Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Ôm “đất vàng”, nhiều đại gia “ngã ngựa”

Nhóm PV Ban PSĐT| 07/04/2015 06:23

(HNM) - Những năm trước, khi thị trường bất động sản ở Hà Nội


Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, không ít khối nhà hiện đại vẫn chỉ nằm trên giấy hoặc có chăng chỉ là vài cọc thép chơ vơ giữa khu "đất vàng". Thị trường bất động sản qua thời hoàng kim, hàng trăm nghìn mét vuông "đất vàng" ở các quận nội thành bỗng trở thành sân bóng, quán ăn, trạm rửa xe, gara ô tô... Nhiều đại gia bất động sản vỡ nợ, thậm chí rơi vào vòng lao lý…

Khu đất vàng tại khu đô thị Nam Trung Yên bỏ không, được tận dụng làm nơi trông giữ xe.



Điểm mặt dự án bỏ hoang

Chưa có con số thống kê cụ thể về những dự án bị bỏ hoang, hoặc thi công chậm tiến độ trên địa bàn Hà Nội, nhưng điều mà mọi người dễ nhận thấy là có không ít dự án "treo" nằm ở những vị trí đắc địa. Điển hình là lô đất ở số 16 Láng Hạ (phường Thành Công, quận Ba Đình) do Công ty TNHH phát triển Phương Đông làm chủ đầu tư. Khi khởi công, chủ đầu tư quảng cáo và cam kết dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12-2013, hứa hẹn đem đến cho khách hàng những căn biệt thự và căn hộ cho thuê hiện đại. Thế nhưng, gần hai năm trôi qua, phần móng của dự án vẫn còn dang dở.

Có thể kể thêm hàng loạt dự án tại nhiều khu đất vàng giữa trung tâm Thủ đô vẫn "án binh bất động" như: dự án D' San Raffles nằm tại số 22-24 phố Hàng Bài, 25-27 phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hay như dự án D.plais de Louis - Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy); dự án D' Le Roi Soleil, ở số 2 đường Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ)... Trái ngược với sự hoành tráng, quy mô tầm cỡ được giới thiệu ban đầu, sau nhiều năm xin cấp phép xây dựng và thi công, điều mà dư luận nhận thấy là các công trình này vẫn dang dở và liên tục chậm tiến độ.

Trong khu vực nội thành, số lượng dự án bỏ hoang nhiều nhất phải kể đến phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy). Khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và nhận thấy rất nhiều dự án tại khu đô thị Nam Trung Yên đang "đắp chiếu", hoặc biến thành các tụ điểm kinh doanh ăn uống, rửa xe, gara ô tô, trông giữ xe ngày và đêm. Các lô đất A2, A7, E2... trên đường Trần Kim Xuyến được quây tôn, rào kín, hoàn toàn không có hoạt động xây dựng nào.

Tình trạng dự án bỏ hoang cũng xảy ra tương tự đối với các khu vực gần Hà Nội. Có thể kể đến là tổ hợp Bright City do Công ty AZLand làm chủ đầu tư, nằm trên khu đất có diện tích 15.493m2, mặt tiền quốc lộ 32 (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức). Theo thiết kế, dự án bao gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng. Khu vực dịch vụ, thương mại, siêu thị từ tầng 1 đến tầng 6, những căn hộ hiện đại để ở được bố trí từ tầng 7 trở lên. Theo giới thiệu ban đầu của chủ đầu tư, dự án có tổng vốn lên tới 1.800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự kiến khoảng 1.360 căn hộ sẽ được cung cấp cho thị trường nhà ở Hà Nội. Cùng với giao thông tiện lợi và thiết kế với nhiều nét đặc trưng, khác biệt, đi kèm nhiều tiện ích vượt trội, Bright City sẽ là "Thành phố ánh sáng" cho mọi gia đình tìm kiếm một nơi an cư lý tưởng. Theo công bố ban đầu, dự án được khởi công vào ngày 12-3-2011 và dự kiến hoàn thành trong năm 2012, thế nhưng đã quá hạn bàn giao nhà nhiều năm, tổ hợp này vẫn chỉ là bãi đất trống với nhiều máy móc, sắt thép han gỉ.

Quay cuồng trong giá trị ảo

Gần chục năm thị trường bất động sản và chứng khoán nuôi mộng "làm giàu" cho không ít người muốn phất lên một cách nhanh chóng. Những thuật ngữ "lướt sóng", "mua bán trao tay" ra đời và thực tế cũng có nhiều người nắm bắt cơ hội phất lên như diều gặp gió. Rất nhiều người tài sản chỉ là chiếc xe máy cà tàng, thậm chí không có gì trong tay nhưng có mối quan hệ với các tập đoàn kinh tế đã vay mượn cầm cố "sổ đỏ", thậm chí vay lãi suất cao để đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, "cơn lốc" đi qua, không ít đại gia phải "ngậm đắng, nuốt cay" bởi món nợ khổng lồ tại các ngân hàng, trong khi vốn đầu tư đang nằm "đắp chiếu" ở nhiều dự án.

Hoàng Nam - chủ hai quán ăn lớn trên phố Hoàng Cầu kể lại, cách đây gần chục năm, cứ nhìn thấy anh là mọi người trầm trồ, ngưỡng mộ. Xe ô tô nào đời mới nhất là anh mua. Làm thì ít, đi bar thì nhiều, nhưng lúc nào anh cũng rủng rỉnh tiền tiêu. Chỉ cần "lướt sóng" miếng đất vài chục mét vuông đã có thể thu lãi dăm bảy trăm triệu đồng. Thế nhưng, khi "bong bóng" bất động sản "xì hơi", chứng khoán tụt dốc, Nam gần như mất trắng. Cũng may có chút kiến thức về lĩnh vực ẩm thực, anh vay mượn bạn bè chút vốn liếng chuyển sang kinh doanh nhà hàng.

Tương tự, "đại gia" Nguyễn Dũng, ở Hoàng Hoa Thám, cũng điêu đứng khi thị trường bất động sản đóng băng. Thời hoàng kim, Dũng sở hữu gần chục khu biệt thự liền kề ở An Khánh và 2 căn biệt thự hơn 500m2 tại khu thành phố công nghệ cao Hòa Lạc. Khi đó, có người ngỏ ý mua biệt thự đã hoàn thiện với giá tới hơn 42 tỷ đồng nhưng tâm lý đợi giá cao hơn nên Dũng chưa bán. Đến giờ thì những khu đất, biệt thự đó chẳng ai ngó tới . Dũng chia sẻ: "Chỉ mong có người hỏi để đẩy đi cho bớt gánh nợ nần".

Vướng vòng lao lý

Khi thị trường bất động sản đóng băng, ngân hàng thương mại ngừng cho vay, các dự án không thể tiếp tục triển khai, lãi ngân hàng phải trả... khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản gánh món nợ khổng lồ. Và để trang trải nợ nần, nhiều người đã bất chấp tất cả nhằm huy động vốn "giật gấu vá vai" và cuối cùng rơi vào vòng lao lý.

Chuyện nữ đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga là một trong rất nhiều ví dụ. Theo tài liệu mà cơ quan công an thu thập được thì bà Nga đã huy động khoảng 400 tỷ đồng của 800 nhà đầu tư tại dự án B5 Cầu Diễn và dự án "bánh vẽ" HH2. Thay vì đầu tư vào dự án, sau khi có được số tiền này, bà Nga đã sử dụng vào các mục đích khác… Con số 400 tỷ đồng của các nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng tại dự án nhà ở B5 Cầu Diễn cũng chỉ là điển hình, còn rất nhiều vụ án khác chưa bị phát hiện.

Dư luận không ngạc nhiên bởi trước thời điểm bà Nga bị bắt, đã có nhiều chủ dự án bất động sản phải nhận án tù. Có thể kể đến là ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng (bị bắt ngày 17-5-2013) về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ông Long cũng là Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar (406 Trần Khát Chân, Hà Nội). Tập đoàn này thời điểm 2009-2011 được biết đến với nhiều dự án bất động sản lớn như Megastar Xuân Đỉnh, dự án chung cư 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), dự án cao ốc Hesco Văn Quán (quận Hà Đông) và dự án KCN Yên Mỹ 2 (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, trong số các dự án này, chỉ duy nhất dự án Megastar Xuân Đỉnh được chủ đầu tư hoàn thành xong phần xây thô. Còn các dự án khác, cơ quan chức năng đã "tuýt còi", chủ dự án thì tự cho mình quyền tạm dừng vô thời hạn, dù đã thu rất nhiều tiền của các nhà đầu tư.

Rõ ràng, sự tùy tiện huy động vốn của nhà đầu tư, sử dụng tiền không đúng mục đích, dùng tiền của dự án này đi làm dự án khác… đã dẫn đến việc nhiều dự án dở dang, mất khả năng thanh toán khiến nhiều chủ đầu tư phải nếm trái đắng.

Chúng tôi được biết, thời gian tới, sẽ có những quy định mới, yêu cầu doanh nghiệp muốn bán nhà phải bắt buộc có bảo lãnh của ngân hàng. Trường hợp chủ đầu tư không hoàn thành tiến độ, không giao được nhà, ngân hàng phải đứng ra trả tiền cho người mua. Vì vậy, ngân hàng sẽ chọn lựa các chủ đầu tư và dự án thực sự đủ năng lực, đủ uy tín. Thêm vào đó là quy định chủ đầu tư trước khi bán nhà phải thông báo và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Tức là chính quyền sẽ thẩm định dự án đã được cấp phép chưa, đã nộp tiền sử dụng đất và các điều kiện cần thiết chưa. Đây sẽ là "cây gậy" pháp lý nhằm hạn chế tình trạng "bán nhà trên giấy".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Ôm “đất vàng”, nhiều đại gia “ngã ngựa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.