Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân chơi nhỏ - nghĩa cử lớn

Chí An| 07/07/2015 06:14

(HNM) - Từ một khoảnh đất đặt trạm bơm, bể nước bỏ không, bà Trần Thị Vần (tổ trưởng tổ dân phố số 30, phường Phương Mai, Đống Đa) đã thuyết phục bà con trong tổ cùng góp sức đầu tư, biến nơi đây thành sân chơi hữu ích cho trẻ nhỏ.

Chúng tôi tìm đến sân chơi trẻ em của Tổ 30 vào một buổi chiều đầu tháng 7. Đã 5 giờ chiều nhưng cái nắng như thiêu đốt vẫn khiến nhiều người ngại bước ra đường. Vậy mà, khu sân chơi trẻ em Tổ 30 lại rất đông vui. Mấy đứa trẻ thi nhau ném bóng, ngồi ô tô gỗ hoặc chơi cầu trượt rất hào hứng. Ở một góc sân, người lớn ngồi ghế đá đọc sách báo, chốc chốc, các ông, các bà lại ngẩng lên như trông chừng lũ trẻ, mỉm cười mãn nguyện.

Bà Trần Thị Vần vui vẻ vì trẻ con trong tổ đã có chỗ vui chơi.



Bà Vần tâm sự: "Trẻ con ở Tổ 30 ngày một đông, nhưng chẳng có sân chơi nào dành riêng cho các cháu. Ngày ngày, ngoài giờ đi học, tôi chỉ thấy bọn trẻ làm bạn với bốn bức tường, rồi xem ti vi, chơi game. Cháu nào chạy ra đường chơi thì bị phụ huynh quát mắng, bắt vào nhà vì sợ xe cộ. Mùa hè, gia đình có điều kiện còn đi nghỉ mát, nhưng nhiều cháu ở gia đình có hoàn cảnh khó khăn chẳng biết chơi ở đâu. Thấy nhiều cháu như vậy, tôi thương lắm". Rồi bà Vần ấp ủ mong muốn xây dựng một sân chơi trẻ em đúng nghĩa. Nhiều đêm bà mất ngủ vì mong muốn ấy, khi nỗi niềm đau đáu ấy chẳng thể thực hiện để giúp những đứa trẻ.

Nhà bà Vần nằm chéo với khoảng đất đặt trạm bơm nước. Đến một ngày, ý tưởng về một sân chơi tại khu vực đó chợt lóe lên. Bà Vần nghĩ, trạm bơm nước được xây dựng hàng chục năm nay để tiếp nước cho các hộ gia đình ở tầng cao nhưng đã 15 năm qua gần như bỏ không vì hệ thống cấp nước đã được cải tạo tốt hơn. Vì là của chung nên chẳng mấy ai quan tâm, nhiều người chăng dây phơi quần áo. Các thiết bị bị hoen gỉ, xuống cấp khiến nơi đây càng trở nên nhếch nhác. Chưa kể, tình trạng xả rác bừa bãi ở khu vực trạm bơm gây mất vệ sinh nghiêm trọng, môi trường và mĩ quan vì thế mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhìn thực trạng đó, bà Vần cho rằng, chỉ cần dẹp được trạm bơm, bể nước là đám trẻ sẽ có sân chơi.

Tuy nhiên, vì trước đây, bà Vần là Tổ trưởng Tổ 57 trong khi khu vực trạm bơm thuộc tổ 59, 60 nên bà chưa biết phải tính thế nào. May mắn thay, tháng 10-2014, Tổ 57, 59, 60 sáp nhập thành Tổ 30 và bà Vần, dù đã 70 tuổi nhưng vẫn được bà con bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố. Dường như "thiên thời, địa lợi" đã đủ, bà Vần quyết đem ý tưởng của mình trình bày trước bà con trong cuộc họp tổ đầu tiên. Bà Tổ trưởng nghĩ, "nhân" có "hòa" thì việc mới thành.

"Mười người trăm ý", có những người tán dương, khen bà Vần sáng tạo. Tuy nhiên, cũng có người không đồng tình. Họ bảo, để trạm bơm lại, lỡ mất nước còn dùng đến. Để thuyết phục mọi người, bà Vần cùng ông Tổ phó Cao Khắc Tiến đã đến từng nhà để giải thích cho họ hiểu những cái lợi mà sân chơi trẻ em mang lại. Thể hiện trách nhiệm cũng như tâm huyết của mình, bà Vần hứa, nếu các hộ trên thiếu nước sinh hoạt, có thể đến nhà bà để lấy nước về dùng. Sau khi nghe cán bộ trong tổ chỉ rõ đúng sai, 6 hộ phản đối đều đã ủng hộ chủ trương cải tạo, làm sân chơi cho trẻ em.

Nghĩa cử của cả cộng đồng

Tưởng chừng như mọi việc đã "xuôi chèo mát mái" nhưng khi bắt tay vào việc, bà Tổ trưởng tổ dân phố mới thấy khó, khó nhất là về kinh phí. Bà Vần nhẩm tính, để phá dỡ các trạm bơm và bể cũng đã mất tiền triệu, chưa kể tiền đổ bê tông nền, mua thiết bị lắp đặt trong sân chơi. Bà toan bỏ tiền túi ra lo, nhưng bà không đơn độc. Bên cạnh bà còn có sự ủng hộ nhiệt tình của bà con trong tổ, của chính quyền địa phương.

Trước tấm lòng, sự nhiệt huyết của bà Vần, bà con trong tổ đã cùng nhau đóng góp tiền để cải tạo sân chơi. Chỉ cần 42 hộ trong tổng số 122 hộ ủng hộ, bà Vần đã đủ kinh phí thực hiện dự án ấp ủ bấy lâu. Người vài chục, người vài trăm nghìn, có người ủng hộ tiền triệu. Không chỉ góp tiền, ngày tiến hành cải tạo khoảnh đất ở trạm bơm thành sân chơi cho trẻ nhỏ, bà con trong tổ, ai rảnh rỗi đều sắn tay giúp đỡ. Đại diện các đoàn thể cũng có mặt, mỗi người góp ý một chút, sân chơi của trẻ em tổ 30 nhờ thế hoàn thiện rất nhanh. Chị Bích ở nhà D2B xin được tài trợ toàn bộ các thiết bị phục vụ cho sân chơi trong tổ. Ông Lê Văn Lô dù đã bước sang tuổi 80 cũng góp sức giúp đám trẻ có nơi chơi bóng. UBND phường Phương Mai ngay khi nghe bà Trần Thị Vần và ông Cao Khắc Tiến trình bày về dự án cải tạo sân chơi cho trẻ nhỏ cũng đã ủng hộ tổ 5 triệu đồng - một nửa kinh phí đổ nền bê tông cho sân chơi.

Sân chơi trẻ em của Tổ 30 còn nhận được sự trợ giúp của các tình nguyện viên thuộc nhóm Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi trong thành phố) trong việc lắp đặt các hạng mục trò chơi và biến những thứ tưởng như vô dụng thành đồ chơi khiến trẻ nhỏ thích thú. Bà Vần bảo: "Các cháu tình nguyện nhiệt tình lắm. Có hôm đến cả chục cháu đến làm, mất hơn một tuần mới xong đấy". Một tuần các tình nguyện viên tận tình với công việc cải tạo sân chơi cũng là một tuần bà Vần bận rộn với việc phục vụ nước và đồ ăn trưa.

Tháng 10-2014, sân chơi đã hoàn thiện. Bà Vần cùng bà Nguyễn Thị Hiền, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ đảm nhận công việc trông coi. Sáng sáng, các bà cũng thay phiên nhau quét dọn sân sạch sẽ. Cháu nào nghịch ngợm, các bà lại nhắc nhở, đồ chơi nào hư hỏng, các bà lại báo sửa kịp thời. Không chỉ trẻ con trong Tổ 30, các cháu nhỏ ở tổ khác cũng thường kéo nhau đến sân chung vui.

Ông Lê Văn Lô phấn khởi trỏ tay về phía sân chơi nói với chúng tôi: "Tốt lắm nhà báo ạ, từ ngày có sân chơi này, lũ trẻ con suốt ngày tập trung ở đây. Chúng nó không chạy nhảy ngoài đường mà cũng chẳng bị cuốn vào máy tính với ti vi. Việc cải tạo sân chơi cho trẻ con như vậy là đáng làm lắm".

Hiện nay, ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Hà Nội, sân chơi cho trẻ nhỏ ngày càng bị thu hẹp, nhường diện tích cho việc xây dựng các tòa nhà cao ốc, đường sá, các trung tâm thương mại. Để có một sân chơi nho nhỏ nhưng hiệu quả như sân chơi ở Tổ 30 không phải là chuyện đơn giản. Việc làm của bà Vần, sự đồng lòng của bà con Tổ 30 phường Phương Mai thật sự rất đáng trân trọng.

Với những đóng góp của mình, tháng 6 vừa qua, bà Trần Thị Vần được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng bằng khen. Bà Vần chỉ tay lên tấm bằng khen treo trang trọng trên tường phấn khởi nói: "Bằng khen thì tôi nhận, còn tiền thưởng thì tôi đã sung quỹ tổ rồi. Tôi chỉ là người lên ý tưởng thôi, còn công sức là của tập thể. Tôi đang ấp ủ dự định xây dựng cho các cháu một tủ sách. Tôi vừa báo cáo chi bộ ý tưởng đó và đã được thông qua rồi".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân chơi nhỏ - nghĩa cử lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.