Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến chống cát tặc

Thanh Hải - Dương Hiệp| 22/11/2014 07:06

(HNM) - Đấu tranh với nạn khai thác cát trái phép trên sông đã trở nên cấp thiết được nhiều cấp, ngành vào cuộc mạnh mẽ. Thế nhưng, với thủ đoạn tinh vi, lợi dụng địa bàn giáp ranh, việc khai thác cát lậu tại địa bàn huyện Phúc Thọ vẫn rất nhức nhối.

Theo chân các chiến sĩ cảnh sát giao thông đường thủy, chứng kiến hành trình phá án, làm việc với lãnh đạo huyện Phúc Thọ, chúng tôi càng thấy rõ quyết tâm triệt phá nạn "cát tặc" của chính quyền và cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương.

Phá án trong đêm

Hơn 2h sáng 18-11, trên khúc sông Hồng đi qua địa phận Sơn Tây vắng lặng. Hơi lạnh từ đợt gió mùa đông bắc mới tràn về khiến cho không gian càng trở nên tĩnh lặng. Thời điểm này không có phương tiện nào lưu thông trên sông. Người dạn dày sông nước cũng hạn chế di chuyển trong thời tiết này.

Lực lượng chức năng thu giữ nhiều tàu hút cát trái phép chờ xử lý.



Trái với sự yên tĩnh ấy, tại trụ sở Đội tuần tra kiểm soát số 1, Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy lại "nóng" hầm hập. Từ phòng chỉ huy, Đội phó, Trung tá Đỗ Văn Chuẩn đứng ngồi không yên. Chốc chốc anh lại ngó nhìn đồng hồ, cảm giác bất an hiện rõ trên nét mặt. Lo lắm chứ khi tại khúc sông đó, 2 trinh sát trẻ của đội đang đóng vai dân chài chèo thuyền thám thính "ổ" cát tặc đang lộng hành. Thương nỗi vất vả, mệt mỏi của trinh sát chỉ là một phần, điều trăn trở của người chỉ huy là nếu xảy ra bất trắc, anh em có đương đầu để đối phó được với đối tượng phạm tội nguy hiểm này không. Bởi cách đó không lâu (ngày 8-11), để triệt phá ổ nhóm cát tặc nguy hiểm do đối tượng Vũ Anh Toàn (tức Toàn "cụt"), sinh năm 1973, ở Phúc Thọ (Hà Nội) cầm đầu, Cục C68 Bộ Công an phải huy động hơn 200 cán bộ chiến sĩ thì hôm nay, đội chỉ có 20 người "xung trận".

Đồng hồ điểm 2h30, điện thoại cầm tay của Trung tá Đỗ Văn Chuẩn nháy đèn. Tin nhắn báo về có 4 tàu sắt trọng lượng khoảng 400 tấn lợi dụng đêm tối, sương mù tập trung tại khu vực bờ phải sông Hồng thuộc xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội đang hút cát dưới lòng sông. Đúng theo kế hoạch đã dự kiến, Đội CSGT đường thủy chia làm nhiều mũi áp sát 4 chiếc tàu trên. Nhanh chóng, lực lượng trinh sát hóa trang đã tiếp cận tàu, áp sát cabin và nơi để máy hút cát không cho các đối tượng manh động lao tàu vào lực lượng chức năng. Đèn pha trên các tàu cảnh sát quét mạnh tạo thành những vệt sáng rực cả một khúc sông. Tiếng loa dội vang trong đêm yêu cầu các đối tượng không được manh động. Ca nô của Đội 1 quần thảo tạo thành những tiếng rít lớn và những đợt sóng mạnh vỗ vào mạn thuyền khiến các chủ tàu đang hút cát trái phép không thể biết được phương hướng cũng như các mũi tiến công. Phương án tác chiến chuẩn đến từng chi tiết khiến các đối tượng cát tặc khi bị áp giải về trụ sở Đội CSGT đường thủy số 1 không thể ngờ bị thúc thủ đầu hàng trước 20 cán bộ, chiến sĩ quả cảm.

Sau khi phân loại các đối tượng, Đội CSGT đường thủy số 1 bước đầu làm rõ hành vi của Hà Văn Luận, SN 1969, ở Thịnh Thôn, Cam Thượng, Ba Vì (Hà Nội) điều khiển tàu số HN 0636 trọng tải 400 tấn đang hút khoảng 200m3 cát đen vào lòng tàu; Lưu Xuân Lộc, SN 1981, ở Dữu Lâu, Việt Trì (Phú Thọ) điều khiển tàu "không số" trọng tải 400 tấn đang có khoảng 200m3 cát đen trong khoang; Vũ Văn Toàn, SN 1976, ở Cam Thượng, Ba Vì (Hà Nội) điều khiển tàu "không số" trọng tải 150 tấn đang hút 100m3 cát trong lòng tàu; đặc biệt có tàu tự chế của Lê Văn Đường ở Đường Lâm, Sơn Tây (Hà Nội) đang bơm sang mạn cho tàu PT - 8418 trọng tải 150 tấn của Lê Thế Tường, SN 1971, ở Bạch Hạc, Việt Trì (Phú Thọ) 120m3 cát…

Kẽ hở cho cát tặc lộng hành

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy, Công an TP Hà Nội, đây không phải vụ việc lớn nhất mà đơn vị triệt phá. Trước đó, trong 2 đêm (6,7-4-2013), Phòng CSGT đường thủy Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ 17 tàu cát tặc từ Thanh Hóa, Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nam giăng thành hàng ngang sông Hồng hút trộm cát thuộc địa bàn xã Thụy Phú, Phú Xuyên (Hà Nội). Trung tá Lê Văn Phúc, Đội trưởng Đội TTKS số 3, CSGT đường thủy Hà Nội kể lại, phải mất hàng tháng trời nằm địa bàn và nắm tình hình chúng tôi mới bắt quả tang vụ việc khai thác cát trái phép lớn nhất từ trước đến nay. Do cát tặc thường lợi dụng lúc trời nhá nhem, đêm tối để thực hiện hành vi khai thác tài nguyên trái phép nên việc trinh sát và bắt quả tang là hết sức khó khăn.

Trong cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, ngày 17-11, đề cập về băng nhóm tội phạm bảo kê tiến hành khai thác cát trái phép tại địa bàn huyện Phúc Thọ, Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Trưởng công an huyện Phúc Thọ cho biết, có nắm được thông tin về một đối tượng cầm đầu có tên Vũ Anh Toàn (Toàn "cụt"). Đối tượng này lúc đi lúc về Phúc Thọ và Nam Từ Liêm nên rất khó nắm bắt. Đại tá Trường cho biết thêm, Toàn "cụt" thường chỉ đạo các đàn em khai thác cát trái phép, hoạt động hết sức tinh vi, nên dù công an huyện đã lập chuyên án đấu tranh nhưng việc tìm kiếm bằng chứng vẫn hết sức khó khăn. Còn tại cuộc làm việc với chúng tôi, chiều 20-11, Trung tá Hoàng Ngọc Cương, Phó Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cũng khẳng định, Công an huyện đã chủ động báo cáo Ban Giám đốc Công an thành phố phương án triệt xóa những điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện. Cụ thể, ngày 8-9-2014, Tổ công tác của Công an huyện phối hợp với phòng PC 68 Công an TP Hà Nội kiểm tra tàu cuốc số hiệu PT-1832 đang có hành vi hút cát từ lòng sông Hồng lên tàu. Chủ tàu là Nguyễn Văn Hiển, sinh năm 1987, ở xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ trình bày đang khai thác ở địa bàn huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Tổ công tác của huyện đã mời công an và Phòng Nội vụ huyện Yên Lạc, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Phúc Thọ đến hiện trường để thống nhất vị trí địa lý thì được phía huyện Yên Lạc khẳng định, đó là địa phận của họ. Do đó, tổ công tác của huyện Phúc Thọ đã bàn giao cho huyện Yên Lạc xử lý. Nhưng cũng tại vị trí này, ngày 8-11-2014, khi Cục C68 Bộ Công an phối hợp với Công an huyện bắt số tàu cuốc hút cát, huyện Yên Lạc lại khẳng định, địa phận đó của thành phố Hà Nội. Như vậy, rõ ràng các đối tượng đã lợi dụng địa bàn giáp ranh tập trung khai thác cát trái phép. Theo ông Nguyễn Việt Liên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ, cái khó trong xử lý "cát tặc" là chủ trương giữa các địa phương không thống nhất. Cụ thể, thành phố Hà Nội đã ban hành quy định, việc khai thác cát dưới lòng sông Hồng là không được phép, trong khi đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại không cấm.

Mạnh tay trấn áp bằng nhiều biện pháp

Đó là khẳng định của ông Hoàng Mạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ và Trung tá Hoàng Ngọc Cương, Phó Trưởng công an huyện, trong buổi tiếp xúc với một số cơ quan báo chí chiều 20-11. Ông Phú cho biết, trên bãi nổi sông Hồng thuộc các xã Vân Nam, Vân Hà có 3 công ty được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản (cát) tại các mỏ cát thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ làm vật liệu san lấp là Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường (đã chuyển cho Công ty Xây dựng Thủ đô), Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh và Công ty cổ phần Hương Phong. Hiện cả 3 công ty đều không được khai thác cát dưới lòng sông. Theo ông Phú, việc xảy ra tình trạng như vừa qua là một sự cố đáng tiếc. Quan điểm của huyện là sẽ kiên quyết xử lý triệt để nếu phát hiện ra công ty nào có sai phạm, nếu vi phạm nặng đề nghị rút giấy phép hoạt động. Thời gian tới, huyện sẽ ban hành kế hoạch yêu cầu 7 xã ven sông phải quản lý chặt chẽ, giữ nghiêm kỷ cương không để xảy ra tình trạng "cát tặc" lộng hành. Huyện cũng sẽ đề nghị thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc sớm phân định cụ thể địa giới 364 giữa hai bên để có phương án xử lý vi phạm… Ông Phú khẳng định: Phúc Thọ sẽ kiên quyết xử lý, dẹp bỏ nạn cát "tặc".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến chống cát tặc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.