trong truờng hợp vạn bất đắc dĩ. Sống trong cảnh này chúng tôi rất lo sẽ mang bệnh", chị Nga than phiền.

Ông Hoàng Văn Hùng cho biết, khoảng gần 50 hộ ở dãy 2 cũng đang ngày đêm phải chịu đựng cảnh sống chung với nước thải. Về nguồn gốc đất, theo những người dân ở đây, từ năm 1985, sau khi xây dựng xong cầu Thăng Long, họ được thành phố Hà Nội cấp hơn 40.000m2 đất để làm nhà ở và đã được cấp sổ đỏ. Phần diện tích này có đất dành cho làm đường, trong đó có cả phần đất làm đường rộng 4m phía sau khu nhà dân dãy 2. Theo phản ánh của người dân thì phần rãnh thoát nước và phần đường công vụ 4m đều bị Công ty Hoàng Oanh lấn chiếm.

Chủ đầu tư có thiện chí

Quá bức xúc trước tình cảnh đang phải chịu đựng, người dân ở đây đã làm đơn kiến nghị lên Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, huyện Đông Anh, xã Kim Nỗ và chủ đầu tư dự án yêu cầu tiến hành kiểm tra lại mốc giới đã cắm và phần đất được sử dụng của dự án nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Trao đổi với lãnh đạo huyện Đông Anh, ông Trần Đình Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định dự án xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh tại xã Kim Nỗ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật từ việc thu hồi đất, giao đất, đấu thầu dự án… Cùng vấn đề này, ông Phạm Minh Toàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh đánh giá dự án này được chủ đầu tư là Công ty Hoàng Oanh thực hiện bảo đảm từ khâu chuẩn bị đầu tư đến tiến độ xây dựng dự án. Ông Phạm Minh Toàn cho biết thêm, dự án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của huyện; việc triển khai dự án gồm: Xây dựng trung tâm thương mại, trung tâm thể dục thể thao, trường mầm non là những công trình phúc lợi xã hội có ích cho các khu dân lân cận, trong đó có KDC Thăng Long.

Liên quan đến con đường công vụ ở phía tây rộng 4m mà người dân cho rằng chủ đầu tư dự án đã lấn trái phép, theo Phó Chủ tịch xã Kim Nỗ Nguyễn Duy Tiến, thể hiện trên bản đồ địa chính không có con đường công vụ 4m như nguời dân phản ánh. Phần đất này thuộc khu đất công do UBND xã Kim Nỗ quản lý và nhiều năm qua vẫn cho người dân trong xã thuê, thầu lại. Trả lời khiếu nại của KDC Thăng Long về vấn đề này, Sở TN&MT Hà Nội cũng khẳng định rằng không đủ điều kiện khôi phục mốc giới giao đất của KDC Thăng Long ra ngoài thực địa. Nguyên nhân là do trích lục bản đồ khu đất cấp cho Liên hiệp Các xí nghiệp (LHCXN) cầu Thăng Long được lập theo hệ tọa độ của Pháp với công nghệ thủ công, tỷ lệ nhỏ, độ chính xác vị trí điểm chi tiết rất thấp so với quy định hiện hành. Hiện tại chưa có phương pháp hoàn toàn chính xác để tính chuyển từ hệ tọa độ này về hệ tọa độ VN2000. Trong khi đó, bản đồ đất LHCXN cầu Thăng Long, tỷ lệ 1/1.000, trích lục tháng 10-1988 được vẽ bằng tay, không được xây dựng trên hệ tọa độ quốc gia. Sở TN&MT cũng khẳng định, mốc giới của Công ty Hoàng Oanh không chồng lấn vào diện tích đất của KDC Thăng Long.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Oanh nhấn mạnh: Toàn bộ dự án của công ty thực hiện đều theo vị trí mốc giới đã được Sở TN&MT Hà Nội cắm. Theo bà Oanh, khi giải quyết khiếu nại của người dân, trong các cuộc đối thoại, chính quyền đã nhiều lần yêu cầu cơ quan chủ quản và nhân dân KDC Thăng Long cung cấp các tài liệu liên quan đến diện tích được thành phố cấp cho dân cư. Tuy nhiên, cả cơ quan chủ quản và nhân dân KDC Thăng Long đều không cung cấp được tài liệu liên quan đến những khiếu nại về việc dự án đã lấn sang đất của KDC Thăng Long. Và trên thực tế, theo quan sát của phóng viên thì hầu hết các hộ ở dãy 2, cụm dân cư số 4, nhà đều quay về hướng Đông, nơi có con đường rộng khoảng 3-4m.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều ngày 3-4-2014, Giám đốc Công ty Hoàng Oanh cho biết: Công ty sẵn sàng giúp bà con, hỗ trợ các hộ dân đang bị ứ đọng nước thải khi bà con có yêu cầu làm đơn nhờ đường thoát nước chung của dự án. Bà Oanh cho biết hiện dự án đã thi công đường thoát nước ngầm ở phía dưới, cách mặt nền 1m, nếu các hộ dân này hợp tác thì Công ty Hoàng Oanh sẽ giải quyết thấu tình đạt lý.

Khẩn trương tháo gỡ

Vấn đề "nóng" hiện nay chính là việc thoát thải nước vệ sinh, nước sinh hoạt hằng ngày của hàng chục hộ dân. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Tiến cho rằng, nguyên nhân là do người dân khi xây dựng nhà cửa đã để nước thải thoát tự do ra sau nhà nên khi thi công dự án đường thoát nước sinh hoạt đã bị bít toàn bộ.

Xét ở khía cạnh tuân thủ các quy định của pháp luật, dự án của Công ty Hoàng Oanh đã bảo đảm trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay lại nằm ở chỗ chính quyền địa phương và chủ đầu tư trước khi triển khai dự án, chưa tiến hành thấu đáo công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng và tham khảo ý kiến người dân tại KDC liền kề khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rõ ràng từ thực tế ở KDC cho thấy: Việc khảo sát của chính quyền xã Kim Nỗ chủ yếu là xác định nguồn gốc đất, chưa quan tâm đến nhiệm vụ an sinh xã hội của những hộ dân liền kề dự án, một vấn đề rất quan trọng và cần phải làm. Theo bà Nụ cùng nhiều người dân ở dãy 2 thì "chúng tôi có nghe phong thanh là cấp trên nói là có lấy ý kiến người dân, nhưng từ khi họ đến để nghiên cứu, lập dự án chúng tôi chẳng hay biết và chưa được tham gia cuộc họp nào. Bất thình lình họ giao đất, xây dựng bờ tường bao bịt hết cả rãnh thoát nước thải trước đây".

Qua sự việc này có thể thấy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương. KDC Thăng Long là một bộ phận của xã Kim Nỗ, đã tồn tại hàng chục năm, chính quyền phải có trách nhiệm tham mưu, đề xuất giải pháp giúp người dân ổn định đời sống, đồng thời bảo đảm các dự án phát triển trong khu vực có môi trường hoạt động lành mạnh.

Để giải quyết vướng mắc trên đây, huyện Đông Anh, xã Kim Nỗ cùng Công ty Hoàng Oanh cần tiếp tục ngồi lại với người dân để tìm tiếng nói chung, giải quyết các lợi ích một cách hài hòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng thuận để giải quyết dứt điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.