Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháng bảy về

Nhóm phóng viên| 27/07/2015 06:32

(HNM) - Chiến tranh là mất mát, là đau thương, mà trong đó, tột cùng của những nỗi đau là mất mát về con người, là niềm đau của những người vợ mất chồng, người mẹ mất con, người con mất cha mẹ...

Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán và Chủ tịch huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phùng Thị Mười.


1. "Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/Nghe dịu nỗi đau của mẹ/Ba lần tiễn con đi/Hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về/Mình mẹ lặng im...". Những lời ca sâu lắng mà day dứt giữa tháng bảy đưa mỗi con người về với những ngày tháng không thể nguôi quên. Tháng bảy, cả dân tộc có một ngày đặc biệt trong cả 365 ngày tri ân, tưởng nhớ đến những người ngã xuống vì độc lập dân tộc; tri ân đến thân nhân của những anh hùng liệt sĩ; những thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách. Trong tâm trạng ấy, những người làm báo Đảng Thủ đô chúng tôi lại đến với các mẹ, các anh, các chị, những mong lời động viên thăm hỏi, lòng biết ơn sâu sắc và những việc làm giàu ý nghĩa sẽ giúp vơi bớt phần nào nỗi đau chiến tranh để lại.

Tại huyện Quốc Oai, khắp các tuyến đường đã rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày Đại hội Đảng bộ huyện. Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, toàn huyện có 16 mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng hàng trăm thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách. Việc tri ân, quan tâm động viên, chăm sóc các mẹ, các anh, các chị thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng là việc làm thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân nơi đây. Năm nay, sự quan tâm, chia sẻ của Báo Hànộimới trong dịp 27-7 như một sự động viên, khích lệ phong trào đền ơn, đáp nghĩa của huyện Quốc Oai tiếp tục lan tỏa. Đưa chúng tôi tới nhà mẹ Phùng Thị Mười, 85 tuổi, ở thôn Hòa Mục, xã Hòa Thạch, Chủ tịch huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, mẹ Mười có chồng là liệt sĩ thời kỳ chống Pháp.

Cụ ông hy sinh trước khi có tuyên bố hòa bình được lập lại năm 1954 chỉ vài giờ đồng hồ. Nỗi đau mất chồng chưa ngoai, mẹ lại gửi người con trai duy nhất ra chiến trường tham gia kháng chiến chống Mỹ để rồi nhận thêm một giấy báo tử vào năm 1969. Tiếp chúng tôi, mẹ khóc! Mẹ bảo, các con đến với mẹ, mẹ vui lắm! Dù các cấp chính quyền thường xuyên tới động viên, thăm hỏi, chăm sóc nhưng mẹ vẫn chưa nguôi nỗi nhớ về người con trai hy sinh khi chưa tròn 20 tuổi, chưa kịp lập gia đình để sinh cho mẹ cháu bế, cháu bồng.

Động viên mẹ, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán mong mẹ giữ gìn sức khỏe để các thế hệ đi sau tiếp tục được phụng dưỡng và là tấm gương lớn cho lớp lớp thế hệ trẻ. Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán cũng khẳng định, công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn luôn được các thế hệ cán bộ, phóng viên, công nhân viên của Báo Hànộimới quan tâm. Đây vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của những người làm báo Đảng Thủ đô trước những đau thương, mất mát sau cuộc chiến vệ quốc. Và có lẽ, sự mất mát của những bà mẹ Việt Nam đi qua các cuộc chiến tranh là vết thương lòng khó lành nhất.

2. Đón chúng tôi, thương binh Phạm Thị Hà, Tổ 2, Phúc La, Hà Đông cười tươi, nhưng không giấu nổi nỗi vất vả của một bệnh binh 2/3, giọng nói lắp bắp do di chứng liệt toàn thân. Khó khăn lắm bà mới kể lại cho chúng tôi hoàn cảnh gia đình và tình trạng sức khỏe. Năm 1978, 16 tuổi bà Phạm Thị Hà đi bộ đội đóng quân ở Thái Nguyên. Đến năm 1987, tai họa ập đến khi bệnh huyết áp thấp khiến bà bị tai biến, nằm liệt giường. Bà ra quân từ năm đó và được hưởng chế độ bệnh binh 2/3 với đôi chân đi lại khó khăn, lúc trái nắng trở trời thì đau buốt, nói cũng không còn dễ dàng. Vì vậy, muốn tâm sự nhiều với mọi người nhưng bất lực, chỉ biểu hiện bằng chân tay, ánh mắt, nụ cười. Ngôi nhà của gia đình bà là nhà cấp bốn nằm sâu trong ngõ nhỏ. Chồng bà hằng ngày làm công nhân ở nhà máy in, đồng lương hạn hẹp, hơn 2 triệu đồng/tháng. Đã bao năm nay, bà nhận trông trẻ em trong xóm để có thêm thu nhập nuôi con gái học tại Đại học Thương mại và con trai đang học tại Đại học Công nghiệp. Cuộc sống của người mẹ, người vợ cứ tảo tần theo năm tháng, thành quả là những người con học hành đỗ đạt, như thế bà cảm thấy mãn nguyện. Dù cuộc sống còn khó khăn, vất vả, có lúc cảm thấy đuối sức nhưng được bà con chòm xóm, địa phương quan tâm, động viên, chia sẻ bà Phạm Thị Hà lại cảm thấy như có thêm sức mạnh, vượt lên nỗi lo cơm áo và những cơn đau thương tật lúc trái nắng trở trời.

Đến nhà ông Đinh Văn Tiêu, 90 tuổi, thương binh 1/4 ở Tổ 8, Phúc La, Hà Đông, chúng tôi không khỏi xúc động. Dù đã già yếu, trí nhớ giảm sút nhưng ông vẫn giữ tác phong của người lính. Vợ ông Tiêu năm nay đã 85 tuổi, từng bị địch bắt, tra tấn, tù đày nhưng còn minh mẫn nên trở thành "phiên dịch" cho ông mỗi khi có khách đến chơi nhà. Nhắc đến con cái, bà buồn bã cho biết, cô con gái của bà bị suy thận giai đoạn cuối, hiện đang phải điều trị với chi phí tốn kém, gần 10 triệu đồng/tháng. Mọi chi tiêu đều dồn lên vai ông bà. Đã thế, ông bà Tiêu còn phải nuôi cháu ngoại vì mẹ chúng không còn thu nhập và sức khỏe quá yếu. Dù ông bà được hưởng lương hưu, có trợ cấp theo chế độ người có công của Nhà nước, nhưng cuộc sống hết sức chật vật. Sức khỏe của ông Tiêu ngày càng giảm sút, trí nhớ kém nên lúc ông cười đấy, lúc lại khóc, lúc ông khỏe đấy, lúc lại nằm một chỗ. Nhìn chồng, con gái bệnh tật, ốm đau, dù có mệt mỏi, có yếu, bà vẫn phải gắng gượng. Đón nhận sự quan tâm chia sẻ, tri ân từ Báo Hànộimới, của lãnh đạo quận Hà Đông, thương binh Đinh Văn Tiêu không giấu được sự bùi ngùi. Ông cho rằng, cầm súng bảo vệ Tổ quốc khi đất nước cần là trách nhiệm của mỗi người con nước Việt. Giờ trở về quê hương, dù mang thương tích nhưng ông sẽ quyết thực hiện lời dạy của Bác: Thương binh tàn nhưng không phế.

Bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch quận Hà Đông cho biết, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, những năm gần đây quận đã dành nguồn kinh phí mỗi năm khoảng 5 tỷ đồng để hỗ trợ các gia đình chính sách sửa chữa, xây mới lại nhà, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, quận Hà Đông cũng vận động các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cùng chung tay góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao mức sống cho các gia đình chính sách trên địa bàn.

Tại quận Cầu Giấy, chúng tôi tới thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tha, ở phường Mai Dịch. Năm nay đã bước sang tuổi 95 nhưng mẹ Tha vẫn còn minh mẫn lắm. Gặp chúng tôi, mẹ cười: "Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ tết là mẹ lại nhận được sự quan tâm của các cấp nhiều lắm". Vui là thế nhưng nhắc đến người thân, ánh mắt mẹ lại đượm buồn. Mẹ bảo, cứ mỗi lần thắp hương cho chồng, cho con là mẹ lại không cầm được nước mắt. Chiến tranh đã cướp đi người con trai mà mẹ yêu quý nhất - liệt sĩ Trương Văn Côi. Anh Côi sinh năm 1946, hi sinh năm 1968 ở mặt trận phía Nam khi mới 22 tuổi. Người chồng, sau nhiều năm là chỗ dựa vững chắc của mẹ cũng đã qua đời vì bạo bệnh để lại cho mẹ nỗi tiếc thương khôn nguôi… Tuổi đã cao, sức đã yếu, ký ức cũng không còn rõ nét nhưng trong lòng mẹ vẫn đau đáu một điều, đó là trước khi nhắm mắt sẽ tìm thấy mộ phần của anh Côi. "Có như vậy tôi mới yên lòng nhắm mắt", mẹ Tha ngân ngấn nước mắt. Mẹ kể, đã nhiều lần mẹ cùng với gia đình đi tìm mộ anh Côi nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín. Mỗi lần nhớ đến con, mẹ lại khóc. Đôi vai gầy của mẹ chùng xuống rồi run lên từng hồi theo những tiếng nấc nghẹn ngào.
* **
Tri ân những người có công với đất nước, với nhân dân là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Gần 70 năm qua, các chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã không ngừng phát hoàn thiện, trở thành một hệ thống chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, tạo nên sự đồng thuận giữa "ý Đảng" và "lòng dân", góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với truyền thống tốt đẹp và quý báu ấy, những người làm báo Đảng Thủ đô xin được tri ân những đóng góp, những hy sinh mất mát to lớn của các mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng... bằng tấm lòng của mình. Mỗi phần quà gồm 5 triệu đồng dành tặng 15 gia đình chính sách tại huyện Quốc Oai, quận Cầu Giấy và Hà Đông dù không nhiều nhưng nói như Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán thì đây là tình cảm, trách nhiệm và là việc làm thường xuyên của những người làm báo Hànộimới.

Xin gửi tới các mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công lời tri ân sâu sắc nhất và mãi khắc ghi những hy sinh, mất mát của các mẹ, các anh, các chị trong cuộc sống hòa bình, no ấm hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng bảy về

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.