Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Những “đại án” ngân hàng

Nhóm phóng viên PS-ĐT| 28/07/2015 10:09

(HNM) - Sau đại án xét xử

LTS: Thời gian gần đây, một số ngân hàng đã bị sáp nhập, bị mua với giá 0 đồng; một số lãnh đạo cấp cao bị khởi tố, bắt giam, đưa ra xét xử vì các tội danh vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trốn thuế… Theo giới chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đây là hệ quả tất yếu của quá trình sàng lọc, đào thải. Những sai phạm trong hệ thống ngân hàng đã, đang được phát hiện và xử lý nghiêm minh, tạo niềm tin cho dư luận vào sự phát triển minh bạch của hệ thống ngân hàng thời gian tới…

Bài 1: Những “đại án” ngân hàng

Sau đại án xét xử "bầu Kiên" - một trong những sáng lập viên của Ngân hàng ACB, tiếp tục có một số "đại gia" lãnh đạo ngân hàng vướng vào vòng lao lý. Giới truyền thông ghi nhận, từ tháng 10-2014 đến nay (tháng 7-2015) chỉ riêng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) đã có tới 5 lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam…

Từ tháng 10-2014 đến nay, chỉ riêng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) đã có tới 5 lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam.


Thêm một "đại gia" vướng vòng lao lý

Nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) Nguyễn Xuân Sơn vừa bị cơ quan công an bắt giữ đã thêm vào danh sách những "đại gia" ngân hàng "ngã ngựa" trong vòng một năm qua. Vì sao ông Nguyễn Xuân Sơn lãnh đạo một tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước lại vướng vào vòng lao lý khi liên quan tới lĩnh vực ngân hàng. Về điều này, trên website của Bộ Công an đã ra thông báo như một lý giải: Ngày 21-7-2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố điều tra và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Xuân Sơn về hành vi "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong thời gian ông Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng Giám đốc OceanBank giai đoạn 2008-2010.

Thông cáo của PVN cũng nêu rõ, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện tố tụng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn. Bởi đây là điều tra những việc xảy ra trước khi ông Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Ông Nguyễn Xuân Sơn bị khởi tố điều tra vi phạm pháp luật trong thời gian là Tổng Giám đốc OceanBank.

Việc bắt giữ ông Nguyễn Xuân Sơn không quá bất ngờ, chỉ vài ngày trước khi bị bắt, Thủ tướng đã có thông báo về việc bãi nhiệm mọi chức vụ của ông tại PVN. Ngày 21-7, ông Nguyễn Xuân Sơn đã bị bắt giữ khi vừa trở về từ bệnh viện và ngay lập tức, việc khám xét nhà riêng cũng được thực hiện. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank đã đồng phạm với Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank trong thời gian là Tổng Giám đốc đơn vị này, đã phạm vào tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điều 281 - Bộ luật Hình sự và tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự.

Năm "vận hạn" của giới ngân hàng

Năm 2014 vừa qua được coi là năm "đại hạn" của các "đại gia" ngân hàng khi hàng loạt "ông lớn" trong lĩnh vực này bị điều tra, bắt giữ. Cũng vào thời điểm này năm ngoái, ngày 29-7-2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với Phạm Công Danh. Ông Phạm Công Danh (SN 1965) tại Quảng Ngãi - người được biết đến với sáng kiến gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho bất động sản, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) có hành vi gây thất thoát nhiều tỷ đồng trong việc thuê mướn bất động sản để đặt trụ sở văn phòng. Ông Phạm Công Danh đã đặt cọc và ứng trước với bên cho thuê hơn 1.000 tỷ đồng dù hợp đồng với bên cho thuê trong hợp đồng được ký kéo dài 40 năm. Cùng bị bắt tạm giam với ông này còn có nguyên Tổng Giám đốc VNCB Phan Thành Mai (SN 1971, tại Nghệ An) và thành viên HĐQT Mai Hữu Khương (SN 1983) tại TP Hồ Chí Minh.

Tiếp sau đó gần 2 tháng, ngày 20-9-2014, ông Đỗ Tất Ngọc (trú tại phố Hàng Đồng, Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều nguồn thông tin cho biết, năm 2009, thực hiện chủ trương di chuyển Nhà máy In ngân hàng I ra khỏi nội thành, ông Ngoạn, nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty In - Thương mại và Dịch vụ thuộc Agribank đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo quốc tế (Công ty INED) để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 20.300m2 đất tại khu vực Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ông Đỗ Tất Ngọc đã đồng ý để ông Ngoạn ký hợp đồng này với trị giá hơn 93 tỷ đồng. Sau đó, hơn 90 tỷ đồng được chuyển cho Công ty INED. Tuy nhiên, lô đất chỉ là đất thuê của Nhà nước, theo diện trả tiền hàng năm nên không được phép chuyển nhượng, vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý đất đai. Đến nay dự án xây dựng nhà máy in thì vẫn chưa được triển khai trong khi số tiền nêu trên không có khả năng thu hồi cho Nhà nước.

Chiều 24-10-2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự. Việc bắt giữ "đại gia" Hà Văn Thắm khá bất ngờ với nhiều người. Trong hoạt động kinh doanh trước khi bị bắt, ông Hà Văn Thắm từng đạt danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" và "Cúp Thánh Gióng" năm 2009, nhận bằng khen và cúp "Vì sự nghiệp Văn hóa doanh nhân Việt Nam" năm 2008 và là một trong 10 doanh nhân trẻ được vinh danh "Giải thưởng Sao Đỏ 2011". Năm 2012, ông Hà Văn Thắm đứng thứ tám trong số những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, với lượng cổ phiếu trị giá 1.800 tỷ đồng. Đầu năm 2014, một tạp chí của nước ngoài ước tính tổng tài sản của ông này lên tới trên 1 tỷ USD và được cho là người giàu thứ hai tại Việt Nam. Những người kế nhiệm ông Hà Văn Thắm cũng lần lượt bị bắt giữ. Ngày 22-12-2014, Viện KSND Tối cao đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Hoàn (SN 1978), nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank. Ông Nguyễn Văn Hoàn bị bắt tạm giam để điều tra tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo Điều 179 Bộ luật Hình sự". Đồng thời, cơ quan Công an cho biết, ông này bị cáo buộc là đồng phạm với Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm trong việc cho vay 500 tỷ đồng không đúng quy định.

Năm 2015, chiều 28-1 - chỉ sau 3 tháng bắt giam Hà Văn Thắm, Bộ Công an quyết định khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank (SN 1973) thường trú tại Hà Nội. Bà Nguyễn Minh Thu bị bắt với tội danh "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự. Sau khi ông Hà Văn Thắm bị khởi tố và bắt tạm giam tháng 10-2014, bà Nguyễn Minh Thu được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT. Và ngày 12-3-2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã quyết định bắt ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Giám đốc khối Khách hàng lớn và Đối tác chiến lược OceanBank. Ông này bị bắt giam do tình nghi liên quan đến hành vi vi phạm của cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm. Ngoài tình nghi đồng lõa với ông Thắm, ông Thắng còn bị bắt để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tình hình của các lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí Toàn cầu - GPBank cũng không sáng sủa gì hơn. Ngày 17-7-2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Tạ Bá Long, cựu Chủ tịch HĐQT GPBank và Đoàn Văn An, cựu Phó Chủ tịch HĐQT GPBank để điều tra tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, phiên tòa xét xử "đại gia" Nguyễn Đức Kiên "cha đẻ" của hệ thống Ngân hàng ACB khép lại vào trung tuần tháng 12-2014 vẫn còn nóng hổi với những kỷ lục của pháp đình khi bản cáo trạng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới đọc xong dường như chưa phải hồi kết cho những cú "ngã ngựa" của các "đại gia" ngân hàng.

Một số "đại gia" ngân hàng vướng vào pháp lý, nhưng điều lớn nhất còn đọng lại sau những cú "ngã ngựa" như đã được cảnh báo trước này là hệ thống ngân hàng của đất nước đã chứng tỏ bản lĩnh khi vững vàng vượt qua sóng gió, không có những bất thường và xáo trộn ảnh hưởng đến người dân. Đúng như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, động thái này đang góp phần thanh lọc hệ thống ngân hàng. Chúng tôi sẽ có những đánh giá khách quan về nhận định này trong các số báo sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Những “đại án” ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.