Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dệt mơ ước cho thanh niên nghèo

Chí An| 23/07/2015 06:30

(HNM) - Với nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, các lớp học nghề ở Trung tâm Reach (Trung tâm Tư vấn, đào tạo và giới thiệu việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt tại Hà Nội) như ngôi nhà thứ hai - nơi họ được yêu thương và ươm mầm ước mơ.

Hạnh phúc là sự sẻ chia

Chúng tôi tìm đến Trung tâm Reach vào một ngày giữa tháng 7, khi các thành viên đang tất bật với việc tuyển học viên mới. Vừa kiểm tra hồ sơ học viên đăng ký, chị Nguyễn Ngọc Hằng vừa giới thiệu về chương trình YCI của Reach: "YCI là một trong những chương trình phối hợp giữa Trung tâm Reach và các khách sạn cao cấp trong hỗ trợ và đào tạo nghề không thu phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, tạo cơ hội cho các em được học tập, phát triển kỹ năng nghề và phát triển bản thân trong 24 tuần". Là điều phối viên của chương trình, những ngày này chị Ngọc Hằng vô cùng bận rộn. Câu chuyện với chúng tôi liên tục bị cắt ngang bởi những cuộc điện thoại từ khắp nơi gọi về. Giọng nói nhỏ nhẹ, thân thiện, chị hỏi thăm hoàn cảnh gia đình của những người muốn nộp hồ sơ, tư vấn cho các bạn trẻ về những chương trình học phù hợp... Chị Ngọc Hằng cho biết, trung tâm cũng cử người đến tận nhà một số học viên ở Hà Nội hoặc các vùng lân cận để tìm hiểu hoàn cảnh, điều kiện sống và tâm tư, nguyện vọng của học viên.

Niềm vui trong ngày kết thúc khóa học.



Chương trình YCI của Reach đã tổ chức được 2 khóa học và đang bắt đầu tuyển sinh khóa thứ ba vào ngày 6-8. Các khóa học được thiết kế cho thanh niên từ 18 đến 25 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ly tán, mồ côi, nạn nhân bạo lực gia đình, bị buôn bán, mẹ đơn thân, dân tộc thiểu số,... không có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo hướng nghiệp chính quy. Chị Ngọc Hằng nói: Khác biệt của Reach so với những nơi khác là tập trung đào tạo thực hành cho học viên ngay từ đầu. Các học viên sẽ được đến các nhà hàng, khách sạn học việc trực tiếp thay vì học thiên về lý thuyết. Với cách đào tạo này, học viên có kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng.

Chị Nguyễn Phương Dung, giảng viên lớp Làm tóc - Trang điểm chia sẻ với chúng tôi. Đang làm giáo viên dạy nghề ở một trung tâm lớn, khi được biết đến Reach qua một người bạn, chị quyết định về làm việc ở đây với mong muốn từ những kiến thức mà mình truyền đạt, nhiều thanh niên gặp khó khăn sẽ thay đổi được cuộc đời: "Hạnh phúc lớn nhất của một người làm thầy như tôi là được chứng kiến các em học viên, từ những người chưa có nghề nghiệp, khi được dìu dắt của thầy cô đã trở nên thành thạo nghề, tự tìm kiếm được cho mình một công việc tử tế. Các em từ những người bất hạnh, thiệt thòi, yếu đuối đã trở nên tự tin và vững vàng hơn trong cuộc sống. Món quà quý giá nhất của chúng tôi là nhận được cuộc gọi, hay thông báo của học viên là các em đã có một công việc ổn định". Chị Dung nói vậy và cho biết thêm, dạy nghề cho các em ở Trung tâm Reach thường khó hơn so với những nơi khác. Bởi lẽ, bản thân các em chưa có nền tảng hoặc hiểu biết về ngành nghề mình đang học nên rất khó định hình. Là những thanh niên thiệt thòi, các em dễ mặc cảm, tự ti, giáo viên phải luôn tìm cách lựa lời tránh ảnh hưởng đến tâm lý của các em.

Những cơ hội thay đổi cuộc đời…

Chị Mai Thị Mừng (29 tuổi, Nam Định) gây ấn tượng với người đối diện bởi đôi mắt sáng và nụ cười rất duyên. Chị là một trong những học viên vừa mới tốt nghiệp về nghiệp vụ bàn và bar đầu tháng 7-2015 tại Reach. Ngay sau đó chị đã được trung tâm giới thiệu một công việc ổn định với mức lương khởi điểm là 3,4 triệu đồng/tháng. Chị Mừng tâm sự, chị mồ côi bố từ nhỏ, sống cùng bà và mẹ. Gia đình làm ruộng, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" vẫn không đủ sống. Chị lên thành phố, đi làm nhiều nơi nhưng thu nhập bấp bênh mãi không thoát cảnh "giật gấu vá vai". Được một người thân giới thiệu về Reach, chị Mừng mạnh dạn nộp hồ sơ, nhưng những ngày đầu tiên cũng không khỏi lo lắng: Tôi cũng phân vân lắm, vì nghĩ bây giờ làm gì có chỗ nào cho mình học nghề miễn phí như thế? Và rồi giữa phố xá ồn ào, bon chen chị đã tìm được một nơi ấm áp tình yêu thương như chính gia đình mình. Chị Mừng nói: "Lúc đầu học nghiệp vụ bàn - bar, mình bỡ ngỡ lắm. Nhưng các thầy, cô dạy rất tận tình, nhẹ nhàng chỉ bảo, lại được học kỹ năng sống nên dần dần cũng tự tin hơn. Các thành viên trong lớp đều có hoàn cảnh khó khăn giống nhau nên chúng tôi xem nhau như người thân trong gia đình, gần gũi và thân thiết... Có mơ tôi cũng không ngờ chỉ sau một khóa học tại Reach, cuộc sống của tôi lại trở nên nhẹ nhàng đến vậy".

Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Thị Ngọc Mai, phụ trách truyền thông của Reach cho biết: "Reach là một trung tâm dạy nghề nhân đạo được sự hỗ trợ của tổ chức phát triển cộng đồng quốc tế Plan hoạt động gần 10 năm trong lĩnh vực tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nghề miễn phí cho các thanh niên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn. Reach đào tạo các lớp: nghiệp vụ bàn - bar, thiết kế trang web - đồ họa, bán hàng, làm tóc - trang điểm, vẽ móng nghệ thuật, giúp việc gia đình, nghiệp vụ khách sạn. Bên cạnh dạy kỹ năng nghề, trung tâm chú trọng đào tạo kỹ năng sống, thái độ làm việc cho các em. Bởi với hoàn cảnh của mình, các em thường thiếu sự chỉ bảo về cách giao tiếp ứng xử cũng như một thái độ sống tích cực. Những năm qua, hơn 11.000 thanh niên khó khăn trong cả nước đã được trung tâm hỗ trợ, trang bị kỹ năng nghề, kỹ năng sống, trong đó, hơn 80% học viên đã có được công việc với mức lương ổn định".

Tại hành lang, chúng tôi gặp Bùi Văn Hiếu (22 tuổi, Hòa Bình) đang chống nạng hỏi thăm đến phòng nộp hồ sơ. Hiếu bị khuyết tật một chân, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn. Ngay khi được một người bạn chia sẻ về các lớp học ở Reach, Hiếu đã một mình đi xe khách đến Hà Nội, tìm đến trung tâm. Giọng chân thành, Hiếu nói: "Em nộp hồ sơ vào lớp thiết kế đồ họa website với hy vọng sau này sẽ kiếm được một công việc tốt, tự chủ trong cuộc sống để không phải phụ thuộc vào mọi người". Tìm đến Reach, Hiếu đang nhen nhóm cho mình một cơ hội thay đổi cuộc đời.

Chúng tôi ra về và không quên chúc ước mơ của Bùi Văn Hiếu sẽ sớm thành sự thật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dệt mơ ước cho thanh niên nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.