Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vùng đất phèn chua thành ao nuôi bạc tỷ

Chí Kiên| 06/03/2015 06:45

(HNM) - Từ vùng trũng canh tác kém hiệu quả, nông dân xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) đã chuyển đổi sang nuôi cá, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 đến 5 lần trồng lúa.


Từ vùng "rốn nước"...

Xưa kia, khi nhắc đến Trầm Lộng nhiều người nghĩ ngay đến một vùng đất chiêm trũng, nhiễm phèn chua rất khó canh tác. Nhớ lại một thời gian lao, Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng Đinh Quang Lĩnh trầm tư một hồi rồi nói: Trầm Lộng vốn "nổi tiếng" là "rốn nước" của vùng Khu Cháy, vì thế chỉ trồng được cây lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Đã có thời kỳ, nhiều thanh niên trong xã vì thu nhập bấp bênh đã rời bỏ quê hương tìm kế sinh nhai... Giờ đây, những câu chuyện của Chủ tịch xã Đinh Quang Lĩnh đã lui vào quá khứ. Dấu ấn đầu tiên rất đáng ghi nhận trong công cuộc chinh phục đồng đất là năm 2004, toàn bộ diện tích 482ha đất nông nghiệp được dồn điền đổi thửa (lần thứ 2) thành công. Mỗi hộ từ chỗ có 3 - 4 thửa, nay giảm còn 1 - 2 thửa. Từ điều kiện thuận lợi này, căn cứ vào các chủ trương, chính sách của huyện Ứng Hòa và tỉnh Hà Tây (cũ), trong năm 2005, xã Trầm Lộng đã thực hiện thí điểm chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hằng năm sang sản xuất nông nghiệp đa canh và chuyên canh nuôi trồng thủy sản tại 4 HTX: An Cư, An Hòa, An Thái và Thu Nội với tổng diện tích 120ha.

Mô hình chuyên canh nuôi cá của anh Lê Hồng Như trên cánh đồng Đọ.



Ông Đinh Quang Lĩnh cho biết thêm: Hỗ trợ đầu tư khi đó cho 4 HTX là gần 1,6 tỷ đồng để mở rộng đường giao thông, thủy lợi, hệ thống đường điện. Đối với các hộ nằm trong vùng dự án, tiếp tục đầu tư xây dựng nhà quản lý, kè gạch, bê tông, bờ phân lô, mua máy bơm, máy sục khí... Với nguồn đầu tư này, đồng đất đã thay đổi hoàn toàn, cùng với đó là hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt. Không dừng lại ở 4 HTX nêu trên, diện tích đa canh, chuyên canh nuôi cá ở Trầm Lộng từng bước được mở rộng và đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 10 thôn trong xã đã phát triển được 223ha/482ha, trong đó có 127ha chuyên canh nuôi trồng thủy sản (nuôi cá) và 96ha mô hình đa canh, kết hợp trồng lúa, nuôi cá, nuôi vịt với gần 400 hộ gia đình tham gia (chiếm một nửa số hộ sản xuất nông nghiệp của xã).

Những mô hình thủy sản trên đồng đất chiêm trũng, phèn chua lâu nay đã tạo ra hàng nghìn việc làm ổn định cho người dân. Nhiều thanh niên trước kia phải đi nơi khác kiếm việc nay đã trở về địa phương phụ giúp bố mẹ, anh chị nuôi cá, nuôi vịt, trồng lúa. Nhiều mô hình nuôi cá, lúa - cá, lúa - cá - vịt quy mô lớn hình thành như mô hình sản xuất đa canh của 3 anh em ở cánh đồng An Thái, gồm: Đinh Văn Tiến, Đinh Văn Phi và Đinh Văn Tư với diện tích hơn 5ha; của anh Mai Thanh Bình ở cánh đồng Mả Xây, thôn Cao Minh 1,1ha... Có thể nói các cánh đồng của xã Trầm Lộng đã, đang được thay một màu áo mới với những ao nuôi cá nước ngọt trải rộng hàng hécta, trên bờ là những hàng cây ăn quả xanh mướt cùng những chuồng trại nuôi lợn, nuôi vịt, nuôi gà quy hoạch quy củ, đồng bộ.

... Đến những ao nuôi cá bạc tỷ

Con đường từ UBND xã Trầm Lộng đến cánh đồng Đọ giờ đã được thảm bê tông. Đưa chúng tôi đi trên con đường này, Chủ tịch xã Đinh Quang Lĩnh nói: Người dân Trầm Lộng từ trước đến nay chỉ trông vào nông nghiệp nên kinh tế còn nghèo lắm! Thế nhưng khi chúng tôi vào thăm mô hình sản xuất của anh Lê Hồng Như thì những điều mà Chủ tịch xã "rào" trước đó đã nhanh chóng tan biến. Trên diện tích 1,8ha, mô hình gồm một ao ươm cá giống và một ao nuôi cá thịt, được vận hành khép kín, từ ươm giống, nuôi và đánh bắt, vừa bảo đảm nguồn cá giống liên tục, vừa không bị "trắng" ao nuôi sau mỗi vụ thu hoạch. Trong 3 tháng cuối năm 2014, anh Như đã đầu tư hàng trăm triệu đồng đào đắp bờ, đổ kè, bê tông quanh ao, xây dựng các máng ủ thức ăn, nạo vét lòng hồ, kéo đường điện... Anh Như nói: Vốn đầu tư sẽ lên tới tiền tỷ vì còn nhiều hạng mục chưa làm, cộng với nguồn cá giống hàng trăm triệu đồng, tiền thức ăn, thuốc vệ sinh ao... Sắp tới, trên phần diện tích đất trống còn bỏ lại ngay cạnh ao nuôi cá anh Lê Hồng Như sẽ xây dựng chuồng trại nuôi lợn, nuôi vịt. Đây có thể được xem là một mô hình được đầu tư đồng bộ, hiện đại, vào loại nhất nhì ở cánh đồng Đọ.

Trước đó, từ năm 2005, anh Lê Hồng Như (sinh năm 1975) là một trong những hộ đầu tiên ở thôn Thu Nội triển khai thí điểm mô hình đa canh lúa - cá - vịt trên diện tích đất nông nghiệp vừa hoàn thành dồn điền đổi thửa. "Khó khăn, vất vả lắm! Lúc ấy vợ chồng tôi phải làm không biết bao nhiêu việc. Từ đào đắp bờ đến khai thông dòng chảy lấy nước, vệ sinh ao, tìm mua giống, thức ăn... Vốn liếng chưa có, nhiều lúc cũng thấy nản nhưng lại nghĩ nếu chăm chỉ thì chắc chắn đất sẽ không phụ người" - anh Như nói. Vượt qua quãng thời gian đầu đầy khó khăn, mô hình đa canh của gia đình dần đi vào sản xuất ổn định và đạt thu nhập hơn trồng lúa 3 - 4 lần (từ 300 triệu đến 400 triệu đồng/năm). Anh Như cho biết thêm: Thuận lợi nhất là gia đình tôi được dồn toàn bộ diện tích đất nông nghiệp về một thửa, vừa tiện cho sản xuất, vừa yên tâm đầu tư sản xuất lớn". Có thể nói, mô hình nuôi trồng thủy sản chuyên canh của anh Như là một hướng đi phù hợp trong bối cảnh nhu cầu thị trường tăng cao.

Kế bên mô hình của anh Lê Hồng Như là mô hình nuôi cá chuyên canh trên diện tích gần 2ha của anh Phạm Văn Sắc. Năm 2014 vừa qua, ao của anh Sắc đạt sản lượng khoảng 10 tấn, chủ yếu là cá trắm và cá chép, thu về khoảng 500 triệu đồng. Làm nghề nuôi cá từ khi mới ngoài 20 tuổi, đến nay đã có trong tay số vốn tích lũy kha khá, nhưng anh nông dân Phạm Văn Sắc vẫn chưa hài lòng với những việc đã làm được. Nhìn lại gần 20 năm trong nghề nuôi cá, anh Sắc chưa khi nào phải đương đầu với dịch bệnh gây thiệt hại lớn. Chia sẻ về nghề và những thành công đã gặt hái được, anh Sắc cho biết: Ba vấn đề quan trọng nhất của người nuôi cá là tìm nguồn con giống có chất lượng cao, tìm nguồn tiêu thụ thủy sản ổn định và bảo đảm môi trường nuôi sạch sẽ. Theo anh Sắc, khó khăn nhất đối với người nuôi thủy sản ở Trầm Lộng hiện nay là tìm nguồn cung con giống. "Hầu hết các hộ gia đình tự nhân giống hoặc phải mua con giống trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc. Nhiều trường hợp mua phải con giống không phù hợp với môi trường ao nuôi nên nuôi vừa lâu lớn, lại tốn thức ăn" - anh Sắc cho biết. Để giải quyết tình trạng này, nhiều người nuôi phải đầu tư ao ươm cá giống như anh Lê Hồng Như hoặc ươm giống lẫn vào ao nuôi như anh Phạm Văn Sắc, nhưng con giống vẫn không được ưng ý. Anh Sắc nói: Vấn đề đầu ra cho sản phẩm cá ở thời điểm hiện nay cơ bản thuận lợi, các hộ dân ở Trầm Lộng chủ yếu đổ bán cho thương lái ở chợ cá đầu mối Yên Sở (quận Hoàng Mai).

Cùng với nuôi trồng thủy sản, trên các mô hình đa canh, người dân Trầm Lộng còn nuôi vịt, nuôi lợn, nuôi gà để tăng thu nhập. Đàn gia cầm của xã hiện có khoảng 52.000 con, trọng lượng xuất chuồng năm 2014 gần 90 tấn, sản lượng trứng gần 7 triệu quả. Theo quy hoạch chương trình xây dựng nông thôn mới, khoảng 72% diện tích đất nông nghiệp của xã sẽ được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản kết hợp nuôi gia súc, gia cầm (đã chuyển được gần 50% diện tích). Trao đổi vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn cho biết: Huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng và các xã quan tâm đến nguồn con giống cho người nuôi; tạo thuận lợi cho người dân vay vốn ưu đãi; tăng cường tập huấn khoa học kỹ thuật, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh... Cùng với đó là thành lập các HTX thủy sản, chi hội chăn nuôi vịt... để bảo đảm quyền lợi cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng đất phèn chua thành ao nuôi bạc tỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.