Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao vẫn tồn tại?

Nhóm phóng viên| 31/03/2015 06:13

(HNM) - Không thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; không phù hợp với quy hoạch bãi chứa, trung chuyển... nhưng nhiều năm nay, các bãi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) tại các huyện Phú Xuyên, Thường Tín vẫn ngang nhiên hoạt động.


Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu giải tỏa ngay những bãi không phù hợp quy hoạch, trả lại mặt bằng cho UBND cấp xã quản lý và đưa vào sử dụng đúng mục đích... Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, hàng loạt bãi chứa VLXD trái phép vẫn vô tư hoạt động...

Nhiều điểm tập kết vật liệu xây dựng trên bờ bãi sông Hồng gây ảnh hưởng đến hệ thống đê điều Hà Nội.Ảnh: Mạnh Hà


Thực trạng nhức nhối

Một ngày cuối tháng 3, nhóm phóng viên Báo Hànộimới đã khảo sát hoạt động của một số bãi chứa, trung chuyển VLXD dọc tuyến hữu sông Hồng, qua địa phận huyện Thường Tín và Phú Xuyên. Những tưởng sau khi UBND thành phố chỉ đạo các huyện phải xử lý kiên quyết những bến bãi vi phạm không phù hợp quy hoạch (theo Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 1-2-2013 của UBND TP Hà Nội thì các bến bãi phải ngừng hoạt động, tập trung khôi phục hiện trạng, đưa đất nông nghiệp vào sử dụng đúng mục đích…), nhưng một số bến bãi vẫn hoạt động, máy xúc, máy ủi phục vụ việc kinh doanh VLXD (chủ yếu là cát đen, cát vàng…) hoạt động hết công suất. Lấp ló bên ruộng ngô xanh mướt là những ô tô tải lớn nhỏ đều đặn ra vào bến bãi khiến các tuyến đường đê hữu Hồng đoạn qua các xã, thị trấn như: Hồng Vân, Thống Nhất, Vạn Điểm… (Thường Tín); Phú Minh, Thụy Phú, Văn Nhân, Hồng Thái, Khai Thái (Phú Xuyên) bị "băm nát"...

Tại khu vực bãi chứa, trung chuyển VLXD thôn Khai Thái, xã Khai Thái (Phú Xuyên), dù đã có lệnh dừng nhưng thực hiện thế nào lại là… chuyện khác. Con đường từ đê hữu Hồng vào bãi dài khoảng 600-700m, cứ 10-15 phút lại có một xe chở cát ra, vào. Rất vất vả, chúng tôi mới tiếp cận được bãi chứa, trung chuyển VLXD trái phép này. Tại đây, những "núi" cát cao có diện tích cả nghìn mét vuông vẫn tồn tại, máy móc chạy rầm rầm như chưa có chuyện gì xảy ra. Gần đó, bãi chứa, trung chuyển VLXD tại khu bãi sông Hồng, thôn Lập Phương (cùng xã) cũng không kém phần sôi động. Đứng từ trên đê hữu Hồng, có thể dễ dàng nhận thấy những đống cát cao ngất, những chiếc xe ô tô ì ạch chở cát trên con đường bùn đất dẻo quánh, nhão nhoét…

Lệnh cấm trên… giấy

Hai bãi chứa, trung chuyển VLXD tại xã Khai Thái được UBND xã ký hợp đồng cho ông Nguyễn Minh Hải và Nguyễn Văn Chung thuê từ năm 2009 với tổng diện tích 20.000m2. Hai bãi này không nằm trong quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, làm hỏng giao thông của xã và tuyến đê hữu Hồng. Trong năm 2013 và 2014, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Phú Xuyên, xã Khai Thái đã hoàn thiện thủ tục thanh lý các hợp đồng giao thầu, yêu cầu chủ hai bãi dừng hoạt động, đồng thời phải khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm, hai bãi vẫn hoạt động từ đó đến nay.

Tại xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên), chúng tôi ghi nhận nhiều phản ánh của nhân dân thôn Duyên Trang liên quan đến hoạt động của bãi chứa, trung chuyển VLXD trái phép của hộ ông Đồng Văn Sơn (diện tích 10.620m2) ngay sát bến đò Vườn Chuối. Mặc dù UBND xã có văn bản yêu cầu chủ bãi chứa VLXD dừng hoạt động, san gạt cốt, hạ thấp độ cao theo quy trình phòng chống lũ…, nhưng chủ bãi không chấp hành. Theo một số hộ dân sống gần bãi, mỗi ngày có hàng trăm lượt ô tô tải ra vào khiến khu dân cư luôn ồn ào, bụi bặm.

Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, sau khi cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, UBND xã Hồng Thái đã đình chỉ và yêu cầu giải tỏa, trả lại mặt bằng nguyên trạng, nhưng diện tích nhận thầu khoán trước đây là đầm nước, ông Sơn đã bỏ ra nhiều tiền để san lấp mặt bằng nên... Trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Phú Xuyên, ông Nguyễn Đình Chiêu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Để tồn tại những bãi chứa, trung chuyển VLXD ven sông không thể nói chính quyền sở tại không biết. Huyện Phú Xuyên chưa phê duyệt cho bất cứ trường hợp nào sử dụng đất ven sông làm bãi chứa, trung chuyển VLXD. Tuy nhiên, ông Chiêu thẳng thắn thừa nhận, trong công tác quản lý đất đai ven sông bị buông lỏng dẫn đến việc sử dụng sai mục đích, sau khi kiểm tra thì huyện mới phát hiện sai phạm.

Khảo sát trên địa bàn huyện Thường Tín, chúng tôi được biết, xã Hồng Vân có 4 bãi chứa, trung chuyển VLXD sử dụng đất ven sông không thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai. Tại xã Ninh Sở cũng có 3 bãi trong tình trạng như vậy; đồng thời không phù hợp với quy hoạch bãi chứa trung chuyển VLXD nêu tại Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 1-2-2013 của UBND thành phố, trong đó có 2 bãi chứa đang sử dụng đất ven sông thuộc Công ty CP Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long để hoạt động bãi chứa, trung chuyển VLXD theo hợp đồng giao nhận khoán với công ty. Hoạt động của các bãi chứa, trung chuyển VLXD ở hai xã Hồng Vân và Ninh Sở vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều nên khi kiểm tra, Hạt Quản lý đê Thường Tín đã lập biên bản vi phạm, ra quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật đê điều và yêu cầu giải tỏa VLXD trên bãi từ đầu tháng 10-2014. Sau đó Hạt Quản lý đê Thường Tín đã có văn bản chuyển hồ sơ đến chủ tịch UBND các xã Ninh Sở, Hồng Vân để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, nhưng đến nay các bãi này vẫn hoạt động.

Thua người vi phạm?

Phú Xuyên có 6 xã nằm ven đê, chạy dài trên 17km. Trước đây, hầu hết bãi chứa VLXD này đều là nơi sản xuất gạch nung. Sau khi giải tỏa các lò gạch thủ công, UBND huyện Phú Xuyên đã ủy quyền cho Phòng Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng cho thuê đất với các chủ lò trong thời hạn 1 năm với tổng diện tích hơn 107.000m2. Ngoài ra, tại một số địa phương vẫn tồn tại tình trạng các thôn, xã ký cho một số cá nhân thuê bến, bãi không đúng thẩm quyền nên UBND huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo các thôn, xã phải thanh lý hợp đồng. Năm 2014, xã Khai Thái đã thanh lý hợp đồng thuê đất tại 2 điểm, xã Quang Lãng thanh lý hợp đồng 1 điểm và điểm cho thuê đất ở xã Thụy Phú cũng đã thanh lý và dừng hoạt động từ năm 2013. UBND huyện đã yêu cầu xã Hồng Thái phải thanh lý hợp đồng cho thuê đất làm bến bãi ở thôn Duyên Trang trong tháng 3-2015 do việc cho thuê không đúng thẩm quyền. Cũng trong tháng 3-2015, UBND huyện Phú Xuyên tiếp tục thành lập đoàn thanh tra các cơ sở sản xuất gạch và chủ bến bãi kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn của 6 xã. Dự kiến thời gian hoàn thành là trước ngày 25-4-2015.

Trên địa bàn huyện Thường Tín hiện nay đang tồn tại 8 bãi chứa, trung chuyển VLXD ở các xã Hồng Vân, Ninh Sở, Thống Nhất. Trong đó có 3 bãi ở xã Ninh Sở với diện tích khoảng 10.000m2 không phù hợp quy hoạch bãi chứa trung chuyển VLXD, không có thủ tục pháp lý về đất đai. Với xã Hồng Vân đang tồn tại 4 bãi chứa phù hợp với quy hoạch, song lại chưa có thủ tục pháp lý về đất đai… Thế nhưng các cơ sở này vẫn hoạt động bình thường? Trước thực trạng này, UBND huyện Thường Tín cũng đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, ngăn chặn, phối hợp xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, lập bãi chứa, trung chuyển VLXD ven sông và đang triển khai công tác thanh, kiểm tra. Trước đó vào năm 2011, UBND huyện Thường Tín cũng đã ban hành 23 quyết định xử lý vi phạm hành chính với 23 trường hợp lập bãi chứa, trung chuyển VLXD trái phép, yêu cầu chủ các bến bãi giải tỏa bãi chứa trong năm 2012 và 2013. Nhiều bến bãi đã dừng hoạt động nhưng hiện nay một số chủ bến bãi tái phạm…

Làm việc với các phòng, ban chức năng của hai huyện Phú Xuyên và Thường Tín, chúng tôi được biết một số huyện cũng đã thành lập đoàn thanh, kiểm tra… Nhưng vi phạm vẫn không được xử lý triệt để, nhiều hợp đồng cho thuê đất chỉ "thanh lý trên giấy", còn thực tế vẫn không giải tỏa được bến bãi. Trong khi đó nhiều xã viện lý do để bao biện cho việc không giải tỏa bến bãi như nhu cầu sử dụng VLXD của người dân lớn, dưới sông Hồng vẫn còn tàu hút cát… Vậy có thể đặt câu hỏi, vì sao thanh tra, kiểm tra liên tục mà lực lượng chức năng vẫn "thua" người vi phạm?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao vẫn tồn tại?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.