Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người chở chữ qua sông

Chí Kiên| 20/11/2014 06:10

(HNM) - Họ là những giáo viên đang công tác ở các trường học trên xã đảo Minh Châu, huyện Ba Vì. Hằng ngày, các thầy cô vẫn chân đất, quần xắn lặng lẽ vượt sông, vượt đò mang con chữ đến cho những học sinh nghèo ở vùng đất còn bộn bề gian khó...


Vẹn nguyên một tình yêu con trẻ

"Xã đảo" Minh Châu cách trung tâm Thủ đô khoảng 70km, phải đi từ sớm, bắt đò qua sông Hồng để không bị trễ hẹn. Người lái đò là một phụ nữ trung tuổi ở bên bến Chu Minh, bảo rằng: "Khách quen của nhà đò là các thầy cô giáo và học sinh của xã Minh Châu. Vì bất cứ ngày mưa ngày nắng, mùa cạn hay mùa lũ, họ vẫn phải đều đặn đến trường, đến lớp trên những chuyến đò". Đứng trên con đò tròng trành giữa lòng sông Hồng khoảng 15 phút, tôi đặt chân lên xã đảo, lúc đã 10h sáng. Ấn tượng đầu tiên về "hòn đảo" giữa vùng sông nước là một màu xanh bạt ngàn của cây rau, củ, quả trải dài trên những bãi bồi ven sông. Những con đường nơi đây dù đã được bê tông hóa nhưng vẫn mù mịt bụi mỗi khi có xe qua lại vì quanh năm cát phủ và gió sông thổi mạnh. Hỏi thăm đường về khu trung tâm, một người dân bán hàng tạp hóa ngay bên đường tận tình chỉ dẫn: "Anh cứ chạy xe thẳng con đường này là tới nơi!".

Thầy trò trường Tiểu học Minh Châu tập văn nghệ chào mừng ngày 20-11.



Trường Tiểu học Minh Châu nom vẻ ngoài cũ kỹ, giản dị nhưng lại mang đến một cảm giác ấm cúng, với những hàng cây cổ thụ xanh tươi ước chừng đến hàng chục năm tuổi tỏa bóng xuống sân trường. Căn nhà hiệu bộ cấp 4 nằm khép mình ở một góc, thấy rõ sự xuống cấp nhưng vẫn là nơi làm việc, trao đổi nghiệp vụ của các thầy, cô giáo. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Danh Khang bộc bạch: "Ở nơi vừa xa xôi, vừa cách trở như Minh Châu thì không gì hơn là lòng yêu nghề mà trên hết là tình yêu thương con trẻ. Những việc khác khi nào đến thì hẵng hay". Có lẽ vì thế mà câu chuyện của vợ chồng thầy giáo Nguyễn Xuân Sáu và cô Nguyễn Thị Kim Hồng… "cắm đảo" Minh Châu hàng chục năm qua đã trở thành một tấm gương sáng cho các thế hệ giáo viên của trường yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp "trồng người" ở nơi còn vô vàn gian khó nhưng luôn ắp đầy tình người.

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Xuân Mai, thầy Nguyễn Xuân Sáu về nhận nhiệm vụ tại Trường Tiểu học Minh Châu. Sau một thời gian công tác, thầy Sáu xây dựng gia đình với cô Nguyễn Thị Kim Hồng, giáo viên Trường THCS Minh Châu. Quê tận xã Phú Châu nên mỗi khi đi dạy, đôi vợ chồng trẻ phải chạy xe 10km và qua đò trên sông Hồng để đến được trường. Hồi tưởng thuở ban đầu về với mảnh đất Minh Châu, thầy Sáu chia sẻ: "Ngày ấy qua sông bằng đò gỗ nhỏ, dùng máy cole-10 nên chạy chậm lắm. Đường xuống bến là đường đất nên cứ đi đò là các thầy, các cô phải xắn quần, xắn áo, treo dép để lội bộ băng qua đoạn bãi bồi của dòng sông. Những hôm nước lớn, xe đạp không thể đi được chúng tôi phải vác lên vai". Không giấu được niềm xúc động mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm không thể nào quên, có khi là nguy hiểm đến cả tính mạng, mỗi khi qua sông, qua đò, thầy Sáu kể: "Mùa này năm ấy chúng tôi phải mang theo cả đèn pin để soi đường vì nhà quá xa, hết giờ dạy là trời đã tối. Nhiều hôm, chúng tôi phải ở lại vì đò không thể qua sông được nữa". Ròng rã hàng chục năm trời như vậy, phải đến khi bến mới được xây dựng, đò lớn bằng sắt được đưa vào sử dụng, thầy Sáu cùng những đồng nghiệp mới hết cảnh thót tim, hú vía mỗi lần đến trường.

Trải qua gần 20 năm gắn bó với mảnh đất Minh Châu, trong tâm khảm của thầy Sáu vẫn vẹn nguyên một tình yêu cho ngôi trường nghèo, với những học sinh thầy hết mực yêu thương. Vì thế mà mỗi ngày, trên chiếc xe máy (là tài sản lớn nhất thầy Sáu mua được kể từ khi về đây dạy học), vợ chồng nhà giáo Nguyễn Xuân Sáu và Nguyễn Thị Kim Hồng phải đi lại 4 vòng (dài 40km), cộng với 4 lần qua sông để đến trường dạy học. Tôi hỏi sao mỗi người không đi một xe và ăn trưa ở trường cho tiện, thầy Sáu thật thà nói: "Nhà chỉ có mỗi một cái xe máy, phải đi chung, nếu khác giờ dạy mà ai về trước thì đi nhờ bạn bè, đồng nghiệp trong trường, cũng vừa tiết kiệm xăng vừa tiết kiệm tiền đò. Vả lại cũng không thể ở lại ăn cơm, tốn kém lắm, về nhà nấu ăn sẽ đỡ hơn vì thực tế thu nhập của vợ chồng tôi không cao". Dù không trực tiếp nói ra, nhưng qua đồng nghiệp chúng tôi biết được gia cảnh của thầy Sáu còn nhiều khó khăn. Cô giáo Hồng dạy học từ năm 1998 đến nay nhưng vẫn chưa được vào biên chế, đồng lương ít ỏi, nhưng vì tấm lòng say nghề mà cô vẫn theo đuổi từ đó đến nay.

Niềm vui giản dị

Những tấm gương như vợ chồng thầy Sáu, cô Hồng ở Minh Châu không phải là hiếm. Vì thế, trong câu chuyện kể với chúng tôi, tất cả họ luôn tâm niệm một điều "đây là những việc làm bình thường của những con người bình thường". Dù ở đâu, dù thế nào thì trọng trách cao cả nhất của những người giáo viên là dạy học sinh nên người. Khi hỏi chuyện về ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các thầy, cô giáo ở Minh Châu đều cười. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng tâm sự: Ở Minh Châu chỉ có tấm chân tình, học trò chăm ngoan, học giỏi, vâng lời thầy cô là chúng tôi vui rồi!". Đỡ lời cô giáo Hằng, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Danh Khang "khoe": "Chuẩn bị cho ngày nhà giáo, khoảng tuần lễ nay các con đã tích cực tập luyện văn nghệ, làm báo tường, chia sẻ, sưu tầm những bài thơ, đoạn văn hay, hình ảnh đẹp để dâng tặng thầy cô". Trong những tờ báo tường thầy Khang giới thiệu, tôi ấn tượng với nét viết của một học sinh qua những câu văn được sưu tầm đã phản ánh đúng tâm trạng, tình yêu đối với ngôi trường mến thương của em: "Tôi sinh ra ở làng quê nhỏ. Ngôi trường của tôi cũng là trường làng bé lắm. Ngôi trường ấy ngày ngày chào đón các em học sinh nghèo tay lấm, chân trần. Vâng, trường tôi nghèo lắm. Nhưng ở nơi đó tôi đã tìm thấy nhiều niềm vui và những kỷ niệm về người thầy thân thương với lòng biết ơn sâu sắc".

Những người thầy, người cô mà các thế hệ học sinh ở xã đảo luôn trân trọng nhắc nhớ đã vượt qua biết bao khó khăn để mang tri thức đến vùng đất đò ngang cách trở Minh Châu. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, ở xã Chu Minh (huyện Ba Vì) là một trong những người như thế. Cho dù cũng chưa được vào biên chế, chưa ổn định công việc nhưng cô Hằng vẫn kiên trì dạy hợp đồng, gắn bó với học trò từ năm 1998 đến nay. Cô Hằng tin tưởng: "Tấm lòng đã gắn chặt với con trẻ rồi thì không thể bỏ được. Thấy các em học sinh trưởng thành là món quà quý giá nhất của người thầy khi theo nghề dạy chữ". Vì vậy, khi nói về nỗi gian truân qua sông, qua đò cô Hằng quả quyết: "Đi mãi rồi cũng quen. Hồi đầu cũng thấy sợ vì sông nước cứ mênh mang, tròng trành, nhất là vào mùa lũ thì hiểm nguy hơn nhiều". Còn với cô Phan Thị Phương, một cô giáo trẻ nhà ở xã Phú Châu (Ba Vì), mới về dạy âm nhạc ở Trường THCS Minh Châu thì có nhiều kỷ niệm "hú vía" khi đi đường sông nước. Cô Phương kể rằng: "Vào mùa đông hay có sương mù nên nhiều khi chủ đò không xác định được phương hướng. Đã có lần tôi đi trên một chuyến đò một hồi lâu lại quay về bờ cũ hoặc có lần đi lạc mãi lên đến Sơn Tây. Sợ nhất là có một lần đi đò lênh đênh trên sông từ hơn 6h sáng đến tận 9h mới sang được bờ bên kia". Ngoài ra vào thời điểm mùa màng đò chật cứng hàng hóa nông sản, người dân qua lại đông; hay những lúc mưa to gió lớn... các giáo viên cũng không thể lên được đò để đến trường đúng giờ. Trường THCS nơi cô Phương đang công tác khá khiêm tốn so với Trường Tiểu học Minh Châu. Khối nhà hiệu bộ chỉ duy nhất có một nhà cấp 4 rộng chừng 50m2, là nơi làm việc của gần 30 cán bộ, giáo viên nhà trường. Khối lớp học có 10 phòng, trong đó có 4 phòng nhà cấp 4. Theo như giáo viên ở đây cho biết, hiện nay nhiều lớp đang phải học ghép vì thiếu lớp.

Cảm nhận về những việc làm, cống hiến của các nhà giáo trên mảnh đất Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Văn Trò cho biết, hiện số giáo viên ở nơi khác về đây công tác (tức phải qua sông, qua đò) từ cấp học mầm non, tiểu học và THCS là 64 giáo viên, trong đó Trường Tiểu học Minh Châu chiếm nhiều nhất với 33 người trên tổng số 38 giáo viên. Ngoài ra, trên địa bàn xã cũng có 155 học sinh học cấp THPT và các trường chất lượng cao ở bên kia sông cũng hằng ngày phải qua sông qua đò. Ông Trò cho biết thêm: "Thấu hiểu được nỗi vất vả đó, dù còn nhiều khó khăn nhưng xã Minh Châu đã trích quỹ khuyến học, miễn phí toàn bộ tiền đò ở phía bến đò Minh Châu để chia sẻ khó khăn với thầy, cô giáo và các em học sinh".

Câu nói của lãnh đạo xã đã khiến tôi thêm an lòng, bởi chính lòng hiếu học của học trò cùng với sự nỗ lực chia sẻ của chính quyền địa phương đã thắp sáng thêm ngọn lửa yêu nghề của những thầy cô giáo ở Minh Châu, giúp họ vững bước trên hành trình mang ánh sáng của tri thức đến với người dân xã đảo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người chở chữ qua sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.