Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vành đai diệt Mỹ - vành đai kinh tế!

Hà Tuấn| 27/04/2015 06:27

(HNM) - Củ Chi được gọi là


Các anh đi đến đâu em đi tới đó!

Về Củ Chi giữa những ngày tháng Tư lịch sử, đi trên con đường Nguyễn Thị Rành (Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rành) rộng rãi, chúng tôi cảm nhận được phần nào sự đổi thay của vùng "địa đạo". Đến nhà bà Võ Thị Mô (Bảy Mô) - người nữ du kích, dũng sĩ diệt Mỹ năm xưa. Nơi đây, chúng tôi được gặp những nữ du kích Củ Chi anh hùng như bà Cao Thị Hương, Nguyễn Thị Thược, các bà đã cống hiến quãng đời đẹp nhất của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nữ du kích Võ Thị Mô đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình bằng vườn cây ăn trái.


Bên mâm cơm trưa, những khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết, dù đã đi qua 40 năm vẫn ăm ắp trong ký ức, trong câu chuyện của các nữ anh hùng. Bà Hương kể, trận lính Mỹ càn tại xã Tân An Hội tháng 3-1966, tổ du kích của bà bị bao vây và bị đánh lùi ra ngoài đồng ruộng, đạn địch bắn xuyên qua cánh tay bà. Sau 5 giờ chiến đấu không cân sức và được sự yểm trợ của các đơn vị khác, đội du kích của bà mới thoát khỏi vòng vây. Nhưng do bị thương nên xuống hầm rất khó khăn và nếu không có bà Bảy Mô liều mình bế xuống thì bà đã hy sinh vì ba trái bom nổ ngay sau đó.

Bà Cao Thị Hương chính là nữ du kích đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên đất Củ Chi bằng súng bá đỏ. Tròn 15 tuổi, cô bé Hương xin tòng quân với đặc điểm nhận dạng là "nhỏ nhất đội". Khi tham gia du kích, Hương dõng dạc tuyên bố: "Ngành nào có súng thì đi", nhất định không chịu tham gia những công việc không có… súng. Và tối nào Hương cũng theo đội đi bắn yếu lĩnh. Tháng 12-1965, cô du kích Hương lập chiến công đầu tiên là bắn rơi máy bay Mỹ. Bà kể, lúc nghe tiếng máy bay, ba nam du kích được phân công ra công sự để ngắm bắn, xin đi nhưng đội trưởng không cho, bà bèn giật lấy cây súng của đội phó lao ra công sự. Xin bắn trước cũng không được, với lý do "đàn bà phải bắn sau cùng" và "bị" giao bắn chiếc thứ ba và bà đã lập công khi chiếc máy bay rớt xuống sau những loạt đạn liên tiếp.

"Ngày đó tại vùng tranh chấp giữa ta với địch rất ác liệt", bà Nguyễn Thị Thược nói. Mới 12 tuổi, bà Thược đã tham gia cách mạng, dưới sự dìu dắt của các cô chú bộ đội, hằng ngày vừa chăn trâu vừa vào ra ấp chiến lược để nắm bắt tình hình địch. Ngày địch bắn phá ấp Gò Nổi, chứng kiến cảnh tàn phá đau thương, bà xin đi đánh Mỹ và đã góp phần làm nên sức mạnh qua công tác dân vận của đội nữ du kích Củ Chi. "Năm 1969, Mỹ gom dân về ấp chiến lược, đồng thời điều nhiều xe tăng đến san bằng cánh rừng là căn cứ của các chiến sĩ cách mạng. Tôi vận động bà con đấu tranh phản đối xe tăng Mỹ đi càn. Tôi và nhiều người bị địch đánh ngã túi bụi, bê bết máu nhưng vẫn kiên quyết ngăn cản xe tăng của chúng. Sau đó, xe tăng Mỹ rút lui, 45 chiến sĩ cách mạng trong rừng được an toàn", bà Thược nhớ lại.

Nói đến bà Bảy Mô có lẽ không ai trong đội du kích Củ Chi lại không biết, bởi "Cứ đi với chị Bảy là mọi người đều an tâm, không sợ bị bỏ lại trên chiến trường", bà Cao Thị Hương nói. "Khi đi đánh trận phải nhất quyết xung phong, ai cảm thấy nỗi sợ nhiều hơn tinh thần quyết chiến thì nên ở nhà", bà Mô tiếp lời. Năm nay đã 68 tuổi, bà Võ Thị Mô (ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng), là một trong ba nữ du kích đầu tiên của Củ Chi. Năm 12 tuổi, bà làm giao liên, đưa dẫn cán bộ nội thành ra căn cứ, đào địa đạo; 15 tuổi tham gia đội dân công hỏa tuyến, vận chuyển vũ khí về. Bà từng là Trung đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi khi mới 19 tuổi. Nói về ngày đã qua, bà Bảy Mô cười: "Khi ấy chỉ có lòng căm thù giặc và quyết tâm đấu tranh để giải phóng đất nước chứ có nghĩ gì đến bản thân". Người phụ nữ mảnh dẻ, xinh đẹp ấy luôn thể hiện quyết tâm lớn khi ra trận: "Các anh đi đến đâu em đi tới đó!".

Cuộc sống ngày càng sung túc hơn

Trên vùng đất lửa năm xưa, bà Nguyễn Thị Thược dù tuổi cao nhưng vẫn nỗ lực góp công sức cho sự phát triển kinh tế của quê hương. Sau ngày đất nước thống nhất, bà công tác tại Ban Chấp hành Hội phụ nữ xã, phụ trách địa bàn ấp Gò Nổi. 40 năm qua, bà miệt mài tuyên truyền, vận động, kêu gọi các chị em, các hộ gia đình giúp nhau thoát nghèo và bà đã khởi xướng phong trào gây nguồn quỹ do chị em đóng góp. Từ chỗ có 16 thành viên với mức đóng 200 nghìn đồng/tháng, đến nay số người tăng gấp đôi. "Ai khó khăn sẽ cho lấy tiền trước, trung bình một tháng cũng được 6 đến 7 triệu đồng. Tháng kế tiếp sẽ đến lượt người khác, cứ thế, phong trào duy trì nhiều năm qua", bà Thược chia sẻ. Không dừng lại ở đó, bà còn đi đến từng nhà, vận động lòng hảo tâm của những hộ có điều kiện rồi cùng một số chị em nấu hàng trăm suất cơm từ thiện. Cuối tuần, các thành viên lại trao tận tay cho các bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Củ Chi. Đặc biệt, trong hơn 20 năm qua, bà tự tay thu thập hồ sơ của hơn 130 người có công với cách mạng, đến nay đã có hàng chục người được xét duyệt và hưởng chế độ hằng tháng.

Chiến tranh kết thúc, bà Võ Thị Mô về quê làm ăn sinh sống. Hiện bà đang ở tại mảnh đất được tặng từ một nhà hảo tâm. Trong không gian rộng rãi, vợ chồng ông bà đã chăm bón và gây dựng nên khu vườn với rất nhiều loại cây ăn trái, bà cho biết, thu nhập từ vườn cũng đủ trang trải cuộc sống của hai vợ chồng già. Hiện chồng bà bị bệnh, sức khỏe của bà cũng không được tốt vì di chứng của chất độc da cam và những vết thương hành hạ, tuy vậy, bà vẫn tích cực đón tiếp các đoàn cựu chiến binh về thăm địa đạo Củ Chi và tham gia các hoạt động từ thiện. Hiện bà là Phó Hội từ thiện khu kháng chiến Sài Gòn - Gia Định.

Các chương trình phát triển, hỗ trợ giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới với sự chung tay của những chiến sĩ năm xưa đã góp phần nâng cao chất lượng sống người dân. Tại xã Nhuận Đức, gia đình bà Đặng Lê Thanh Huyền (ấp Xóm Bưng), từ hộ nghèo khó, sau khi được vay vốn từ chương trình nông thôn mới đã mua hàng chục con bò, dê và cừu chăn nuôi. Đến nay, trại của bà Huyền có 250 con bò, 350 con dê và 200 con cừu, tạo việc làm cho 18 người mang lại 500 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Còn hộ ông Trần Văn Lượng (xã Thái Mỹ) được địa phương hỗ trợ vay vốn chăn nuôi và hướng dẫn mô hình trồng rau an toàn, đến nay, mỗi tháng thu nhập khoảng 25 triệu đồng, từ hộ nghèo trở thành hộ khá trong xã.

Sau 40 năm, Củ Chi đang vươn lên mạnh mẽ. Nói về tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, chương trình nông thôn mới chính là điểm nhấn lớn nhất cho công cuộc đổi thay toàn diện trong đời sống người dân. Ngoài hai xã Tân Thông Hội và Thái Mỹ đạt 19/19 tiêu chí, các xã còn lại cũng đang trên đường về đích, cuộc sống người dân nơi "vành đai diệt Mỹ" năm xưa ngày càng sung túc hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vành đai diệt Mỹ - vành đai kinh tế!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.