Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thuyền trưởng” câu lạc bộ thiện nguyện Sala

Quỳnh Nguyên| 27/05/2015 06:00

(HNM) - Câu lạc bộ Sala (Sala Club) là tổ chức thiện nguyện chuyên phẫu thuật miễn phí cho trẻ em khuyết tật nghèo, bệnh nhân người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa...


Tâm huyết của bác sĩ Toàn "xương"


"Khó khăn" lắm chúng tôi mới có thể hẹn gặp được "thuyền trưởng" của Sala Club. Bởi hầu như lần nào gọi điện, bác sĩ Ngô Văn Toàn cũng bận trực hoặc còn đang mải miết với những chuyến phẫu thuật từ thiện ở vùng sâu, vùng xa. Cả đời gắn bó với ngành chấn thương - chỉnh hình (CTCH) ông không nhớ hết những bệnh nhân mình đã phẫu thuật thành công. Giờ đây, khi đã là chuyên gia đầu ngành CTCH, ông vẫn chỉ nhận mình là "người làm từng việc nhỏ". Cảm động tấm lòng của ông dành cho người bệnh nghèo, những người quen biết và yêu mến gọi ông là bác sĩ Toàn "xương".

PGS,TS, bác sĩ Ngô Văn Toàn trong một chuyến đi phẫu thuật từ thiện cho trẻ em nghèo.


Bác sĩ Ngô Văn Toàn tâm sự, vốn thích học ngoại ngữ chứ không phải y khoa, đến với nghiệp bác sĩ là theo lời khuyên của ông nội. Song cũng chính tình yêu, ý thức trau dồi vốn ngoại ngữ đã mang lại cho ông cơ hội gặp gỡ, học tập, làm việc cùng nhiều bác sĩ chuyên ngành hàng đầu thế giới, nhất là ở các nước Anh, Pháp, Mỹ, góp phần xây nên cầu nối vững chắc giữa y học thế giới và Việt Nam. Năm 1995, sau khi học tập ở Australia về, PGS, TS Ngô Văn Toàn cùng đoàn bác sĩ tình nguyện Australia năm nào cũng tiến hành những đợt mổ từ thiện ở Việt Nam. Suốt mười năm trở lại đây, ông chưa vắng bóng trong bất kỳ một chuyến đi phẫu thuật từ thiện nào dành cho trẻ khuyết tật Việt Nam do tổ chức chân giả ngoại tuyến P.O.F kết hợp Viện Phẫu thuật Hàn lâm cổ bàn chân Hoa Kỳ thực hiện. Trở về sau nhiều chuyến đi, trong lòng vị bác sĩ giàu lòng nhân ái có nhiều trăn trở. Ông tự hỏi, ở cương vị là những chuyên gia đầu ngành thế giới, các bác sĩ người Mỹ, người Australia dù bận rộn đến mấy vẫn có thể dành thời gian, tiền bạc và công sức bay nửa vòng trái đất đến mổ từ thiện ở Việt Nam. Vậy tại sao chúng ta lại không thể chung tay làm những hoạt động như thế trên quê hương mình? Mong muốn chữa bệnh giúp người thường trực trong trái tim đầy nhiệt huyết ấy là cơ sở để Sala Club ra đời.

Ngày 10-10-2010, Câu lạc bộ nhân đạo Sala được thành lập với hầu hết thành viên là những bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Việt - Đức và các bạn trẻ có chung nhiệt huyết. Đối tượng được trợ giúp là những bệnh nhân nghèo ở các tỉnh vùng cao như Hà Giang, Cao Bằng, Hòa Bình... Bệnh nhân được tài trợ hoàn toàn hoặc một phần viện phí đi lại, ăn ở trong thời gian nằm viện, bao gồm cả chi phí dành cho người bảo trợ đối với bệnh nhi. Ban đầu, nhóm chỉ có... vài chục thành viên, họ gom góp từng đồng tiền lương ít ỏi tham gia thiện nguyện. Về sau, càng đi nhiều vùng đất càng gặp nhiều mảnh đời cơ cực, họ bắt đầu hành trình kêu gọi gây quỹ. "Đọc những dòng tin cập nhật danh sách Mạnh thường quân, các nhà hảo tâm gửi tặng liên tiếp nối dài đăng tải trên trang web, facebook của Sala, nghĩ về những nụ cười trẻ thơ mỗi nơi đi qua đều tiếp thêm niềm tin trong chúng tôi về tương lai tươi sáng hơn của những người không may" - bác sĩ Toàn chia sẻ.

Cứ dịp tết đến hay hè về, Sala lại bắt đầu sôi động với chương trình mới. Vị bác sĩ lại cố gắng làm việc gấp hai, gấp ba lần những ngày bình thường để thu xếp thời gian đến với trẻ khuyết tật nghèo. Tâm huyết, kiến thức, kỹ năng chuyên môn được học hỏi và rèn luyện suốt cả cuộc đời trở thành hành trang theo ông trong những chuyến mổ từ thiện tới các vùng đất xa xôi của Tổ quốc.

Hết lòng vì bệnh nhân nghèo

Bác sĩ Ngô Văn Toàn bùi ngùi nhớ lại kỷ niệm khó quên trong chuyến đi từ thiện Hà Giang cuối tháng 8-2011. Đường lên cao nguyên đá hiểm trở, nhiều cua tay áo, hết lên dốc lại đổ đèo. Mà dốc nào, đèo nào cũng vời vợi khiến... chương trình lần ấy có đến 200 bệnh nhân là trẻ em, người nghèo ở Hà Giang được các bác sĩ tình nguyện khám và hội chẩn. Ngoài các bác sĩ đầu ngành Việt Nam, còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài thuộc Hội chữ thập xanh quốc tế là GS Claude Muller, Bệnh viện Kanton - Bruderholz, Thụy Sĩ. Nhiều kỹ thuật mới trước đây chỉ thực hiện ở ngoài hoặc tuyến trung ương đã được đưa vào áp dụng...

Trong số 30 bệnh nhân được phẫu thuật miễn phí, nhiều bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Như trường hợp của bé Tung Văn Trung (dân tộc Nùng), hai mẹ con phải đi bộ cả ngày đường mới tới bệnh viện để bé được phẫu thuật 2 bàn chân khoèo bẩm sinh. Bệnh nhi Sùng Seo Pàng (6 tuổi, dân tộc Mông, ở Nà Khương, Quang Bình), đôi chân quặt quẹo, không đứng nổi, sau khi được các bác sĩ của Sala phẫu thuật, cháu đã có thể đi lại bình thường. Hay như bé Đặng Vương Quỳnh Duyên (dân tộc Tày, ở Thượng Mỹ - Việt Vinh - Bắc Quang) bị tật đôi bàn tay dính như chân vịt và co cứng do di chứng bỏng cũng được phẫu thuật thành công. Đặc biệt, bệnh nhi Thò Mí Tông bị dị tật bẩm sinh khoèo 2 bàn chân, tháng 6-2011 cháu đã được phẫu thuật bàn chân trái nhưng do gia đình không tuân thủ phác đồ điều trị nên hiệu quả ca mổ không cao. Lần này, các bác sĩ Sala Club quyết định mổ bàn chân phải cho cháu để bàn chân cháu thẳng và có thể đi bằng bàn chân chứ không phải má bàn chân như trước. Trên đường về Hà Nội, trời nhá nhem tối, cả đoàn đã thấm mệt sau chuyến đi dài với cường độ làm việc căng thẳng, bác sĩ Toàn ghé thăm Bệnh viện Vị Xuyên theo lời mời từ trước. Ông lại được nhờ... "tranh thủ" mổ cho một thiếu nữ 24 tuổi, dân tộc Tày, bị gãy cánh tay phải cách đấy hai năm và đang bị biến chứng. Cô gái trẻ vì chán nản đã muốn từ bỏ cuộc sống. Chuyện ngoài dự kiến khiến bác sĩ Toàn bất ngờ nhưng ông quyết định để cả đoàn nghỉ ngơi trước, còn mình cùng kíp mổ của Vị Xuyên tiến hành phẫu thuật ngay. Phải mãi đêm khuya, ông và những thành viên Sala mới về đến Hà Nội nhưng ai cũng mãn nguyện vì một chuyến đi với nhiều điều ý nghĩa. Thiếp mời đám cưới của cô gái trẻ được gửi đến bác sĩ Toàn cách đây không lâu khiến ông vô cùng xúc động.

Ông vẫn nhớ như in khoảng thời gian khó khăn, trăn trở nhiều ngày đêm để tìm hướng điều trị cho một bệnh nhi tên Hồng ở Thái Nguyên. Ngày đó, ông nhận lời mời của Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật Bắc Thái để tiến hành ca mổ từ thiện cho bé Hồng bị bại liệt bẩm sinh. Đây là ca khó, nhiều đoàn thăm khám trước đó đều bó tay. Kiên trì suốt một năm với bốn lần mổ (mỗi lần cách nhau ba tháng), bất chấp điều kiện phẫu thuật nhiều thiếu thốn, khó khăn, người bác sĩ ấy vẫn chưa bao giờ thôi hy vọng điều trị dứt điểm cho cháu Hồng. Sau mỗi lần mổ, trở về Hà Nội, dù tất bật với công việc của bệnh viện ông vẫn không quên hằng ngày cập nhật tin tức về Hồng qua các bác sĩ ở Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật Bắc Thái và đưa ra phác đồ điều trị. Cuối cùng, trời cũng chiều lòng người, cô bé tàn tật ngày nào đã có thể đứng dậy và tự đi trên đôi chân mình. Đôi mắt vị bác sĩ đã bước sang tuổi ngũ tuần không khỏi rưng rưng. Ông bảo: "Với một chiếc nạng trên tay, Hồng tự xuống Hà Nội, đến Bệnh viện Việt - Đức, rồi hỏi thăm phòng làm việc của tôi. Hai tiếng "cảm ơn" nghẹn ngào, ánh mắt lấp lánh niềm vui của cô bé nghèo tìm lại được hy vọng sống khiến tôi vô cùng xúc động. Nỗi xúc động ấy dâng lên gấp bội khi gần đây, tôi có dịp trở lại công tác, được tận mắt chứng kiến cô bé bại liệt ngày xưa giờ đang hạnh phúc trong niềm vui làm mẹ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thuyền trưởng” câu lạc bộ thiện nguyện Sala

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.