Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ nghề tin học, nuôi bồ câu, cu gáy

Quỳnh Nguyên| 27/01/2015 06:42

(HNM) - Trang trại bồ câu của anh Nguyễn Văn Phúc (thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có giá trị đến hàng tỷ đồng. Bất ngờ hơn, khi ông chủ thương hiệu


Bỏ học về quê làm kinh tế

Một cựu sinh viên ngành CNTT từng du học ở nước ngoài về xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu ở vùng quê "đất cày lên sỏi đá" là câu chuyện dài với nhiều tình tiết thú vị. Cách đây mấy năm, Nguyễn Văn Phúc làm việc tại một công ty cổ phần thế giới số, theo đúng chuyên ngành được học. Phúc cho biết: Làm đúng chuyên ngành được đào tạo là một niềm vui, nhưng với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng không thể nói là thỏa đáng với công sức bỏ ra, không đủ điều kiện để có thể xây dựng một tương lai tốt hơn.

Nguyễn Văn Phúc và trang trại bồ câu.



Nguyễn Văn Phúc nói mình có duyên với loài bồ câu. Thời điểm năm 2008 là thời kỳ vàng son của những người chơi cây cảnh, nhiều người nhờ cây cảnh mà giàu có, nhưng anh tìm cho mình một hướng đi riêng. Một phần vì đất Sóc Sơn không hợp với trồng cây cảnh, một phần vì không có số tiền đầu tư lớn. Một lần, đến nhà một người bạn nuôi chim bồ câu cho hiệu quả kinh tế cao mà vốn đầu tư không cần nhiều, anh "mê" luôn. Tự tìm tòi kỹ thuật nuôi chim trên mạng internet, sách báo, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình đã nuôi thành công tại miền Bắc và Nam, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, anh nhận thấy nuôi bồ câu là hướng đi mới có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao. Và rồi, Nguyễn Văn Phúc quyết định bỏ việc, rẽ ngang sang nghề nuôi chim bồ câu khiến nhiều người ngạc nhiên.

Nguyễn Văn Phúc đã phải đấu tranh tư tưởng, vượt qua những lời xì xào của hàng xóm, bạn bè... Anh nhờ bố mẹ vay được 40 triệu đồng làm vốn mua chim giống, đầu tư lồng, chuồng trại, thức ăn, bột, thuốc. Thời gian đầu, kinh nghiệm chưa có, con giống chưa bảo đảm nên thiệt hại rất nhiều. Với một thanh niên mới vào nghề, mất mấy mươi triệu đồng có thể xem là một cú sốc. Nhưng không nản chí trước khó khăn, hơn lúc nào hết, khi thất bại, mong muốn thành công và làm chủ càng hối thúc anh phải đứng dậy để tiếp tục theo đuổi đam mê.

Kiên định bám nghề, hằng ngày, Nguyễn Văn Phúc tích cực tìm hiểu thêm kiến thức - kỹ thuật nông nghiệp; đồng thời đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Sau những cú vấp ngã, anh đầu tư thêm vốn, thêm tiền, "quyết liều một phen". Năm 2009, Phúc mạnh dạn đầu tư thêm 200 đôi chim giống, trong đó có nhiều giống bồ câu quý từ Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan… Anh chăm chút đàn chim cẩn thận hơn và rồi lứa chim thương phẩm đầu tiên cũng được đưa ra thị trường. Trang trại nuôi chim bồ câu của Nguyễn Văn Phúc dần đi vào ổn định.

Trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu, anh nhận thấy nhu cầu chơi chim cảnh, đặc biệt là chim cu gáy rất lớn. Loại chim này chủ yếu bắt từ tự nhiên, do vậy, rất được giá. Nghĩ là làm, quyết thuần dưỡng, nuôi sinh sản loài chim này, ban đầu chỉ có 20 đôi, giờ đây, trang trại của anh đã có 200 đôi chim cu gáy. Cũng từ đó, ngoài tài nuôi bồ câu, anh còn được nhiều người biết đến với nghề dạy chim cu gáy hót hay.

Sau 6 năm, từ một khu vườn nhỏ bé sau nhà, anh đã mở rộng diện tích trang trại lên 700m2, nhân số lượng chim bồ câu lên 4.000 đôi, gấp 40 lần so với năm 2008. Đến nay, hằng tháng, trang trại chim bồ câu Hồng Phúc của gia đình anh cung cấp cho thị trường khu vực phía Bắc và Trung bộ hàng trăm chim giống, thương phẩm, chim cảnh... doanh thu đem lại hơn 250 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 150 triệu đồng.

Phải dám nghĩ, dám làm

Hiệu quả từ mô hình nuôi chim bồ câu không chỉ giúp thu nhập của gia đình Nguyễn Văn Phúc liên tục tăng qua từng năm mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 nhân công với mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, cùng hàng chục lao động thời vụ. Phúc đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của xã, được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm.

Theo Phúc, nuôi chim bồ câu không khó, bởi chúng rất ít bị bệnh lại dễ tính, chỉ cần có chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng. Nguồn thức ăn cũng rất đơn giản, một ngày chim bồ câu ăn 2 bữa, chủ yếu là thóc và ngô cùng với nguồn nước uống sạch. "Đặc biệt, nuôi bồ câu không phải lo về tiêu thụ sản phẩm, vì bồ câu là thức ăn bổ dưỡng. Dân gian ta có câu "một con bồ câu hơn chín con gà" để nói về tác dụng của nó, bởi vậy khách hàng thường vào tận nơi đặt hàng, nhiều khi không có đủ để cung cấp ra thị trường" - Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

Đặc biệt, anh cũng đã mày mò, tự thiết kế mẫu lồng nuôi công nghiệp. Hệ thống lồng nuôi này không chỉ giúp tiết kiệm diện tích, quản lý dễ dàng đàn chim, mà còn giảm tối đa dịch bệnh lây lan. Hệ thống chuồng được thiết kế nhiều tầng, phân thành nhiều lô trên diện tích 80m2. Mật độ nuôi 8 con/m2. Quanh chuồng vây bọc bằng lưới thép, khung bằng thép chống gỉ, mỗi lô đều có cửa mở khóa cẩn thận. Ngoài lúa, gạo, ngô, thỉnh thoảng bổ sung thức ăn có khoáng, muối, vitamin, sỏi.... cung cấp đủ chất cho chim sinh sản tốt; 7-10 ngày vệ sinh chuồng trại một lần.

Nguyễn Văn Phúc trải lòng, những điều anh được học suốt 4 năm tại LB Nga không phải không có ích với anh. Phúc đã ứng dụng công nghệ thông tin làm website để quảng bá trang trại của mình. Cũng nhờ đó mà anh có thể nghiên cứu về cách nuôi chim, từ việc ăn đến ngủ, rồi khi có dịch bệnh thì phòng chống như thế nào… Chia sẻ bí quyết thành công của mình, Phúc cho biết, điều quan trọng nhất để có được thành công là khả năng tự học hỏi, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng mô hình chuồng trại kinh doanh. Theo Phúc, đa số khi chọn cho mình một lối đi riêng, gọi đơn giản là "phá cách" trong ngành học để bước sang lĩnh vực mới, các bạn trẻ cần "dám nghĩ dám làm". Và một yếu tố cũng vô cùng quan trọng đó là đầu tư đúng thời điểm, vừa kiên trì vừa sáng tạo để mang lại thành công. Cùng đợt làm với Phúc có rất nhiều cơ sở nuôi bồ câu, nhưng trang trại của anh là một trong số ít trụ vững và phát triển đến ngày hôm nay.

Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, thời gian tới, anh sẽ nhân số lượng chim bồ câu lên 8.000 đôi, chim cu gáy thêm 1.000 đôi; đồng thời mở rộng diện tích chăn nuôi lên khoảng 800m², qua đó có thể tạo thêm nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân. Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Tân Hưng (Sóc Sơn, Hà Nội) Phạm Hồng Thái nhận xét: "Phúc là một thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi không chỉ của địa phương mà còn của TP Hà Nội. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Nguyễn Văn Phúc còn đóng góp rất nhiều công sức, vật chất, tiền bạc hỗ trợ các phong trào đoàn, hội, từ thiện của địa phương...".

Với những đóng góp của mình, Nguyễn Văn Phúc đã 2 năm liền (2013 - 2014) được huyện Sóc Sơn tặng giấy khen cho "Hộ phát triển kinh tế giỏi". Vừa qua, anh cũng là một trong những cá nhân vinh dự được Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu "Người tốt - Việc tốt" năm 2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ nghề tin học, nuôi bồ câu, cu gáy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.