Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngôi nhà của những ước mơ tuổi thơ

Thanh Hải - Dương Hiệp - Đình Quang| 28/05/2015 05:46

(HNM) - Cách mạng tháng Tám thành công, dù bộn bề trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ vẫn luôn dành tâm trí cho công tác


Những năm tháng không quên

"Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng…"- bài hát của anh phụ trách Hội nhi đồng cứu quốc Phong Nhã đã vang lên trên mảnh đất lịch sử này từ khi còn mang tên Ấu Trĩ Viên rồi sau này là Câu lạc bộ Thiếu niên cho đến Cung Thiếu nhi hiện nay. Trong tư liệu của gia đình nhà thơ Tú Mỡ, chúng tôi đọc được những dòng hồi ký của các cựu Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu năm xưa, trong đó có nhiều đoạn viết về phong trào thiếu nhi Hà Nội, chính tại ngôi nhà chung này. Trước Cách mạng Tháng 8-1945, tại đây, phong trào Hướng đạo sinh đã ra đời và hoạt động rất sôi nổi. Các hướng đạo sinh đã nhiệt tình tập hợp các em nhỏ bán báo, đánh giày đến đây tham gia hoạt động văn hóa. Nhờ đó, nhiều em nhỏ đường phố đã được giác ngộ cách mạng qua các lớp học chữ, những buổi sinh hoạt văn nghệ sôi nổi... Được sự quan tâm của Bác Hồ, ngày 1-6-1955, Thành đoàn Hà Nội tiếp quản Ấu Trĩ Viên và nơi đây trở thành trung tâm hoạt động của thiếu niên, nhi đồng toàn thành phố với cái tên mới: Câu lạc bộ Thiếu niên. Tình cảm của Bác đối với thiếu nhi Hà Nội thật vô cùng đặc biệt và "cái nôi" dành cho trẻ thơ Hà Nội cũng thường xuyên được Bác đến thăm.

Hoạt động năng khiếu của trẻ em tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.


Chị Dương Việt Hà, Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội cho biết, phòng truyền thống của Cung Thiếu nhi hôm nay còn lưu những dòng trang trọng ghi nhớ ngày 19-5-1946 khi các cháu đang sinh hoạt tại Ấu Trĩ Viên được thay mặt thiếu nhi cả nước lên Bắc Bộ phủ mừng thọ Bác Hồ. Hôm đó, dù rất bận rộn tiếp các đoàn ngoại giao, các đoàn thể quần chúng nhưng Bác vẫn dành thời gian trò chuyện với các cháu thiếu nhi. Khi các cháu xúm xít vây quanh và ca vang "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng", Bác cảm động rơm rớm nước mắt. Bác tặng các cháu thiếu nhi một cây bách tán, dặn đem về trồng, chăm sóc ở trụ sở Ấu Trĩ Viên. Sau ngày Hà Nội được giải phóng, Bác Hồ rất nhiều lần đến Câu lạc bộ Thiếu nhi cùng dự các cuộc vui chơi của các cháu thiếu nhi, nhất là vào dịp Trung thu.

Ngày 19-2-1977, với sự giúp đỡ của nước bạn Tiệp Khắc, sau 3 năm xây dựng, Cung Văn hóa Thiếu niên chính thức đi vào hoạt động với tòa nhà trung tâm 6 tầng liên kết với rạp Khăn quàng đỏ để phục vụ việc học tập các môn khoa học, nghệ thuật và rèn luyện thể thao. Tòa nhà Xéc Tây với kiến trúc Pháp được chuyển sang làm nhà truyền thống Đội Thiếu niên tiền phong và các phòng, ban quản lý hành chính.

Chắp cánh cho những ước mơ

Theo chị Dương Việt Hà, 60 năm qua, đã có gần 30 triệu lượt trẻ em đến tham gia sinh hoạt, học tập, vui chơi ở hơn 80 bộ môn, câu lạc bộ tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Vì thế, đây đã trở thành địa chỉ gợi nhớ tới một "lâu đài tuổi thơ" của nhiều thế hệ thiếu nhi Hà Nội. Những nghệ sĩ thành danh hôm nay như: Thanh Huyền, Hồng Vân, Ái Xuân, Hồng Kỳ... đã từng có những năm tháng sinh hoạt ở đây. Các "ngôi sao" ca nhạc: Hồng Nhung, Thanh Lam, Ngọc Khuê... hay Tiến sĩ văn học Đoàn Hương, đạo diễn điện ảnh Phi Tiến Sơn, nhà báo Tạ Bích Loan... cũng đều sớm bộc lộ tài năng từ ngôi nhà thân yêu này.

Nhà văn Lê Phương Liên - nguyên Phó Giám đốc NXB Kim Đồng cho rằng, ở Hà Nội có một nơi mà khi đi qua, nhiều người tóc đã điểm sương thường cảm động nói cùng con cháu: "Ngày xưa… bố (mẹ), ông (bà)… đã từng vui học, vui chơi ở đây…". Câu chuyện "ngày xưa" lại bị ngắt quãng bởi rất nhiều lời nói chen vào của con, của cháu: "Vâng, con cũng đã học vẽ ở đây…"; "Con cũng đã học văn ở đây…"; "Cháu đã tập bóng bàn ở đây…".

Với bao thế hệ người Hà Nội, Ấu Trĩ Viên xưa và Cung Thiếu nhi hôm nay luôn đọng lại trong ký ức chẳng thể mờ phai. Anh Lê Quang Tuấn, hiện là Phó Giám đốc Thường trực Cung Thiếu nhi nhớ lại: "Suốt những năm tuổi thơ tôi được đến Cung Thiếu nhi học vẽ, học bóng bàn là niềm vui, là sự háo hức đợi chờ, là phần thưởng mỗi buổi cuối tuần mà bố mẹ dành cho tôi. Sau giờ học bóng bàn, bao giờ tôi cũng chạy sang lớp mô hình máy bay để nhìn ngắm say sưa với những ước mơ, tưởng tượng bay bổng đến lạ kỳ. Nơi đó là ngôi sao quàng khăn đỏ, nơi đó là thế giới của tuổi thơ… Đứa trẻ là tôi ngày đó không biết rằng đến một ngày chính mình lại trở thành cán bộ quản lý tại nơi mình từng sinh hoạt, từng cùng các bạn vui chơi". Còn với Nguyễn Ngọc Trâm, hiện là sinh viên năm cuối Học viện Ngoại giao thì nhớ mãi 17 năm gắn bó với Cung Thiếu nhi, mà theo Trâm, đó là thế giới tuổi thơ của mình. Ngày đầu tiên được tới Cung Thiếu nhi, bố mẹ Trâm cho tham gia bộ môn hát của Khoa Nghệ thuật, nhưng Trâm bảo bài học đầu tiên mình học được không phải là một bài hát hay một bản ký xướng âm mà là một bài học làm người: "Các thầy cô tại Cung Thiếu nhi không dạy các bạn tự biến mình trở thành ngôi sao, mà trước hết là dạy các bạn trở thành một con người có văn hóa, có ý thức, trách nhiệm và nghiêm túc trong công việc, sinh hoạt và học tập".

Có những lớp thanh niên Hà Nội gắn bó với Cung Thiếu nhi qua các phong trào phụ trách thiếu nhi đến độ luôn coi đó là những năm tháng tươi đẹp của cuộc đời mình. PGS.TS. Bác sĩ Hoàng Văn Sơn - cán bộ phụ trách thiếu nhi những năm 1950 - 1960 nhớ lại: "Đây là thời gian tôi làm phụ trách thiếu niên ở Hà Nội, sống trong sự vui vẻ, hồn nhiên, trong sáng của các em, lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Sau những năm làm phụ trách thiếu niên các trường Tiểu học Nguyễn Du, Trung học Tân Trào, tôi về công tác tại Câu lạc bộ Thiếu niên Hà Nội, làm cộng tác viên - phụ trách từ năm 1960 đến cuối năm 1962 mới nghỉ để nhận công tác tại bệnh viện của tỉnh Nghệ An". 60 năm đã trôi qua nối liền hai thế kỷ, nay PGS.TS. Bác sĩ Hoàng Văn Sơn đã 77 tuổi và ông kể mỗi lần gặp lại "các em" nay đều trên 65, có "em" 70 tuổi, gặp nhau mừng mừng tủi tủi, nhớ lại những ngày sinh hoạt năm xưa, hết sức cảm động.

Nối tiếp truyền thống tốt đẹp của cán bộ nhân viên đi trước tận tình chăm sóc trẻ thơ Thủ đô, Cung Thiếu nhi hôm nay không chỉ duy trì các lớp học năng khiếu, các câu lạc bộ mà còn mở thêm nhiều hoạt động mới để giúp các em phát huy năng khiếu, bắt kịp với cuộc sống văn minh, hiện đại. Có một điều rất ít người biết là cán bộ Cung Thiếu nhi thường xuyên đi làm cả thứ bảy, chủ nhật và giờ làm việc hằng ngày cũng kết thúc rất muộn, có khi tới tận 20h. Dù là đặc thù công việc nhưng nếu không có lòng nhiệt tình, tình yêu trẻ thì không dễ có thể duy trì như vậy.

Cuộc sống có nhiều thay đổi, trẻ em Thủ đô cũng có cơ hội tiếp cận những trò chơi, thú chơi mới, nhưng không ít những trò chơi, tranh ảnh trên mạng internet gây hại đến tâm hồn trong sáng của các em. Chị Dương Việt Hà cho rằng trách nhiệm của Cung Thiếu nhi hôm nay không chỉ là nơi các em được vui chơi, học tập mà đến đây các em còn được học điều hay, lẽ phải, tránh xa tệ nạn xã hội, "rác" văn hóa gây hại tâm hồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngôi nhà của những ước mơ tuổi thơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.