Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trở lại cội nguồn

Nguyễn Tùng - Hữu Hoài| 22/12/2014 07:05

(HNM) - Giữa đông, những đợt gió bấc liên tiếp tràn về. Chẳng quản mưa phùn, gió bấc, đoàn cựu chiến binh (CCB) Báo Hànộimới vẫn thẳng đường lên Cao Bằng...


Về khu rừng Trần Hưng Đạo

Cánh nhà báo Báo Hànộimới gồm cả các CCB với thâm niên làm báo cỡ 30 năm hướng về nguồn lần này với mục đích tri ân các thế hệ cha anh đã cống hiến tuổi trẻ vì nền độc lập tự do và thống nhất của Tổ quốc. Ngần ấy năm công tác cũng là từng ấy thời gian chúng tôi luôn gắn bó với các hoạt động từ thiện, chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chuyến lên Cao Bằng lần này là một chuyến đi đặc biệt với chúng tôi.

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua cùng đoàn CCB Báo Hànộimới trao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Đặng Văn Thắng



12h30, ngày 6-12, gác lại bộn bề công việc những ngày cuối năm, xe bắt đầu lăn bánh cũng là lúc gió mùa đông bắc tràn về. Mới xế chiều, những tia nắng yếu ớt đã sớm lụi nơi đầu núi. Cái rét bắt đầu thấu da thấu thịt. Lên đến đỉnh đèo Giàng (Bắc Cạn), đằng trước, đằng sau, bên trái, bên phải, đâu đâu cũng là sương mù. Chiều vùng cao nhanh tàn. Những đám mây dày đặc theo gió mùa ào về khiến bóng tối ập xuống. Dò dẫm, xe rồi cũng chạm đèo Gió (Bắc Cạn). Sương mù phủ kín đường, tầm nhìn của lái xe chưa đầy 5m. Ròng rã gần 7 tiếng, vượt đèo Tài Hồ Sìn, sau bao nhiêu hồi hộp mong đợi, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân đến Cao Bằng, cái nôi của cách mạng Việt Nam.

Sáng hôm sau, vượt cung đường dài hơn 60 cây số, quanh co men theo những dãy núi sừng sững, đoàn xe đưa cánh nhà báo Cao Bằng, Hànộimới và các doanh nghiệp của Hà Nội vào thung lũng lớn. Phía trước là Khu Di tích rừng Trần Hưng Đạo nằm trên núi Dền Sinh thuộc dãy Khau Giáng, huyện Nguyên Bình. Sau khi dâng hương tại khu di tích, chúng tôi đến Bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, nơi diễn ra lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho thân nhân gia đình ông Đặng Văn Thắng, con trai ông Đặng Tuần Quý, một trong 34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ. Đây là công trình Báo Hànộimới phối hợp với Báo Cao Bằng vận động Công ty cổ phần Ao Vua (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) hỗ trợ 50 triệu đồng và một phần kinh phí của huyện Nguyên Bình xây dựng.

Cả Bản Um trở nên nhộn nhịp, đông vui đón khách quen và những người bạn mới đến. Ngôi nhà mới của ông Đặng Văn Thắng rộng 4 gian, nằm khuất ven sườn đồi cách địa điểm chúng tôi dừng chân chừng 3 cây số. Ông Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Nguyên Bình quê ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đưa chúng tôi vào nhà bằng xe công nông. Con đường xi măng chạy ven suối Khuổi Giáng qua những thửa ruộng bậc thang thấp đang kỳ "đất nghỉ" này cũng mới được làm kể từ khi ngôi nhà tình nghĩa được khởi công.

Những tia nắng yếu ớt đang cố gắng xuyên thủng những đám mây trên trời, len lỏi qua những cánh rừng bát ngát. Tiếng công nông thỉnh thoảng hộc lên để vượt những con dốc. Đường xi măng chỉ dài khoảng hai cây số, đến đoạn đường đất trơn trượt, ưu tiên phụ nữ, còn lại những đàn ông như Sầm Việt An, Tổng Biên tập Báo Cao Bằng hay Nguyễn Mạnh Thản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua (Ba Vì, Hà Nội) và các CCB Hànộimới phải nhảy xuống để đẩy xe công nông vượt dốc. Ông Tô Thanh Hoạt, Chủ tịch UBND xã Tam Kim vẫn kịp kể về cuộc sống của người dân Bản Um trong khi đi bộ vượt dốc. Dù còn nhiều vất vả, song người dân luôn sống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, cha mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng luôn hòa thuận, cùng hướng tới một cuộc sống tươi đẹp, ấm no hơn.

Nhớ ngày gian nan

Trước ngày trao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Đặng Văn Thắng, các CCB Báo Hànộimới đã có nhiều chuyến lên Bản Um. Bữa đó, trời mưa khá nặng hạt, đường lầy lội chẳng xe nào mò vào được. Ông Thắng đã huy động con cháu trong nhà, trong họ chạy xe máy đưa từng người vào. Khi đó ngôi nhà đã xây xong phần thô, còn phần mái và nền đang phải tạm gác lại vì trời mưa ròng rã mấy ngày liền.

Đoàn CCB Báo Hànộimới băng đèo vượt dốc vào Bản Um.



Bên bếp lửa hồng và ấm trà đặc, trong gian nhà ghi đậm dấu ấn người cha ngày nào và hình bóng người mẹ mới "ngủ", ông Thắng ngậm ngùi kể về những ngày gian khổ của người bố và của gia đình ông. Cụ Đặng Tuần Quý mồ côi mẹ từ năm mới 1 tuổi, đến 3 tuổi thì bố đi bước nữa để lại cậu bé 3 tuổi sống với ông ngoại. Phận đứa con côi cút chưa hết khổ, đến 8 tuổi, ông ngoại đã buộc phải bán đứa cháu ngoại đi để trả tiền vay nợ. Đến năm 13 tuổi, cụ Quý quay về tìm lại đất của ông ngoại để kiếm nơi cắm dùi mà không được. Đến năm 14 tuổi, người thanh niên tên Đặng Tuần Quý đã đi theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kể từ đó, cụ Quý gắn bó với cách mạng và trở thành một trong 34 chiến sĩ trong Đội VNTTGPQ. Xã Tam Kim còn có một người nữa cũng tham gia Đội VNTTGPQ là cụ Tô Văn Cắm. Cụ Quý, cụ Cắm là những người con của núi rừng Trần Hưng Đạo đã tham gia và đánh thắng hai đồn Phay Khắt - Nà Ngần, mở ra trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, cụ Quý ở lại làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Tam Kim. Là người côi cút, không có đất, người thanh niên Dao Tiền sớm giác ngộ cách mạng và dành toàn bộ tâm huyết của mình vào HTX. Dù còn phải chạy ăn từng bữa, HTX Tam Kim vẫn hoàn thành nhiệm vụ cung cấp thóc gạo cứu đói cho các vùng khác trong tỉnh. Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, khi HTX Tam Kim giải thể, cụ Quý lại rơi vào cảnh không "tấc đất cắm dùi". Gom góp và vay mượn hàng xóm mãi, cụ Quý cùng gia đình mới mua được mảnh đất ven suối Khuổi Giáng. Dù có nhà ở, nhưng cũng như nhiều người Dao Tiền nơi đây, nhà cụ Quý cùng mấy anh con trai vẫn phải "du canh". Mãi sau này, khi mua được mấy mảnh ruộng gần nhà, gia đình cụ Quý mới dứt được cảnh du canh. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, người dân Bản Um đã đủ ăn, đủ mặc nhưng căn nhà bố ông Thắng cùng ông dựng lên ngày nào đã xuống cấp.

Năm 2014, được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, đã có 42 ngôi nhà được xây dựng, trong dịp này có 20 ngôi nhà đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây là sự động viên, chia sẻ của nhân dân cả nước với đồng bào Bản Um. Ông Đặng Văn Thắng cảm ơn tấm lòng của những người làm báo Đảng, tri ân đối với thế hệ cha anh đã cống hiến vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Trong chuyến công tác này, Công ty cổ phần Ao Vua và gia đình ông Vũ Đình Hoành, số 3, ngõ Thanh Miến, Đống Đa, Hà Nội và những người làm báo đã trao tặng 2 ti vi, chăn, màn... cho gia đình ông Đặng Văn Thắng và 30 hộ dân Bản Um. Bồi hồi xúc động, trong giây phút chia tay, những chén rượu ngô nồng đượm của người Dao Tiền thay lời tâm sự. Đoàn người về xuôi mà vẫn còn thấy ở phía sau những cánh tay đưa, những lời nghẹn ngào hẹn ngày gặp lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trở lại cội nguồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.