Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch

Nguyễn Tùng| 25/03/2015 06:49

(HNM) - Kể từ khi Thủ đô được giải phóng, mỗi hàng cây trên từng con phố đều có nét đặc trưng, bất chấp sự phá hoại của chiến tranh.

Cây xanh trên phố Nguyễn Đình Hoàn, quận Cầu Giấy.Ảnh: Phú Khánh


Ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ được sinh ra ở Hà Nội vào những năm 70 của thế kỷ trước vẫn in đậm hình ảnh hàng cây trên các con phố hay trong công viên. Không thể quên những trưa, chiều mùa hè trèo sấu trên đường Phan Đình Phùng, Trần Phú, đùa nghịch với đám bạn cùng lớp dưới tán cây trong vườn Bách Thảo, Công viên Thống Nhất… Lũ trẻ lớn lên, thành phố cũng phát triển rộng ra. Nhiều con đường lớn xuất hiện đồng nghĩa với việc nhiều cây xanh lớn bị chặt hạ. Cây trồng thay thế không kịp tỏa bóng để che nắng cho lũ trẻ mỗi lần đạp xe đến trường. Rồi người ngày một đông, nhà cửa ken chặt đến mức cây trong vườn cũng bị chặt bỏ, cây đô thị bị chèn ép từ mọi phía. Diện tích đất dành cho cây xanh ngày càng nhỏ lại vì hệ thống cấp thoát nước cùng vô số công trình ngầm khác. Rễ cây bị ảnh hưởng bởi những công trình ngầm và những lần đào xới để lát lại vỉa hè. Thân cây phải "cõng" đủ loại dây cáp, đèn trang trí, biển hiệu...

Để tránh cái nóng ngày càng gay gắt về mùa hè, người Hà Nội tự trồng những cây nhanh có bóng mát như dâu da xoan, trứng cá, bông gòn… Nhưng chỉ sau khoảng 10 năm những loại cây được trồng tự phát này đã bộc lộ nhiều nhược điểm như: Thân quá to so với vỉa hè, rễ ăn ngang vào hệ thống cống thoát nước, khả năng chống chịu gió bão kém dễ gãy, đổ gây tai nạn, thậm chí gây ra chết người. Rõ ràng, cây xanh không theo kịp quá trình đô thị hóa.

Việc quản lý và duy trì cây xanh đường phố và trong công viên được UBND TP Hà Nội giao cho Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội (Công ty CVCX) quản lý. Trước đây, khi Hà Nội chỉ là 4 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, số lượng cây xanh và địa bàn có vẻ vừa sức với công ty này. Nhưng từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nhiệm vụ quản lý cây xanh trên địa bàn của 12 quận có phần quá tải so với thực lực của công ty. Theo thống kê của Công ty CVCX Hà Nội, đến năm 2013, tổng số cây xanh đô thị trên địa bàn 10 quận nội thành là khoảng 50.000 cây (chưa bao gồm 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm). Mỗi năm, công ty cắt sửa trên 4.000 cây bóng mát; chặt hạ, đánh gốc khoảng 1.000 cây chết khô, cây sâu mục, cây nghiêng nguy hiểm và trồng thay thế các cây mới; giải quyết trên 200 sự cố cây đổ, cành gãy trong mùa mưa bão.

Mặc dù cây xanh đô thị có ở Hà Nội hơn 100 năm nhưng mãi đến năm 1993, công tác quản lý, bảo vệ hệ thống cây xanh mới được hình thành trên cơ sở Quyết định 6032/QĐ-UB do UBND thành phố ban hành. Trong phần quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông công chính ở TP Hà Nội, chỉ có một phần nhỏ cho những vi phạm hệ thống công viên, cây xanh, vườn thú với 8 mục ngắn gọn. Đến năm 2005, Bộ Xây dựng có Thông tư 20/2005/TT-BXD hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị. Trên cơ sở đó, Sở Giao thông công chính Hà Nội ra Văn bản 1060/HD-GTCC-CLCL hướng dẫn thiết kế, trồng và quản lý cây xanh trên đường phố Hà Nội.

Đến tháng 5-2010, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ban hành "Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn TP Hà Nội" để thay thế cho Quyết định số 6032 nói trên. Đến nay, văn bản pháp lý đầu tiên và cao nhất về quản lý cây xanh đô thị chính là Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành tháng 6-2010. Gần đây nhất, tháng 3-2014, UBND thành phố đã phê duyệt Quy hoạch (QH) hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Trước đây, khi Hà Nội chưa có bản QH này, trong một lần trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Hànộimới, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, Hà Nội đang thiếu một QH bài bản về cây xanh đô thị. TS Liêm còn lưu ý, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định trồng loại cây nào và chặt bỏ những loại cây không phù hợp với đô thị.

Nay QH về cây xanh đã có. QH này đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch, cơ bản giải quyết các vấn đề ô nhiễm trong khu vực nội thành cũ, cải thiện môi trường sinh hoạt của người dân Thủ đô. Riêng trong vùng nội đô, chỉ tiêu cây xanh đô thị sẽ đạt 710ha, đưa chỉ tiêu cây xanh trên đầu người lên 3,9m2/người. Đặc biệt, QH đã gợi ý các loại cây xanh đô thị nên trồng gồm: sao đen, phi lao, sấu, ban, chò chỉ, sưa, long não, muồng hoa đào, muồng hoa khế, lim xẹt, đa, tếch, bàng, trúc đào, nguyệt quế, phượng, bằng lăng, muồng hoàng yến.

Trong một thời gian dài trước đây, việc ban hành các văn bản quy định pháp luật về quản lý cây xanh luôn bất cập so với thực tế phát triển của cây xanh đô thị. Chỉ từ năm 2010 đến nay, việc quản lý hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố có phần chặt chẽ và bài bản hơn bởi Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND. Quyết định này dành hẳn Chương 3 để quy định quản lý hệ thống cây xanh đô thị. Trong chương 3 có 7 điều từ điều 10 đến điều 16. Cụ thể là điều 10 quy định rõ về quản lý cây xanh bóng mát, điều 11 quy định về trồng cây xanh đô thị, điều 12 về vườn ươm cây xanh, điều 13 về bảo vệ cây xanh, điều 14 quy định cụ thể cắt tỉa, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh, điều 15 quy định về các nguồn lợi thu được từ cây xanh và điều 16 nêu rõ thành phố khuyến khích xã hội hóa công tác quản lý cây xanh đô thị.

Những chuyên gia về cây xanh đô thị khẳng định rằng, việc thay thế các cây không phù hợp trong đô thị là cần thiết nhưng cần được thực hiện trên một cơ sở nghiên cứu khoa học bài bản, trên cơ sở các quy định của Nhà nước và quy hoạch đã được thông qua. Việc các lãnh đạo cao nhất của thành phố là Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo quyết định dừng ngay việc thay thế cây xanh và thành lập đoàn thanh tra liên ngành để tiến hành thanh tra toàn diện việc thực hiện đề án thay thế 6.700 cây là kịp thời và đúng đắn. Người dân Thủ đô và cả nước không chỉ mong chờ việc thực lòng tiếp thu, sửa chữa những thiếu sót của cá nhân và cơ quan liên quan mà còn hy vọng từ nay trở đi việc trồng và quản lý cây xanh ở Thủ đô sẽ theo đúng Quy hoạch đã được phê duyệt để thành phố thực sự xanh, sạch, đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.