Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những chuyến xe bão táp

Tuệ Diễm| 28/02/2015 02:47

(HNM) - Việc Cảnh sát giao thông tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ xe khách BKS 14B-004.39 chạy tuyến Nghệ An - Quảng Ninh chở tổng cộng tới 117 hành khách, vượt 80 người so với quy định đang làm

Chiếc xe khách biển kiểm soát TP Hồ Chí Minh đã bán khách khi mới di chuyển từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình.



Bán khách như… bán rau

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sáng mùng 4 Tết, tôi rời Hà Tĩnh để vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Ngay ở khu vực ngã ba Bãi Vọt thuộc thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, cứ vài phút lại có một chiếc xe xuyên Việt chạy qua. Đầu năm, rất đông khách đứng bắt xe tại đây. Tiết trời xuân khá đẹp nên ai nấy đều hăm hở cho một chuyến xuất hành đầu năm được hanh thông. Tôi đứng cùng "hàng ngũ" chờ xe với họ. Gần 10 phút đứng chọn xe thì có tới 5 "cò" xe khách chạy tới, miệng liến thoắng giục giã "lên mà đi, xe này vào Nam còn trống 1 giường". Do sợ bắt phải xe dù, tôi chỉ lựa những chiếc xe mang biển kiểm soát TP Hồ Chí Minh để chắc chắn cho một hành trình đến đích. Sau ít phút, một chiếc xe giường nằm loại lớn chạy tới chỗ tôi. Chỉ 2 phút ngã giá với lơ xe, tôi đồng ý mua vé vào Nam với giá 1.600.000 đồng. Xe khách có biển kiểm soát 51B-14892 lăn bánh chở tôi cùng 19 hành khách lên đường.

Sau 30 phút di chuyển, chiếc xe vẫn chạy vòng vèo bắt thêm khách. Lúc nhanh, lúc chậm, xe đi mãi mà chưa ra khỏi thị xã Hồng Lĩnh. Hành khách trên xe khó chịu, nhưng bác tài luôn miệng cười: " Các anh chị thông cảm, Tết mà". Xe chạy chậm, chạy vòng vèo, cuối cùng cũng chịu lăn bánh qua đèo Ngang. Di chuyển đến khu vực xã Ròn (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) xe tấp đầu vào một cây xăng đang xây dựng, ngay cạnh là một chiếc xe giường nằm to lớn nằm chờ sẵn. Nhà xe đã bán chúng tôi cho một xe khác, với cam kết sắp xếp đủ giường nằm cho hành khách. Những chiếc vali to bự, được các lơ xe 2 bên thoăn thoắt quẳng sang chiếc xe bên cạnh trong khi hành khách trên xe chưa kịp di chuyển xuống. Cửa xe mới vẫn đóng im ỉm chờ di chuyển hết hành lý vào thùng xe thì mới cho khách lên. Cánh cửa xe mở bung, người người nối đuôi nhau lên xe. Lơ xe đứng vắt vẻo ở cửa, vỗ vào vai khách hàng đếm 1, 2… rồi đến 20 là hành khách cuối cùng để trao đổi tiền nong. Trên xe không còn giường nằm. Toàn bộ hành khách phải chen chúc ngồi giữa khoảng không gian chật cứng đặc quánh hơi người. Trẻ nhỏ đi theo các bà mẹ lên xe cùng nhau khóc thét lên vì cảnh chật chội, chen lấn. Không chịu nổi cảnh 70 con người bị nhồi nhét trên 1 chiếc xe, tôi đứng lên kêu gọi: "Xin mọi người hãy xuống xe, chúng ta sẽ báo công an giải quyết". Lúc này, những hành khách cũ của xe này cũng nhao nhác "xe đông vậy sao mà an toàn được, không xuống giờ công an cũng bắt phạt dọc đường". Khách cũ, khách mới đều la ó. Tài xế xe khách dỏng tiếng quát lại: "Các ông bà bị bán, không muốn đi thì xuống". Xe bung cửa… chúng tôi phải tự lôi hành lý của mình, vì tài xế và lơ xe đang bận gậm gừ, chửi đổng vì hành trình bị gián đoạn.

Đường dây nóng có… nóng?

Bởi phi vụ bán khách chưa thành, nên tài xế và lơ của nhà xe Loan Hợi bủa vây chúng tôi, dùng chiêu "điệu hổ ly sơn". Đầu tiên, tài xế thuyết phục các bà mẹ có con nhỏ để xếp cho lên xe khách với cam kết có chỗ nằm. Một chị, hai chị, rồi ba chị.. chấp nhận bỏ đoàn. Họ chịu bán sang một xe khách khác vì không muốn trẻ nhỏ phải đứng giữa nắng. Các chị xốc con nhỏ lên xe, ngồi bệt giữa luồng xe chật hẹp, mặc cho đứa trẻ khóc đứng, khóc ngồi. Tuy vậy, tôi cùng hơn 10 hành khách khác vẫn đấu tranh đòi nhà xe trả lại tiền vé để tự bắt xe di chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Lúc này, tài xế lớn tiếng quát: "Ngày Tết không chịu lên xe mà đi, định đợi đến tối à". Trước sự hung hãn này, chúng tôi đã gọi điện báo Công an tỉnh Quảng Bình đề nghị giải quyết vào lúc 9h sáng ngày 22-2. Người trực ban công an tỉnh đã nhận thông báo và hứa xử lý. Đoàn khách đợi đến gần 12h ngày 22-2 nhưng vẫn chưa có lực lượng chức năng đến giúp đỡ. Nhiều nữ công nhân tiếp tục lo sợ không kịp vào Nam để đi làm đúng ngày mùng 6. "Đi làm trễ đầu năm bị phạt gấp 3 lần tiền", chị Nguyễn Thị Linh - quê Hương Sơn, Hà Tĩnh than thở. Chờ mãi không thấy công an đến giải quyết, chị Linh và một số người tách đoàn, chấp nhận nhà xe "sắp xếp chỗ nằm" để kịp vào TP Hồ Chí Minh. Đến gần 12h, nhóm chỉ còn lại 10 hành khách, gồm 8 nam và 2 nữ. Tôi đã nhấc điện thoại gọi đến toàn bộ số điện thoại đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã được công bố trước đó, gồm: 0989.088.719, 0917.577.777, 0995.918.666; Bộ Giao thông - Vận tải: 0912.379.753, 0903.474.737, 0913.209.741; Tổng cục Đường bộ Việt Nam: 0913.432.383, 0917.908.085; Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an): 069.42608. Tuy nhiên, tất cả cuộc gọi đều không có kết quả hoặc đổ chuông nhưng không có người bắt máy. Cuộc cầu cứu trở nên vô vọng!

Hành khách vất vả, chấp nhận đi xe dù để kịp di chuyển vào Nam làm việc. Ảnh: Tuệ Diễm



Theo xác minh của Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh chiếc xe mang biển số 51B-14892 là xe cá nhân. Chủ phương tiện tên là T.V.T hộ khẩu thường trú TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, loại vé của hành khách mua từ nhà xe này là vé tự in, không đúng quy định của ngành thuế. Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh đã báo cáo sự việc lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam chờ xác minh, xử lý.

Không còn cách nào khác, chúng tôi kiên nhẫn yêu cầu nhà xe trả lại tiền. Sau một hồi thương lượng và gây sức ép, nhưng nhà xe chỉ chịu trả cho khách 1,3 triệu đồng và hứa bắt 1 chiếc xe khách khác để lo trọn chỗ nằm cho 10 khách. Chúng tôi, mỗi người chấp nhận mất đi 300 nghìn đồng vì quá mệt mỏi. Đi cùng đoàn lúc này có vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã đặt mua vé của nhà xe Loan Hợi từ hôm mùng 2 Tết. Anh Cường cho biết: Hai vợ chồng mua 2 vé xe vào TP Hồ Chí Minh với giá 3.200.000 đồng, nhưng giờ chỉ được trả lại 2.600.000 đồng. Muốn có chỗ nằm trên xe mới, hai vợ chồng phải bỏ thêm 400.000 đồng nữa. Tổng cộng, chuyến đi đầu năm anh Cường phải tốn 3.600.000 đồng, tăng thêm 1 triệu đồng so với trước Tết và tăng gấp 3 so với những lần về thăm quê vào ngày thường.

"Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa", chiếc xe khách mà nhà xe kia đưa chúng tôi sang, tuy không bắt khách dọc đường nhưng lại "nhồi" người. Thay vì giường nằm, chúng tôi buộc phải nằm ở giữa hành lang đi lại. Mỗi khi có khách di chuyển xuống cuối xe để đi vệ sinh, chúng tôi phải ngồi xổm dậy cho họ đi qua. Ai quá mệt thì nằm yên, để hành khách bước qua người. Cứ như vậy, sau hơn 30 giờ đồng hồ chịu đựng, chiếc xe khách cũng cập bến xe Miền Đông, kết thúc hành trình Nam tiến. Chúng tôi nhào ra khỏi cửa xe như muốn thoát nhanh nỗi ghê rợn xe khách ngày Tết.

Chúng tôi không phải là nạn nhân "hiếm" của vấn nạn bán, nhồi khách. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Mùi, đơn vị này nhận được gần 1.200 cuộc gọi của người dân phản ánh tình trạng tăng giá vé quá cao; xe chở quá số người quy định, nhồi nhét và chèn ép khách. Các tuyến bị phàn nàn nhiều nhất là Sài Gòn - Bình Định; Sài Gòn - Đắc Lắc; Sơn La, Điện Biên - Nghệ An; Hà Nội - Thanh Hóa, Nghệ An.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Chí Vệ - đội phó Đội Thanh tra giao thông 4 (Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nguyên nhân là do mức phạt của ngành đưa ra chưa đủ răn đe, nhà xe sẵn sàng nộp phạt để có thể tái hoạt động. Vì kinh doanh vận tải dịp Tết lợi nhuận cao gấp 3-4 lần ngày thường. Thế nên, nỗi ám ảnh xe dù ngày Tết vẫn còn tiếp tục duy trì, một khi ngành chức năng chưa quyết liệt xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chuyến xe bão táp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.