Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một kho tàng văn học Nga

Đình Hiệp| 05/07/2015 07:00

(HNM) - Những cuốn sách như

Nhà thơ, dịch giả Hoàng Thúy Toàn (giữa) cùng những người bạn yêu văn học Nga từng học ở Liên Xô (cũ).



Địa chỉ hấp dẫn với người yêu văn học Nga

Sau hơn một tháng khánh thành, hôm nay nhà thơ Thúy Toàn mới có dịp đưa những người bạn một thời gắn bó với nước Nga xa xôi lên thăm Nhà lưu niệm. Trong số những người bạn thân đó có thầy Vũ Thế Khôi - nguyên Trưởng khoa tiếng Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Nhà thơ Thúy Toàn và thầy Vũ Thế Khôi là hai trong số những lưu học sinh Việt Nam đầu tiên được cử sang Liên Xô năm 1954, sau Hiệp định Genève về hòa bình ở Đông Dương, để đào tạo tiếng Nga một cách bài bản và đã tốt nghiệp đại học 7 năm sau đó. Ngồi trên xe từ Hà Nội đến Bắc Ninh, những câu chuyện đã đưa họ trở về với ký ức của một thời đèn sách, gắn bó với tiếng Nga, văn học Nga, với nước Nga vĩ đại cũng như những người Nga đôn hậu.

Hào hứng kể về những kỷ niệm cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà thơ Thúy Toàn chia sẻ: "Là những người từng gắn bó với tiếng Nga, chúng tôi luôn ý thức rằng mình phải biết ơn các bạn Nga. Từ lâu tôi đã có ý tưởng xây dựng Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam, nhưng vì điều kiện kinh tế nên không thực hiện được. Nay đã gần bước sang tuổi 80 rồi, tôi nghĩ mình phải thu xếp hành trang, cái đó là sách báo cũ, tư liệu tích lũy được. Tôi muốn xây dựng một Nhà lưu niệm văn học Nga để thế hệ trẻ Việt Nam không bao giờ quên giai đoạn lịch sử hào hùng của Cách mạng Tháng Mười Nga, về những giúp đỡ của Liên xô trước đây trong công cuộc cách mạng của Việt Nam cũng như của nước Nga hiện nay. Sau nhiều năm lưu trữ tư liệu cùng với 7 cuộc triển lãm trưng bày theo chuyên đề: Văn học Nga ở Việt Nam; Hơn nửa thế kỷ thơ Nga ở Việt Nam; Pushkin ở Việt Nam… tại Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông - Tây, Trung tâm Khoa học - Văn hóa Nga ở Hà Nội, Phân viện tiếng Nga Pushkin… mọi người đến xem đánh giá tốt. Những tư liệu đó kể được lịch sử quan hệ Việt - Nga, nhất là về văn hóa, văn học. Những bạn trẻ quan tâm văn học Nga, văn hóa Nga có thể tìm tư liệu quý để phát triển thành những công trình".

Xuất phát từ ý tưởng đó, nhà thơ Thúy Toàn bắt đầu một mình cặm cụi, lọ mọ từ ý tưởng đến thực hiện trong suốt một năm trời dựng nên một Nhà lưu niệm văn học Nga trong căn nhà chỉ có 50m2 x 2 tầng. Nhà lưu niệm có hai phòng trưng bày với bố cục, sắp xếp khoa học, hợp lý, từ sách, báo, tranh ảnh đến các kỷ vật. Trong đó, tầng 1 có chủ đề: "Những trang tình nghĩa" để nói về tình hữu nghị qua văn học, chủ yếu tập trung ở ba mảng: "Bác Hồ với nước Nga", đề tài "Nước Nga trong văn học Việt Nam", "Việt Nam trong văn học Liên Xô (cũ) và văn học Nga". Tầng 2 giới thiệu về "Văn học Nga ở Việt Nam". Tất cả ảnh, tư liệu, kỷ vật đều được đưa vào khung trang trọng với chú thích tỉ mỉ, rõ ràng.

Với hàng nghìn hiện vật, tư liệu quý do dịch giả Thúy Toàn dày công sưu tầm, nghiên cứu trong nửa thế kỷ nay, Nhà lưu niệm đưa người xem trở về từ những năm tháng người Việt bắt đầu biết tới văn học Nga, đến những năm tháng bom đạn khốc liệt của chiến tranh những năm 60 của thế kỷ trước, cho tới hôm nay qua những trang viết, vần thơ của các đại văn hào, thi hào người Nga nổi tiếng như: Pushkin, Lermontov, Olga Bergholz… cũng như sách báo của Việt Nam xuất bản trong hơn nửa thế kỷ qua liên quan đến văn học Nga. Đặc biệt, tại đây mảng trưng bày về chủ đề "Bác Hồ với nước Nga" khắc họa chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của sách báo Nga, sách báo Việt Nam, các tác phẩm của Bác bằng tiếng Việt được dịch sang tiếng Nga, trong đó có nhiều tư liệu, sách quý hiếm… Đây hứa hẹn sẽ là địa chỉ hấp dẫn đối với những người yêu nước Nga, yêu văn học Nga nói chung và người dân Phù Lưu nói riêng, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam - Liên bang Nga.

Ước mơ về một trung tâm nghiên cứu văn học Nga

Đến thăm Nhà lưu niệm văn học Nga đầu tiên tại Việt Nam do tự tay người bạn thân của mình xây dựng, thầy giáo Vũ Thế Khôi không khỏi xúc động. Sau khi tham quan một vòng, thầy Khôi chia sẻ: "Tôi vô cùng cảm ơn ông Thúy Toàn, một người bạn học mà hôm nay tôi mới hiểu thêm khía cạnh khác của ông ấy về tâm hồn. Giữa lúc bao nhiêu lo toan cơm áo, gạo tiền của cuộc sống, ông ấy vẫn dành thời gian để lưu trữ những tư liệu vô giá thế này. Tôi càng nể phục hơn khi biết rằng ông ấy bỏ những đồng lương hưu tích cóp được để xây Nhà lưu niệm. Những tác phẩm biết nói này là những tư liệu quý nếu chúng ta biết khai thác. Bao nhiêu luận án khoa học có thể được bắt đầu từ đây, chúng ta cần gì phải đi tìm nơi khác ?".

Cảm phục trước việc làm hết sức ý nghĩa của người bạn - dịch giả, nhà thơ Thúy Toàn - đối với thế hệ mai sau, thầy Khôi không khỏi trăn trở khi tiếng Nga ngày càng mai một, thế hệ trẻ ngày nay ít học tiếng Nga và biết đến văn học Nga hơn. "Tiếng Nga giờ không có được vị thế xứng đáng trong xã hội. Tôi cho rằng, việc cá nhân ông Thúy Toàn xây Nhà lưu niệm là hết sức có ý nghĩa, nhưng một cá nhân không thể làm được nhiều hơn. Nếu không có những người dám hy sinh như ông Toàn thì thế hệ trẻ biết đâu đấy mai sau sẽ không có nhiều tư liệu quý để đọc, tham khảo. Thế nhưng, những tư liệu quý được trưng bày trong Nhà lưu niệm cần được đặt ở một vị trí xứng đáng hơn. Vì thế, tôi tha thiết mong muốn các tổ chức xã hội hãy chung tay với ông Toàn để xây dựng một Nhà lưu niệm quy mô hơn. Chí ít là hơn 50 nghìn người đã từng học ở Nga hãy chung tay đóng góp xây dựng Nhà lưu niệm cho xứng tầm với những tư liệu quý ở đây, và với sự đóng góp của mọi người sẽ ngày càng được bổ sung thêm phong phú" - thầy Khôi chia sẻ.

Mặc dù Nhà lưu niệm đã đi vào hoạt động từ tháng 5 đến nay, nhưng nhà thơ Thúy Toàn vẫn còn nhiều trăn trở. "Tôi rất hạnh phúc vì những người đồng hương tại quê nhà - chính quyền, các đoàn thể cùng bà con Phù Lưu - chợ Giàu xưa, nay là phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh đã dành cho sự ưu ái, cho sử dụng căn nhà vắng chủ và nay là của chung làm Nhà lưu niệm. Tuy nhiên, việc mượn ngôi nhà này không thể kéo dài mãi được. Gia đình tôi có một khu đất rộng hơn 600 mét vuông cách đó không xa, tôi muốn xây một khu lưu niệm tại đó và tương lai trở thành một Trung tâm nghiên cứu văn học Nga tại Việt Nam. Tuy nhiên lực bất tòng tâm, bởi một cá nhân như tôi đứng ra kêu gọi mọi người giúp đỡ xây dựng thật khó. Vì thế, tôi mong các tổ chức xã hội hãy giúp tôi thực hiện mong muốn đó để thế hệ trẻ có một nơi tham quan, học tập, nghiên cứu về văn học Nga cũng như tiếng Nga. Và bộ sưu tập của tôi cũng như những đóng góp của bạn bè gần xa cùng chung tình yêu với văn hóa Nga, văn học Nga, không bị mai một và uổng phí" - ông Toàn trăn trở.

Nhà lưu niệm Văn học Nga đầu tiên ở Việt Nam là tâm huyết và sản phẩm tích lũy lao động trong nhiều năm của dịch giả, nhà thơ Hoàng Thúy Toàn. Vì thế, ông hy vọng các cơ quan chức năng cùng những người có niềm đam mê với văn học Nga tiếp tục chung sức xây dựng để nơi đây trở thành trung tâm văn hóa in đậm màu sắc văn hóa Nga, nơi các bạn đang học tiếng Nga ở Việt Nam có thể giao lưu, mở ra những chân trời mới của nền văn hóa Nga tại Việt Nam. Với việc làm ý nghĩa trên, công trình rất cần được Hội Nhà văn Việt Nam và các cơ quan khác quan tâm, giúp đỡ, để quy mô, tầm vóc và sức quảng bá của Nhà lưu niệm lớn hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một kho tàng văn học Nga

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.