Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổ đội xe kéo bản Ka Tăng

Hạnh Trang| 24/05/2015 05:43

(HNM) - Tổ đội xe kéo bản Ka Tăng bao gồm thành viên là những phụ nữ dân tộc Pakô, Vân Kiều, ngày ngày kéo hàng từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị) sang cửa khẩu Densavan (tỉnh Savanakhet, Lào) để mưu sinh.

Từ tự phát đến tự quản

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan những ngày này, gió nóng thổi rát mặt. Nhưng bất chấp thời tiết khắc nghiệt, hàng chục phụ nữ vẫn đang miệt mài kéo hàng từ bên này qua bên kia biên giới. Hàng đến, họ thoăn thoắt bốc xếp lên xe một cách thuần thục.

Thành viên tổ đội kéo xe bản Ka Tăng đang vận chuyển hàng qua biên giới.


Theo chị Võ Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Lao Bảo, chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Thương, Hội trưởng Hội phụ nữ bản Ka Tăng, đồng thời là người sáng lập Đội xe kéo nữ. Chị Thương cho biết, bản Ka Tăng có khoảng 150 hộ với hơn 600 nhân khẩu, trong đó gần 50% gia đình có công với cách mạng, hầu hết mang họ Hồ. Chiếm hơn một nửa trong đó là hộ nghèo và rất nhiều hộ cận nghèo. Trước kia, nơi này rừng hoang vắng, cây cối um tùm, công việc chính của phụ nữ là lên nương, làm rẫy, thu nhập chỉ 5.000-7.000 đồng/ngày, đời sống rất khó khăn, nhưng từ ngày kinh tế cửa khẩu mở rộng, đời sống của người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay.

Chị Thương bật mí: "Không chỉ riêng tôi, nhiều chị em ở đây giờ còn có tiền gửi ngân hàng hằng tháng nhờ… nghề kéo xe". Khoảng những năm 2003-2004, làm rẫy không đủ ăn, chị rủ cô em dâu đi gánh hàng thuê qua cửa khẩu, mong kiếm thêm thu nhập. Mỗi gánh hàng, chị được trả 10.000 - 15.000 đồng. Mỗi ngày gánh 10 chuyến, chị có hơn 50.000 đồng. Làm việc này một thời gian thấy vất vả mà hiệu suất không cao, năm 2005, trong một lần gánh hàng qua cửa khẩu, chị thấy bên phía bạn Lào có chiếc xe ba gác bằng gỗ, kéo rất thuận tiện. Về nhà, chị cùng cô em dâu tự đóng một chiếc xe tương tự. Có xe kéo, hàng chở nhiều hơn mà không tốn sức. Có chuyến, hai chị em kéo cả tạ hàng, được trả 100.000 - 120.000 đồng. Từ chiếc xe ban đầu, hai chị em chị Thương tiếp tục phát triển thành 2 chiếc, 4 chiếc, 6 chiếc và cuối cùng là 10 chiếc. Hằng ngày, với 10 chiếc xe, hai chị em kéo thêm hàng chục chị em khác cùng kéo hàng, mỗi ngày cho thu nhập khoảng 250-300 nghìn đồng mỗi người.

Thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhiều chị em trong bản mạnh dạn tự đầu tư đóng cho mình 1 chiếc xe riêng. Chi phí đóng 1 xe khoảng 3-4 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ của Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, sự hướng dẫn tận tình của chính quyền địa phương, năm 2005, đội xe kéo tự quản chính thức ra đời. Đến nay, tổ đội xe kéo có gần 100 xe với hơn 30 hội viên.

Góp thêm câu chuyện, chị Võ Thị Thúy cho biết: "Trước đây, khi bà con dân bản mình đi kéo hàng thuê tùy tiện lắm. Nhiều khi kẻ xấu lừa đi kéo hàng cấm theo đường rừng, có chuyến đi 3, 4 ngày mới về, nhưng tiền công chẳng được là mấy. Giờ có cán bộ, bộ đội Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hướng dẫn lập đội xe kéo tự quản nên công việc được phân công đều đặn và ổn định hơn, nhờ đó thu nhập khá lên". Chia sẻ về công việc của mình, chị Hồ Thị Nu cho biết mỗi ngày kiếm được 150-200 nghìn đồng, không nhiều nhưng cũng hơn hẳn việc lên rừng lấy củi về bán trước đây. Cách đây 6 tháng, gia đình chị đã dọn về nơi ở mới khang trang.

Cũng giống như gia đình chị Hồ Thị Nu, từ chỗ nhà tranh vách đất, đến nay trong bản, nhiều gia đình đã có tivi, xe máy, tiền tiết kiệm để dành. Con cái có điều kiện được học hành đầy đủ, càng ngày càng có nhiều con em học lên cao, thậm chí đại học. Quan trọng hơn, nhờ tạo thu nhập trong gia đình nên vị thế của các chị cũng được nâng lên, tiếng nói của phụ nữ trong gia đình có trọng lượng hơn.

Chia ngọt, sẻ bùi

Ngoài chuyện mưu sinh, ít ai biết được những công việc từ thiện thầm lặng của các chị em trong đội xe kéo. Từ năm 2008 đến nay, hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đội nữ xe kéo tích cực thực hiện phong trào "Hũ gạo tiết kiệm" do Chi hội Phụ nữ bản Ka Tăng phát động. Cứ mỗi bữa nấu ăn, nhà nhà của bản Ka Tăng lại tiết kiệm một nắm gạo, rồi đến cuối tháng, số gạo này được góp lại giúp đỡ những hộ còn khó khăn. Bên cạnh đó, các chị còn nhận đỡ đầu nhiều cháu bé. Mỗi tháng, thành viên trong đội trích 20 nghìn đồng để góp vào quỹ. Số tiền này dùng để giúp đỡ các gia cảnh khó khăn, thăm hỏi các chị em bị đau ốm, người thân mất hay mua sách vở để động viên cho con em dân bản đạt kết quả cao trong học tập... Kể về sự hỗ trợ, chia ngọt sẻ bùi của các thành viên trong đội, chị Hồ Thị Hạnh không khỏi xúc động nhớ lại: "Bữa đó, nhà tui bị cháy, ngoài hỗ trợ của Hội phụ nữ bản, các chị em trong tổ người thì cho tiền, người thì cho gạo. Đồ dùng vật dụng thì ai có gì cho nấy, nồi niêu, chén bát... Mối hàng nhiều thì họ chia cho mình, ví dụ họ được thuê chở 3-4 xe thì họ chia cho mình 1 xe".

Không chỉ vậy, mấy năm gần đây, các chị còn nhận đỡ đầu 3 trẻ sơ sinh, một cháu mất mẹ, còn hai cháu sinh đôi có hoàn cảnh khó khăn. Hằng tuần, hằng tháng các chị đều đến thăm hỏi, tặng quà cho các cháu. Ngoài ra các chị trong nhóm cũng nhận giúp đỡ 5 trường hợp các chị có hoàn cảnh khó khăn như chồng mất, chồng bệnh tật. Mỗi tháng các gia đình này được hỗ trợ 15kg gạo, bột ngọt và các nhu yếu phẩm cần thiết. Nhờ đó, những gia đình này đã vượt qua được khó khăn trước mắt để yên tâm, chăm chỉ lao động. Làm "cửu vạn vùng biên", những "bóng hồng phu xe" còn luôn nêu cao tinh thần đấu tranh với tội phạm.

Chị Thương cho biết: "Bất kỳ ai khi tham gia tổ đội đều phải tuân thủ nguyên tắc chung, đó là không được đưa người vượt biên trái phép. Thứ hai là không được chuyên chở hàng quốc cấm. Và quan trọng nhất là phải đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Rất mừng là 100% thành viên đều nghiêm chỉnh chấp hành". Đặc biệt hơn, đội xe kéo tóc dài bản Ka Tăng còn là cầu nối cho những hoạt động tình nghĩa của hai thôn bản biên giới kết nghĩa Ka Tăng - Densavan giữa hai nước Việt - Lào ngày một đoàn kết hơn, bằng việc trao đổi giao thương và giúp nhau vận chuyển hàng hóa. 3 tháng một lần, chị em phụ nữ Ka Tăng lại có buổi giao lưu, gặp gỡ với phụ nữ bản Densavan bên kia biên giới. Từ sinh hoạt bản làng, đến kinh nghiệm trồng chuối, trồng ngô, nuôi lợn, dựng vợ gả chồng, hay việc làm thế nào để phối hợp tốt hơn trong công tác giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới được chị em chia sẻ thẳng thắn, chân tình. Nói như chị Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Lao Bảo Võ Thị Thúy thì chị em hai bản Ka Tăng và Densavan giờ đã như người một nhà.

Chia tay những chị em tổ đội xe kéo bản Ka Tăng, điều đọng lại trong mỗi chúng tôi là sự cảm phục trước tấm lòng của các chị. Dẫu rằng công việc vẫn còn nhiều vất vả, thành quả lao động được đổi bằng những giọt mồ hôi, nhưng trên hết, các chị đã làm được nhiều việc ý nghĩa từ những chuyến xe xuôi ngược ấy. Kéo xe, với các chị bây giờ không chỉ đơn thuần là công việc, là thu nhập mà còn để chia sẻ, động viên, giúp nhau trong cuộc sống...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ đội xe kéo bản Ka Tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.