Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: “Yếu tố lịch sử” hay “nhờn luật” có hệ thống?

Nhóm PV Báo Hànộimới| 27/03/2015 06:22

(HNM) - Trong khi các vi phạm cũ về hành lang bảo vệ đê chưa được xử lý dứt điểm thì hàng loạt các vi phạm mới lại nảy sinh.


Chính quyền bất lực

Phố chợ Đanh Xuyên, thuộc thôn Đanh Xuyên, xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa) gần như nằm trọn trên hành lang đê tả Đáy. Bám dọc hành lang đê là 2 dãy nhà cao tầng san sát, chạy dài khoảng hơn 1km. Theo quan sát của phóng viên và giới thiệu của cán bộ Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức Đặng Thu Thảo, hàng trăm ngôi nhà kiên cố ở đây đều có một phần công trình vi phạm vào hành lang đê. Ngoài các ngôi nhà người dân đang ở ổn định hàng chục năm qua thì tại đây cũng có rất nhiều công trình mới mọc lên. Sáng 26-3-2015, nhóm phóng viên Báo Hànộimới cùng với cán bộ Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức xuống khu vực chợ Đanh Xuyên chứng kiến hàng loạt công trình xây dựng kiên cố mới hoàn thiện hoặc vẫn đang trong quá trình xây dựng. Tại thửa đất rộng chừng hơn 100m2, chủ đất là ông Nguyễn Hà Sỹ ở thôn Đanh Xuyên đã cho đổ bê tông cốt thép, gia cố chắc chắn phần móng xây dựng công trình. Theo mô tả và phân tích của cán bộ quản lý đê điều, phần xây dựng vi phạm hành lang đê của ông Sỹ có kích thước chiều dọc đê là 4,5m và chiều vuông góc đê là 2m. Một người dân sinh sống gần khu vực này cho biết: "Khi chưa bị cơ quan chức năng phát hiện, tiến độ công trình xây dựng của gia đình ông Sỹ diễn ra rất nhanh, tuy nhiên từ hôm bị lập biên bản, cộng với trời mưa rả rích thì công trình này mới chịu dừng lại".

Sạt lở nghiêm trọng bờ hữu sông Bùi tại Thôn 5, xã Quảng Bị, Chương Mỹ.


Thời điểm nhóm phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại đây, ông Nguyễn Hà Sỹ vắng mặt nhưng có 2 công nhân đang thu dọn các tấm ván ghép, phía trên mặt đê vẫn còn hàng chục kiêu gạch chờ xây. Trao đổi về trường hợp vi phạm này, bà Đặng Thu Thảo cho biết, Hạt Quản lý đê đã lập biên bản và ban hành quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm này vào chiều 20-3-2015 với sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Theo văn bản này, ông Sỹ có trách nhiệm tự tháo dỡ, di chuyển toàn bộ hạng mục vi phạm ra khỏi hành lang bảo vệ đê xong trước ngày 23-3-2015. Tuy nhiên, ngày 26-3, qua xem xét thực tế tại công trình cho thấy ông Sỹ vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Tương tự, trường hợp vi phạm của gia đình ông Đinh Văn Huyến, tại thôn Nam Dương, xã Hòa Nam cũng gây bức xúc dư luận. Hiện tại, công trình xây dựng kiên cố của ông Huyến đã đưa vào sử dụng, vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ đê với chiều dài 7,4m và chiều vuông góc 2,4m, chiều cao 2m. Công trình này cũng đã được Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức phát hiện và yêu cầu UBND xã Hòa Nam xử lý vào thời điểm cuối tháng 1-2015, khi công trình đang trong quá trình xây dựng cải tạo. Đến ngày 27-1-2015, Hạt Quản lý đê tiếp tục ban hành quyết định kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính về đê điều, yêu cầu xã Hòa Nam xử lý theo quy định của pháp luật. Điều đáng ngạc nhiên là thời gian sau đó, công trình không những không bị dừng lại mà tiếp tục xây dựng và hoàn thiện như hiện nay.

Trao đổi với cán bộ địa chính - xây dựng xã Hòa Nam, ông Lê Tiến Thắng cho biết, đây "đều là những trường hợp xây dựng trên đất cha ông để lại, nhiều hộ gia đình đã có sổ đỏ". Trả lời câu hỏi về việc xã Hòa Nam có lập biên bản vi phạm đối với các trường hợp này hay không, ông Thắng khẳng định "có đầy đủ hồ sơ nhưng cán bộ phụ trách đi vắng nên không thể cung cấp!?". Ông Lê Tiến Thắng cho biết thêm, trên địa bàn xã có hàng nghìn hộ sinh sống dọc 2km đường nằm trong hành lang bảo vệ đê. Ông Phạm Ngọc Dũng, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức cho biết, đê tả Đáy dài 36,22km qua 13 xã của huyện Ứng Hòa thì 14km chạy qua khu dân cư. Khi phát hiện vi phạm, kiểm soát viên đê điều lập biên bản gửi đến chính quyền huyện, xã kiến nghị xử lý nhưng không hiểu sao việc xây dựng vẫn diễn ra. Nghiêm trọng nhất là địa bàn thôn Đanh Xuyên, xã Hòa Nam và thị trấn Vân Đình… có đến 70% - 80% số hộ gia đình có đất thổ cư nằm trong hành lang bảo vệ đê. Theo ông Nguyễn Đình Thái, cán bộ Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, ngoài hàng nghìn vụ tồn đọng chưa được xử lý, từ năm 2011 đến nay, huyện Ứng Hòa có thêm 286 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Thực hiện chỉ đạo của thành phố tại văn bản số 996/UBND-NNNT ban hành ngày 10-2-2015, trước mắt, huyện Ứng Hòa chỉ đạo chính quyền các địa phương phân loại xử lý dứt điểm vi phạm phát sinh từ năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, việc xử lý thiếu kiên quyết, đến ngày 26-3, mới xử lý được 7/116 vụ vi phạm của năm 2014 và 3 tháng đầu năm 2015.

"Oằn lưng" trước vi phạm

Vi phạm đê điều diễn ra ngày càng phức tạp dẫn đến mặt đê bị phá nát và sạt lở nghiêm trọng. Trên đoạn đê tả Hồng, chạy qua xã Võng La (huyện Đông Anh) có chiều dài hơn 700m, mới hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu tháng 2-2015 và đang trong thời gian bảo dưỡng nhưng hằng ngày vẫn phải "cõng" hàng trăm lượt ô tô chở cát có tải trọng 50-60 tấn chạy qua. Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tân ở thôn Đại Độ, xã Võng La bức xúc nói: "Hoạt động của xe quá tải không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ của tuyến đê mà còn gây ô nhiễm môi trường và làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm hộ dân". Theo bà Tân trước đây đã xảy ra nhiều vụ TNGT trên tuyến đường này mà nguyên nhân chính là do mặt đường quá xấu, đất cát rơi vãi kín mặt đường.

Tại huyện Phú Xuyên, tình trạng này cũng diễn ra phức tạp, khó lường. Theo ông Đào Đức Hiệp, Hạt Phó Hạt Quản lý đê Phú Xuyên, tuyến đê hữu Hồng chạy qua địa bàn huyện có chiều dài 16,6km, hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn đê thuộc khu vực các xã Hồng Thái, Khai Thái, thị trấn Phú Minh mặt đường bê tông bị gãy, lún, nứt và xuất hiện nhiều ổ gà, ổ trâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống lụt bão. "Tình trạng này là do xe quá khổ, quá tải gây ra. Việc ngăn chặn không dễ vì lái xe lợi dụng ban đêm" - ông Hiệp phân trần. Trao đổi về các vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hải, Chi cục phó Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cho biết, 10 năm trở lại đây, tuy Hà Nội không phải hứng chịu các trận lũ lớn, nhưng do biến đổi khí hậu, sự thay đổi của dòng chảy, khai thác cát sỏi, xe quá tải trọng đi trên đê… đã làm sạt, trượt, lún, nứt nhiều tuyến đê. Tại tuyến đê tả Bùi, địa phận xã Quảng Bị (Chương Mỹ) từ năm 2014 đến nay xuất hiện hàng chục điểm sạt trượt nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, nhà cửa của nhiều hộ dân. Ông Đỗ Viết Thắng, Trưởng thôn 5, xã Quảng Bị cho biết: Toàn thôn 5 có hơn 400 hộ dân của đội 8, 9 và 10 nằm trong khu vực sạt lở với chiều dài khoảng 800m, trong đó nghiêm trọng nhất là khu vực đội 8 xuất hiện nhiều điểm sạt hàm ếch, khoét sâu vào đất vườn nền sân của nhà dân. Tình trạng sạt lở diễn ra từ cách đây hàng chục năm về trước nhưng với cấp độ nhỏ, chỉ những trận mưa lớn, nước dâng cao mới bị sạt trượt. Từ năm 2008 trở lại đây, tình trạng này diễn ra thường xuyên hơn và ngày càng nghiêm trọng. Lý giải về nguyên nhân, một số người cao tuổi trong thôn cho rằng dòng sông Bùi có lòng sông nhỏ hẹp, vào mùa mưa thường chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về nên nước sông dâng lên rất nhanh và rút cũng rất nhanh đã cuốn theo đất, đá ven bờ và gây nên hiện tượng sụt trượt mái đê. Theo ông Bùi Tuấn Cử, Chủ tịch UBND xã Quảng Bị, tính đến nay, số hộ dân bị nứt nhà, đổ tường, sụt sân, vườn là 165 hộ; trong đó Đội 8 có 65 hộ, Đội 9 có 80 hộ và Đội 10 có 20 hộ. Trận mưa lũ cuối tháng 10-2008, nước sông Bùi dâng cao đã khiến các hộ dân sống ven sông nước ngập sâu đến ngang hiên nhà, chính quyền phải cho sơ tán nhân dân đi nơi khác. Tại khu vực xã Hòa Chính, tình hình sạt lở cũng rất nghiêm trọng. Bà Trần Thị Xe, Đội 10, thôn Lưu Xá nhớ lại, tháng 8-2014, gia đình đang ngủ thì nghe thấy tiếng ùm ùm bên hiên nhà, cả một đoạn mái đê đã bị nước sông cuốn trôi. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay khu vực thôn Lưu Xá có khoảng 700m bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hơn 200 hộ dân. Để khắc phục các sự cố này, hằng năm, TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng gia cố, nâng cấp, kè đá, hộ chân đê. Cụ thể, năm 2014, đầu tư khoảng 150 tỷ đồng xử lý 21 sự cố; trong đó 6 sự cố về đê, 13 sự cố sạt lở bờ sông, 1 sự cố về kè, 1 sự cố lún sụt mặt đê. Nhiều sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và tính mạng người dân phải xử lý cấp bách như sạt lở đê tả Đuống, huyện Gia Lâm có tổng mức đầu tư gần 16,5 tỷ đồng; chống sạt lở mái thượng lưu đê tả Đáy, xã Cao Dương và Xuân Dương, huyện Thanh Oai có tổng mức đầu tư 6,9 tỷ đồng; xử lý cấp bách bờ tả sông Đáy, khu vực xã Kim An, huyện Thanh Oai, 24,6 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: “Yếu tố lịch sử” hay “nhờn luật” có hệ thống?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.