Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Đào Cảnh| 06/07/2015 06:21

(HNM) - Trải qua bao thăng trầm, chị Ngô Thị Tuyến (thôn Đại Vĩ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh) đến nay trở thành chủ doanh nghiệp Tiến Đạt, chuyên cung ứng gà giống cho hàng loạt các tỉnh, thành trong cả nước với lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Cái khó ló cái khôn!

Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng chiêm của huyện Đông Anh (Hà Nội), như bao người nông dân khác, chị Ngô Thị Tuyến quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà cơm ăn chẳng đủ. Cảnh nghèo đói bủa vây khiến chị nhiều đêm trằn trọc và thầm nghĩ "không thể cứ bám lấy mảnh ruộng, sống trong cảnh nghèo đói được". Người đàn bà chí lớn này nung nấu ước mơ một ngày nào đó sẽ làm giàu cho bản thân và giúp quê hương "thay da, đổi thịt".

Bà chủ trang trại gà Ngô Thị Tuyến.



Sau nhiều năm "ăn nhịn, để dành", tích góp được 7 triệu đồng, vay Hội Nông dân thêm chục triệu tiền vốn, chị Tuyến mạnh dạn đầu tư mở xưởng đồ gỗ nội thất. May mắn nở hoa, xưởng của chị làm ăn phát đạt, mỗi ngày thu lãi hàng triệu đồng, nhờ đó kinh tế gia đình tạm đi vào ổn định. Thời điểm ấy, chị Tuyến thu nhận lao động ở thôn, dạy họ nghề và giúp mở xưởng. Từ một vùng quê đồng chiêm gắn bó với cây lúa, cả thôn Đại Vĩ dần theo bước chị, chuyển sang kinh doanh đồ gỗ, nội thất. Nhờ có sự táo bạo của chị Tuyến mà dân làng cũng mở mang được nhiều cách thức làm ăn kinh doanh, nhà nào trong thôn cũng trở nên khá giả hơn. Họ duy trì nghề làm đồ gỗ đến bây giờ và mỗi khi nghe đến tên chị Tuyến là cả thôn ai cũng cảm kích, nể phục.

Cả làng Đại Vĩ lúc ấy theo nghề đồ gỗ khiến 4ha ruộng của 165 hộ bị bỏ hoang. Chị Tuyến lại nghĩ: "Giờ cả làng theo nghề đồ gỗ, mươi năm sau, khi có tuổi chắc chắn không còn sức cạnh tranh với lớp trẻ, phải tính con đường xa hơn mới được". Nghĩ vậy, chị không ngần ngại thầu lại toàn bộ số ruộng hoang đó, thuê máy móc về khai phá xây dựng trang trại. Những năm đầu, chị vừa phải duy trì xưởng gỗ, lấy tiền lãi từ xưởng để đầu tư hết vào trang trại. Đến nay, sau 11 năm gắn bó, ngoảnh mặt nhìn lại những gì đã trải qua, có lúc chị Tuyến thấy ớn lạnh cả sống lưng.

Chị kể, năm 2005, dịch cúm gia cầm lan tràn, đàn vịt hàng nghìn con của gia đình đang khỏe mạnh nhưng bị dân phòng đến bắt tiêu hủy. Mỗi con vịt thương phẩm bán giá hơn trăm nghìn nhưng chỉ được đền bù với số tiền là 15 nghìn đồng/con, thua lỗ không kể thế nào cho hết được. Năm 2006, 2007 những cơn lốc xoáy khiến trang trại lợn của chị không khi nào được yên ổn. Mái tôn lợp đi, lợp lại năm lần bảy lượt, hết lốc đến xoáy, đàn lợn có lúc phải phơi trời. Năm 2008, lũ lụt triền miên, trang trại lại ngập trong nước lũ. Nhìn đàn lợn con chìm, con nổi, khỏe thì nghếch mồm lên để thở, yếu thì bị nước lũ cuốn đi. Hàng tỷ đồng đầu tư vào đàn lợn thoắt cái "đội nón" ra đi. Khó khăn chồng chất khiến người đàn bà được phong cái danh "ngông" có lúc cũng phải rơi nước mắt.

Sau những mất mát liên tiếp, năm 2009, chị Tuyến dường như cụt vốn. Không nản lòng, chị lại vay lãi ngân hàng chuyển sang nuôi gà vì gà là giống ngắn hạn, có thể nhìn thấy lãi suất ngay trong ngày, có thể lấy lại vốn và ít sợ rủi ro hơn. Ban đầu, chị tập trung nuôi gà đẻ trứng. Một thời gian sau, thấy các trại gà xung quanh lúc nào cũng quẩn quanh với vài chủng giống quen thuộc, chị Tuyến lại trăn trở "mình phải làm sao để tìm ra được giống gà đẹp mã, lớn nhanh, hợp với nhu cầu của thị trường và thu được lợi nhuận cao". Nghĩ vậy, chị bắt đầu khăn gói tìm đến các chuyên gia để nhờ họ tư vấn, đồng thời đến rất nhiều trại gà ở các tỉnh lân cận để tìm hiểu về các giống gà khác nhau. Dường như những khó khăn vẫn không buông tha. Ông trời vẫn muốn thử thách lòng kiên nhẫn của người đàn bà này.

Năm 2012, chị nhập 1.000 gà giống Ai Cập về nuôi thử. Gần đến ngày lấy trứng, cả đàn gà đang yên ổn bỗng dưng quay ra mổ, rỉa thịt nhau, ngày nào cũng chết cả chục con. "Đàn gà cứ vơi đi trông thấy, vợ chồng tôi đờ đẫn cả người". Chị lại bắt đầu tìm hiểu thêm trên mạng và sách báo và thấy rằng nguyên nhân khiến gà mổ rỉa thịt nhau, loại thì nhiễm bệnh chết dần là do các giống gà mới ở nước ngoài khi đưa về Việt Nam không thích ứng với khí hậu trong nước. Trong số những con giống còn sót lại, chị chọn ra những con khỏe mạnh nhất để lai tạo với gà trống thuần của Việt Nam, từ lúc trứng nở đến khi rơi quả trứng đầu tiên tròn 4 tháng 10 ngày. Suốt quá trình đó chị đứng ngồi không yên, bởi quá nhiều lần thất bại khiến chị đôi khi thấy hoài nghi về chính bản thân mình. Sau nhiều lần cải tạo, giống gà Ai Cập của chị cũng bớt hung dữ hơn, chị Tuyến tạm hài lòng với chủng giống này.

Sau đó, chị bắt đầu nhập thêm một số giống mới từ nước ngoài về nuôi thử nghiệm, đồng thời liên tục nghiên cứu, lắng nghe tư vấn để có thể lai tạo giống gà ngoại với gà trong nước nhằm cho ra một giống gà có chất lượng tốt, phù hợp khí hậu Việt Nam. Ngoài ra, trang trại của chị cung cấp rất nhiều giống gà khác nhau: Mía lai, ta lai, lai chọi và một số giống gà ngoại.

Làm giàu không chỉ riêng mình…

Niềm vui của chị Tuyến là được chứng kiến khách hàng "ăn nên làm ra" nhờ gà giống mà doanh nghiệp chị cung ứng. "Tôi nhớ có khách hàng nhập 3.000 gà giống, chăm trong vòng 67 ngày mà thu lãi 150 triệu đồng lên đã đến tận trại để xem. Nhìn thấy cảnh ấy, tôi sướng lắm" - chị hào hứng kể.

Bây giờ, chị vừa là giám đốc vừa là nhân viên và hằng ngày luôn tất bật vừa đi kiểm tra vừa làm trực tiếp, từ kỹ thuật đến con giống. Chị nói: "Mình phải làm thì mới chỉ đạo được người khác và mới biết được chỗ nào hay, chỗ nào dở để cải thiện tình hình".

Đến nay, khi đã trở thành chủ một doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng gà giống số lượng lớn cho các tỉnh, thành trong cả nước, chị Ngô Thị Tuyến vẫn nói rằng ước mơ chưa hoàn thành. Mọi người nói chị Tuyến là người đàn bà tham vọng, quả không sai. Hiện tại, trang trại của chị có 4 máy ấp mỗi lần xuất bán được hơn 1 vạn gà, cung ứng khắp cả nước. Tuy nhiên, do "cung vẫn chưa đủ cầu" nên chị Tuyến dự định sẽ bổ sung khoảng 10-15 máy ấp nữa để sao cho mỗi lần ra lò khoảng 2-3 vạn gà giống.

Công ty TNHH TM&DV Tiến Đạt do chị làm giám đốc hiện nay có khoảng 15 đại lý ở các tỉnh, thành. Dự định của chị là sẽ đặt ở mỗi tỉnh từ 1-2 đại lý phân phối gà giống, phủ kín cả nước. Chị cho biết: "Mỗi khu vực, vùng miền lại có một nhu cầu gà giống khác nhau, vì thế ở mỗi tỉnh ít nhất phải có 1 đại lý phân phối giống. Thông qua nhân viên quản lý là người địa phương đó mình sẽ nắm được nhu cầu từng vùng để đáp ứng tốt nhất".

Trăm công nghìn việc ở trang trại là thế nhưng chị Tuyến vẫn dành thời gian tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và luôn là người gương mẫu đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động của đoàn thể. Không chỉ vậy, chị còn tận tâm hướng dẫn, dạy nghề cho nhiều lao động đến học việc, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, giúp đỡ 8 hộ nghèo, hộ khó khăn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và vốn. Với những thành công kể trên, chị được nhận nhiều bằng khen các cấp, 4 năm liền đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố. Năm 2014, chị vinh dự nhận danh hiệu "Phụ nữ tiêu biểu của Thủ đô". Chị Tuyến chia sẻ: "Tôi luôn quan niệm, một người giỏi thì phải luôn sáng tạo và phải hỗ trợ người khác vươn lên. Tôi sẵn sàng giúp đỡ người khác và cũng luôn sẵn sàng học hỏi bất cứ ai. Lửa thử vàng, gian nan thử sức mà!".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lửa thử vàng, gian nan thử sức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.