Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vĩnh Quỳnh mỏi mòn chờ nước sạch

Bài, ảnh: Xuân Quang| 27/11/2014 09:39

(HNM) - Hàng nghìn hộ dân ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) sinh sống xung quanh Nghĩa trang Văn Điển nhiều năm nay luôn trong tình trạng

Từ năm 1996, cơ quan chức năng tiến hành khoan 6 giếng tại Vĩnh Quỳnh và đã đưa ra kết luận nguồn nước tại đây ô nhiễm nặng; đồng thời khuyến cáo người dân không được sử dụng nước giếng khoan. Vậy mà đến nay hơn 4.000 hộ dân Vĩnh Quỳnh vẫn phải chờ nước sạch…

Trạm trung chuyển nước Vĩnh Quỳnh đã xuống cấp, máy móc hoen gỉ.


Hệ lụy từ sự tắc trách

Ông Nguyễn Quang Hưởng, nguyên Chủ tịch xã Vĩnh Quỳnh (nhiệm kỳ 1986-2000) nay là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Quỳnh cho biết: Trước tình cảnh nguồn nước ở xã bị ô nhiễm nặng do nằm gần Nghĩa trang Văn Điển, TP Hà Nội đã cho xây dựng trạm trung chuyển nước lấy từ hệ thống nước sạch của Xí nghiệp Môi trường đô thị Thanh Trì cấp cho xã Vĩnh Quỳnh. Ông Nguyễn Quang Hưởng nhớ lại, ngay lúc đó xã đã phát hiện việc thi công có vấn đề, bể chứa nước bị lỗi kỹ thuật; đường ống phi 150 bằng gang, lắp đặt bám vào đường giao thông về phía mương thủy lợi nên dễ dập vỡ, hệ thống máy không đúng chủng loại... nhưng huyện vẫn yêu cầu Vĩnh Quỳnh tiếp nhận và quản lý.

Sự vội vàng, tắc trách dẫn đến việc xây dựng trạm cấp nước trung chuyển cho Vĩnh Quỳnh và hệ thống đường ống với nguồn vốn ban đầu gần 5 tỷ đồng (giá thời điểm năm 1997) vừa hoàn thành đã bị sự cố. Ông Vũ Anh Đối, Trưởng ban Thanh tra nhân dân xã, nguyên Tổ trưởng Tổ dịch vụ nước thời kỳ đầu cho biết, vừa tiếp nhận hệ thống đã phát hiện nhiều đoạn ống vỡ, nước đùn lên cả mặt đường, xã không có kinh phí sửa chữa nên tỷ lệ thất thoát nước quá lớn, từ 30% tăng lên 55%. Tổ dịch vụ nước có 12 người, 1 tháng chỉ thu nhập 100-200 nghìn đồng, tất cả đều ngao ngán, bất lực với lượng nước thất thoát lớn như vậy. Năm 2010, thành phố cấp thêm cho xã Vĩnh Quỳnh 1 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống đường ống nhưng dân vẫn thiếu nước.

Tiếp xúc với bà con xóm 1, xã Vĩnh Quỳnh, chúng tôi phần nào cảm nhận được những bức xúc của người dân nơi đây khi biết nước ngầm ô nhiễm nặng mà vẫn phải bơm nước giếng khoan để sử dụng; vẫn lắp đồng hồ nước nhưng mấy năm rồi đồng hồ nước đã hoen gỉ mà chỉ báo số hơn chục mét khối nước. Bà con nghi ngại đường ống nước vỡ to, nguồn nước sạch bị lẫn với nước thải sinh hoạt dẫn đến tình trạng nước sạch cũng bị ô nhiễm, biết bẩn nhưng vẫn không đủ để dùng. Ông Nguyễn Đình Tuấn, Tổ trưởng Tổ dịch vụ nước có thâm niên 10 năm nay than phiền, trạm được cấp nước từ 10h tối đến 7h sáng với 330 m3/ngày, mỗi tháng được cấp khoảng 10.000m3 nước nhưng tổn thất tới gần 55% nên thực thu qua đồng hồ chỉ khoảng 5.000 m3/tháng. Cả xã đã lắp đặt 2.300 đồng hồ nước nhưng thực thu hộ có nước sử dụng chỉ được hơn 900 hộ, còn lại đồng hồ treo không. Mặc dù HĐND xã cho phép thu tới 9.000 đồng/m3 nước (giá của thành phố là 5.100 đồng/m3), bà con cũng nhất trí, chấp nhận giá cao nhưng trạm không đủ nguồn cung cấp. Ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết thêm, thu nhập của 7 tổ viên không được 700 nghìn đồng/tháng, trạm tự hạch toán không nổi, lấy đâu ra kinh phí sửa chữa đường ống.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, khi triển khai phương án cấp nước sạch cho Vĩnh Quỳnh, năm 1996, lúc đó xã mới có 3.000 hộ dân với 13.000 nhân khẩu thì nay đã tăng lên 6.000 hộ dân với 23.000 khẩu nên thiếu nước là hiển nhiên. Mấy năm gần đây phải tiếp nhận 2.000 hộ, gần 5.000 khẩu là cư dân của hàng chục cơ quan, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, công trường được cấp đất, làm nhà trở thành công dân thuộc 13 tổ dân phố của xã Vĩnh Quỳnh nên số lượng và nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến. Do vậy cần có phương án tháo gỡ sớm để dân đỡ khổ.

Loay hoay tìm phương án

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Đình Hiếu dẫn chứng, tôi đi khảo sát thực trạng hệ thống cấp nước và nhu cầu nước của nhân dân được biết: Hiện lượng nước cấp cho trạm trung chuyển của xã chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của 1/3 trên tổng số 6.000 hộ dân trong xã, như vậy còn khoảng 4.000 hộ dân, trong đó có 12 khu tập thể của các cơ quan đóng trên địa bàn xã nay là công dân Vĩnh Quỳnh đang phải sử dụng nguồn nước giếng khoan không bảo đảm an toàn vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Trước thực trạng này, lãnh đạo xã Vĩnh Quỳnh đã họp với các thôn, tổ dân phố kiến nghị thành phố đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước mới cho xã.

Đi tìm lời giải cho bài toán nước sạch của xã Vĩnh Quỳnh, chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Huy Toàn, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì. Ông Toàn giải thích, huyện Thanh Trì giao toàn bộ việc quản lý hệ thống xử lý nước và đường ống cho Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện nhưng đây là đơn vị sự nghiệp không có chuyên môn dẫn đến tình trạng xuống cấp và hư hỏng nặng (như đã nêu trên). Về phía xã cũng khó khăn do không có kinh phí tu bổ sửa chữa, cộng với hệ thống trạm và đường ống đã qua gần 20 năm nên lạc hậu và cũ nát. Huyện Thanh Trì đã báo cáo thành phố nhiều lần và đến tháng 11-2013, UBND thành phố đã phê duyệt dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch Vĩnh Quỳnh giao cho chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (VIWACO) với tổng mức đầu tư 125.640 triệu đồng, thời gian thực hiện dự án trong các năm 2014-2015. Năm 2013, công ty này đã tiến hành công tác lập dự án đầu tư xây dựng. Đầu năm 2014, công ty đã tiến hành thiết kế chi tiết, lên sơ đồ hệ thống tuyến đường ống.

Những tưởng dự án cấp nước sạch cho xã Vĩnh Quỳnh sẽ triển khai suôn sẻ, thế nhưng, đến tháng 8-2014, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Nam Sơn đã ký văn bản số 5839 thông báo, Công ty VIWACO đang huy động nguồn vốn để thực hiện dự án, đề nghị xã Vĩnh Quỳnh cùng nhân dân chủ động khắc phục việc thiếu nước sinh hoạt. Đây tiếp tục là thông tin không vui cho người dân xã Vĩnh Quỳnh. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn cho biết thêm: Dự án cấp nước sạch cho Vĩnh Quỳnh hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Thứ nhất, Công ty VIWACO mặc dù được UBND thành phố cho phép thực hiện cơ chế thí điểm huy động nguồn vốn và hỗ trợ ứng trước lãi suất vay vốn nhưng việc làm thủ tục và triển khai còn nhiều khó khăn, đặc biệt là phương thức tự huy động vốn của công ty. Thứ hai, nước sông Đà qua tuyến đường ống dẫn nước hiện đang cung cấp cho Hà Nội đã quá tải, phải chờ xây dựng xong tuyến đường ống dẫn nước thứ hai mới có thể đáp ứng nguồn nước cấp cho xã Vĩnh Quỳnh.

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Thị Thu Hồng đề nghị, việc cấp nước cho Vĩnh Quỳnh là rất cấp bách, huyện Thanh Trì nên xem xét báo cáo UBND thành phố, nếu việc thực hiện dự án của Công ty VIWACO gặp khó khăn, thành phố cho phép chuyển sang cho Công ty Nước sạch Hà Nội đầu tư cấp nước sẽ nhanh hơn. Hiện tại một số bộ phận tổ dân phố đã được cấp nước qua đường tàu vào từ nguồn nước của Công ty Nước sạch Hà Nội khá thuận lợi.

Lại thêm một cơ sở cấp nước sạch đầu tư hàng tỷ đồng từ ngân sách có nguy cơ xóa sổ theo chân hàng chục dự án cấp nước sạch bị "đắp chiếu". Đã đến lúc cần siết lại các quy trình, thủ tục, thẩm định đầu tư và đánh giá hiệu quả các dự án để tránh lãng phí ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Quỳnh mỏi mòn chờ nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.