Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháng 7 ở Côn Đảo

Thủy Tiên| 31/07/2015 06:54

(HNM) - Tôi có dịp được đặt chân lên vài chục hòn đảo trên các vùng biển của Tổ quốc. Mỗi hòn đảo, dù có người dân sinh sống hay là đảo không người đều để lại cho tôi những ấn tượng khác nhau, nhưng cảm xúc bao trùm là sự thiêng liêng đất mẹ.

Một góc Côn Đảo hôm nay.



Từ lâu Côn Đảo (tên cũ là Côn Lôn) đã nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới vì nó được gọi là địa ngục trần gian của thế kỷ XX, thế kỷ của văn minh và tiến bộ nhân loại nhưng ở đó lại giam cầm, tra tấn giã man hơn thời trung cổ những người Việt Nam yêu nước, những tù nhân chính trị. Nhà tù này được xây dựng năm 1862, tức là chỉ sau 4 năm thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Việc chọn một hòn đảo có vị trí bất lợi cho việc bỏ trốn để xây nhà tù thì ngoài ý đồ cách ly với đất liền, thực dân Pháp còn muốn làm nguội lạnh lòng yêu nước của những tù nhân, nhất là tù nhân chính trị khi họ bị cắt đứt liên lạc với tổ chức.

Khi thực dân Pháp phải rời khỏi Đông Dương năm 1954 theo Hiệp định Genève thì Mỹ thay chân, chiếm miền Nam, tiếp tục sử dụng nhà tù Côn Đảo làm nơi giam giữ thường phạm đặc biệt và những người cộng sản kiên trung tham gia các phong trào đấu tranh để giải phóng dân tộc.

Tư liệu về Côn Đảo có thể dễ dàng tìm thấy trong sách sử, hồi ký, trong văn học, phim ảnh… ở cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tư liệu dù có nhiều và chi tiết cũng không thể lột tả hết được tội ác, nỗi đau mà những người tù phải chịu đựng. Và dù tư liệu khiến người đọc có cảm xúc nhưng cũng không thể bằng mục sở thị. Chỉ cần bước qua cổng các trại giam vào những phòng nhốt phạm nhân nhìn dãy còng sắt lạnh lùng, nền xi măng thâm đen mồ hôi và máu tù dưới thứ ánh sáng đùng đục thì ngay cả người có tính cách mạnh mẽ cũng phải rùng mình.

Cuối tháng 7, Côn Đảo bắt đầu mùa mưa và dù mái nhà khá cao nhưng tôi thấy bức bí và ngột ngạt vô cùng. Chắc chắn sẽ ngột ngạt hơn khi có thêm mùi phân, nước tiểu và mùi người tù lâu ngày không tắm. Dù sao bị giam chung còn có đồng chí, đồng đội nhưng ở phòng biệt giam mới thấu hiểu câu nói của người xưa "Một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài". Diện tích phòng chỉ rộng gần 2 mét vuông, giường nằm là nền xi măng, sát bên là chỗ đi vệ sinh, không có cửa sổ lấy không khí, khi cửa đóng thì trong phòng ngày cũng như đêm vì ánh sáng không thể lọt vào. Rồi chân bị còng nên rất nhiều tù nhân đã bị teo cơ và mắt cũng sẽ kém dần, thậm chí có thể lòa vì không thấy ánh sáng. Tôi "thử" làm tù nhân phòng biệt giam, nhưng chưa đầy 10 phút, tôi đã không chịu nổi không khí ngột ngạt, bức bối. Thế nhưng những người tù của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục như các cụ Phan Châu Trinh, Nguyễn Quyền, Nguyễn Phan Lãng… và sau đó là những người tù chính trị như: Tôn Đức Thắng, Nguyễn An Ninh, Trần Đăng Ninh, Lê Hồng Phong rồi Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương… và trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ với biết bao người yêu nước, những người cộng sản vẫn kiên cường chịu đựng và bí mật sinh hoạt Đảng trong lòng nhà tù..., thật đáng khâm phục và kính trọng. Không chỉ trong tù, những công việc ngoài trại giam như: Xay lúa, đập đá, làm đường, bốc hàng ở cầu cảng, đi chôn bạn tù… cũng vô cùng cực nhọc trong khi sức khỏe của họ cạn kiệt vì ăn uống kham khổ.

Nghĩa trang Hàng Dương xưa sát bên bờ biển và ngày nay đã chuyển về khu vực mới được quy hoạch theo kiểu công viên vĩnh hằng. Những nấm mộ có tên và vô danh nằm dù yên lặng dưới những tán cây nhưng luôn gây cảm xúc ngậm ngùi cho những ai vào đây. Trong tâm thức người Việt Nam, chết chỉ là mất đi về thể xác nhưng linh hồn vẫn sống vì thế mới sinh ra các tục lệ cúng lễ, cầu mong cho cả người chết và người đang sống. Ở Nghĩa trang Hàng Dương, mỗi ngôi mộ là một câu chuyện nhưng có một ngôi mộ đặc biệt đó là mộ người nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Từ khi có nhà tù này đến năm 1954, Côn Đảo không giam giữ tù nữ và duy nhất chỉ có người con gái miền đất đỏ Võ Thị Sáu. Nhưng chỉ hai ngày chị bị đày ra đây, thực dân Pháp đã hành hình người con gái kiên trung. Bên mộ chị, cứ giờ Tý hằng đêm, du khách thập phương đến thắp hương cúng bái, cầu xin. Và với dân Côn Đảo nếu có chuyện gì đó chưa tin nhau, họ bắt đầu câu thề bằng "Tôi nói có linh hồn cô Sáu…". Đó không phải là mê tín dị đoan mà là tâm linh Việt. Chuyện đó diễn ra từ thời Pháp và dưới thời chính quyền Việt Nam cộng hòa, các chúa đảo, cai ngục đã từng dựng bia, thắp hương cầu khấn "xin cô Sáu" phù hộ.

40 năm đã qua kể từ ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Côn Đảo đã đổi khác, từ địa ngục trần gian trở thành địa chỉ du lịch lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái biển và rừng với những câu chuyện có thật, lạ lẫm và thi vị. Trước khi thực dân Pháp xây dựng nhà tù thì Côn Đảo đã có dân cư sinh sống. Khi Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy sát đã ra đây ẩn trốn cuối thế kỷ XVIII. Đền thờ bà phi Hoàng Phi Yến, đền hoàng tử Cải bị cha ném xuống biển do dân ở đây xây dựng hiện vẫn còn. Thực dân Pháp xây nhà tù, họ đã di hết dân vào đất liền, mục đích là không có dân thì tù nhân trốn trại sẽ không có ai bao che cưu mang, như thế họ không thể về được đất liền và cho đến năm 1936 đảo không hề có dân. Nhưng sau năm này, một số cai ngục xin phép chính quyền đưa vợ con ra sống và từ đó đảo có dân trở lại. Sau giải phóng, bộ đội phục viên, xuất ngũ tình nguyện ở lại xây dựng quê hương mới và thêm vào đó là một số dân từ đất liền ra đảo lập nghiệp, nhưng cho đến hôm nay không tính lực lượng an ninh quốc phòng thì đảo cũng chỉ ngót 2.000 dân. Họ từ các vùng miền tụ về đây cùng nhau xây dựng Côn Đảo. Tại cảng chính tôi gặp một anh chàng dân gốc Quán Toan (Hải Phòng) lập nghiệp bằng nghề thu mua hải sản tươi sống cung cấp cho các nhà hàng trên đảo và đóng thùng chuyển về TP Hồ Chí Minh và ra Hà Nội.

Khu vực trung tâm được quy hoạch gọn gàng, xinh xắn với những nếp nhà thấp tầng. Có chợ họp ban ngày, có chợ đêm với quán nhậu và bán đồ lưu niệm bằng vỏ ốc luôn đông đúc và thân thiện. Cả Côn Đảo chỉ có hai cột đèn tín hiệu giao thông và khi đèn đỏ thì ô tô, xe máy đều tự giác dừng lại dù không có cảnh sát. Một chuyện khác về giao thông cũng làm cho du khách ngạc nhiên: Từ người lớn đến con trẻ đều tự giác đội mũ bảo hiểm. Nhưng ấn tượng nhất là ban đêm người ta để xe máy trên vỉa hè, ngoài cửa mà không cần khóa, còn ban ngày dừng đỗ ở đâu họ cứ để nguyên cả chìa khóa. Nhỡ nhậu say rồi ngủ thì hôm sau ra xe vẫn nguyên vị trí đó. Có người giải thích vì là đảo, nếu kẻ gian lấy trộm xe cũng chẳng có chỗ tiêu thụ, đó chỉ là một cách giải thích. Về chuyện này, một cán bộ huyện nói với tôi "Cán bộ tòa án huyện Côn Đảo luôn trong tình trạng thất nghiệp, cùng lắm một năm chỉ giải quyết một vụ ly hôn", lời giải thích đó cho thấy người dân Côn Đảo là thế nào rồi.

Không chỉ mùa hè, từ dăm bảy năm nay, khách du lịch trong đất liền ra đảo quanh năm, vào ngày thứ sáu và thứ bảy Công ty Dịch vụ hàng không (Vasco) luôn phải tăng chuyến bay, có ngày lên đến 12, 13 chuyến. Ngoài ra hằng ngày còn có tàu biển từ Vũng Tàu ra đảo. Khách nước ngoài cũng rất thích nơi đây vì bãi biển hoang sơ cát mịn cùng các món hải sản chỉ đảo này mới có. Đi dọc con đường sát mép biển, tôi thấy một khu nghỉ dưỡng do người Nga đầu tư rất lớn. Nếu có điều kiện chẳng tội gì họ không đi trốn băng tuyết mùa đông nước Nga mà Côn Đảo lại ấm áp và đẹp.

Tôi đã từng ra Côn Đảo với biết bao cảm xúc nhưng ra đây vào tháng 7, quả thật cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc hơn: Khâm phục, xót thương, căm hờn và càng yêu Tổ quốc mình hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng 7 ở Côn Đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.