Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn nước sạch… bị bẩn (tiếp theo và hết)

Tống Thanh - Ngọc Thủy| 25/11/2014 06:16

(HNM) - Lần theo chỉ dẫn, nhóm PV Báo Hànộimới bám theo con đường 434 tìm vào xã Yên Mông, nơi có khu xử lý rác thải được đầu tư trị giá gần 30 tỷ đồng nhưng bị

Lần theo chỉ dẫn, nhóm phóng viên Báo Hànộimới bám theo con đường 434 tìm vào xã Yên Mông, nơi có khu xử lý rác thải được đầu tư trị giá gần 30 tỷ đồng nhưng bị "đắp chiếu" kể từ ngày khánh thành đến nay.

Dừng xe hỏi đường, bà bán nước mía chỉ tay về chiếc cổng làng, phía trên có dòng chữ: "Làng Văn hóa xóm Mỵ". Tôi cười tếu táo: "Bà cứ trêu tụi con, đường vào khu xử lý rác thải cơ mà?". Bà bán hàng nhìn chúng tôi ra điều thông cảm: "Bà nói thật, chắc cô chú ở xa nên chưa biết đó thôi. Trạm xử lý rác xây giữa làng văn hóa nên suốt 4 năm nay mới "đón" được vỏn vẹn 2 xe rác". Đi lắt léo qua đường làng chừng non cây số, nhìn thấy cánh cổng sắt to của khu xử lý rác thải, chúng tôi sững người, mới tin lời bà bán nước mía nói là thật.

Cả trạm xử lý chỉ có 3 hố chứa rác.


Đúng như lời bà lão nói, ba bề của khu xử lý rác thải này tiếp giáp với nhà dân, kế bên là trường mầm non và trường tiểu học của xã Yên Mông. Xây dựng xong đã lâu nhưng chưa đưa vào sử dụng, phần lớn các hạng mục của khu xử lý rác thải đã xuống cấp nghiêm trọng. Khu nhà điều hành xập xệ, cánh cổng sắt hoen gỉ, nhìn trước ngó sau tịnh không một bóng người.

Biết chúng tôi là nhà báo, muốn vào bên trong khu xử lý rác tìm hiểu, một người chăn bò gần đó bảo để ông giúp. Nói rồi, ông cầm máy điện thoại gọi cho ai đó. Chừng hai phút sau, ông quay ra chưng hửng: "Người ta bảo nhà báo thì không được mở cửa!". Không còn cách nào khác, nhóm phóng viên Hànộimới đành tháo giày, trèo qua bức tường cao hơn 2m được đắp bằng đất để tiếp cận khu xử lý. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là cả khu đất rộng 23ha này chưa có một thiết bị nào ngoài ba cái hố rác được đào sẵn.

Đem thắc mắc này, chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Văn Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mông thì được biết, khu xử lý và chôn lấp rác thải xã Yên Mông được khởi công xây dựng từ năm 2005, kinh phí đầu tư cho xây dựng và giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 lên tới xấp xỉ 30 tỷ đồng. Theo thiết kế, đây là khu xử lý rác thải hiện đại, đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên do người dân không đồng thuận nên công trình bị bỏ hoang từ năm 2009 đến nay. Ông Cần lý giải: "Ngày đó, không biết tỉnh tính toán kiểu gì mà khoanh vị trí khu xử lý rác thải nằm ngay sát khu dân cư. Lo ngại môi trường bị ô nhiễm, bà con phản đối dữ lắm. Chính vì thế, ngay khi có xe rác đầu tiên đưa về khu xử lý, dân làng kéo nhau ra chặn, gây mất an ninh trật tự khu vực. Đây là lý do vì sao khu xử lý rác thải Yên Mông bị "phơi sương" suốt 5 năm qua. Giờ, muốn khôi phục lại khu xử lý rác phải có kế hoạch di dời khoảng 140 hộ dân, một trường mầm non và một trường tiểu học nằm trong khu vực bị ảnh hưởng. Qua các cuộc họp, chúng tôi biết kinh phí bồi thường GPMB dự kiến dành cho việc này khá lớn, khoảng hơn 100 tỷ đồng, chưa kể quỹ đất quy hoạch tái định cư cho các hộ dân".

Rõ ràng, việc xây dựng một trạm xử lý rác thải ngay giữa khu dân cư thể hiện công tác quy hoạch của tỉnh Hòa Bình thời điểm trước rất thiếu tầm nhìn. Thiếu ở chỗ, diện tích đất tự nhiên của Hòa Bình lớn, đất đồi bỏ hoang ngay khu vực tiếp giáp khu xử lý rác thải hiện nay còn rất nhiều, nếu chỉ cần dịch vào dăm bảy trăm mét nữa thì hoàn toàn xa khu vực dân cư. Chính vì đầu tư sai dẫn đến nhiều hệ lụy mà việc để tồn tại bãi rác tạm Dốc Búng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là một ví dụ điển hình.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hòa tỏ ra chán nản: "Cũng bởi khu xử lý rác thải Yên Mông bị đắp chiếu mới phát sinh bãi rác tạm Dốc Búng chứ trước nay trên địa bàn phường làm gì có. Vừa rồi, đài truyền hình đưa tin bãi rác có nguy cơ đe dọa nguồn nước mặt sông Đà, chúng tôi biết nhưng cũng chịu thôi vì đây là vấn đề của tỉnh và thành phố".

Không thể cứ "bình chân như vại"

Trước thông tin bãi rác Dốc Búng của TP Hòa Bình ô nhiễm, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Đà - nguồn cung cấp nước mặt cho Nhà máy nước Hòa Bình để sản xuất và cấp nước sạch về TP Hà Nội; ngày 20-11-2014, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã có công văn hỏa tốc về bảo đảm an toàn nguồn nước sạch cung cấp từ Nhà máy Nước Hòa Bình. Theo đó, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco), Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu về chất lượng nước sạch cung cấp từ Nhà máy Nước Hòa Bình, bảo đảm an toàn cho sinh hoạt của nhân dân; báo cáo định kỳ cho UBND thành phố. Bên cạnh đó, Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex, Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex khẩn trương phối hợp, làm việc với các ngành liên quan của tỉnh Hòa Bình, UBND TP Hòa Bình để có các giải pháp hạn chế ảnh hưởng do ô nhiễm từ bãi rác của TP Hòa Bình, bảo đảm an toàn nguồn nước mặt cung cấp cho Nhà máy Nước Hòa Bình và bảo đảm chất lượng, an toàn đối với nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân Thủ đô.

Trong khi người dân và chính quyền thành phố Hà Nội lo ngại về nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm từ bãi rác thải Dốc Búng thì xem chừng tỉnh Hòa Bình vẫn còn đủng đỉnh về mối bất an này. Chiều tối ngày 21-11-2014, phóng viên Báo Hànộimới thấy rác vẫn tiếp tục được tập kết về đây như chưa có chuyện gì xảy ra. Thấy chúng tôi chụp ảnh, những người dân gần đó xúm lại nói: "Mấy ngày nay xem ti vi, thấy bà con dưới Hà Nội lo lắng về nguồn nước bị ô nhiễm từ bãi rác trên này. Rõ khổ! đúng là quýt làm cam chịu".

Trao đổi với phóng viên, ông Quách Tùng Dương, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình thừa nhận nguồn nước rò rỉ từ bãi rác Dốc Búng là có thật, ít nhiều gây ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước mặt sông Đà. Theo ông Dương, lãnh đạo tỉnh và thành phố đang tìm biện pháp tháo gỡ. Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề kinh phí, ngân sách hiện chưa bố trí được. Đơn giá để xử lý 1 tấn rác theo đúng quy trình phải mất 250-300 nghìn đồng trong khi mức giá hiện nay rất thấp nên chỉ có thể xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Ông Trần Khắc Định, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hòa Bình cho rằng muốn xử lý bãi rác Dốc Búng, tránh gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước mặt sông Đà thì cần lắp đặt ngay lò đốt rác tại đây. Nếu như hoạt động hết công suất thì trong khoảng hơn 2 năm sẽ đốt hết toàn bộ, kể cả số rác đã chôn. Phóng viên hỏi tại sao không tham mưu cho lãnh đạo thành phố, ông Định than phiền: "Lấy đâu ra kinh phí, riêng tiền đầu tư lò đốt đã vào khoảng 20 tỷ đồng chưa kể nhân công vận hành. Quy trình xử lý rác mà theo kiểu "con nhà nghèo" thì nó cứ loanh quanh".

Có lẽ chính bởi sự loanh quanh này mà gần chục năm qua, bãi rác Dốc Búng đang từng ngày hủy hoại mặt nước sông Đà, đe dọa sức khỏe, tính mạng của hàng triệu người dân ở cả tỉnh Hòa Bình và TP Hà Nội. Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: "Phải chăng bãi rác này không ảnh hưởng nhiều đến người dân Hòa Bình, chủ yếu người dân Hà Nội phải gánh chịu do sử dụng nguồn nước ô nhiễm nên tỉnh Hòa Bình vẫn bình chân như vại?".

Thiết nghĩ, vì lợi ích của cộng đồng, UBND tỉnh Hòa Bình cần có ngay quyết sách kịp thời, tạm đóng cửa bãi rác Dốc Búng và có kế hoạch xử lý lượng rác đã chôn nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại khu vực trên. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà:UBND TP Hà Nội cần sớm làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình

Trước thông tin bãi rác tại Hòa Bình gây ô nhiễm nước mặt sông Đà đang cung cấp cho người dân Thủ đô, ngày 24-11, bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà cho biết, Đoàn ĐBQH Hà Nội rất lo lắng trước thông tin bãi rác Dốc Búng ở phường Tân Hòa, TP Hòa Bình (thuộc tỉnh Hòa Bình) thải nước thải trực tiếp xuống dòng sông Đà, cách đấy không xa là Nhà máy nước sông Đà cung cấp nước sạch cho hơn 70.000 hộ dân 5 quận nội thành Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hà, việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội có công văn gửi Nhà máy nước Sông Đà yêu cầu bảo đảm nguồn nước là kịp thời. Nhưng, điều quan trọng là trách nhiệm của UBND TP Hòa Bình và UBND tỉnh Hòa Bình trong việc để tồn tại bãi rác gây ảnh hưởng đến đời sống của trên 70.000 người dân Hà Nội. Cử tri Hà Nội mong muốn, UBND TP Hà Nội sớm làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình để có biện pháp xử lý.


Việt Nga


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn nước sạch… bị bẩn (tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.