Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo sân chơi cho trẻ

QUỲNH NGUYÊN| 28/08/2014 06:20

(HNM) - Tốc độ phát triển nhanh chóng của những khu đô thị mới kéo theo không gian công cộng ở các quận trung tâm Hà Nội ngày càng bị thu hẹp khiến diện tích vui chơi dành cho trẻ em cũng bị hạn chế.


Tình trạng thiếu sân chơi dành cho trẻ em đang thực sự là nỗi bức xúc của các gia đình và chính quyền địa phương. Đau đáu về nỗi lo này, nhóm bạn trẻ Think Playgrounds đã tự thiết kế ra sân chơi cho các em nhỏ đang sống ở bãi giữa sông Hồng. Điều vô cùng đặc biệt là phần lớn nguyên liệu dùng để tạo ra sân chơi này được tận dụng từ… đồ phế thải.

Trăn trở sân chơi cho trẻ


Nhóm bạn trẻ gồm Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Chu Kim Đức, Lưu Anh Tú và Trần Minh Quang. Tình cờ gặp nhau và cùng chia sẻ nỗi trăn trở về một sân chơi lành mạnh cho trẻ em nghèo, họ đã tập hợp thành nhóm mang tên Think Playgrounds. Với số tiền góp được khoảng 10 triệu đồng, nhóm bạn trẻ đã hiện thực hóa ý tưởng về một sân chơi miễn phí cho trẻ tại bãi giữa sông Hồng (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội), được làm bằng vật liệu tận dụng từ đồ phế thải.

Sân chơi trị giá 10 triệu đồng đầu tiên trên diện tích 100m2 ở bãi giữa sông Hồng (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội).

Để đưa ra một kế hoạch cụ thể vừa dễ thực hiện lại có chi phí thấp, cả nhóm đã dành thời gian khá dài tìm hiểu về không gian chơi của trẻ em tại Hà Nội. Trần Minh Quang cho biết: "Tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ đã trở nên trầm trọng từ nhiều năm nay. Sự bất cập ấy được báo chí, dư luận nhắc nhở nhiều song rồi đâu vẫn hoàn đấy, chẳng mấy chuyển biến. Tại Hà Nội, số điểm vui chơi dành cho trẻ em quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là mấy nơi như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất... phần lớn những không gian ấy bị sử dụng sai mục đích rất nhiều. Từ đó dẫn đến việc thiếu những sân chơi bổ ích cho trẻ theo đúng nghĩa, vì vậy bất kỳ chỗ nào cũng có thể trở thành chỗ vui chơi tạm bợ cho trẻ như vỉa hè, đường phố, sân trường… mà không phải chỗ nào cũng an toàn".

Nhóm bạn trẻ cho hay, tại khu vực Trung tâm thương mại Chợ Mơ (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng), tòa nhà này bao gồm cả Trung tâm thương mại, nhà ở, văn phòng, xung quanh chỉ có một khuôn viên rất nhỏ, lại ngay cạnh mặt phố luôn tấp nập người và xe, vậy nhưng tối nào tại đây cũng đông kín người lớn và trẻ em đến vui chơi, tập thể dục. Nhiều trẻ còn chơi ở cả lòng đường phố Bạch Mai... Ngay cả, nhiều khu đô thị mới như khu vực Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính cũng chỉ lèo tèo vài vườn hoa, không có chỗ chơi riêng cho trẻ. Các diện tích này nếu không bị hàng quán xâm lấn thì cũng biến thành nơi trông xe, bãi đỗ xe, phơi quần áo của các gia đình. Một số nơi khác thì người lớn lại trưng dụng làm nơi đánh cầu, tập thể dục... khiến không gian chơi cho trẻ càng bị thu hẹp.

Công viên Thống Nhất và Vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội) từng là địa chỉ hấp dẫn của thiếu nhi, không chỉ thu hút các em nhỏ của Hà Nội mà vào mỗi dịp lễ tết còn đón tiếp rất nhiều trẻ em ở khắp các tỉnh, thành phố về tham quan, vui chơi. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, các loài thú quý hiếm "trưng bày" ở Vườn thú Thủ Lệ không được bổ sung, thậm chí ngày một ít đi, trong khi đó tràn ngập trong vườn thú là các trò chơi thu tiền, các hàng quán ăn uống la liệt. Còn tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, do diện tích sân chơi chật hẹp nên đã hạn chế việc lắp đặt các trò chơi hiện đại, trong khi nhu cầu vui chơi của trẻ em đến đây tăng rất mạnh trong mỗi dịp hè. Một thực tế nữa cũng rất đáng buồn là không ít cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em đã được đầu tư trang thiết bị từ lâu, giờ đang bị xuống cấp, hư hỏng nhưng không có nguồn kinh phí sửa chữa; và cũng có không ít cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ tại các địa phương mới được xây khang trang nhưng do không có đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị nên không đưa vào sử dụng được.

Chính vì vậy, nhóm bạn trẻ Think Playgrounds đã hình thành ý tưởng xây dựng sân chơi miễn phí cho trẻ ở những không gian công cộng, với mong muốn trẻ em sẽ được chơi đúng nghĩa chơi ngoài những giờ học căng thẳng, mệt mỏi, chơi mà không phải chỉ là cầm những trò chơi điện tử.

Hiện thực hóa ý tưởng với… 10 triệu đồng

Trần Minh Quang - "kiến trúc sư" của dự án cho biết: "Việc chọn bãi giữa sông Hồng thực hiện dự án một phần vì nơi đây có nhiều hộ gia đình khó khăn, phần vì được người dân ủng hộ, nhường một phần diện tích đất họ đang sử dụng để làm sân chơi. Công trình được xây dựng từ những vật liệu tái chế, không tốn kém, chi phí tổng cộng là 10 triệu đồng. Nếu thành công sẽ trở thành yếu tố kích thích tinh thần tự lập cho người dân ở các khu vực khác khi họ đã xác định được nhu cầu và thực tâm muốn đầu tư cho tương lai con em mình".


Khi bắt đầu thực hiện dự án, nhóm nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Action for city - đơn vị chuyên làm sân chơi ở miền Trung và một số kiến trúc sư. Các vật liệu phế thải như lốp ô tô được các bạn trẻ "hóa phép" thành đồ chơi. Chất liệu của công trình gần gũi với tự nhiên, khiến không gian này hòa hợp với khung cảnh đồng quê xung quanh. Sân chơi gồm hai xích đu, một cầu trượt, một cầu bập bênh, một mảng dây thừng bện để trẻ leo trèo, những chiếc lốp xe để các em nhảy qua…

Chỉ với vài chiếc lốp cũ được chôn nửa bánh chắc chắn dưới đất, tô vẽ màu sắc cho bắt mắt, các em nhỏ đã có trò chơi nhảy trên lốp xe rất thú vị. Trò đu dây ở tầm thấp giúp trẻ rèn luyện thể lực đồng thời giảm tâm lý sợ độ cao. Bên cạnh đó, các kiến trúc sư còn tạo thành những tuyến đường đi lại chạy dài thay đổi cao độ, kiến tạo các không gian vui chơi liên tục, biến đổi theo di chuyển của người chơi. Những tuyến đường đi lại giúp trẻ phải rèn luyện sự bền bỉ, dẻo dai. Các trò chơi đơn giản nhưng phong phú, giúp trẻ có cơ hội hòa nhập cùng bạn bè, khuyến khích hoạt động nhóm. Người dân địa phương cũng tham gia vào quá trình làm sân chơi, các em nhỏ cũng góp sức làm các công việc nhỏ, đóng góp cho nơi vui chơi của mình. Ngoài ra, sân còn được thiết kế có những phần mái che để giúp các bé nghỉ ngơi khi mệt hoặc lúc trời nắng gắt.

Sân chơi ngoài trời này giúp các em có cơ hội để vận động, rèn luyện thể chất và khả năng tương thích với môi trường. "Mô hình này có giá cả tối thiểu, được chính cộng đồng ở đây thực hiện. Người dân sẽ lựa chọn được điều thích hợp cho con em mình. Chính điều này sẽ làm cho dự án được duy trì bền lâu", Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, thành viên của dự án cho biết. Nhóm Think Playgrounds đặt kỳ vọng nhận thức của mọi người sẽ thay đổi khi biết rằng, với con em mình được chơi là một điều tuyệt vời, giúp trẻ thoải mái trước khi ngồi vào bàn học.

Sau khi sân chơi đi vào hoạt động đã nhận được những phản hồi tích cực, nhất là từ các em, trong khi chơi chính các em lại sáng tạo ra những cách chơi và phát huy công dụng của thiết bị mà ngay chính các bạn trẻ trong nhóm cũng không nghĩ tới. Chia sẻ về những khó khăn gặp phải, Nguyễn Minh Quang cho biết: "Phần lớn các dự án đang thực hiện gặp phải khó khăn lớn nhất là việc thuyết phục người dân và chính quyền để có một sân chơi cho trẻ em, khó nữa là các thành viên trong nhóm đều có công việc riêng, chỉ có thể dành những ngày cuối tuần để làm cùng với người dân nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án".

Nhóm bạn trẻ còn cho hay, những sân chơi tái chế như thế này rất đơn giản, dễ thực hiện, rất phù hợp với điều kiện thực tế tại các khu dân cư nghèo, đông đúc. Sau khi hoàn thành sân chơi ở bãi giữa sông Hồng, Think Playgrounds tiếp tục thực hiện một sân chơi trong khu trồng rau an toàn Tuệ Viên - Organic Farm ở phường Cự Khối, quận Long Biên và đặc biệt là một sân chơi trong công viên để trống ở ngoài huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chơi là một nhu cầu chính đáng của trẻ em. Chơi lành mạnh, bổ ích cũng quan trọng không kém gì việc học, giúp trẻ có cơ hội phát triển toàn diện. Đã đến lúc trách nhiệm tạo ra sân chơi cho trẻ không chỉ dựa hết vào Nhà nước mà cần phải được xã hội hóa. Và các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để các cá nhân, đơn vị đủ năng lực, tâm huyết có điều kiện được đầu tư xây dựng những sân chơi lành mạnh bổ ích cho trẻ em.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo sân chơi cho trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.