Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biến bèo tây thành ngoại tệ

Phạm Bá Dực| 22/08/2014 06:13

(HNM) - Cánh bèo lênh đênh mặt nước đã gắn bó với đời sống người dân Việt Nam từ nhiều năm qua nhưng chỉ để làm thức ăn chăn nuôi...


Câu chuyện cây bèo tây - hàng xuất khẩu

Làng nghề xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội có lịch sử trên 300 năm. Cụ Tổ Nguyễn Thảo Lâm đã đem nghề đan mây, giang, tre truyền cho dân làng và tiếp truyền cho đến ngày nay. Làng nghề "đan guột" là tên gọi nôm na chỉ các sản phẩm từ mây tre, giang, cói, cỏ guột - những nguyên liệu từ thiên nhiên dưới bàn tay khéo léo của con người đã làm nên danh tiếng làng nghề truyền thống của xã Phú Túc. Anh Nguyễn Xuân Đề quê làng Lưu Thượng, xã Phú Túc có cơ sở sản xuất hàng mây tre giang… với cái tên: "Cơ sở sản xuất làng nghề guột mây tre giang - bèo cói xuất khẩu Xuân Đề - Thảo Yến” kể lại, đầu năm 1998, anh vào các tỉnh phía Nam tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm và đã đến tỉnh Đồng Tháp. Ở đây có những đầm nước bạt ngàn bèo tây (miền Nam gọi là lục bình) thân dài 50-60cm. Bèo tây ngoài Bắc không hiếm, nhưng trong Nam sao nó dài như vậy? Thế là anh nảy ra ý định biến nó thành nguyên liệu đan để tạo ra sản phẩm. Anh Đề cùng một nhóm thợ cả đi cùng thuê người lấy bèo, cắt bỏ gốc và lá đem phơi khô rồi ép xẹp xuống, rồi đan thử một số sản phẩm và thật mừng đã thành công. Đêm đó ở nhà nghỉ, anh thao thức mãi và ngắm nhìn những sản phẩm ấy đến sáng. Sau đó, anh quyết định thuê người lấy bèo phơi khô rồi đóng thành kiện thuê xe tải chở 15 tấn bèo mang về quê.

Một số sản phẩm làm từ bèo tây.


Từ những cánh bèo, anh Đề và vợ đã tạo ngay va li, làn xách tay, bồ đựng hoa, bình cắm hoa, các con chim, các con thú như gấu, chó, mèo… và nhiều sản phẩm khác. Sản phẩm làm ra phải trải qua nhiều công đoạn kỹ thuật như, phơi khô bèo, sấy tẩm chống mốc mọt, làm bóng, lại phải có nhiều mẫu mã và luôn thay đổi mới có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng nước ngoài. Có thể nói anh Nguyễn Xuân Đề là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh năng động nhạy bén với thị trường đặc biệt là với đôi tay vàng của người thợ làng nghề truyền thống và khả năng tìm tòi sáng tạo, nhiều mẫu mã mới đã được tạo tác đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cơ sở Xuân Đề - Thảo Yến không nhiều thợ nhưng là thợ lành nghề, anh cung cấp nguyên liệu và thu mua thành phẩm theo hợp đồng, xuất đi các thị trường như Đài Loan, Nhật Bản, Đức, Nga và Mỹ. Giới thiệu sản phẩm với tôi, anh nói: Khi "đánh" chuyến nguyên liệu đầu tiên từ Đồng Tháp ra em cũng lo lắm, không biết sản phẩm làm ra từ "bèo" thị trường có chấp nhận không? Song vừa làm vừa quảng bá sản phẩm và thấy khách hàng nước ngoài ưa chuộng, nên em rất mừng. Hàng năm em xuất từ 12 đến 16 container đi các thị trường quốc tế. Tám tháng đầu năm 2014, đã xuất đi 16 container cho thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ, giá trị sản xuất đạt 16 tỷ đồng. Theo quy hoạch, cơ sở sản xuất của em cần 4.000m2 mặt bằng để di dời ra khỏi khu dân cư. Tôi thán phục anh Nguyễn Xuân Đề, từ cây bèo lênh đênh mặt nước, anh đã biến nó thành nguyên liệu để sản xuất ra những mặt hàng thủ công, chinh phục được khách nước ngoài kỹ tính.

Bí thư chi bộ thôn Lưu Thượng Trần Minh Căn cho biết, cả thôn có 429 hộ đều sinh sống từ nguồn thu làm hàng mây giang đan. Lưu Thượng có tới 10 công ty, doanh nghiệp lớn, còn lại là các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tạo việc làm cho hầu hết lao động của thôn và nhiều xã xung quanh. 

Làm giàu từ nghề truyền thống

Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thanh Thủy: Năm 2015, Phú Túc sẽ tăng trưởng khoảng 11%-13%. Trong tiến trình phát triển Phú Túc hướng tới mô hình kinh doanh du lịch - làng nghề truyền thống. Đây là kênh rất quan trọng để quảng bá sản phẩm tại chỗ nhằm nâng cao giá trị làng nghề, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trong vùng. Trước yêu cầu của sản xuất ngay trong làng việc xử lý chất thải khó khăn, mặt bằng eo hẹp, Phú Túc đã lập quy hoạch mặt bằng xây dựng nhà xưởng sản xuất tập trung xa khu dân cư với diện tích 6ha, đang được huyện Phú Xuyên thẩm định để phê duyệt. Đây là cơ hội mới tiếp sức tạo đà cho nghề mây tre giang đan của Phú Túc phát triển và tăng trưởng những năm tới.

Về Phú Túc bắt gặp ngổn ngang những lô hàng bán thành phẩm trong nhà ngoài sân phơi, thành phẩm chất trong kho và đã đóng trong thùng các tông chờ xe về "ăn hàng". Ngoài một số cơ sở có thợ làm tập trung như Xuân Đề - Thảo Yến, Phú Tuấn, cơ sở sản xuất hàng guột, mây giang đan - bèo cói Tiện - Thà… có gần trăm lao động hoặc vài chục lao động, còn đa số người dân làm tại nhà. Những xe cỏ tế, cỏ guột, rồi mây, giang… từ Hòa Bình, Thái Nguyên… đưa về rồi bèo tây vận chuyển từ miền Nam ra… (Hiện nay trên địa bàn trong và ngoài huyện Phú Xuyên cũng có một số ao đầm thả loại bèo thân dài làm nguyên liệu nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất). Những ai có dịp về Phú Túc đều cảm nhận thấy tràn ngập niềm vui trong cảnh xe vào ra tấp nập. Xe con đến ký hợp đồng; xe tải chở nguyên liệu và thành phẩm xuôi xuất ngoại.

Làng nghề Phú Túc đã xóa hết cảnh nghèo, nhiều hộ dân đã trở nên giàu có. Do nhu cầu của thị trường, nghề sản xuất mây giang đan đã lan rộng ra nhiều xã trong huyện. Xã Bạch Hạ, năm 2013 đã mở 2-3 lớp đào tạo nghề mây, giang đan, thu hút được 75 lao động có việc làm thường xuyên. Xã Tri Thủy tận cuối huyện vốn thuần nông cũng đã đưa nghề này vào từ năm 2013… và nhiều xã khác đang dạy nghề, đào tạo thợ tham gia làm hàng xuất khẩu.

Nghề mây tre giang đan, gọi chung là nghề đan guột tế không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp lại hút được nhiều lao động. Tuy nhiên điều kiện sống còn đối với nghề là chủ cơ sở, doanh nghiệp phải luôn thay đổi mẫu mã, sáng tạo không ngừng để tạo ra các sản phẩm mới hấp dẫn khách hàng, nhất là thị trường quốc tế. Những người nông dân, thợ thủ công bây giờ đã được công nghệ thông tin hỗ trợ. Với chiếc máy tính nối mạng, tiếp cận với khách hàng, với thị trường nhanh chóng thuận lợi và việc thiết kế mẫu mã sản phẩm trên máy vi tính vừa nhanh vừa đẹp ngày càng đáp ứng sự phát triển của làng nghề.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc Nguyễn Thanh Thủy cho biết: Mặc dù kinh tế thế giới biến động, ảnh hưởng đến đầu ra, sức tiêu thụ của sản phẩm làng nghề. Thế nhưng, với sự nỗ lực của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, công tác quảng bá, thiết kế mẫu mã được coi trọng nên sản phẩm vẫn hấp dẫn các đối tác nước ngoài. Đặc biệt quan trọng là làng nghề Phú Túc luôn giữ chữ tín về chất lượng sản phẩm nên đầu ra vẫn tiêu thụ tốt. Giá trị sản xuất hàng thủ công của làng nghề Phú Túc tính sơ bộ đến tháng 8-2014 đạt 54 - 60 tỷ đồng. Đây là sự phấn đấu vượt bậc của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động. Phú Xuyên là đất trăm nghề, truyền thống từ bao đời càng có điều kiện phát triển để nâng cao đời sống, làm giàu từ quê hương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biến bèo tây thành ngoại tệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.