Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những con người làm nghề vì nghiệp

Xuân Lộc - Bảo Ngọc| 27/02/2015 06:32

(HNM) - Những ngày đầu năm mới cũng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, các bệnh viện ngập tràn hoa tươi cùng hàng trăm, hàng nghìn lời chúc từ những bệnh nhân gửi đến người thầy thuốc.


Những hy sinh thầm lặng…

Có mặt tại BV Hữu nghị Việt - Đức vào sáng mùng Hai Tết, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào những hy sinh vất vả của người thầy thuốc ở đây. Khác hẳn với không khí vui tươi, rộn ràng ở các con phố ngay bên ngoài BV, trong những căn phòng trắng toát, tiếng khóc của người thân bệnh nhân, tiếng rên rỉ của người bệnh, tiếng máy móc tít tít đan vào nhau không dứt... Những chiếc băng-ca liên tiếp đẩy vào phòng cấp cứu sau những tiếng còi liên hồi của xe cứu thương. 

Bác sĩ Hoàng Đình Cường, Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Tim Hà Nội), đang khám bệnh cho bệnh nhi trong chuyến khám từ thiện ở Lạng Sơn.


Mới 8h sáng, điều dưỡng, y tá, bác sĩ đã hối hả với hàng chục ca cấp cứu. Vừa thay băng xong cho một bệnh nhân bị tai nạn giao thông nằm bất động, các bác sĩ lại quay sang trấn an thân nhân của một bệnh nhân khác bị thương do ẩu đả nhau trong khi say rượu. Một tiếng đồng hồ trôi qua, mặc dù đã được nỗ lực cấp cứu, một bệnh nhân trẻ mới ngoài 20 tuổi trút hơi thở cuối cùng vì hộp sọ bị tổn thương nặng trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Chứng kiến cảnh người mẹ của bệnh nhân khóc nấc lên rồi ngất lịm, ông bố cầm bàn tay đã lạnh ngắt của đứa con nghẹn ngào: "Về nhà đi con ơi, về ăn Tết với bố mẹ đi con...", ê kíp y, bác sĩ trực cấp cứu đứng lặng yên, trên gương mặt họ tỏ rõ sự bất lực. Dù đã quá quen, dù đã nhiều lần cứu người thoát khỏi giữa ranh giới sống - chết trong gang tấc, họ vẫn không khỏi bùi ngùi khi chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân ngay trong thời khắc đầu xuân. Thế nhưng, những khoảng lặng như vậy đã tan biến rất nhanh. Khi tiếng còi xe cấp cứu vang lên, họ lại tất bật lao vào công việc. Sau khi một số bệnh nhân cấp cứu qua cơn nguy kịch, ê kíp trực mới có vài giây phút nghỉ ngơi. Ngày đầu xuân, thay vì quây quần bên mâm cơm sum họp gia đình, các bác sĩ đều phải mang theo những suất cơm hộp. Quá trưa, sau suất cơm trưa ăn vội, họ lại hối hả lao vào cuộc giành giật sự sống cho những ca chấn thương, cấp cứu khác.

Trong những lúc bình thường, lời chúc sức khỏe luôn là sự động viên khi bước sang năm mới thì ở nơi BV, càng có ý nghĩa hơn rất nhiều. Không chỉ bản thân người bệnh, người nhà bệnh nhân mà cả người thầy thuốc đều mong bệnh nhân sớm mạnh khỏe và ra viện. Với nhiều bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên... Giao thừa qua đi lúc nào cũng chẳng hay, họ đang phải tập trung cao độ giành giật sự sống cho người bệnh. Hơn 20 năm đón Giao thừa trong BV, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Hữu nghị Việt - Đức nói: Dù vẫn biết sự vắng mặt của người chồng, người cha trong đêm Giao thừa là sự thiệt thòi cho cả gia đình nhưng tôi vẫn bằng lòng bởi đó là nghề đã chọn. Làm việc trong những ngày Tết mặc dù thiệt thòi, vất vả nhưng chúng tôi yên lòng vì đã làm việc hết mình và nhiều bệnh nhân đã được cứu chữa kịp thời.
Trong những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại một số địa phương thời gian qua, nếu không có sự vào cuộc, can thiệp kịp thời và cả sự hy sinh thầm lặng của những người thầy thuốc, chắc chắn tổn thất sẽ nặng nề hơn. Đang quây quần cùng gia đình sau một ngày trực căng thẳng, bác sĩ Ninh Việt Khải, Khoa Điều trị 1C (BV Việt - Đức) nhận được điện thoại của Giám đốc BV Nguyễn Tiến Quyết phân công làm trưởng đoàn công tác lập tức lên đường đến Lào Cai để hỗ trợ cấp cứu cho các nạn nhân trong vụ xe khách rơi xuống vực sâu. Bác sĩ Ninh Việt Khải kể: Dù đêm tối, mưa gió, tuyến đường từ Hà Nội đến Lào Cai rất khó đi do có nhiều đoạn đang sửa chữa, thế nhưng với tinh thần khẩn trương, chúng tôi đã có mặt kịp thời tại BV Đa khoa tỉnh Lào Cai - nơi 41 nạn nhân trong vụ lật xe khách đang cấp cứu. Đến khoảng 5h sáng, việc khám chẩn đoán lại tình trạng bệnh cho các nạn nhân kết thúc, đoàn công tác ăn vội bát cháo trước khi bắt tay vào phẫu thuật cấp cứu nạn nhân. Công việc lại hối hả, tất bật cho đến hơn 12h trưa. Mặc dù khi đó ai cũng mệt và căng thẳng nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy phấn chấn vì đã giúp đỡ, chia sẻ cũng như tiếp thêm sức mạnh về tinh thần cho người bệnh trong những lúc khó khăn, đau khổ nhất.

... và việc chữa bệnh ở vùng cao

Ngoài công việc hằng ngày bận rộn, các bác sĩ còn tham gia rất nhiều chuyến khám, chữa bệnh tình nguyện. Rời xa sự náo nhiệt của thành phố, rời xa tiện nghi hiện đại ở những BV đầu ngành, trong nhiều năm qua, nhiều đoàn công tác đã đến với những vùng rừng núi, vùng sâu vùng xa. Biết tin có bác sĩ khám bệnh từ Hà Nội lên, bà con ở nhiều xã vùng cao bất chấp đường sá xa xôi, trèo đèo, lội suối để tới được nơi khám, chữa bệnh.

Vào thời điểm cuối năm 2014, 6 BV trực thuộc Bộ Y tế là BV Bạch Mai, BV Việt - Đức, BV K, BV Hữu nghị, BV Y học cổ truyền trung ương và BV Mắt trung ương đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các huyện vùng sâu, vùng xa để khám, tư vấn, chữa bệnh cho hơn 38.000 người nghèo. Suốt chặng đường gập ghềnh, đèo núi, trong cái rét cắt da cắt thịt, sự vất vả như thôi thúc những trái tim nhân ái và tất cả đã nhường chỗ cho niềm đam mê công việc. PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai - một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện chiến dịch khám, chữa bệnh nhân đạo cho biết, trong những chuyến đi tình nguyện, tôi không khỏi xúc động vì nhiều người chưa từng uống thuốc viên, chưa từng gặp bác sĩ, đặc biệt là những người dân nghèo ở Mù Cang Chải, ở huyện đảo Lý Sơn... Chiến dịch khám, chữa bệnh nhân đạo không chỉ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp người dân vùng sâu, vùng xa biết cách phòng bệnh và kiểm tra sức khỏe mà còn giúp các cán bộ y tế biết đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của người bệnh.

Tương tự, do bệnh nhân đến khám vào ngày thường ở BV khá đông nên ban lãnh đạo BV Tim Hà Nội đã sắp xếp các chuyến khám tình nguyện vào dịp cuối tuần. Đi làm ngày nghỉ, tiền bồi dưỡng chỉ 100.000 đồng, nhưng các bác sĩ trẻ đều hăng hái đăng ký tham gia. Tất cả bác sĩ trong đoàn đều xác định đây là việc chung tay vì sức khỏe cộng đồng nên rất nhiệt tình dù chưa quen khí hậu và phải di chuyển rất nhiều. Sau mỗi chuyến đi, họ lại mong sẽ có thêm nhiều chuyến đi nữa, để được đến với đồng bào vùng cao Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên...

Nhớ lại những chuyến đi tình nguyện, bác sĩ Hoàng Đình Cường, Khoa Nội tim mạch BV Tim Hà Nội cho biết: Cứ mỗi dịp cuối tuần, các bác sĩ trẻ ở BV lại tình nguyện lên Hà Giang, Lạng Sơn, Yên Bái để khám chữa bệnh cho các em nhỏ. Mỗi chuyến đi là một câu chuyện gian nan, phải trải qua nhiều cung đường hiểm trở, nhiều người còn bị say xe đến nôn nao nhưng nghĩ đến hoàn cảnh nghèo khổ, các em mang bệnh tật, chúng tôi lại mong mỏi được lên đường. Khi đoàn xe chở các bác sĩ trở về Hà Nội, người nhà bệnh nhân đi theo tiễn chân thật cảm động. Chỉ là những lời cảm ơn, những cái nắm tay cũng đủ khiến nhiều người nghẹn ngào xúc động. Rời nơi vùng cao với những món quà quê giản dị, vài củ khoai, củ sắn hay những bắp ngô non mới hái nhưng thấy ấm lòng vì tình cảm người bệnh dành cho mình. "Lâu nay xã hội có cái nhìn không tốt về người thầy thuốc xung quanh chuyện "phong bì" cảm ơn bác sĩ. Thực tế, có làm nghề y, có lăn lộn với người bệnh mới thấy nghề bác sĩ làm nghề vì nghiệp. Trị bệnh cứu người chính là lẽ sống chứ đâu phải vì cái "phong bì", bác sĩ Hoàng Đình Cường nói với chúng tôi.

Trên khắp mọi miền Tổ quốc có biết bao người hành nghề y chân chính, hàng ngày, hàng giờ cằm cụi làm việc, lao động cật lực, chiến đấu với tử thần để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Họ có thể là những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ thâm niên hay những sinh viên y khoa vừa mới ra trường. Họ cũng có thể là những điều dưỡng, y tá, kỹ thuật viên… Dù họ rất khác nhau về trình độ, tuổi đời, tuổi nghề, hoàn cảnh gia đình… nhưng họ giống nhau vì cùng khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Những người thầy áo trắng với tấm lòng yêu nghề, sẽ tiếp tục cống hiến cho những thành tựu y học hiện đại để thắp lên niềm hy vọng về sự sống cho bệnh nhân, góp phần mang niềm hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những con người làm nghề vì nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.