Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao vẫn nằm trên giấy?

Bảo Nga - Chí Kiên| 01/08/2014 06:15

(HNM) - Dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Nam Sơn (Sóc Sơn) vẫn nằm trên giấy. Toàn bộ lô thiết bị trị giá hàng triệu USD đang nằm im trong kho bãi của chủ đầu tư.


Tuy nhiên, đã gần hết quý III-2014, do chưa hoàn thiện thủ tục nên dự án vẫn nằm trên giấy. Toàn bộ lô thiết bị trị giá hàng triệu USD đang nằm im trong kho bãi của chủ đầu tư. Tìm hiểu thông tin về dự án, nhóm PV Báo Hànộimới đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập ngay từ khâu tiếp cận nguồn vốn, kế hoạch đấu thầu đến trình tự, thủ tục triển khai...

Lô thiết bị trị giá hàng triệu USD đang "nằm chờ" tại Khu xử lý rác thải Nam Sơn.



Lỗi thuộc chủ đầu tư - Công ty URENCO

Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Nam Sơn có tổng mức đầu tư 612 tỷ đồng, trong đó trên 140 tỷ đồng là vốn đối ứng trong nước, được lấy từ nguồn ngân sách thành phố, bao gồm chi phí các thiết bị phụ trợ, xây dựng, lắp đặt, quản lý dự án...; số tiền còn lại là vốn viện trợ không hoàn lại của Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản (NeDo), được sử dụng vào chi phí thiết kế, sản xuất hoàn thiện toàn bộ thiết bị nhà máy, vận chuyển thiết bị. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (URENCO) được giao làm chủ đầu tư. Dự kiến, dự án được thực hiện trong hai năm 2013-2014.

Với nguồn vốn ưu đãi lớn, dự án được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường thông qua việc xây dựng hệ thống lò đốt và xử lý làm sạch khí thải; giảm thiểu diện tích bãi chôn lấp chất thải rắn, góp phần xử lý triệt để khối lượng chất thải công nghiệp, đặc biệt là chất thải công nghiệp nguy hại của Hà Nội và khu vực lân cận; sử dụng năng lượng từ việc xử lý chất thải công nghiệp để sản xuất điện năng cung cấp cho Khu liên hợp XLCT Nam Sơn, góp phần làm giảm gánh nặng tiêu thụ điện năng của thành phố...

Sau khi được UBND thành phố phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án, tháng 11-2013 URENCO đã tổ chức đấu thầu gói số 1 - có đơn giá hơn 107 tỷ đồng - với nội dung: Thiết kế kỹ thuật, cung cấp, mua sắm các thiết bị phụ trợ của nhà máy, xây dựng, lắp đặt, tổ chức đào tạo vận hành... Ngày 14-1-2014, chủ đầu tư đã phê duyệt kết quả đấu thầu và gửi thông báo đến đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Lilama 69-1 và Công ty TNHH Tư vấn - thiết kế Cimas. Theo đó, gói thầu số 1 sẽ được liên danh này thực hiện theo hình thức "hợp đồng trọn gói" trong thời gian 360 ngày. Tuy nhiên, đến nay đã 3/4 thời gian trôi qua, chủ đầu tư vẫn chưa thể ký hợp đồng với nhà thầu để triển khai các hạng mục của gói thầu số 1. Nguyên nhân chính được xác định là hình thức hợp đồng trong hồ sơ mời thầu được duyệt (theo đơn giá cố định) không phù hợp với kế hoạch đấu thầu (hợp đồng trọn gói). Bên cạnh đó, hình thức hợp đồng trong thông báo trúng thầu và quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu của chủ đầu tư (trọn gói) không phù hợp với hồ sơ mời thầu.

Theo giải trình của chủ đầu tư - Công ty URENCO, tại thời điểm lập dự án đầu tư và thiết kế cơ sở, các tài liệu về thiết bị làm căn cứ lập dự án và thiết kế cơ sở do đơn vị sản xuất thiết bị từ nguồn viện trợ của Nhật Bản cung cấp, được chuyển cho phía Việt Nam bằng tiếng Anh và theo từng lần công tác của các chuyên gia Nhật Bản. Do vậy, việc tiếp nhận tài liệu không được liên tục, phải chuyển ngữ nhiều lần, dẫn tới việc tư vấn lập dự án đầu tư và thiết kế cơ sở không tính toán được sát với tính chất kỹ thuật, yêu cầu đáp ứng giữa hạ tầng xây dựng của phía Việt Nam với thiết bị viện trợ phía đối tác. Trên cơ sở xem xét các hồ sơ dự án và tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp, tư vấn lập hồ sơ mời thầu nhận thấy những tài liệu này còn chưa đầy đủ và thiếu chính xác nên đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng trong hồ sơ mời thầu là hợp đồng theo đơn giá cố định cho phù hợp với tính chất của gói thầu. Do sức ép tiến độ của dự án và thiếu kinh nghiệm nên chủ đầu tư đã thực hiện mở thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu khi chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đấu thầu của UBND thành phố.

Việc làm này đã thể hiện sự "thiếu kinh nghiệm" của chủ đầu tư. Theo đúng nguyên tắc, trước những sự việc kể trên, chủ đầu tư phải báo cáo UBND thành phố xin điều chỉnh kế hoạch đấu thầu tại thời điểm trước khi mở thầu. Những sai sót kể trên đã được Sở Kế hoạch - Đầu tư xem xét, có văn bản báo cáo UBND thành phố, xác định rõ: Chủ đầu tư đã vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu như phê duyệt hồ sơ mời thầu không đúng với kế hoạch đấu thầu được phê duyệt về hình thức hợp đồng; thông báo trúng thầu và phê duyệt kết quả đấu thầu không phù hợp với hồ sơ mời thầu về hình thức hợp đồng.

Thiết bị "đắp chiếu"


Hậu quả của sự "khập khiễng" kể trên là toàn bộ các lô thiết bị trị giá hàng triệu USD hiện đang bị "đắp chiếu" trong kho bãi của Khu liên hợp XLCT Nam Sơn. Ngày 29-7, có mặt tại đây, PV Báo Hànộimới chứng kiến trên khu đất 3ha (diện tích dành xây dựng dự án), có hàng trăm cấu kiện được bọc trong giấy nilông trong suốt, xếp thành hàng dài trên nền đất đã được san phẳng. Ngoài khu vực tập kết ngoài trời, ngay cạnh khu hành chính của Xí nghiệp Chi nhánh XLRT Nam Sơn, cũng có hàng chục thùng hàng được đóng hộp cẩn thận bằng gỗ đặt ở trong kho, ở bên ngoài mỗi thùng hàng đều được đóng một dấu đỏ. Theo ông Cao Xuân Thìn, Phó Giám đốc Xí nghiệp chi nhánh XLRT Nam Sơn, toàn bộ lô thiết bị của phía NeDo được chuyển về Việt Nam qua 5 đợt và được bảo quản toàn bộ tại khu vực XLCT Nam Sơn. Số lô thiết bị quan trọng, chủ yếu là máy móc, được Xí nghiệp bảo quản trong kho có mái che để tránh mưa nắng. "Toàn bộ lô hàng đã đặt ở đây được một năm nay, vẫn bảo đảm nguyên đai, nguyên kiện, nhiều bọc hàng chúng tôi cũng không rõ bên trong là máy móc gì, vì được phía Nhật Bản đóng hộp gỗ, niêm phong rất cẩn thận". - Ông Thìn cho biết. Đánh giá về công tác bảo quản số lô hàng trị giá hàng triệu USD này, ông Thìn và đại diện Công ty URENCO cung cấp thêm thông tin: Phần thiết bị trong kho được bảo quản ổn định; phần thiết bị ngoài trời, ban đầu được che bằng bạt, nhưng sau một thời gian bị mục nát, vì thế có thời gian ngắn phần lớn số thiết bị này không được che đậy. "Khi phía Nhật sang kiểm tra, họ yêu cầu chúng tôi phải bọc toàn bộ phần thiết bị ngoài trời bằng giấy nilông trong suốt như hiện nay". - Ông Dũng, đại diện Công ty URENCO nói.

Từ việc để xảy ra bùng nhùng trong hoàn thiện thủ tục hành chính cho dự án do phía chủ đầu tư, thời gian hoàn thiện dự án đã phải điều chỉnh ngay khi dự án chưa được triển khai ngoài thực địa. Theo đó, UBND TP Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức NeDo (Nhật Bản) đã có biên bản ghi nhớ sửa đổi cuối tháng 4-2014, nâng thời gian hoàn thiện từ 360 ngày lên thành 555 ngày, dự kiến đến tháng 8-2016 sẽ hoàn thành dự án.

Để khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, ngày 25-7-2014, UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho phép Công ty URENCO được thực hiện gói thầu số 1 theo nội dung hồ sơ mời thầu đã được phê duyệt; yêu cầu công ty khẩn trương hoàn thiện các thủ tục có liên quan việc triển khai gói thầu số 1 và toàn bộ dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ, không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 25-2-2013. Trong văn bản này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với vi phạm của chủ đầu tư trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu thầu; chịu trách nhiệm về tiến độ dự án theo thời gian có hiệu lực của biên bản ghi nhớ sửa đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao vẫn nằm trên giấy?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.