Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngôi nhà đặc biệt

Bảo Nga - Chí Đạo| 24/06/2015 06:26

(HNM) - Được thành lập năm 2008, Mái ấm Thánh Tâm đã trở thành ngôi nhà thứ hai của những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cả những người già neo đơn, không nơi nương tựa...

Con đường bê tông thẳng tắp dẫn từ trụ sở UBND xã Xuy Xá vào thôn Nghĩa chạy giữa những hàng cây um tùm xanh ngắt, phần nào xua đi cái nắng gắt giữa trưa hè oi ả. Ngay trước khuôn viên Nhà thờ Xuy Xá, một hồ sen rộng đang độ trổ bông, cả không gian chìm ngập trong hương sen thơm ngát. Phó Chủ tịch UBND xã Xuy Xá Đỗ Tiến Phước chỉ vào hồ sen giới thiệu với chúng tôi: "Hồ sen này chính là nguồn thu chủ yếu để duy trì hoạt động của Mái ấm Thánh Tâm suốt bao năm qua. Các sơ và các cháu còn vất vả, thiếu thốn lắm...". Bước qua chiếc cổng nhỏ rêu phong, Mái ấm Thánh Tâm hiện ra với một dãy nhà lợp tôn nhỏ nhắn, nép phía sau nhà thờ Xuy Xá, ấm áp và yên bình.

Trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh éo le luôn nhận được sự chia sẻ từ các nhà hảo tâm.


Tiếp chuyện chúng tôi là sơ Nguyễn Thị Ngát, người phụ trách chính ở Mái ấm. Dù đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, sơ Ngát vẫn luôn giữ nụ cười thân thiện. Theo sơ Ngát, Mái ấm Thánh Tâm được thành lập năm 2008 để giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ, tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Những ngày đầu thành lập, Mái ấm gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhân sự và nơi ăn chốn ở. Chăm sóc trẻ con vốn dĩ đã vất vả, chăm trẻ tật nguyền còn vất vả gấp trăm lần. Hầu hết các cháu đều không thể tự chủ vệ sinh cá nhân, không thể tự ăn uống, đi lại... Mọi sinh hoạt của các em đều một tay các sơ chăm sóc. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, Mái ấm đã lần lượt đón hàng chục trẻ nhỏ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn và cả những người già neo đơn không nơi nương tựa. Hiện Mái ấm đón nhận 25 trẻ bán trú và nội trú, 2 người già neo đơn. 6 sơ và 14 tình nguyện viên tất bật suốt ngày để việc chăm sóc người già, trẻ em được chu đáo.

Sau bữa ăn trưa, lớp học của Mái ấm lại rộn ràng tiếng hát. Bước chân vào căn phòng nhỏ nơi các sơ đang cho trẻ tập văn nghệ, tôi ngỡ ngàng khi thấy một bé gái chừng 7-8 tuổi chạy ào đến, ôm chặt lấy chân mình, đôi mắt ngây thơ ánh lên niềm vui như nhận ra người quen đi xa lâu ngày, nay trở lại. Sơ Ngát xoa đầu cô bé, ngậm ngùi: Đây là bé Lan, năm nay lên 8 tuổi. Lan quê ở Mỹ Đức, sinh ra trong gia đình nghèo, có tới 6 người con. Bé bị bệnh Down bẩm sinh, vừa sinh ra bố đã bỏ đi biệt tích. Một mình người mẹ không thể cáng đáng nổi 6 miệng ăn, bé được gửi vào Mái ấm từ khi mới 3 tuổi. Đến nay, Lan đã có thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân, học thuộc một số bài hát và tỏ ra rất tình cảm, hễ khách đến thăm là em quấn quýt không rời. "Em út" của Mái ấm là bé Nguyễn Thị Thanh Tâm cũng có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Mẹ bé Tâm là một cô gái trẻ, lên thành phố giúp việc cho một gia đình và trót mang thai. Khi thai nhi đến tháng thứ 5, cô định bỏ do áp lực gia đình. Biết chuyện, sơ Ngát đã động viên, thuyết phục cô giữ lại đứa trẻ. Ngày chào đời, bé Tâm nặng 3,3kg, hoàn toàn khỏe mạnh. Tháng 7 này, bé tròn 1 tuổi và cũng ngần ấy thời gian, bé sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc tận tình của các sơ.

Trong số hàng chục thân phận đã và đang nương nhờ Mái ấm, sơ Ngát đặc biệt ấn tượng với hoàn cảnh và nghị lực phi thường của em Nguyễn Thị Lan. Lan sinh ra và lớn lên ở Áng Thượng - xã Lê Thanh - huyện Mỹ Đức. Năm 12 tuổi, Lan bị ốm nặng. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có tiền chữa trị, em bị liệt toàn thân. Bố mẹ đều già yếu, lưng còng, không thể chăm sóc con chu đáo. Lan chỉ được tắm mỗi tháng 1 lần, mọi sinh hoạt đều diễn ra tại chỗ... Căn bệnh kéo dài nhiều năm khiến Lan mắc chứng trầm cảm nặng. Khi được gia đình gửi vào Mái ấm, Lan đã bước sang tuổi 29. Các sơ quyết tâm điều trị phục hồi chức năng cho Lan. Ròng rã gần 1 năm trời, ngày nào 4 sơ cũng thay nhau chu đáo chăm sóc em, người làm vệ sinh cá nhân, người xoa nắn, xốc em đứng dậy... Vừa cho uống thuốc, vừa châm cứu kết hợp vật lý trị liệu, sau hai năm tâm sức của các sơ đã được đền đáp khi Lan bắt đầu chập chững đi lại, có thể tự túc sinh hoạt và giúp các sơ những việc nhẹ nhàng như quét sân, quét nhà, nhặt rau... Ngày đến thăm con tại Mái ấm, bố mẹ Lan ôm chầm lấy các sơ khóc ròng vì cảm động: "Nếu không có các sơ, con gái tôi vẫn mãi là người tật nguyền, suốt đời chỉ nằm một chỗ!".

Những hũ gạo tình thương

Theo sơ Nguyễn Thị Ngát, ngoài những vất vả, lo toan khi chăm sóc người già, trẻ em khuyết tật, khó khăn nhất và cũng là niềm trăn trở lớn của các sơ chính là nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của Mái ấm. Mấy năm trước, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền xã Xuy Xá, Nhà thờ được giao một hồ sen để các sơ trồng sen, lấy đó làm nguồn thu chính. Mỗi năm, cứ độ tháng Ba âm lịch, hồ được hút sạch nước, phơi nắng để tiệt trùng. Sang tháng Tư, khi những trận mưa rào đầu hạ đổ xuống, hồ được trữ nước, phục vụ cho mùa sen mới. Sen được trồng ở hồ thuộc loài Bách Diệp Liên (sen trăm cánh) được nhập khẩu từ nước ngoài, đây là giống sen quý, có giá trị cao về thẩm mỹ và dinh dưỡng. Vào mùa thu hoạch, hoa sen tươi được các sơ mang bán, riêng lá sen được chế biến cầu kỳ theo đúng quy trình chuyển giao công nghệ của các chuyên gia Viện Khoa học công nghiệp, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa giữ nguyên được các dưỡng chất của loài sen quý.

Cuối năm 2013, xã Xuy Xá giao thêm 2 mẫu ruộng để Nhà thờ tổ chức cấy 2 vụ lúa/năm, giúp nguồn lương thực của Mái ấm dần ổn định. Nhưng những lúc "giao mùa", lương thực quá khó khăn, bữa ăn của tất cả các thành viên Mái ấm lại trông cả vào "Hũ gạo tình thương". Có tổng cộng gần 3.000 "Hũ gạo tình thương", mỗi hũ là một chiếc hộp nhựa có dung tích chừng 3 lít, được gửi đến các giáo dân trong xứ đạo Xuy Xá. Mỗi bữa ăn khi nấu cơm, các gia đình sẽ bớt lại một nắm gạo nhỏ, cất vào hũ. Cứ đều đặn ba tháng một lần, một tiểu ban do nhà thờ lập ra sẽ đến từng nhà xin gạo, mang về nuôi các em nhỏ. Cảm thông trước những hoàn cảnh thương tâm và khâm phục tấm lòng của các sơ ở Mái ấm, ngày càng có nhiều nhà hảo tâm, các nhóm từ thiện tìm đến giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chưa bao giờ Mái ấm Thánh Tâm từ chối những người cần giúp đỡ. Từ những em nhỏ mồ côi mẹ ngay từ khi mới lọt lòng, trẻ tật nguyền sinh ra trong những gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn, người già neo đơn không người thân thích... tất cả đều được đưa về đây chăm sóc. Nhiều em sau khi được nuôi lớn, chăm sóc khỏe mạnh ở Mái ấm đã được gia đình đón về, nhưng nhiều em từ khi sinh ra đến lúc biết chạy, biết nói chỉ biết các sơ là mẹ, Mái ấm là gia đình lớn của mình...

Rời Mái ấm Thánh Tâm khi trời đã ngả bóng, nhìn các sơ vẫn cần mẫn bế từng đứa trẻ từ xe lăn vào giường, chúng tôi không khỏi xót xa. Thầm mong Mái ấm sẽ sớm có một cơ sở vật chất khang trang, có một nguồn kinh phí ổn định để các sơ và các tình nguyện viên đỡ phần vất vả, để mỗi thành viên Mái ấm được sống bình yên trong ngôi nhà lớn của mình, để bù đắp phần nào những thiệt thòi phải gánh chịu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngôi nhà đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.