Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ thì thương, vương thì... phạm luật

Bảo Nga - Thanh Hải| 27/08/2014 06:46

(HNM) - Vốn được xem là tụ điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn của người dân Thủ đô và du khách xa gần, nhưng chỉ vài năm trở lại đây, hoạt động của những du thuyền, nhà hàng nổi ở Hồ Tây lâm vào cảnh đìu hiu, vắng khách


Bỗng dưng... phạm luật!


Ngày 5-8, đoàn kiểm tra liên ngành gồm C68- Cục Cảnh sát đường thủy Bộ Công an, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã bất ngờ kiểm tra điều kiện ATGT, kỹ thuật và phòng chống cháy nổ tại 4 du thuyền, nhà hàng nổi và 1 bến chờ đang hoạt động trên Hồ Tây. Theo Biên bản làm việc, bến nhà chờ Du thuyền Hồ Tây tuy đã được đăng kiểm, đăng ký theo quy định; bảo đảm các điều kiện hoạt động nhưng các bàn ăn chưa cố định và chưa đúng quy chuẩn. Ba nhà hàng nổi gồm: Du thuyền Potomac, Tây Long 2 và Tây Long 3 đã được đăng ký theo quy định, nhưng đều hết hạn đăng kiểm. Chủ nhà hàng cho biết đang tiến hành các thủ tục đăng kiểm theo quy định tại Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT ngày 23-10-2012 của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Riêng phương tiện Taboo thuộc Công ty cổ phần Du thuyền Hồ Tây chưa tiến hành đăng kiểm, đăng ký theo quy định, không bảo đảm điều kiện ATGT đường thủy nội địa. Kết thúc đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, đình chỉ hoạt động và đề nghị Công an quận Tây Hồ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà hàng nổi nêu trên.

Một góc khu du thuyền, nhà nổi trên Hồ Tây.



Dù đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, các du thuyền, nhà hàng nổi tại Hồ Tây vẫn mở cửa bình thường. Theo khảo sát của phóng viên, tối 24-8- 2014, ngoại trừ tàu Nàng Tiên Cá 1 tắt đèn tối om, tất cả du thuyền, nhà hàng nổi hiện đang kinh doanh tại địa chỉ từ số 4 - 6 phố Thụy Khuê như Nhà hàng Tây Long 2 - Tây Long 3, Potomac, Eureka, Taboo... đều sáng đèn đón khách.

Theo ông Phương Văn Vĩnh, Phó trưởng ban Quản lý (BQL) Hồ Tây, hiện trên địa bàn Hồ Tây có khoảng 10 chiếc tàu và nhà nổi thuộc 5 DN, trong đó có 4 chiếc không hoạt động. Toàn bộ các du thuyền, nhà hàng nổi hiện đều trong diện không được Sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh bến thủy nội địa. Chính vì vậy, mỗi khi cơ quan liên ngành thanh, kiểm tra, hầu hết du thuyền, nhà hàng đều bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đình chỉ hoạt động (!). "Thực sự các DN kinh doanh du thuyền, nhà nổi trên địa bàn Hồ Tây hiện đang gặp quá nhiều khó khăn. BQL Hồ Tây và UBND quận Tây Hồ đã nhiều lần gửi công văn đến các cơ quan chức năng, đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN... nhưng đến nay vướng vẫn hoàn vướng" - ông Vĩnh phản ánh.

Lý giải tình trạng trên, ông Phương Nam Thắng - phụ trách nhà hàng nổi Eureka - thuộc Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây cho biết: "Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây trực thuộc Công ty TNHH MTV Hồ Tây là đơn vị có thâm niên hơn 30 năm hoạt động, kinh doanh trên địa bàn Hồ Tây. Trong số 5 DN được phép kinh doanh trên mặt nước Hồ Tây, Du thuyền Hồ Tây của công ty được ra đời sớm nhất, ngay từ năm 1990 của thế kỷ trước. Tiếp đó, năm 2001, công ty cho ra mắt nhà nổi Eureka. Sau khi cổ phần hóa năm 2003, TP Hà Nội ban hành quyết định cho phép bộ phận vui chơi giải trí của đơn vị được hoạt động tại địa chỉ 36 đường Thanh Niên. Các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh hiệu quả thì bất ngờ năm 2008, Sở GTVT ra thông báo, yêu cầu toàn bộ 5 DN phải di chuyển khỏi khu vực đường Thanh Niên. Được UBND quận Tây Hồ cho phép, cả 5 DN đã di chuyển về vị trí đường ven hồ tại địa chỉ số 4-6 phố Thụy Khuê. Tại thời điểm đó, các DN được Sở GTVT cấp phép hoạt động bến thủy nội địa tạm thời, có thời hạn trong một năm. Năm 2009, khi giấy phép hoạt động bến thủy nội địa hết hạn, Sở GTVT Hà Nội ngừng cấp phép với lý do: Bến tạm, chưa được quy hoạch, không đủ điều kiện cấp phép (?) Vậy là, việc di chuyển bến bãi và không gia hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của cơ quan nhà nước đã đẩy chúng tôi từ những DN hoạt động hợp pháp thành bất hợp pháp!".

Nhiều khúc mắc cần giải quyết

Ngày 21-8, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội về những vấn đề liên quan. Ông Cao Văn Hiệp nhấn mạnh: "Tất cả nhà hàng, du thuyền hoạt động ở khu vực Hồ Tây đều chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa và một số du thuyền trong đợt kiểm tra vừa qua cũng đã hết hạn đăng kiểm. Việc cấp phép hoạt động bến thủy nội địa phải do BQL Hồ Tây và Phòng Quản lý đô thị quận Tây Hồ đề xuất, kiến nghị lên Sở GTVT". Ông Cao Văn Hiệp cũng cho biết, việc tiến hành đăng kiểm, cấp phép lại cho các phương tiện đang hoạt động cũng gặp khó khăn. Cụ thể, tại Hồ Tây chưa có ụ nổi nên chưa thể cẩu toàn bộ phương tiện lên cao để xem xét, đánh giá. Trong khi đó, để cấp phép đăng kiểm, điều kiện bắt buộc là phải kiểm tra toàn bộ tàu. Vì thế, chủ các DN đã phải bỏ hàng chục triệu đồng để thuê thợ lặn, chụp đáy tàu.

Trong khi đó, lãnh đạo BQL Hồ Tây khẳng định đã làm hết trách nhiệm của mình đối với việc quản lý và đôn đốc, cũng như đề xuất liên quan đến việc này. Theo BQL Hồ Tây, lý do cho đến thời điểm hiện tại các du thuyền chưa được cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy vì theo quy định tại điểm C, khoản 1, Điều 11, Quyết định số 92/2009/QĐ-UBND, ngày 19-8-2009 của UBND TP Hà Nội "Về việc Ban hành Quy định về quản lý Hồ Tây", Sở GTVT tổ chức cấp phép hoạt động cho các phương tiện thủy sau khi có giấy phép hoạt động du lịch, dịch vụ, giải trí, văn hóa, thể thao trên hồ do UBND quận Tây Hồ cấp. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay UBND quận Tây Hồ chưa cấp được giấy phép cho các phương tiện vì Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Việc cấp giấy phép cũng chưa có trong danh mục thủ tục hành chính của quận. Để giải quyết khúc mắc này, ngày 7-10-2013, UBND quận Tây Hồ đã có công văn số 1031/UBND-VHTT gửi Sở GTVT về việc phối hợp quản lý hoạt động các bến thủy nội địa trên Hồ Tây. Quận cũng đã đề xuất, trong thời gian hoàn tất thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép, UBND quận Tây Hồ đề nghị Sở GTVT cấp giấy phép tạm thời cho các bến thủy nội địa trên Hồ Tây; đồng thời quận sẽ có văn bản báo cáo UBND thành phố xem xét điều chỉnh mục C, khoản 1, Điều 11 của Quyết định số 92/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Rõ ràng, vấn đề ở đây là, những khúc mắc trong công tác quản lý nhà nước đã không tạo điều kiện cho DN hoạt động kinh doanh hợp pháp theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ thì thương, vương thì... phạm luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.